Lời khẳng định “Tôi đã thấy Chúa” của Ma-ri-a Mác-đa-la và
“Chúng tôi đã được thấy Chúa” của các môn đệ có thể là nội dung bài chia sẻ
trong ngày Lễ Phục Sinh năm nay. Thật
khó để có thể nghĩ ra một bài suy niệm hay bài giảng thuyết nào ngắn gọn và hay
hơn thế. Thật phù hợp với ước muốn và sở thích của con người thuộc thời đại hôm
nay. Chúng ta, đặc biệt, hầu hết các bạn trẻ không thích nghe những bài nói
chuyện dài dòng, lê thê và dư thừa. Càng dài càng dễ chán. Càng ngắn, càng xúc
tích và cô đọng bao nhiêu thì càng dễ thu hút người nghe bấy nhiêu.
Con người trong xã hội này bận rộn đến chóng mặt. Thời giờ đối
với họ thật quí báu. Cần tập trung và khai thác một điểm chính thì chúng ta dễ
dàng theo dõi. Nếu quí vị thuyết giảng bớt các giải thích dư thừa và trưng dẫn
nhiều chứng tích hùng hồn trong cuộc sống thì dễ dàng thuyết phục người nghe
hơn. Vẫn biết giá trị của nụ cười, ám chỉ đến những giây phút an lạc và vui
tươi, có thể ví như 10 thang thuốc bổ. Những đừng biến bục giảng thành sân khấu
và đừng dùng cách nhạo và nhái chữ thành trò mua vui cho khán giả.
Thật vậy, không có bài giảng nào ngắn và hay hơn các lời
tuyên xưng của bà Ma-ria Mác-đa-la và các môn đệ vào ngày thứ nhất trong tuần,
ngày Phục Sinh đầu tiên. Ngắn gọn và dễ nhớ. Giả như có một ai đó dám thay bài
thuyết giảng của mình bằng cắt một băng rôn ‘tôi và chúng tôi đã thấy Chúa’, rồi
treo ở giữa nhà thờ thì quá tuyệt. Ai cũng nhìn thấy. Mọi người đều có thể công
bố “chúng tôi đã thấy Chúa”. Người người thấy Chúa. Cả nhà thấy Chúa. Còn gì
hay hơn!
Thế mà thường thì lời loan báo hay việc giải thích về mầu nhiệm
Phục Sinh hay được rút ra từ kho tàng của Hội Thánh. Vẫn biết rằng, chúng ta cần
san sẻ các trải nghiệm thực tế về sự hiện diện của Chúa Phục sinh trong cuộc sống
như: cánh cửa của ngôi mộ đã được mở toang; các khăn liệm đã được xếp cẩn thận
vào một góc, sự chết đã bị đánh gục và không còn sức để giam cầm chúng ta trong
ngôi mộ của chính mình hay của nhân loại nữa và sau cùng là sự can thiệp của
Thiên Chúa trong cuộc sống mình và cộng đoàn những kẻ tin; tất cả những điều ấy
tuy cần thiết; nhưng quan trọng hơn cả vẫn là việc Đức Giêsu đã được tôn vinh
và chúng tôi đã được nhìn thấy Chúa.
Như vậy, tôi và chúng tôi đã được thấy Chúa không chỉ là một
xác tín bằng lời nói, đó là một chuỗi các trải nghiệm về sự tác động của Thiên
Chúa trong cuộc sống của chúng ta. Đây không phải là một học thuyết và cũng
không phải là công thức đã có sẵn mà chúng ta đã được dậy bảo và lập đi lập lại
một cách vô ý thức. Cuộc sống của các kẻ tin cần được bám rễ từ việc chúng tôi
đã thấy Chúa.
Chúng tôi đã được thấy Chúa trong các biến cố xẩy ra trên thế
giới, trong lòng Hội Thánh và cuộc đời mình. Cụ thể, chúng tôi đã thấy Chúa nơi
các cụ già quì giữa đám đông để cầu nguyện và diễn tả niềm tin của họ vào Thiên
Chúa trước trận cháy khủng khiếp tại nhà thờ chính toà Notre Dame bên Paris
ngày 15 tháng 4 năm 2019 vừa qua. Chúng tôi đã được thấy Chúa qua sự dũng cảm của
các người lính cứu hỏa liều thân dập tắt ngọn lửa đang thiêu rụi một trong các
di tích sống động của nền văn minh Ki-tô giáo qua bao thế hệ. Chúng ta còn được
thấy Chúa và tình thương của Ngài qua việc cứu nguy của những người thiện nguyện.
Chúng ta còn được thấy Chúa qua hành động anh dũng và can trường của vị linh mục
tuyên úy đã quên thân mình để bảo vệ những Thánh tích, như vương miện gai mà
qua bao thế kỷ theo truyền thống, chúng ta vẫn tin rằng vương miện đó đã được Đức
Giê-su đội trên đầu.
Và sau khi trận hoả hoạn được dập tắt, một sự kỳ diệu xẩy ra
trước mắt chúng ta là cây Thánh Giá, cao ngất trên đỉnh cao chót vót của nhà thờ
bị đổ sập mà không bị gẫy. Và một cảnh tượng khác tạo một ấn tượng vô cùng sâu
sắc, đó là hình ảnh của cây Thập Giá trong nội thất của nhà thờ vẫn toả ánh
sáng lấp lánh. Phải chăng đây là biểu tượng
đem đến một ý nghĩa vô cùng sâu xa về sứ điệp mà chúng ta loan báo về mầu nhiệm
Phục sinh năm nay. Hy vọng và ánh sáng Phục Sinh vẫn chiếu soi qua những đổ nát
và đen tối của trần gian.
Vì thế, “Chúng tôi đã được thấy Chúa” vừa là sứ điệp vừa là
nguồn hy vọng giúp chúng ta đối diện với mọi diễn tiến xẩy ra chung quanh mình,
thậm chí như các bi kịch mà chúng ta đã được nghe, được chứng kiến hay đã trải
nghiệm được cụ thể hoá như sau:
Tình trạng của những người đang chết dần mòn vì
nghèo đói.
Hoàn cảnh của
những người đang kéo lê cuộc sống vì những căn bệnh hiểm nghèo.
Số phận bi
đát đang chờ để chôn vùi tương lai của các trẻ thơ đang bị giam kín trong các
trại giam của cô đơn; bị bỏ rơi và thiếu tình thương của các bậc sinh thành.
Những trái tim
đang tan nát vì bị phản bội hay bị lợi dụng.
Những con người
không còn tương lai, hay tương lai đang bị chôn vùi bởi những nấm mồ đen tối
không lối thoát.
Chúa không tạo
nên các bi kịch; nhưng sự hiện diện và tác động của Chúa đem đến cho chúng ta một
nguồn sáng, một nguồn ơn tái tạo để đối diện với mọi biến cố bằng con người mới,
con người của niềm hy vọng.
Phục Sinh là
thế!
Hy vọng là sứ điệp mà Chúa Phục Sinh đem lại. Và không ai biết
điều này rõ hơn Đức Giê-su. Người biết rằng đau khổ và bi kịch của cuộc sống,
nhất là trong hành trình Thương Khó, không dừng lại ở Thập Giá. Bởi vì các diễn
tiến xẩy ra trong Tam Nhật Thánh không chỉ đơn giản là một sự chết chóc và hủy
diệt. Quan trọng hơn, đó là niềm hy vọng vào cuộc sống mới. Những gì mà chúng
ta cử hành trong Tuần Thánh sẽ không đem lại một ý nghĩa nào cho cuộc sống nếu
không có buổi sáng đầu tiên, buổi sáng Đức Giê-su được chỗi dậy, được Phục Sinh.
Vì thế thưa
anh chị em,
Chúng ta
không thể tách cuộc khổ nạn của Chúa trong ngày thứ Sáu, sự thinh lặng hầu như
quá khó hiểu của ngày thứ Bẩy ra khỏi mầu nhiệm Phục Sinh mà chúng ta đang cử
hành. Tất cả được liên kết trong bàn tay thật tuyệt diệu của Thiên Chúa, Đấng
ban cho chúng ta sự sống và sự sống thật sung mãn để chúng ta vào đời với tâm hồn
vui tươi, hân hoan và hy vọng rằng Chúa đã sống lại thật và đang hiện diện với
chúng ta.
Đây không phải
là điều chúng ta xin hay đạt được. Nhưng hoàn toàn là do ân huệ của Thiên Chúa,
của Chúa Thánh Thần. Nói khác đi, đó là hồng ân cao cả mà Chúa ban còn chúng ta
chỉ đủ sức đón nhận. Bởi vì, Phục sinh là cách thức mà Thiên Chúa đã làm cho Đức
Giê-su chỗi dậy và được tôn vinh chứ không phải chúng ta.
Khi nói
“Chúng tôi đã được thấy Chúa’ có nghĩa là Chúa mở mắt và khai lòng mở trí để cho
chúng ta được nhìn thấy Người. Như thế, là người môn đệ của Chúa Phục Sinh, bổn
phận của chúng ta là hân hoan ra đi để cùng với nhau loan báo rằng “chúng tôi
đã được thấy Chúa.” Vì Chúa đã sống lại thật, đang hiện diện trong cuộc sống của
chúng tôi. Và chúng tôi là chứng nhân của việc này. Alleluia! Alleluia!
No comments:
Post a Comment