Anh chị em thân mến,
Giống như dụ ngôn ‘Người cha nhân hậu’ trong bản văn Tin Mừng
theo Thánh Luca mà chúng ta vừa nghe tuần trước, câu chuyện người đàn bà ngoại
tình bị bắt quả tang trong bài Tin Mừng hôm nay cũng được nhiều người biết đến.
Trong kho tàng âm nhạc và nghệ thuật phụng vụ, bản văn hôm nay đã được nhạc sĩ
Song Ngọc sáng tác thành ca khúc mang tên ‘người đàn bà 2000 năm trước’; và tình
tiết của đoạn văn này còn được nhiều nhóm đưa lên sân khấu qua các tiết mục được
gọi là ‘diễn nguyện’ để truyền tải sứ điệp làm nổi bật lòng nhân hậu, luôn
thương xót và hay tha thứ của Thiên Chúa, Đấng luôn thể hiện lòng khoan dung đối
với những yếu đuối và lỗi phạm của con người.
Câu chuyện người phụ nữ ngoại tình hôm nay được các kinh sư
và những người thuộc phái Pha-ri-sêu mang ra để chất vấn Đức Giê-su. Chúng ta
thường vội vàng đánh giá họ là những người có lối sống giả hình. Thật ra họ là
lớp người có nhiệm vụ truyền bá và bảo vệ các tập tục và những lề luật mà cha
ông để lại. Tự bản chất, lề luật không phải là điều xấu. Chúng ta thử dùng trí
óc để hình dung ra một cơ cấu, một tập thể mà không có lề luật bảo vệ thì tổ chức
đó sẽ đi về đâu! Xã hội hay bất cứ một tổ chức nào, đời cũng như đạo, sẽ không
thể luân chuyển và vận hành nếu như không có một số qui định hay lề luật để bảo
vệ những thành viên trong tổ chức đó. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tinh thần của
dân chúng thời đó lại áp dụng luật một cách vị luật chứ không phải để phục vụ
con người. Họ đã lạm dụng các khoản luật để bảo vệ giai cấp và nguồn lợi có thể
thu được từ vị trí mà họ đang đảm nhận. Họ tự đắc và vinh vang về các thành quả
mà họ giữ được rồi từ đó không chỉ coi thường anh em mà còn tự biến mình thành
những viên quan toà xét xử người khác nữa.
Cụ thể trong trường hợp của người đàn bà bị họ kết án là đang
ngoại tình trong bản văn hôm nay. Họ chỉ biết dán mắt vào luật mà không cần để
ý đến hoàn cảnh cũng như các nguyên nhân, sâu thẳm bên trong cũng như bên
ngoài, khiến bà có thể không còn tự chủ mà phải vi phạm vào điều mà chính bà biết
rõ sẽ dẫn bà đến cái chết! Có ai trong nhóm họ đã tự hỏi là họ có cần hy sinh một
khoản luật để cứu bà ta hay là hy sinh người phụ nữ để giữ luật! Căn bản là họ
thiếu lòng thuơng xót.
Thực ra, các kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu hôm nay cũng không biết
phải hành xử thế nào về sự việc mà người phụ nữ đã vi phạm. Nếu chiếu theo luật
thì chị phải bị ném đá cho đến chết. Nhưng vào thời Đức Giê-su thì người Do
Thái không được quyền xử tử ai hết, quyền đó thuộc quyền quan Tổng trấn, đại diện
Hoàng đế Ro-ma. Nhưng ở đây và nhất là trong các bản văn Tin Mừng mà chúng ta
đã được nghe trình bầy thái độ và cách hành xử của Đức Giê-su dành cho những người
tội lỗi thì hoàn toàn khác hẳn với lối hành xử của họ. Thay vì tẩy chay và lên
án thì Đức Giê-su lại đồng bàn và ăn uống với người có tội. Thay vì cô lập và xua
đuổi thì Đức Giê-su lại đón tiếp và làm bạn với những người có tội. Người công
khai tuyên chiến và xác định lập trường của Người là đứng về phía tội nhân.
Chính những điều này đã làm cho các kinh sư và anh em thuộc nhóm Pha-ri-sêu bực
mình và tìm ra mọi nguyên do để gài bẫy và truy tố Người. Câu chuyện hôm nay là
một thí dụ điển hình. Họ nói như thế nhằm gài bẫy và có cơ hội để vu cáo Người.
Đức Giêsu đứng trước một phiên toà, trong đó bị cáo là người
phụ nữ, tội bà phạm là đang ngoại tình, án xử cho dù đã có sẵn nhưng không ai
có quyền thi hành. Những người trình bầy sự việc này với Đức Giê-su biết rất rõ
là họ không biết phải hành xử thế nào: tha cho bà thì lỗi luật; còn chiếu theo
luật thì bà ta phải chết mà án tử không được phép thi hành. Chính vì thế, họ
đem việc khó phân xử này đến cho Đức Giê-su, không phải để nhờ Người, mà là tìm
nguyên cớ để kết tội Người. Chúng ta hãy nghe họ nói: “Thưa Thầy, người đàn bà
này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho
chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?" Họ
nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người.”
Đức Giê-su sẽ hành xử thế nào đây! Tha cho bà thì vi phạm lề
luật vì không tuân giữ luật lệ của Thiên Chúa đã ban qua tổ phụ Mô-sê; còn nếu
Người lên án bà thì lại mâu thuẫn với lời giảng dậy về lòng thương xót và hay
tha thứ của Thiên Chúa qua sứ mạng mà Người đem đến. Đúng là khó xử, Đức Giê-su
từ vai trò của người phân xử bị họ gài và biến thành bị cáo.
Như trong bản văn Tin Mừng đã thuật lại cách hành xử của Đức
Giê-su là im lặng và cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Chúng ta không cần
biết Người đã viết gì và viết cho ai. Sự im lặng mà Đức Giê-su thể hiện ở đây
không có ý coi thường họ, cho bằng tạo một khoảng trống để họ nhìn lại những việc
họ đã làm. Nhưng họ lại nghĩ là bắt bí được Người vì thế họ tiếp tục hỏi để dồn
Người vào chân tường.
Vội vàng kết án anh em mà quên đi thân phận yếu đuối và một mớ
tội đang treo nhan nhản trước mắt mình không chỉ là thái độ của mấy ông kinh sư
và những người Pha-ri-sêu ngày xưa; mà là của chúng ta trong thời đại hôm nay nữa.
Giống như họ, chúng ta tường có khuynh hướng nhìn tội để kết
án mà quên đi các yếu tố khác khiến cho con người đôi khi lâm vào hoàn cảnh
không còn hay không thể có chọn lựa nào khác hơn. Nói theo ngôn ngữ của thời đại
là ‘nhìn vậy mà không phải vậy’. Xét đoán và đưa ra án lệnh dựa trên các chứng
cứ mà chúng ta nhìn thấy chưa hẳn là lối phân xử công minh và chính trực.
Con người sống trong thời đại hôm nay thường được nghe đến cụm
từ ‘toà án lương tâm’. Phải chăng đó là nơi mà án lệnh sau cùng sẽ được phán
quyết. Chúng ta có thể thoát tội bởi luồn qua những kẽ hở của lề luật, nhưng làm
sao chúng ta có thể thoát được tiếng nói sau cùng của ‘lương tâm’. Đó chính là
nơi hội ngộ sau cùng giữa Thiên Chúa và mình. Người hiện diện để thức tỉnh và
giúp con người tự phân xử mình.
Đức Giê-su không nói bà này vô tội và Người cũng không nhìn tội
của bà để kết án; nhưng bằng cái nhìn xót thương và tấm lòng nhân hậu, Người đã
nhìn vào cả con người của bà. Đức Giê-su không nói bà vô tội. Bà bị bắt quả
tang đang phạm tội ngoại tình. Đó là sự thật hiển nhiên mà họ đưa ra trước mắt
Người. Hãy để bà đứng yên đấy. Bà không đến nỗi hư hỏng như các ông nghĩ đâu. Các
ông lấy tiêu chuẩn thánh thiện dựa trên công nghiệp qua việc tuân giữ lề luật của
các ông để lên án bà ta hay sao? Các ông hãy nhìn lại đời sống của mình; và nếu
một ai trong các ông thấy mình sạch tội thì đá ở đây, hãy cầm lấy mà ném vào bà
này trước đi.
Đức Giê-su biết rõ mình sẽ nói gì và làm gì. Người làm chủ
công việc và ý định mà Cha muốn Người thự hiện. Người hoàn toàn tự do hành động
theo ý muốn của Cha và không để cho bất cứ một hệ thống luật lệ nào bắt Người
phải đi ngược lại ý muốn của Cha.
Theo Đức Giê-su thì tội lỗi và thánh thiện không là kết quả
hay thước đo dựa trên lối sống và việc làm của con người. Con người chỉ khám
phá ra sự thật của bản thân mình trong mối dây tương quan với Thiên Chúa. Sự
Thánh Thiện của con nguời hoàn toàn dựa vào nguồn Thánh Thiện của Thiên Chúa. Và,
tội lỗi là việc cắt đứt hay gián đoạn mối tương quan giữa Thiên Chúa và mình.
Đối với các ông kinh sư và những người Pha-ri-sêu, vì họ nghĩ
là họ vô tội nên mạnh miệng lến án kẻ khác, cho nên Đức Giê-su cũng không kết
án họ như họ kết án người khác. Người tạo một cơ hội cho họ hồi tâm và phản tỉnh
bắng cách nhắc cho họ biết về quá khứ của họ khi Người phán: “Ai trong các ông
sạch tội…”
Điều này có nghĩa là các ông hãy tự nhìn vào bản thân mình, nếu
các ông sạch tội như các ông vinh vang và tự đắc cho là như thế thì hãy ném đá bà
này trước đi. Người phụ nữ có tội vì bị các ông bắt đang phạm tội ngoại tình,
còn các ông thì sao? Người đàn ông đồng phạm với bà ấy đâu? Phải chăng các ông
để cho ông ta chạy thoát? Hay đây là cái bẫy mà các ông đã cùng với người đàn
ông đó giăng ra để làm cớ mà buộc tội bà ta? Lòng dạ các ông có ngay thẳng và
chính trực như các ông thường tự phụ hay không? Hay là các ông ác ý, bàn mưu
tính kế, để loại trừ những người mà các ông không ưa và để đạt được mục tiêu
các ông có thể hy sinh những ai làm cản bước đường danh vọng và vị trí mà các
ông đang vinh vang tư đắc… Nếu các ông sạch tội thì ném đá bà ấy trước đi.
Đức Giê-su không hạch tội họ mà tạo cơ hội để giúp họ thức tỉnh
mà hồi tâm và nhận ra con người yêú đuối và tội lỗi của họ. Kết quả là kẻ trước
người sau, trước tiên là những người lớn tuổi và sau cùng là mọi người đi hết bởi
vì không ai là không có tội. Đó là một sự thật hiển nhiên mà nhiều khi chính chúng
ta cũng hay bị quên.
Đối với người phụ nữ. Đức Giê-su khéo léo và rất tế nhị khi
không đề cập đến quá khứ và hoàn cảnh hiện tại của chị. Họ đem chị đến trong
lúc chị đang ngoại tình. Đó là sự thật mà họ tố cáo. Đức Giê-su không muốn tạo
áp lực nhằm tạo thêm tình trạng mặc cảm tội lỗi mà bà đang gánh chịu. Đức
Giê-su nói với bà không cần nhớ đến quá khứ, Người cũng không lên án bà và phán
tiếp hãy đi và kể từ nay đừng phạm tội nữa.
Như vậy, qua bản văn Tin Mừng hôm nay chúng ta khám phá một
cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su với kẻ có tội và những người tự nhận mình là người
công chính… tất cả đều nhận được ơn. Các nhà lãnh đạo nhận ra tình trạng của bản
thân để thông cảm, bớt lên án và dễ dàng đến với tha nhân hơn. Còn ai có tội
thì nhận được tình thương và sự tha thứ của Thiên Chúa.
Chúng ta hãy nhớ lại thời gian xẩy ra câu chuyện này là vào
buổi sáng lúc Đức Giê-su đang ở trong Đền Thờ Giê-ru sa-lem và có đông đảo mọi
người qui tụ chung quanh để nghe Nguời giảng dậy. Khi nhắc lại chi tiết này,
chúng ta nhớ đến bài học, ơn cảnh tỉnh và sự tha thứ của Đức Giê-su trong câu
chuyện hôm nay không chỉ dành riêng cho các ông kinh sư, những người Pha-ri-sêu
và người phụ nữ mà thôi.
Bài học này dành cho tất cả chúng ta, những ai đang nghe Lời
Người hôm nay. Bài học về chân lý, về cách thức sống theo Tin Mừng, về Lòng
Thương Xót, luôn khoan dung và hay tha thứ của Thiên Chúa đã xuất hiện từ thủa
tạo thiên lập điạ. Cho dù con người có bất trung với Thiên Chúa và đối xử hẹp hòi
đến mức tệ bạc với nhau như thế nào thì cũng không làm cản trở nguồn ơn tái tạo
và đổi mới của Thiên Chúa vẫn âm thầm hoạt động trong con người.
Hãy quên đi các lỗi lầm của nhau. Chúa đang hiện diện để tái
tạo một thế giới mới. Phán quyến của Chúa là sự tha thứ, không giam cầm tội
nhân, không giữ họ bị ngụp lặn trong vũng lầy của quá khứ mà giúp họ vững tin
và vươn lên với niềm hy vọng, tin tưởng bước đi trong Chúa, tin nhau và tin vào
chính khả năng đã được trao ban để tha thứ và nâng đỡ nhau mỗi khi hụt chân. Và,
cho dù có bị hụt bước hay sẩy chân chúng ta vẫn tin rằng Chúa và tha nhân vẫn
đang nâng đỡ chứ không một ai kết án chúng ta nữa đâu.
Sau cùng, Đức Giê-su đang hiện diện để nâng và vực chúng ta dậy
mỗi khi bị vấp ngã. Hãy áp dụng và làm cho người khác được chỗi dậy như chúng
ta đã được chỗi dậy bởi Chúa. Hãy thương xót, bộc lộ lòng nhân từ và luôn tha
thứ nhau. Đó là cách thức duy nhất mà Chúa mời gọi chúng ta cùng nhau xây dựng
trời mời đất mới ngay trong hoàn cảnh của chúng ta đang sống. Đó cũng là điều
mà thế giới ngày nay đang thiếu hụt và trông chờ. Amen!
No comments:
Post a Comment