Thursday, 11 April 2019

HÀNH TRÌNH THẬP GIÁ: CON ĐƯỜNG YÊU THƯƠNG



Anh chị em thân mến,

Cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta bước vào Tuần Thánh bằng việc cử hành cuộc đón tiếp trọng thể Đức Giêsu vào thành Giêrusalem. Với những nhành lá vạn tuế kèm theo những lời tán tụng, chúng ta đón tiếp Chúa như một quân vương. Nhưng vài ngày sau, cụ thể trong bài thương khó mà chúng ta vừa nghe, cho dù Thánh Lu-ca đã bớt đi các chi tiết làm cho chúng ta kinh hãi và run sợ trước các cực hình về mặt thể xác mà Chúa đã chịu, nhưng Thánh sử vẫn không thể nào quên tường thuật con đường khổ nạn và sự chết của Người. Chỉ có mình Chúa trong cuộc hành trình thứ hai này. Mẹ của Người và các người thân tín cho dù xuất hiện, nhưng vẫn đứng bên vệ đường mà an ủi và trông chừng. Chúa Giêsu hoàn toàn cô đơn. Không còn những lời tung hô; thay vào đó là những lời lên án. Cũng chẳng còn những nhành lá biểu lộ sự vui mừng, mà là cây Thập giá.

Vào thời của Người, chết trên Thập giá là một án tử hình dành cho các tội nhân. Và án này được chính quyền Roma đặt ra để áp dụng cho các tội nhân. Hàng năm có rất nhiều người bị treo trên Thập giá. Nhưng tại sao chỉ có mình việc Chúa bị treo và chết trên Thập giá lại được lưu truyền cho đến ngày nay. Sự chết của Đức Giêsu đã có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của anh em tín hữu tiên khởi, đến nỗi qua bao thế hệ, hàng hàng lớp lớp vẫn vui vẻ dấn thân vì lợi ích của người khác cho dù phải hy sinh chính bản thân mình.

Chúng ta cần tìm ra những giá trị đích thực của hành trình Thập giá và cao điểm là việc Chúa Chết. Điều đó có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của chúng ta?

Để minh hoạ cho ý tưởng này, xin mời anh chị em cùng nghe câu chuyện. Truyện này được cha Flor McCarthy, tu sĩ dòng Salêsian bên Dublin, Ái nhĩ Lan san sẻ. Tuy chúng ta không hề biết tên của người trong câu chuyện; nhưng đó lại là chi tiết lý thú và kỳ diệu của người kể. Bởi vì qua đó, chúng ta có thể lồng mình vào trong tâm tình của nhân vật; có nghĩa là nhân vật trong câu chuyện có thể là anh, là chị là ông hay bà, là mỗi người chúng ta. Truyện kể như sau.

Vào một buổi chiều, tại Thành Phố London, có một người bạn trẻ đang vội vã trên đường từ văn phòng trở về nhà sau một ngày vất vả. Tuy anh là một tín hữu, nhưng lâu nay không màng đến các sinh hoạt tôn giáo. Trên con đường quen thuộc này anh phải đi qua nhà thờ chính tòa Westminter. Nhưng, hôm nay khi xe đi ngang qua đó, anh cảm thấy từ trong sâu thẳm của cõi lòng mình như nghe được tiếng mời gọi. Anh cầm lòng không được bèn ghé vào nhà thờ. Vừa bước vào cửa chính, anh sửng sốt và mắt dán vào cây Thập Giá đang treo từ trên mái vòm của nhà thờ. Người nằm trên cây Thập giá, là Đấng đã bị tra tấn, bị bỏ rơi và treo chết, và hiện giờ đang nhìn anh.

Thế rồi bao nhiêu hình ảnh và cực hình mà Đức Giê-su đã chịu trên đường Thập Tự hiện rõ ràng trong tâm trí anh. Không chỉ có thế, anh nhớ là đã từng nhìn thấy những bức hình khủng khiếp của những người đàn ông, phụ nữ, và trẻ em bị giết chết ở Bosnia, họ cũng đã bị bỏ rơi. Ở những nơi khác, anh đã được xem bức hình của những người dân bị đói khát, trần truồng, hốc hác, với từng đàn ruồi bọ nhung nhúc bò trên mặt và thân xác họ; với những đôi mắt không đủ sức để khép lại, đang mở thao tháo, trong cơn tuyệt vọng nhìn trừng trừng vào sự thờ ơ và vô cảm cuả thế giới đối với họ. Họ nằm đó, chờ cái chết ụp xuống mà cất đi bao nỗi nhọc nhằn, đớn đau mà họ đã gánh chịu.

Nhìn và nghĩ đến những cảnh tượng đó khiến chân tay anh bủn rủn và cho dù muốn thụt lùi và tháo chạy, nhưng anh hoàn toàn bị bất động, chân tay như tê cóng và không tài nào nhấc lên được. Anh không còn biết làm gì hơn bèn ngồi xuống và dán mắt nhìn vào tượng chịu nạn và ngồi đó như bị cuốn hút vào trong đôi mắt của Chúa.

Nhưng sau đó, anh nhận ra có một mối giây liên kết giữa Đức Giê-su trên Thập Giá với  những người mẹ khóc con bị chết vì chiến tranh, với cơn đói khát về vật chất cũng như thèm khác được yêu thương của các em trẻ bên Phi Châu, với những gia đình có người thân chết vì tai ương, với những người bệnh về thể xác và tâm thần… Hình như tất cả những khổ đau của loài người đều được gom lại trên thân thể của Người đang chịu đóng đinh và nằm trên Thập giá.

Sau đó anh nhìn chung quanh và thấy có một số người đang quỳ cầu nguyện trong thinh lặng. Trong một không gian linh thánh họ như bị chôn vùi ở đó, thật bình an. Rồi anh nhìn thấy một bà cụ đã lớn tuổi bước đến bên Thập Giá và kính cẩn hôn những vết thương của Chúa Giêsu. Sau đó bà rời nhà thờ, vẻ mặt thanh thản, bình an như muốn nói với chúng ta rằng bà vừa tìm lại được sức mạnh, hy vọng và tình yêu cho cuộc sống.

Từ trước đến nay, anh không biết cầu nguyện. Nhưng hôm đó, lần đầu tiên anh đã cầu nguyện. Cây Thập giá không nói nhiều về cái chết, cho bằng ca ngợi tình yêu, sự sống và niềm hy vọng. Cây Thập giá của nhục hình đã trở thành cây Thập giá của niềm hy vọng. Thân thể của Đấng bị tra tấn giờ đây trở thành thân xác của Đấng chữa lành và trao ban sự sống. Những vết thương mở toang của Người đã trở thành nguồn ơn tha thứ và hoà giải. Cuối cùng, khi bước ra khỏi nhà thờ, anh cảm thấy bình an với chính mình và với thế giới.

Hành trình khổ nạn của Đức Giêsu không phải là một vở kịch, mà là một biến cố có thật, và được Người tự do chọn lựa. Nỗi đau mà Người đã phải chịu không chỉ là những ngọn roi, cây giáo và những cây đinh xuyên da thấu thịt đi vào những kẽ xương trên thân xác của Người; nỗi đau thể xác như thế hay hơn thế vẫn chưa phải là nỗi đau đớn nhất. Nỗi đau khổ lớn lao nhất mà Người đã trải qua là bị bỏ rơi, thậm chí bị dối gạt và bị phản bội của những người mà Đức Chúa đã xem họ như những người bạn mà người yêu mến vá quí trọng nhất. Đến giây phút cần, thì tất cả đều biến mất vì sợ hãi, thậm chí trong giây phút cô đơn nhất cũng chẳng còn ai, trong cơn hấp hối Người lo sợ và cô đơn.

Ai có thể đo và thấu được hết chiều sâu của những điều mà Người đã phải chịu đựng?

Người cũng than van, lo sợ… Và chắc một điều là Thập Giá mà Người đã vác khi xưa, không chỉ nặng về phần thể lý mà thôi. Đau khổ về phần xác không sánh gì với nỗi thống khổ của sự cô đơn, bị bỏ rơi trơ trọi một mình. Nhưng cuối cùng là một sự đón nhận trong yêu thương khi nhận biết đó là ý muốn của Cha Người, Đấng mà Người hết lòng tùng phục trong yêu thương.

Tuy thập giá là đích điểm của mọi đau khổ mà Chúa đã chịu, nhưng bề sâu của thập giá là một sự hòa hợp nên một trong Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nơi đó sự chết và tội lỗi bị phá hủy để nhường lại sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Thập giá còn biểu lộ sự bất lực của con người và biểu dương sức mạnh vô song của Thiên Chúa. Nhìn vào thập giá ta thấy bình minh của ngày Phục sinh đã hiện tỏ.

Thưa anh chị em,

Đã hơn 2000 năm qua đi, tất cả những gì xảy ra thời Đức Giêsu vẫn còn tiếp diễn. Mỗi người chúng ta cũng được Đức Giêsu mời theo Người: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác Thập giá mình hằng ngày mà theo”. Vác Thập giá hôm nay chính là đón nhận những thử thách như bệnh tật, thất bại, bị bỏ rơi, những lời sỉ nhục đầy bất công... Đó là những Thập giá do Chúa gửi đến để thanh luyện lòng tin của chúng ta được kiên vững mà trung tín với ơn gọi đi theo con đường của Chúa: Con đường tuy hẹp nhưng lại thênh thang vì có nhiều bạn hữu cùng đi. Con đường tuy khiêm tốn nhưng biểu lộ sức mạnh và lòng quyết tâm phục vụ tha nhân.

Vì thế, trong tuần này chúng ta cùng với toàn thể giáo hội suy niệm về mầu nhiệm Thập giá không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại để cảm nếm được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn vui tươi và bình an hơn. Suy gẫm về hành trình thương khó và Thập giá để cảm nếm được ơn tha thứ của Người. Như thế, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ hơn đối với người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi để tha thứ nhiều hơn. Càng tha thứ nhiều hơn, chúng ta càng dễ cảm nếm được ơn tha thứ của Chúa hơn.

 Và sau cùng, qua hành trình Thập giá, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sức mạnh của Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng đang hiện diện để yêu thương và mời gọi chúng ta ra đi để trao ban tình yêu đó cho tha nhân. Ước gì Thập giá của năm nay không còn là những gánh nặng của cuộc đời nhưng chúng ta vui và tiến bước vì biết rằng chúng ta thật diễm phúc được Chúa mời gọi để chia sẻ hồng ân cao quí này.




No comments:

Post a Comment