Friday, 26 April 2019

BÌNH AN: ÂN PHÚC CỦA CHÚA PHỤC SINH



Vào chiều ngày Chúa Nhật, 21 tháng 4 năm 2019 vừa qua. Chúng tôi tụ họp chung quanh bàn tiệc Thánh để mừng Lễ Chúa Phục Sinh. Sứ điệp mà chúng tôi cảm nhận là nguồn hy vọng của Chúa Phục Sinh, Đấng đem lại bình an cho thế giới. Trong niềm hy vọng, chúng ta tin rằng thế giới sẽ đổi mới, cộng đoàn giáo xứ, gia đình và người người sẽ đổi mới. Hy vọng là thế đấy, ngóng chờ trong hy vọng. Tuy nhiên, trên thực tế, bộ mặt của thế gian này không như mình mong muốn. Tội ác vẫn tiếp tục xẩy ra. Con người vẫn sống trong lo sợ. Không biết chỗ nào mới là chốn an toàn đây!

Trên đường về nhà, tôi nghe được bản tin nóng, giật gân nói về một vụ ôm bom tự sát tại Sri Lanka. Hành động có tổ chức và phối hợp chặt chẽ này đã giết chết hàng trăm tín hữu trong các nhà thờ Công Giáo và những người khác trong các khách sạn gần đó. Các nhà thờ bị tấn công là nhà thờ thánh Sebastian ở Negombo, đền thánh Antôn tại Colombo và nhà thờ Zion ở thành phố phía đông Batticaloa. Tội ác kinh tởm này nhắm vào các nơi thờ phượng và giết hại những thường dân vô tội trong khi họ đang hân hoan mừng lễ Phục sinh.  Cho đến nay con số người thương vong đã vượt quá 310 người. Còn bao nhiêu người đang điều trị tại các bịnh viện.

Sự kiện này làm tôi nhớ lại vụ bắn súng tại hai ngôi đền của người Hồi Giáo, ở Thành Phố Christ Church, bên New Zealand. Hành động tàn ác này đã cướp đi sinh mạng của 50 người.

Hiện tình thế giới là thế. Những vụ thảm sát và giết hại những người tin vào Đức Kitô vẫn còn xẩy ra. Ngay từ đầu, Hội Thánh đã bị bách hại.

Trong niềm hiệp thông, chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân. Trong tình liên đới chúng ta san sẻ nỗi đau buồn với gia đình họ. Và chúng ta xác tín rằng những hành vi tàn ác này sẽ không thể dập tắt ánh sáng và niềm hy vọng của chúng ta vào Chúa Phục Sinh, Đấng đã khải hoàn và chiến thắng quyền lực của sự dữ cũng như mọi hình thức tội ác của nó. Tuy nhiên, chúng ta không thể chối bỏ tâm trạng lo sợ trước quyền lực của sự dữ vẫn đang hoành hành và xem ra thống trị tại một vài nơi trên thế giới. Nỗi lo sợ này khiến chúng ta nhớ lại tâm tình và sự sợ hãi của các môn đệ của Đức Giê-su sau ngày Người tử nạn.

Phản ứng của nhóm môn đệ thật bình thường. Đứng trước các diễn tiến và các biến cố mà các ông đã chứng kiến hay được nghe về Thầy mình trong mấy ngày qua khiến các ông sợ hãi. Thầy mình với quyền năng cả thể như thế mà còn bị giết, phương chi là chúng mình, thân cô thế cô và không nơi nương tựa.

Chúng ta hiểu được nỗi lo sợ của các ông. Ông nào cũng có hoài bão và tham vọng riêng. Chúng ta không thể đặt kỳ vọng quá cao nơi họ để rồi mất đi niềm cảm thông về cách cư xử mang thật tính người của họ. Họ không thể vì theo Chúa mà mất đi bản tính riêng. Họ đến với Chúa bằng con người thật và những gì thuộc về họ.
Thế giới mà họ ước mong được chia phần đã sụp đổ và còn chống lại các môn đệ nữa. Cho nên, họ sợ người Do Thái, và có thể họ còn sợ Chúa sẽ khiển trách họ về cách cư xử như nộp Người và trối Chúa của một số người trong nhóm họ nữa.

Anh chị em thân mến,

Tuy nhiên có một chi tiết mà Thánh sử ghi lại hai lần ở đây khiến cho chúng ta cần quan tâm, đó là tính cộng đoàn của các môn đệ. Tuy các ông đã thất vọng về các biến cố mà các ông đã chứng kiến trong mấy ngày qua. Thầy mình đã chết thật. Nhưng không vì thế mà các ông bị tan tác. Các môn đệ tụ họp lại với nhau trong một căn phòng mà nhiều người đã giải thích là các ông họp nhau để cầu nguyện. Và, điều này thật cần thiết cho các môn đệ trong giai đoạn mất mát lớn lao này.

Khi Thầy mình còn sống các ông đã để cho tham vọng, cái tôi và sự yếu hèn trong thân phận làm người ảnh hưởng trên lối hành xử của các ông. Đằng sau tất cả các tham vọng, hoài bão và ước mơ của các môn đệ là một con người yếu đuối, nghèo nàn và bất an. Nhưng trong giây phút này, khi mọi sự không còn; các ông không còn biết bám vào đâu, chỉ biết liên kết trong thinh lặng và nhất là trong suy tư. Chính các điều này đã giúp các môn đệ trở về chính mình mà nhận ra các nỗi yếu đuối của bản thân mà hỗ trợ và củng cố cho nhau.

Trong bối cảnh như thế, chắc hẳn các môn đệ đã căng thẳng khi nhận ra sự xuất hiện của Thầy mình, Đấng đang hiện diện trước mặt họ. Họ có đủ mọi lý do để mong nhận được sự khiển trách của Thầy, xem họ như là những kẻ ngỗ ngược và bất trung; thậm chí họ có thể bị đuổi ra khỏi nhóm.

Thế mà, chúng ta nghe được Chúa nói gì với họ đây? Người nói: “Bình an cho anh em! “ Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."

Lời Chúa vừa phán và hành động Người vừa làm có nghĩa gì?

Hình như, Người muốn nói rằng Thầy rất hiểu và thông cảm cho lối suy nghĩ của các con. Anh em đã ân hận về cách cư xử của anh em đối với Thầy hay sao? Thầy biết, anh em đã trải qua một giai đoạn đầy bi thương. Thầy biết rằng giữa anh em và trong lòng anh em có những vết thương cần được chữa lành.

Người ta tưởng là đã giết được Thầy. Anh em không thấy sao, đây là lỗ đinh đóng vào tay Thầy; đây là vết giáo người ta đâm. Tất cả đau thương này bao gồm cả sự chết tủi nhục mà anh em đã chứng kiến đều là Thánh Ý của Cha. Thầy vui lòng đón nhận. Đó là con đường mà Chúa Cha dọn sẵn cho Thầy. Vì thế, anh em đừng buồn nữa, hãy vui với Thầy vì Thầy đã hoàn tất sứ mạng mà Cha trao phó. Thầy vui cho nên anh cũng vui với Thầy, vì Thầy đi về cùng Cha, và giờ đây Thầy trở lại để cùng sống với anh em. Không khí trong phòng giờ này tràn ngập niềm vui bởi vì các môn đệ đã nhận ra đích thực là Thầy.  

Tuy nhiên, Thầy còn biết rằng anh em chưa thể đón nhận nên tự trách mình đã không chia sẻ Thánh Giá với Thầy.  Đừng để những ý tưởng đó dầy vò và làm cho anh em bị đau khổ và sống trong lo sợ nữa. Sai lầm là bản tính của con người, tuy nhiên sự tha thứ lại thuộc về Thiên Chúa và Chúa Giê-su Phục sinh sẵn sàng trao ban quyền năng tha thứ cho các môn đệ. Sự tha thứ mà các ông vừa được trao ban là động lực giúp các ông đối xử với nhau một cách khoan dung và thông cảm cho nhau hơn. Cách sống khoan dung sẽ giúp cho họ bỏ đi ước muốn tranh dành địa vị, quyền lực và thống trị. Lòng khoan dung và thông cảm giúp họ dễ dàng đến với nhau hơn, dễ dàng chấp nhận các điểm yếu của nhau và giúp nhau thăng hoa cái tốt, những điều thiện hảo của nhau. Tất cả là ân phúc của Chúa Phục Sinh.  

Chúng ta còn nhiều việc phải làm. Và để thể hiện ý định đó, Chúa Giê-su đã thổi hơi, nghĩa là thổi thêm sinh khí, ban thêm năng lực và sức sống mới cho các môn đệ, các điều này không ban cho họ để hưởng thụ, mà trao ban để thi hành sứ mạng. Sứ mạng tha cho nhau phải được thể hiện bởi quyền năng của Đấng Phục Sinh. Và chỉ có Thần Khí của Chúa Phục Sinh mới làm cho các môn đệ thi hành và hoàn tất sứ mạng cao cả này.

Thưa anh chị em,

Trong lần hiện ra thứ nhất này chúng ta không hiểu tại sao Tô-ma lại vắng mặt? Các môn đệ khác đã kể lại cho ông biết về việc này: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”, nhưng họ đã không làm chứng về điều họ tuyên xưng cho nên làm sao Tô-ma có thể tin vào lời loan báo của các bạn mình được. Họ vẫn đóng kín vì sợ hãi. Cho dù Thần khí và năng quyền đã được trao ban, nhưng các bạn của Tô-ma đã không để cho sức mạnh của Thần Khí tác động, họ vẫn chưa ra khỏi vùng an toàn, vẫn dựa vào các cánh cửa đã được đóng kín để bảo vệ, chưa sẵn sàng ra đi rồi vịn cớ là không biết đi đâu! Lời loan báo của họ không đi đôi với việc làm như thế thì làm sao có thể truyền lửa cho Tô-ma được.

Còn Tô-ma, ông muốn niềm tin của ông phải dựa trên trải nghiệm của cá nhân; ông muốn giác quan (xúc giác) của ông có thể chạm vào các thương tích trên thân thể của Chúa, nên đáp rằng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tô-ma muốn có một trải nghiệm riêng. Nhờ Tô-ma, chúng ta thấy tình thương của Chúa cao cả dường nào. Như Tô-ma, chúng ta đưa ra các điều kiện, vòi vĩnh để được thấy Chúa mà tin vào Chúa. Chúa bao dung nên sẵn sàng chấp nhận để trao ban cho chúng ta một kinh nghiệm. Người muốn tỏ mình theo cách thế riêng cho từng người để một cách riêng biệt, chúng ta nhận biết Người.

Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra với các ông, lần này có mặt Tô-ma. Trước tiên, Người cũng ban bình an cho các môn đệ rồi quay sang Tô-ma và nói: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Tô-ma đã đáp trả bằng một niềm xác tín rằng Người là Chúa và là Thiên Chúa của ông. Sau đó qua Tô-ma, Chúa đã trao ban cho chúng ta thêm mối phúc nữa là “Phúc thay những người không thấy mà tin.”

Niềm tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh không phải là việc dễ làm, đôi khi tiến trình dẫn chúng ta đến niềm tin này kéo dài trong suốt đời mình. Chúng ta cần được Chúa Phục Sinh củng cố và thúc đẩy luôn để chúng ta tin và tin một cách vững chắc hơn vào sự hiện diện của Người trong mọi ngày của cuộc sống.

Tin vào Chúa Phục Sinh, Đấng đang đồng hành và hiện diện với chúng ta là hiệu quả của ơn bình an. Nói khác đi, đây chính là ơn đầu mùa mà Chúa Phục Sinh ban cho các môn đệ. Người không chỉ ban một lần, nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Người đã lập lại đến ba lần ‘Bình an cho anh em.'

Đó chính là ân huệ đầu mùa của Chúa Phục Sinh dành cho các môn đệ. Không ai hiểu trò bằng thầy. Đức Giê-su thấu hiểu lòng trí hoang mang và các nỗi sợ hãi của các môn đệ, cùng nhau co rúm và trốn trên lầu vì sợ người Do Thái. Vì thế họ cần được bình an để thoát khỏi nỗi âu lo này. Hơn nữa, tâm hồn và lòng trí của các môn đệ cũng cần được thanh thản, bình an, ổn định để nhận ra người đang hiện diện với các ông là Chúa Giê-su, người thầy yêu dấu của họ. Trong lúc lĩnh nhận ơn bình an này các môn đệ cũng hiểu rằng họ cũng được mời gọi trao ban cho người khác điều mà họ vừa lĩnh nhận, nghĩa là trở thành sứ giả bình an cho nhân loại.

Cầu chúc anh chị em chúng mình là sứ giả bình an của Chúa Phục Sinh, vì chính Người là nền tảng và cùng đích làm cho chúng ta được an bình rồi ra đi để chu toàn sứ mạng làm hòa với Thiên Chúa và với nhau.

Bình an là sứ mạng mà Đức Ki-tô Phục Sinh đã đem đến, chúng ta hãy ra đi mà trao cho nhau ân phúc tuyệt vời này.


Bình an của Chúa Phục Sinh ở cùng anh chị em. Amen!






Thursday, 18 April 2019

CHÚNG TÔI ĐÃ ĐƯỢC THẤY CHÚA




Lời khẳng định “Tôi đã thấy Chúa” của Ma-ri-a Mác-đa-la và “Chúng tôi đã được thấy Chúa” của các môn đệ có thể là nội dung bài chia sẻ trong ngày Lễ Phục Sinh năm nay.  Thật khó để có thể nghĩ ra một bài suy niệm hay bài giảng thuyết nào ngắn gọn và hay hơn thế. Thật phù hợp với ước muốn và sở thích của con người thuộc thời đại hôm nay. Chúng ta, đặc biệt, hầu hết các bạn trẻ không thích nghe những bài nói chuyện dài dòng, lê thê và dư thừa. Càng dài càng dễ chán. Càng ngắn, càng xúc tích và cô đọng bao nhiêu thì càng dễ thu hút người nghe bấy nhiêu.

Con người trong xã hội này bận rộn đến chóng mặt. Thời giờ đối với họ thật quí báu. Cần tập trung và khai thác một điểm chính thì chúng ta dễ dàng theo dõi. Nếu quí vị thuyết giảng bớt các giải thích dư thừa và trưng dẫn nhiều chứng tích hùng hồn trong cuộc sống thì dễ dàng thuyết phục người nghe hơn. Vẫn biết giá trị của nụ cười, ám chỉ đến những giây phút an lạc và vui tươi, có thể ví như 10 thang thuốc bổ. Những đừng biến bục giảng thành sân khấu và đừng dùng cách nhạo và nhái chữ thành trò mua vui cho khán giả.

Thật vậy, không có bài giảng nào ngắn và hay hơn các lời tuyên xưng của bà Ma-ria Mác-đa-la và các môn đệ vào ngày thứ nhất trong tuần, ngày Phục Sinh đầu tiên. Ngắn gọn và dễ nhớ. Giả như có một ai đó dám thay bài thuyết giảng của mình bằng cắt một băng rôn ‘tôi và chúng tôi đã thấy Chúa’, rồi treo ở giữa nhà thờ thì quá tuyệt. Ai cũng nhìn thấy. Mọi người đều có thể công bố “chúng tôi đã thấy Chúa”. Người người thấy Chúa. Cả nhà thấy Chúa. Còn gì hay hơn!

Thế mà thường thì lời loan báo hay việc giải thích về mầu nhiệm Phục Sinh hay được rút ra từ kho tàng của Hội Thánh. Vẫn biết rằng, chúng ta cần san sẻ các trải nghiệm thực tế về sự hiện diện của Chúa Phục sinh trong cuộc sống như: cánh cửa của ngôi mộ đã được mở toang; các khăn liệm đã được xếp cẩn thận vào một góc, sự chết đã bị đánh gục và không còn sức để giam cầm chúng ta trong ngôi mộ của chính mình hay của nhân loại nữa và sau cùng là sự can thiệp của Thiên Chúa trong cuộc sống mình và cộng đoàn những kẻ tin; tất cả những điều ấy tuy cần thiết; nhưng quan trọng hơn cả vẫn là việc Đức Giêsu đã được tôn vinh và chúng tôi đã được nhìn thấy Chúa.

Như vậy, tôi và chúng tôi đã được thấy Chúa không chỉ là một xác tín bằng lời nói, đó là một chuỗi các trải nghiệm về sự tác động của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Đây không phải là một học thuyết và cũng không phải là công thức đã có sẵn mà chúng ta đã được dậy bảo và lập đi lập lại một cách vô ý thức. Cuộc sống của các kẻ tin cần được bám rễ từ việc chúng tôi đã thấy Chúa.

Chúng tôi đã được thấy Chúa trong các biến cố xẩy ra trên thế giới, trong lòng Hội Thánh và cuộc đời mình. Cụ thể, chúng tôi đã thấy Chúa nơi các cụ già quì giữa đám đông để cầu nguyện và diễn tả niềm tin của họ vào Thiên Chúa trước trận cháy khủng khiếp tại nhà thờ chính toà Notre Dame bên Paris ngày 15 tháng 4 năm 2019 vừa qua. Chúng tôi đã được thấy Chúa qua sự dũng cảm của các người lính cứu hỏa liều thân dập tắt ngọn lửa đang thiêu rụi một trong các di tích sống động của nền văn minh Ki-tô giáo qua bao thế hệ. Chúng ta còn được thấy Chúa và tình thương của Ngài qua việc cứu nguy của những người thiện nguyện. Chúng ta còn được thấy Chúa qua hành động anh dũng và can trường của vị linh mục tuyên úy đã quên thân mình để bảo vệ những Thánh tích, như vương miện gai mà qua bao thế kỷ theo truyền thống, chúng ta vẫn tin rằng vương miện đó đã được Đức Giê-su đội trên đầu.

Và sau khi trận hoả hoạn được dập tắt, một sự kỳ diệu xẩy ra trước mắt chúng ta là cây Thánh Giá, cao ngất trên đỉnh cao chót vót của nhà thờ bị đổ sập mà không bị gẫy. Và một cảnh tượng khác tạo một ấn tượng vô cùng sâu sắc, đó là hình ảnh của cây Thập Giá trong nội thất của nhà thờ vẫn toả ánh sáng lấp lánh.  Phải chăng đây là biểu tượng đem đến một ý nghĩa vô cùng sâu xa về sứ điệp mà chúng ta loan báo về mầu nhiệm Phục sinh năm nay. Hy vọng và ánh sáng Phục Sinh vẫn chiếu soi qua những đổ nát và đen tối của trần gian.

Vì thế, “Chúng tôi đã được thấy Chúa” vừa là sứ điệp vừa là nguồn hy vọng giúp chúng ta đối diện với mọi diễn tiến xẩy ra chung quanh mình, thậm chí như các bi kịch mà chúng ta đã được nghe, được chứng kiến hay đã trải nghiệm được cụ thể hoá như sau:

Tình trạng của những người đang chết dần mòn vì nghèo đói.

Hoàn cảnh của những người đang kéo lê cuộc sống vì những căn bệnh hiểm nghèo.

Số phận bi đát đang chờ để chôn vùi tương lai của các trẻ thơ đang bị giam kín trong các trại giam của cô đơn; bị bỏ rơi và thiếu tình thương của các bậc sinh thành.

Những trái tim đang tan nát vì bị phản bội hay bị lợi dụng.

Những con người không còn tương lai, hay tương lai đang bị chôn vùi bởi những nấm mồ đen tối không lối thoát.

Chúa không tạo nên các bi kịch; nhưng sự hiện diện và tác động của Chúa đem đến cho chúng ta một nguồn sáng, một nguồn ơn tái tạo để đối diện với mọi biến cố bằng con người mới, con người của niềm hy vọng.

Phục Sinh là thế!

Hy vọng là sứ điệp mà Chúa Phục Sinh đem lại. Và không ai biết điều này rõ hơn Đức Giê-su. Người biết rằng đau khổ và bi kịch của cuộc sống, nhất là trong hành trình Thương Khó, không dừng lại ở Thập Giá. Bởi vì các diễn tiến xẩy ra trong Tam Nhật Thánh không chỉ đơn giản là một sự chết chóc và hủy diệt. Quan trọng hơn, đó là niềm hy vọng vào cuộc sống mới. Những gì mà chúng ta cử hành trong Tuần Thánh sẽ không đem lại một ý nghĩa nào cho cuộc sống nếu không có buổi sáng đầu tiên, buổi sáng Đức Giê-su được chỗi dậy, được Phục Sinh.

Vì thế thưa anh chị em,

Chúng ta không thể tách cuộc khổ nạn của Chúa trong ngày thứ Sáu, sự thinh lặng hầu như quá khó hiểu của ngày thứ Bẩy ra khỏi mầu nhiệm Phục Sinh mà chúng ta đang cử hành. Tất cả được liên kết trong bàn tay thật tuyệt diệu của Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống và sự sống thật sung mãn để chúng ta vào đời với tâm hồn vui tươi, hân hoan và hy vọng rằng Chúa đã sống lại thật và đang hiện diện với chúng ta.

Đây không phải là điều chúng ta xin hay đạt được. Nhưng hoàn toàn là do ân huệ của Thiên Chúa, của Chúa Thánh Thần. Nói khác đi, đó là hồng ân cao cả mà Chúa ban còn chúng ta chỉ đủ sức đón nhận. Bởi vì, Phục sinh là cách thức mà Thiên Chúa đã làm cho Đức Giê-su chỗi dậy và được tôn vinh chứ không phải chúng ta.

Khi nói “Chúng tôi đã được thấy Chúa’ có nghĩa là Chúa mở mắt và khai lòng mở trí để cho chúng ta được nhìn thấy Người. Như thế, là người môn đệ của Chúa Phục Sinh, bổn phận của chúng ta là hân hoan ra đi để cùng với nhau loan báo rằng “chúng tôi đã được thấy Chúa.” Vì Chúa đã sống lại thật, đang hiện diện trong cuộc sống của chúng tôi. Và chúng tôi là chứng nhân của việc này. Alleluia! Alleluia!




Thursday, 11 April 2019

HÀNH TRÌNH THẬP GIÁ: CON ĐƯỜNG YÊU THƯƠNG



Anh chị em thân mến,

Cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta bước vào Tuần Thánh bằng việc cử hành cuộc đón tiếp trọng thể Đức Giêsu vào thành Giêrusalem. Với những nhành lá vạn tuế kèm theo những lời tán tụng, chúng ta đón tiếp Chúa như một quân vương. Nhưng vài ngày sau, cụ thể trong bài thương khó mà chúng ta vừa nghe, cho dù Thánh Lu-ca đã bớt đi các chi tiết làm cho chúng ta kinh hãi và run sợ trước các cực hình về mặt thể xác mà Chúa đã chịu, nhưng Thánh sử vẫn không thể nào quên tường thuật con đường khổ nạn và sự chết của Người. Chỉ có mình Chúa trong cuộc hành trình thứ hai này. Mẹ của Người và các người thân tín cho dù xuất hiện, nhưng vẫn đứng bên vệ đường mà an ủi và trông chừng. Chúa Giêsu hoàn toàn cô đơn. Không còn những lời tung hô; thay vào đó là những lời lên án. Cũng chẳng còn những nhành lá biểu lộ sự vui mừng, mà là cây Thập giá.

Vào thời của Người, chết trên Thập giá là một án tử hình dành cho các tội nhân. Và án này được chính quyền Roma đặt ra để áp dụng cho các tội nhân. Hàng năm có rất nhiều người bị treo trên Thập giá. Nhưng tại sao chỉ có mình việc Chúa bị treo và chết trên Thập giá lại được lưu truyền cho đến ngày nay. Sự chết của Đức Giêsu đã có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của anh em tín hữu tiên khởi, đến nỗi qua bao thế hệ, hàng hàng lớp lớp vẫn vui vẻ dấn thân vì lợi ích của người khác cho dù phải hy sinh chính bản thân mình.

Chúng ta cần tìm ra những giá trị đích thực của hành trình Thập giá và cao điểm là việc Chúa Chết. Điều đó có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của chúng ta?

Để minh hoạ cho ý tưởng này, xin mời anh chị em cùng nghe câu chuyện. Truyện này được cha Flor McCarthy, tu sĩ dòng Salêsian bên Dublin, Ái nhĩ Lan san sẻ. Tuy chúng ta không hề biết tên của người trong câu chuyện; nhưng đó lại là chi tiết lý thú và kỳ diệu của người kể. Bởi vì qua đó, chúng ta có thể lồng mình vào trong tâm tình của nhân vật; có nghĩa là nhân vật trong câu chuyện có thể là anh, là chị là ông hay bà, là mỗi người chúng ta. Truyện kể như sau.

Vào một buổi chiều, tại Thành Phố London, có một người bạn trẻ đang vội vã trên đường từ văn phòng trở về nhà sau một ngày vất vả. Tuy anh là một tín hữu, nhưng lâu nay không màng đến các sinh hoạt tôn giáo. Trên con đường quen thuộc này anh phải đi qua nhà thờ chính tòa Westminter. Nhưng, hôm nay khi xe đi ngang qua đó, anh cảm thấy từ trong sâu thẳm của cõi lòng mình như nghe được tiếng mời gọi. Anh cầm lòng không được bèn ghé vào nhà thờ. Vừa bước vào cửa chính, anh sửng sốt và mắt dán vào cây Thập Giá đang treo từ trên mái vòm của nhà thờ. Người nằm trên cây Thập giá, là Đấng đã bị tra tấn, bị bỏ rơi và treo chết, và hiện giờ đang nhìn anh.

Thế rồi bao nhiêu hình ảnh và cực hình mà Đức Giê-su đã chịu trên đường Thập Tự hiện rõ ràng trong tâm trí anh. Không chỉ có thế, anh nhớ là đã từng nhìn thấy những bức hình khủng khiếp của những người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em bị giết chết ở Bosnia, họ cũng đã bị bỏ rơi. Ở những nơi khác, anh đã được xem bức hình của những người dân bị đói khát, trần truồng, hốc hác, với từng đàn ruồi bọ nhung nhúc bò trên mặt và thân xác họ; với những đôi mắt không đủ sức để khép lại, đang mở thao tháo, trong cơn tuyệt vọng nhìn trừng trừng vào sự thờ ơ và vô cảm cuả thế giới đối với họ. Họ nằm đó, chờ cái chết ụp xuống mà cất đi bao nỗi nhọc nhằn, đớn đau mà họ đã gánh chịu.

Nhìn và nghĩ đến những cảnh tượng đó khiến chân tay anh bủn rủn và cho dù muốn thụt lùi và tháo chạy, nhưng anh hoàn toàn bị bất động, chân tay như tê cóng và không tài nào nhấc lên được. Anh không còn biết làm gì hơn bèn ngồi xuống và dán mắt nhìn vào tượng chịu nạn và ngồi đó như bị cuốn hút vào trong đôi mắt của Chúa.

Nhưng sau đó, anh nhận ra có một mối giây liên kết giữa Đức Giê-su trên Thập Giá với  những người mẹ khóc con bị chết vì chiến tranh, với cơn đói khát về vật chất cũng như thèm khác được yêu thương của các em trẻ bên Phi Châu, với những gia đình có người thân chết vì tai ương, với những người bệnh về thể xác và tâm thần… Hình như tất cả những khổ đau của loài người đều được gom lại trên thân thể của Người đang chịu đóng đinh và nằm trên Thập giá.

Sau đó anh nhìn chung quanh và thấy có một số người đang quỳ cầu nguyện trong thinh lặng. Trong một không gian linh thánh họ như bị chôn vùi ở đó, thật bình an. Rồi anh nhìn thấy một bà cụ đã lớn tuổi bước đến bên Thập Giá và kính cẩn hôn những vết thương của Chúa Giêsu. Sau đó bà rời nhà thờ, vẻ mặt thanh thản, bình an như muốn nói với chúng ta rằng bà vừa tìm lại được sức mạnh, hy vọng và tình yêu cho cuộc sống.

Từ trước đến nay, anh không biết cầu nguyện. Nhưng hôm đó, lần đầu tiên anh đã cầu nguyện. Cây Thập giá không nói nhiều về cái chết, cho bằng ca ngợi tình yêu, sự sống và niềm hy vọng. Cây Thập giá của nhục hình đã trở thành cây Thập giá của niềm hy vọng. Thân thể của Đấng bị tra tấn giờ đây trở thành thân xác của Đấng chữa lành và trao ban sự sống. Những vết thương mở toang của Người đã trở thành nguồn ơn tha thứ và hoà giải. Cuối cùng, khi bước ra khỏi nhà thờ, anh cảm thấy bình an với chính mình và với thế giới.

Hành trình khổ nạn của Đức Giêsu không phải là một vở kịch, mà là một biến cố có thật, và được Người tự do chọn lựa. Nỗi đau mà Người đã phải chịu không chỉ là những ngọn roi, cây giáo và những cây đinh xuyên da thấu thịt đi vào những kẽ xương trên thân xác của Người; nỗi đau thể xác như thế hay hơn thế vẫn chưa phải là nỗi đau đớn nhất. Nỗi đau khổ lớn lao nhất mà Người đã trải qua là bị bỏ rơi, thậm chí bị dối gạt và bị phản bội của những người mà Đức Chúa đã xem họ như những người bạn mà người yêu mến vá quí trọng nhất. Đến giây phút cần, thì tất cả đều biến mất vì sợ hãi, thậm chí trong giây phút cô đơn nhất cũng chẳng còn ai, trong cơn hấp hối Người lo sợ và cô đơn.

Ai có thể đo và thấu được hết chiều sâu của những điều mà Người đã phải chịu đựng?

Người cũng than van, lo sợ… Và chắc một điều là Thập Giá mà Người đã vác khi xưa, không chỉ nặng về phần thể lý mà thôi. Đau khổ về phần xác không sánh gì với nỗi thống khổ của sự cô đơn, bị bỏ rơi trơ trọi một mình. Nhưng cuối cùng là một sự đón nhận trong yêu thương khi nhận biết đó là ý muốn của Cha Người, Đấng mà Người hết lòng tùng phục trong yêu thương.

Tuy thập giá là đích điểm của mọi đau khổ mà Chúa đã chịu, nhưng bề sâu của thập giá là một sự hòa hợp nên một trong Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nơi đó sự chết và tội lỗi bị phá hủy để nhường lại sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Thập giá còn biểu lộ sự bất lực của con người và biểu dương sức mạnh vô song của Thiên Chúa. Nhìn vào thập giá ta thấy bình minh của ngày Phục sinh đã hiện tỏ.

Thưa anh chị em,

Đã hơn 2000 năm qua đi, tất cả những gì xảy ra thời Đức Giêsu vẫn còn tiếp diễn. Mỗi người chúng ta cũng được Đức Giêsu mời theo Người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình hằng ngày mà theo”. Vác Thập giá hôm nay chính là đón nhận những thử thách như bệnh tật, thất bại, bị bỏ rơi, những lời sỉ nhục đầy bất công... Đó là những Thập giá do Chúa gửi đến để thanh luyện lòng tin của chúng ta được kiên vững mà trung tín với ơn gọi đi theo con đường của Chúa: Con đường tuy hẹp nhưng lại thênh thang vì có nhiều bạn hữu cùng đi. Con đường tuy khiêm tốn nhưng biểu lộ sức mạnh và lòng quyết tâm phục vụ tha nhân.

Vì thế, trong tuần này chúng ta cùng với toàn thể giáo hội suy niệm về mầu nhiệm Thập giá không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại để cảm nếm được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn vui tươi và bình an hơn. Suy gẫm về hành trình thương khó và Thập giá để cảm nếm được ơn tha thứ của Người. Như thế, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ hơn đối với người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi để tha thứ nhiều hơn. Càng tha thứ nhiều hơn, chúng ta càng dễ cảm nếm được ơn tha thứ của Chúa hơn.

 Và sau cùng, qua hành trình Thập giá, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sức mạnh của Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng đang hiện diện để yêu thương và mời gọi chúng ta ra đi để trao ban tình yêu đó cho tha nhân. Ước gì Thập giá của năm nay không còn là những gánh nặng của cuộc đời nhưng chúng ta vui và tiến bước vì biết rằng chúng ta thật diễm phúc được Chúa mời gọi để chia sẻ hồng ân cao quí này.




Friday, 5 April 2019

VỀ ĐI VÀ ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA!



Anh chị em thân mến,

Giống như dụ ngôn ‘Người cha nhân hậu’ trong bản văn Tin Mừng theo Thánh Luca mà chúng ta vừa nghe tuần trước, câu chuyện người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang trong bài Tin Mừng hôm nay cũng được nhiều người biết đến. Trong kho tàng âm nhạc và nghệ thuật phụng vụ, bản văn hôm nay đã được nhạc sĩ Song Ngọc sáng tác thành ca khúc mang tên ‘người đàn bà 2000 năm trước’; và tình tiết của đoạn văn này còn được nhiều nhóm đưa lên sân khấu qua các tiết mục được gọi là ‘diễn nguyện’ để truyền tải sứ điệp làm nổi bật lòng nhân hậu, luôn thương xót và hay tha thứ của Thiên Chúa, Đấng luôn thể hiện lòng khoan dung đối với những yếu đuối và lỗi phạm của con người.

Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình hôm nay được các kinh sư và những người thuộc phái Pha-ri-sêu mang ra để chất vấn Đức Giê-su. Chúng ta thường vội vàng đánh giá họ là những người có lối sống giả hình. Thật ra họ là lớp người có nhiệm vụ truyền bá và bảo vệ các tập tục và những lề luật mà cha ông để lại. Tự bản chất, lề luật không phải là điều xấu. Chúng ta thử dùng trí óc để hình dung ra một cơ cấu, một tập thể mà không có lề luật bảo vệ thì tổ chức đó sẽ đi về đâu! Xã hội hay bất cứ một tổ chức nào, đời cũng như đạo, sẽ không thể luân chuyển và vận hành nếu như không có một số qui định hay lề luật để bảo vệ những thành viên trong tổ chức đó. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tinh thần của dân chúng thời đó lại áp dụng luật một cách vị luật chứ không phải để phục vụ con người. Họ đã lạm dụng các khoản luật để bảo vệ giai cấp và nguồn lợi có thể thu được từ vị trí mà họ đang đảm nhận. Họ tự đắc và vinh vang về các thành quả mà họ giữ được rồi từ đó không chỉ coi thường anh em mà còn tự biến mình thành những viên quan toà xét xử người khác nữa.

Cụ thể trong trường hợp của người đàn bà bị họ kết án là đang ngoại tình trong bản văn hôm nay. Họ chỉ biết dán mắt vào luật mà không cần để ý đến hoàn cảnh cũng như các nguyên nhân, sâu thẳm bên trong cũng như bên ngoài, khiến bà có thể không còn tự chủ mà phải vi phạm vào điều mà chính bà biết rõ sẽ dẫn bà đến cái chết! Có ai trong nhóm họ đã tự hỏi là họ có cần hy sinh một khoản luật để cứu bà ta hay là hy sinh người phụ nữ để giữ luật! Căn bản là họ thiếu lòng thuơng xót.

Thực ra, các kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu hôm nay cũng không biết phải hành xử thế nào về sự việc mà người phụ nữ đã vi phạm. Nếu chiếu theo luật thì chị phải bị ném đá cho đến chết. Nhưng vào thời Đức Giê-su thì người Do Thái không được quyền xử tử ai hết, quyền đó thuộc quyền quan Tổng trấn, đại diện Hoàng đế Ro-ma. Nhưng ở đây và nhất là trong các bản văn Tin Mừng mà chúng ta đã được nghe trình bầy thái độ và cách hành xử của Đức Giê-su dành cho những người tội lỗi thì hoàn toàn khác hẳn với lối hành xử của họ. Thay vì tẩy chay và lên án thì Đức Giê-su lại đồng bàn và ăn uống với người có tội. Thay vì cô lập và xua đuổi thì Đức Giê-su lại đón tiếp và làm bạn với những người có tội. Người công khai tuyên chiến và xác định lập trường của Người là đứng về phía tội nhân. Chính những điều này đã làm cho các kinh sư và anh em thuộc nhóm Pha-ri-sêu bực mình và tìm ra mọi nguyên do để gài bẫy và truy tố Người. Câu chuyện hôm nay là một thí dụ điển hình. Họ nói như thế nhằm gài bẫy và có cơ hội để vu cáo Người.

Đức Giêsu đứng trước một phiên toà, trong đó bị cáo là người phụ nữ, tội bà phạm là đang ngoại tình, án xử cho dù đã có sẵn nhưng không ai có quyền thi hành. Những người trình bầy sự việc này với Đức Giê-su biết rất rõ là họ không biết phải hành xử thế nào: tha cho bà thì lỗi luật; còn chiếu theo luật thì bà ta phải chết mà án tử không được phép thi hành. Chính vì thế, họ đem việc khó phân xử này đến cho Đức Giê-su, không phải để nhờ Người, mà là tìm nguyên cớ để kết tội Người. Chúng ta hãy nghe họ nói: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?" Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.” 

Đức Giê-su sẽ hành xử thế nào đây! Tha cho bà thì vi phạm lề luật vì không tuân giữ luật lệ của Thiên Chúa đã ban qua tổ phụ Mô-sê; còn nếu Người lên án bà thì lại mâu thuẫn với lời giảng dậy về lòng thương xót và hay tha thứ của Thiên Chúa qua sứ mạng mà Người đem đến. Đúng là khó xử, Đức Giê-su từ vai trò của người phân xử bị họ gài và biến thành bị cáo.

Như trong bản văn Tin Mừng đã thuật lại cách hành xử của Đức Giê-su là im lặng và cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Chúng ta không cần biết Người đã viết gì và viết cho ai. Sự im lặng mà Đức Giê-su thể hiện ở đây không có ý coi thường họ, cho bằng tạo một khoảng trống để họ nhìn lại những việc họ đã làm. Nhưng họ lại nghĩ là bắt bí được Người vì thế họ tiếp tục hỏi để dồn Người vào chân tường.

Vội vàng kết án anh em mà quên đi thân phận yếu đuối và một mớ tội đang treo nhan nhản trước mắt mình không chỉ là thái độ của mấy ông kinh sư và những người Pha-ri-sêu ngày xưa; mà là của chúng ta trong thời đại hôm nay nữa.

Giống như họ, chúng ta tường có khuynh hướng nhìn tội để kết án mà quên đi các yếu tố khác khiến cho con người đôi khi lâm vào hoàn cảnh không còn hay không thể có chọn lựa nào khác hơn. Nói theo ngôn ngữ của thời đại là ‘nhìn vậy mà không phải vậy’. Xét đoán và đưa ra án lệnh dựa trên các chứng cứ mà chúng ta nhìn thấy chưa hẳn là lối phân xử công minh và chính trực.

Con người sống trong thời đại hôm nay thường được nghe đến cụm từ ‘toà án lương tâm’. Phải chăng đó là nơi mà án lệnh sau cùng sẽ được phán quyết. Chúng ta có thể thoát tội bởi luồn qua những kẽ hở của lề luật, nhưng làm sao chúng ta có thể thoát được tiếng nói sau cùng của ‘lương tâm’. Đó chính là nơi hội ngộ sau cùng giữa Thiên Chúa và mình. Người hiện diện để thức tỉnh và giúp con người tự phân xử mình.

Đức Giê-su không nói bà này vô tội và Người cũng không nhìn tội của bà để kết án; nhưng bằng cái nhìn xót thương và tấm lòng nhân hậu, Người đã nhìn vào cả con người của bà. Đức Giê-su không nói bà vô tội. Bà bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Đó là sự thật hiển nhiên mà họ đưa ra trước mắt Người. Hãy để bà đứng yên đấy. Bà không đến nỗi hư hỏng như các ông nghĩ đâu. Các ông lấy tiêu chuẩn thánh thiện dựa trên công nghiệp qua việc tuân giữ lề luật của các ông để lên án bà ta hay sao? Các ông hãy nhìn lại đời sống của mình; và nếu một ai trong các ông thấy mình sạch tội thì đá ở đây, hãy cầm lấy mà ném vào bà này trước đi.

Đức Giê-su biết rõ mình sẽ nói gì và làm gì. Người làm chủ công việc và ý định mà Cha muốn Người thự hiện. Người hoàn toàn tự do hành động theo ý muốn của Cha và không để cho bất cứ một hệ thống luật lệ nào bắt Người phải đi ngược lại ý muốn của Cha.

Theo Đức Giê-su thì tội lỗi và thánh thiện không là kết quả hay thước đo dựa trên lối sống và việc làm của con người. Con người chỉ khám phá ra sự thật của bản thân mình trong mối dây tương quan với Thiên Chúa. Sự Thánh Thiện của con nguời hoàn toàn dựa vào nguồn Thánh Thiện của Thiên Chúa. Và, tội lỗi là việc cắt đứt hay gián đoạn mối tương quan giữa Thiên Chúa và mình.

Đối với các ông kinh sư và những người Pha-ri-sêu, vì họ nghĩ là họ vô tội nên mạnh miệng lến án kẻ khác, cho nên Đức Giê-su cũng không kết án họ như họ kết án người khác. Người tạo một cơ hội cho họ hồi tâm và phản tỉnh bắng cách nhắc cho họ biết về quá khứ của họ khi Người phán: “Ai trong các ông sạch tội…”

Điều này có nghĩa là các ông hãy tự nhìn vào bản thân mình, nếu các ông sạch tội như các ông vinh vang và tự đắc cho là như thế thì hãy ném đá bà này trước đi. Người phụ nữ có tội vì bị các ông bắt đang phạm tội ngoại tình, còn các ông thì sao? Người đàn ông đồng phạm với bà ấy đâu? Phải chăng các ông để cho ông ta chạy thoát? Hay đây là cái bẫy mà các ông đã cùng với người đàn ông đó giăng ra để làm cớ mà buộc tội bà ta? Lòng dạ các ông có ngay thẳng và chính trực như các ông thường tự phụ hay không? Hay là các ông ác ý, bàn mưu tính kế, để loại trừ những người mà các ông không ưa và để đạt được mục tiêu các ông có thể hy sinh những ai làm cản bước đường danh vọng và vị trí mà các ông đang vinh vang tư đắc… Nếu các ông sạch tội thì ném đá bà ấy trước đi.

Đức Giê-su không hạch tội họ mà tạo cơ hội để giúp họ thức tỉnh mà hồi tâm và nhận ra con người yêú đuối và tội lỗi của họ. Kết quả là kẻ trước người sau, trước tiên là những người lớn tuổi và sau cùng là mọi người đi hết bởi vì không ai là không có tội. Đó là một sự thật hiển nhiên mà nhiều khi chính chúng ta cũng hay bị quên.
Đối với người phụ nữ. Đức Giê-su khéo léo và rất tế nhị khi không đề cập đến quá khứ và hoàn cảnh hiện tại của chị. Họ đem chị đến trong lúc chị đang ngoại tình. Đó là sự thật mà họ tố cáo. Đức Giê-su không muốn tạo áp lực nhằm tạo thêm tình trạng mặc cảm tội lỗi mà bà đang gánh chịu. Đức Giê-su nói với bà không cần nhớ đến quá khứ, Người cũng không lên án bà và phán tiếp hãy đi và kể từ nay đừng phạm tội nữa.
Như vậy, qua bản văn Tin Mừng hôm nay chúng ta khám phá một cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su với kẻ có tội và những người tự nhận mình là người công chính… tất cả đều nhận được ơn. Các nhà lãnh đạo nhận ra tình trạng của bản thân để thông cảm, bớt lên án và dễ dàng đến với tha nhân hơn. Còn ai có tội thì nhận được tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy nhớ lại thời gian xẩy ra câu chuyện này là vào buổi sáng lúc Đức Giê-su đang ở trong Đền Thờ Giê-ru sa-lem và có đông đảo mọi người qui tụ chung quanh để nghe Nguời giảng dậy. Khi nhắc lại chi tiết này, chúng ta nhớ đến bài học, ơn cảnh tỉnh và sự tha thứ của Đức Giê-su trong câu chuyện hôm nay không chỉ dành riêng cho các ông kinh sư, những người Pha-ri-sêu và người phụ nữ mà thôi.
Bài học này dành cho tất cả chúng ta, những ai đang nghe Lời Người hôm nay. Bài học về chân lý, về cách thức sống theo Tin Mừng, về Lòng Thương Xót, luôn khoan dung và hay tha thứ của Thiên Chúa đã xuất hiện từ thủa tạo thiên lập điạ. Cho dù con người có bất trung với Thiên Chúa và đối xử hẹp hòi đến mức tệ bạc với nhau như thế nào thì cũng không làm cản trở nguồn ơn tái tạo và đổi mới của Thiên Chúa vẫn âm thầm hoạt động trong con người.

Hãy quên đi các lỗi lầm của nhau. Chúa đang hiện diện để tái tạo một thế giới mới. Phán quyến của Chúa là sự tha thứ, không giam cầm tội nhân, không giữ họ bị ngụp lặn trong vũng lầy của quá khứ mà giúp họ vững tin và vươn lên với niềm hy vọng, tin tưởng bước đi trong Chúa, tin nhau và tin vào chính khả năng đã được trao ban để tha thứ và nâng đỡ nhau mỗi khi hụt chân. Và, cho dù có bị hụt bước hay sẩy chân chúng ta vẫn tin rằng Chúa và tha nhân vẫn đang nâng đỡ chứ không một ai kết án chúng ta nữa đâu.

Sau cùng, Đức Giê-su đang hiện diện để nâng và vực chúng ta dậy mỗi khi bị vấp ngã. Hãy áp dụng và làm cho người khác được chỗi dậy như chúng ta đã được chỗi dậy bởi Chúa. Hãy thương xót, bộc lộ lòng nhân từ và luôn tha thứ nhau. Đó là cách thức duy nhất mà Chúa mời gọi chúng ta cùng nhau xây dựng trời mời đất mới ngay trong hoàn cảnh của chúng ta đang sống. Đó cũng là điều mà thế giới ngày nay đang thiếu hụt và trông chờ. Amen!