Thursday, 28 November 2019

CHÚNG CON SẴN SÀNG RỒI!



Năm phụng vụ 2019 đã khép lại qua việc cử hành trọng thể Lễ Chúa Giê-su Ki-tô, Vua vũ trụ vào Chúa Nhật tuần qua. Song song với việc cử hành các nghi thức phụng vụ của ngày lễ, chúng ta đã hạ quyết tâm đầu phục Vua Giê-su và sẽ làm mọi cách cho vương quyền của Thiên Chúa mau đến, để muôn dân muôn nước quì gối và tôn vinh Người là Chúa, là Vua của mọi tâm hồn.

Thực tế, đó vẫn chỉ là ước mơ. Ngày mà muôn dân qui tụ dưới chân của Vua Tình yêu sẽ đến, nhưng vẫn chưa biết khi nào. Vì thế, chúng ta không ngồi ỳ ra đó mà trông chờ; nhưng là mong đợi với niềm hy vọng bằng chính cuộc sống dấn thân phục vụ và yêu thương để khi nào Người đến chúng ta đã sẵn sàng.

Đó cũng là tinh thần của Mùa vọng. Chuẩn bị sẵn sàng để kỷ niệm việc Chúa đến lần thứ nhất trong Lễ Giáng Sinh và cũng chuẩn bị để gặp Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời mình nữa; để khi Chúa đến lần thứ hai trong quang lâm, chúng ta đã sẵn sàng. Trong tinh thần đó, sứ điệp của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng này nhắc nhở chúng ta hướng về ‘Ngày của Chúa’ đến lần sau cùng. Đây là vấn đề của đức tin. Chúng ta tin Người sẽ đến, còn đến như thế nào thì không ai biết, chỉ mình Thiên Chúa biết thôi.

Vì vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, với kiểu nói minh họa, Thánh sử Mát-thêu đã thuật lại trận lụt kinh hoàng xẩy ra dưới thời ông No-ê. Nhưng ở đây có một chi tiết quan trọng mà chúng ta cần lưu tâm, đó là không có sự phán xét về mặt đạo đức để coi trận lụt như là án phạt mà Thiên Chúa dành cho những người sống cùng thời với ông No-ê. Điều mà bản văn muốn nhấn mạnh là: Cuộc sống của con người vẫn tự nhiên, họ vẫn ăn, vẫn uống, vẫn làm lụng vất vả, sinh hoạt như mọi ngày, chẳng có chi tiết nào nói đến cuộc sống đồi trụy hay sa đọa cả, chẳng có một dấu hiệu nào báo về ngày cùng tận cả. Trong bối cảnh bình thường như thế, cuộc chung thẩm sẽ bất ngờ xẩy ra.

Những câu nói kế tiếp trong bài Tin Mừng sẽ làm cho ngày chung thẩm xẩy ra một cách bất ngờ hơn. Bất ngờ đến độ hai người đang làm việc ngoài đồng thế mà một sẽ được cất đi, người kia bị bỏ lại. Việc này cũng xẩy ra cho hai người phụ nữ đang kéo cối xay trong nhà, một bà được đem đi và bà kia bị rớt lại. Các chi tiết này giúp cho chúng ta nhận ra rằng dù làm việc trong nhà hay ngoài đồng, phán quyết chung thẩm của Thiên Chúa dành cho họ, không lệ thuộc không gian hay thời gian và cũng không dựa trên các hoạt động hay việc làm của họ. Thiên Chúa hoàn toàn tự do làm chủ việc làm của Người. Tuy nhiên, những kẻ được đem đi có thể ám chỉ đến việc họ đã được cứu; bởi vị họ là những người đã tin và can đảm tuyên xưng Đức Chúa là Đấng Cứu Tinh của họ.

Sau đó là hình ảnh kẻ trộm. Kiểu mô tả này hơi khác lạ và khó hình dung. Bởi vì kinh nghiệm bị kẻ trộm đột nhập vào nhà vẫn là một trong các kinh nghiệm đáng sợ. Tôi còn nhớ câu chuyện trộm đột nhập vào nhà mà tôi đã trải nghiệm khi còn ở quê nhà. Vào một ngày nọ, tôi đang chăm chú làm bài tập trên gác, bỗng nghe có tiếng động phát ra từ tầng dưới. Thoạt tiên, tôi nghĩ rằng mẹ đi chợ đã về. Tôi vội vàng leo xuống cầu thang xuống thẳng nhà bếp, nơi vừa phát ra tiếng động. Mẹ đâu chẳng thấy chỉ thấy một người khách không mời mà đến đang đứng đó. Nghe thấy tiếng động, ông ta lao thẳng ra ngoài và biến mất. Tôi khám phá ra ô kính ở của sổ nhà bếp đã bị đập vỡ.

Tuy người khách lạ đó chưa thu hoạch được gì. Nhưng tôi thì khiếp sợ và không dám ở nhà một mình trong một thời gian khá dài. Với cảm nghiệm cá nhân như thế thì ai dám nghĩ đến việc mong kẻ trộm đến. Vì thế, hình ảnh kẻ trộm được dùng ở đây như một kiểu nói có ý nhấn mạnh đến sứ điệp là hãy sẵn sàng vì Chúa sẽ đến vào lúc chúng ta không ngờ nhất.

Thưa anh chị em,

Đó là lời cảnh báo rất thực tế vì không ai trong chúng ta biết ngày và giờ nào Chúa đến cả. Người sẽ đến bất thình lình. Tại chỗ khác, Đức Giê-su khuyên bảo chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Bởi vì, nếu không tỉnh thức và cầu nguyện thì lòng chúng ta sẽ gặp nguy cơ và trở thành chai đá. Rồi những lo âu thái quá trong cuộc sống khiến cho đời sống của chúng ta bị quay như chong chóng và mất phương hướng, hay vì quá bận tâm đến thế trần và vật chất khiến chúng ta quên đi mục tiêu và các ưu tiên trong cuộc sống.

Thái độ sẵn sàng và tỉnh thức là những đức tính cần thiết mà người tín hữu phải luyện tập. Muốn đạt được điều này, chúng ta tỉnh thức bằng cách chu toàn trách nhiệm hiện tại, biết nhận ra những dấu chỉ thời đại, khám phá ra thánh ý Thiên Chúa, kiên tâm phục vụ trong yêu thương, nỗ lực hơn trong các dự án tình thương, những công việc bác ái, ra sức cổ võ cho sự hiệp nhất,  rộng tay đón tiếp và chia sẻ cho những người nghèo đói, hoạn nạn.

Đó chính là chương trình, dự án mà chúng ta cần hành động trong Mùa Vọng này.  Đây là thời kỳ hồng ân. Đó là thời điểm để chúng ta xét mình, làm cho cuộc sống bớt bị ràng buộc và trở thành nhẹ nhàng hơn, tập sống buông bỏ không bị dính bén để cho lòng mình được nhẹ nhàng thanh thản chờ đợi Ngày Chúa đến. Ngày nào cũng là ngày của Chúa. Ngày nào cũng là dịp thuận tiện để Chúa đến. Vì thế, sẵn sàng trong kinh nguyện và việc làm là cách thức chuẩn bị tốt nhất. Qua đó con người gặp Chúa, mà càng gặp lại càng yêu và càng yêu lại càng nhớ và chỉ muốn gặp mãi. Nếu không thực hiện được như thế thì cuộc sống con người giống như cá thiếu nuớc, con người thiếu dưỡng khí.

Như vậy, tỉnh thức và cầu nguyện là khí cụ để con người luôn sẵn sàng gặp Chúa và gặp nhau. Vì thế, đừng ngủ mê nhưng hãy sẵn sàng. Đức Chúa đang đứng ngoài cửa, Người gõ và chờ đợi chúng ta mở cửa đón tiếp Người. Người hằng ước ao được dùng bữa tối với chúng ta. Đó là điều Người mong đợi. Vậy còn chần chờ gì nữa, hãy mở cửa lòng để Chúa ngự đến. Nhất là qua các bữa tiệc tạ ơn, bữa ăn lòng mến, những cuộc gặp gỡ thân tình để làm thế nào mà mọi người đều có thể lớn lên khi gặp được con người thật của nhau trong Chúa.

Ngày nay, như thời của ông No-ê, có biết bao trận hồng thuỷ trong cuộc đời chúng ta và trên thế giới... Và, sống giữa nền văn hóa của sự vô cảm và sợ hãi thì ra đây là cơ hội mà chúng ta phải chộp lấy để thi hành bổn phận và trách nhiệm của người môn đệ. Hãy làm sống lại con người thật của mình, để Thiên Chúa hiện diện và sinh ra trong lòng mọi người. Trong mọi nơi, mọi lúc chúng ta được mời gọi hãy sẵn sàng, vì Thiên Chúa đến để hiện diện trong mọi giây mọi phút của cuộc sống mình và tha nhân. Đây là cơ hội, là dịp thuận tiện để chúng ta nghĩ và thực hiện các điều đó! Đúng thật, tất cả đều là cơ hội để chúng ta chuẩn bị cho Ngày gặp Chúa và anh em, cho đến khi Chúa vinh hiển ngự đến lần sau cùng. Còn hiện nay, trong lúc này, chúng ta hãy nói ‘Ma-ra-na-tha, Lậy Chúa xin hãy đến,’ vì chúng con sẵn sàng rồi. Amen!



Friday, 22 November 2019

THẤT BẠI LÀ MẸ THÀNH CÔNG



Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội chúng ta long trọng mừng lễ Chúa Ki-tô, Vua vũ trụ. Đây cũng là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ 2018. Trong năm qua chúng ta đã chứng kiến bao điều kỳ diệu xẩy đến cho mỗi cá nhân, từng gia đình, cộng đoàn giáo xứ và toàn thế giới. Mỗi giây phút diệu kỳ, từng sự việc xẩy đến trong năm qua đều dẫn chúng ta đến đỉnh điểm của ngày Lễ hôm nay, ngày mà theo ước nguyện, muôn dân muôn nước sẽ đầu phục, quì gối, bái lậy và tuyên xưng Đức Chúa là Vua, Chúa tể của mọi tạo vật, Chúa của mỗi cá nhân và của toàn thể nhân loại này.

Không giống như các chế độ quân chủ, sản sinh ra các vị lãnh đạo độc tài lạm dụng uy quyền đã xuất hiện và biến mất trên thế giới; Chúa Ki-tô Vua chúng ta, với khí cụ hy sinh, tình yêu và phục vụ, sẽ trị vì mãi mãi qua muôn thế hệ. Tuy là như thế, nhưng đây cũng là dịp để chúng ta ngồi xuống mà nhìn lại ý nghĩa điều mà chúng ta tuyên xưng: Đức Giê-su Ki-tô là Vua, là Chúa của chúng ta.

Đâu là vương quốc của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Hẳn anh chị em còn nhớ, sau khi Chúa bị bắt và trao nộp cho quan chức thời đó. Trong cuộc thẩm vấn, quan tổng trấn Phi-la-tô đã hỏi Người rằng: “Ông có phải là vua dân Do thái không?” Trong câu trả lời, dù Đức Giê-su đã không nói trực tiếp đến ngôi vị của Người, nhưng cũng hé mở cho Phi-la-tô và chúng ta biết về vương quyền và vương quốc của Người. Đó không phải là một thể chế thuộc về thế gian này. Và những người thuộc về thế gian này không có quyền gì trên Người. Ngay quyền bính mà quan tổng trấn Phi-la-tô đang hành xử cũng không thuộc về ông nếu Thiên Chúa không ban cho ông ta.

Quả thật, như Lời Chúa đã phán: “Nước Ta không thuộc về chốn này.” Toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu chứng thực rằng Nước của Người chắc chắn không thuộc về thế giới này. Vương quyền của Chúa không phải là một cái bẫy quyền lực, uy nghi hay sự giàu có như các vua chúa trần gian ra sức dùng mọi cách để chiếm giữ và bảo vệ cho bằng được dù phải hy sinh những kẻ thuộc về họ. Đức Giê-su cũng kiên quyết loại bỏ mọi phương thức bạo lực và lạm dụng quyền bính như các vua chúa thế trần đã thực hiện.

Không giống như các cuộc lên ngôi của vua chúa trần gian, Đức Giê-su đã đăng quang vương vị bằng cái chết trên Thập Giá, đó chính là đỉnh cao sứ vụ mà Đức Giê-su đem đến để bộc lộ tình yêu của Người dành cho toàn dân. Cái chết thảm thương của Đức Giê-su dưới bàn tay của những kẻ đô hộ khiến chúng ta không thể nào tin Người thuộc về dòng dõi của bậc đế vương, hậu duệ của vua Đa-vít. Ngoài ra, Đức Giê-su đã chết như một tội nhân thì làm sao Người có thể giải phóng Ít-ra-en ra khỏi ách nô lệ của đế quốc Ro-ma được.

Và, trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Lu-ca đã mô tả thật xuất sắc về việc lên ngôi của Đức Giê-su, vua tình yêu. Người không đăng quang như các vị vua chúa trần gian, mà bị ‘treo lên’ giữa hai tên gian phi. Đây là câu chuyện bị đóng đinh. Quyền lực của sự dữ được biểu lộ qua việc lên án Đức Giê-su của hàng ngũ lãnh đạo về phần đời cũng như trong đạo. Nhưng, trong bối cảnh mà người ta tưởng như là đã thắng trận và Đức Giê-su là kẻ bại trận, thì Người lại chính thức được công bố là vua dân Do Thái.

Hành động sai trái của những kẻ cầm quyền để kết tội Đức Giê-su lại có tác dụng làm cho chương trình của Thiên Chúa được hoàn thành. Những người tự nhận mình là đạo gốc không nhìn ra. Trong khi đó, những kẻ bị liệt vào hàng tội nhân, nhận ra sự vô tội của Đức Chúa rồi van xin Người thương xót thì được cứu độ. Chính trong giây phút đó, Đức Giê-su đã dùng vương quyền mà ban ân sủng cho anh được trở nên thành viên trong Nước của Người. ‘Hôm nay’ không phải ngày mai. Ngay bây giờ, ngay lúc này anh đuợc ở trên thiên đàng với Chúa. Thiên đàng ở đây không phải là nơi chốn, nhưng là tình trạng hiệp nhất hòan hảo giữa Chúa và anh. Anh đã đạt đuợc cảnh giới hiệp thông này qua việc anh nhận ra sự hèn yếu của bản thân mà nuơng tựa trọn vẹn vào Chúa. Trong mối dây hiệp nhất, anh lĩnh nhận ơn tha thứ trong ngày lập quốc của Vua Giê-su.

Vậy, chuyện mà chúng ta cần nói với nhau là Đức Giê-su là vua như thế nào?
Các tín hữu tiên khởi đã nhìn nhận và gọi Đức Giê-su là vua, là Chúa của họ và tin rằng vương quốc mà Người đã thiết lập hoàn toàn khác với các thể chế của trần gian. Đó là sự hoàn thành lời hứa của Thiên Chúa với Đa-vít. Chúa Giê-su là vua, là người lãnh đạo và duy nhất chỉ mình Người mới biết cách chỉ cho họ con đường đến và về với Chúa Cha. Đức Giê-su đã không dùng các giải pháp chính trị hay quân sự như vua Đa-vít để thống nhất đất nước, mà là tình yêu và sự chết.

Tình yêu của Vua Giê-su được diễn tả qua việc hiến dâng trên Thập Giá là đích điểm của các lời dậy bảo của Chúa, đã được chia sẻ trong các bài giảng của Người, đó là sự rộng lượng, tấm lòng quảng đại, ơn tha thứ, lòng quan tâm chăm sóc người nghèo, chữa lành bệnh tật cho kẻ bị đau ốm và kêu gọi những người tội lỗi ăn năn. Người không chỉ ban một học thuyết, cho dù học thuyết về tình yêu; nhưng Người đã khai mở con đường yêu thương. Con đường hay lối sống yêu thương này đã xuất phát từ kinh nghiệm mà Đức Giê-su đã trải nghiệm với Cha của Người, và bất cứ ai tin và sống theo Tin Mừng của Đức Giê-su đã rao giảng đều có một trải nghiệm giống như thế. Đây là điều khiến nhiều Kitô hữu sơ khai tin rằng Chúa Giê-su thực sự là vị vua được mong đợi từ lâu của họ. Chúa Giê-su, vua chiến thắng đã dẫn chúng ta, không đi đến một chiến thắng trần thế thoáng qua mà là vinh quang của cuộc sống vĩnh cửu.

Chúa Giê-su chết để nói lên tinh thần vâng phục của Người đối với Chúa Cha. Đây cũng là lúc Người làm chứng cho nhân loại biết rằng Người yêu thương và tín nhiệm Cha đến dường nào. Người ta lầm tưởng là Chúa đã thua cuộc; nhưng ngược lại, qua mầu nhiệm Thập Giá, Đức Giê-su đã bộc lộ lòng tín thác vô song vào Thiên Chúa khi dám hứa ban Nước của Người cho người có lòng hối cải đang chịu đóng đinh chung với Người.

Đức Giê-su đã không chịu lùi bước, Người đã chiến đấu. Tuy vậy, trước mắt họ hình như Đức Giê-su là người thua cuộc, thất bại. Nhưng, qua sự vâng phục Thiên Chúa đã siêu tôn Người. Đức Giê-su đã được Chúa Cha tôn vinh là Vua, là Chúa của muôn dân muôn nuớc. Qua tấm lòng hiếu kính và vâng phục, Người đã sửa lại những lỗi lầm để ban ơn cứu độ, không chỉ cho tên gian phi, mà cho toàn thể nhân loại, trong đó có anh, có chị và mỗi người chúng ta.

Như vậy, khi chúng ta tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là vua là Chúa là lúc chúng ta đầu phục Người. Thật vậy, vinh dự và trách nhiệm tham gia vào công cuộc mở mang Nước Thiên Chúa đã được trao ban ngay lúc chúng ta lĩnh nhận bí tích Thánh Tẩy, để làm con Chúa. Vì thế, hãy chọn Đức Kitô là Vua, là Chúa và bước đi theo Người, vì chỉ nhờ Người, với Người và trong Người chúng ta sẽ tìm được sự sống viên mãn. Muốn được như vậy, chúng ta cần tựa vào Chúa. Người chính là nguồn năng lực duy nhất giúp chúng ta tiếp tục sống và làm chứng cho thế giới nhận ra Chúa là Vua trên hết các vua, là Chúa trên hết các chúa. Amen!

                                                                                    Kogarah 14.11.2019





Thursday, 14 November 2019

SẴN SÀNG CHỜ CHÚA



Mới hôm nào mà nay tôi đã được xếp vào hạng U70. Nhìn vào con số bẩy mươi mà run sợ, thế mà tôi vẫn thấy mình cứ như là một đứa trẻ và nghiệm lại thấy mình vẫn chưa làm được gì hết! Sau tuổi sáu mươi đã được coi như là hưởng thọ; vì thế tôi tự xếp mình vào loại già, nhưng nếu so với các thành viên khác trong cộng đoàn tôi đang sống, thì mình vẫn là người trẻ nhất.

Già rồi nên thích ôn lại chuyện cũ, cho dù trong quá khứ đã xẩy ra quá nhiều chuyện mà tôi chỉ muốn được quên đi cho yên bình. Nhưng nếu nhìn về tương lai thì thấy gì? Phải chăng là những tháng ngày trong nhà dưỡng lão hay bịnh viện và sau cùng là nghĩa trang đang chờ đón mình. Bi quan quá! Nhưng đó là thực tế mà chắc hẳn tôi chạy đâu cũng không thoát. Các vị trưởng thượng đã từ từ rủ nhau ra đi, bạn bè cũng đã lên đường, mình không có lý do gì để tháo lui hay trốn chạy.

Chuyện cũ muốn ôn lại hôm nay cũng không phải của tôi. Đó là những mẩu tâm tình mà tôi đã nghe từ các bậc tiền bối kể lại. Với hiệp định Geneva, chia đôi chiến tuyến và đặt Việt Nam thành 2 miền Nam và Bắc. Bố mẹ tôi theo đoàn người ra đi vào miền Nam. Các cụ ra đi với tâm trạng mong chờ ngày hồi hương. Đi đâu cũng chỉ mong về nhà. Thế mà, thêm một lần ra đi nữa mà ngôi nhà ở miền Bắc của các cụ vẫn chỉ là những ký ức trong lòng và là ước mơ không thành tựu.  

Thay vào đó là ngôi nhà vĩnh cửu. Niềm hạnh phúc được ở trong nhà Cha đã thuộc về các cụ và những anh em đi trước. Họ ra đi với trọn vẹn niềm tin vào Đấng đã ban cho họ niềm hy vọng là họ không chết nữa, sự chết không thể làm chủ và vây hãm được các ngài. Các ngài đã tin rằng Thiên Chúa đã săn sóc họ khi còn sống, thì không có lý do gì mà Thiên Chúa lại bỏ rơi khi họ đã về nhà, tổ ấm của yêu thương, bình an, hoan lạc và niềm vui, nơi đó sẽ không còn hận thù và đau khổ, không còn phân ly và xa cách, không còn thời gian và nơi chốn chỉ có trường cửu và vĩnh hằng. Họ được bao phủ bởi yêu thương và hiệp nhất.

Ngày cùng tận của đời người như thế thì có gì đáng sợ đâu.

Ngày cùng tận sẽ đến với từng người. Không ai tránh thoát. Nhưng, đó không phải là chủ đề chính mà Phụng vụ Lời Chúa nhắm đến hôm nay. Trong những ngày này, phụng vụ Lời Chúa hướng về sự cùng tận của thế giới, ngày mà con người thường gọi là ngày tận thế.

Chúng ta không nên bàn luận hay tiên đoán khi nào ngày đó sẽ đến. Tuy nhiên, mỗi khi thấy những biến cố hay các tai ương xẩy ra trên thế giới như: động đất, lũ lụt, chiến tranh thì không thiếu những người tín hữu vội vàng chạy theo các lời tiên đoán và ám chỉ các biến cố đó là các dấu hiệu báo trước ngày tận thế sắp xẩy ra.

Các lối suy đoán như thế đã từng xẩy ra trong lịch sử. Mỗi một giai đoạn người ta lại có các kiểu đoán khác nhau. Và chưa ai tiên đoán đúng cả. Quả đúng như Lời Chúa nói hôm nay rằng hãy coi chừng các tiên tri giả. Và, chúng ta hãy nhớ tại một chỗ khác Chúa đã xác định thật rõ ràng như sau: “Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi”. Đó là việc của Thiên Chúa. Chính vì thế, những gì mà Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta chuẩn bị sống tốt ngay lúc này. Còn khi nào Chúa đến thì để Chúa lo.

Thưa anh chị em,

Khi Thánh Lu-ca viết diễn từ quang lâm, và bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe là một phần của diễn từ, thì các tín hữu sơ khai đã chứng kiến cảnh đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Họ tin rằng đền thờ là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, trung tâm sinh hoạt tôn giáo, mà nay đã thành bình địa thì còn hy vọng gì nữa. Để hỗ trợ cho lối suy nghĩ này, chúng ta thử tưởng tượng rằng nếu một ngày nào đó Đế Đô Vatican bị sụp đổ thì niềm tin của những người tín hữu nhiệt thành và dựa vào truyền thống sẽ bị lung lay đến độ nào?

Quả thật, biến cố kinh hoàng này đã khiến cho niềm tin của các tín hữu tiên khởi bị lung lay đến tận xương tủy. Thiên Chúa ở đâu? Tại sao Ngài không can thiệp để bảo vệ đền thờ và bộc lộ lòng quan tâm của Ngài dành cho dân mà Ngài đã tuyển chọn? Phải chăng, đây là thời gian hay ngày của Chúa? Họ phải làm gì để đón đợi ngày này đây? Và có khi nào đó là những dấu hiệu báo cho chúng ta biết ngày đó sắp xảy ra chăng?

Diễn từ quang lâm mà Thánh Lu-ca trình bầy hôm nay như là một lời nhắc cho chúng ta nhớ rằng việc đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá được Đức Giê-su dự đoán đã xẩy ra. Đó không phải là dấu hiệu tiên báo ngày chung cục cho bằng do bàn tay của con người đã phá hủy nó. Chúng ta hãy nhớ rằng Nước Thiên Chúa được thiết lập nơi bản thân và sứ vụ của Đức Giê-su chứ không bị lệ thuộc bởi việc xây dựng các cơ sở vật chất do bàn tay con người đóng góp.

Bên cạnh đó, Đức Giê-su còn nói cho những kẻ theo Người biết rằng không chỉ có đền thờ đã bị tàn phá mà sẽ còn nhiều tai ương và hoạn nạn xẩy đến cho thế giới này nữa... Một thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, bạo động, chiến tranh, khủng bố, các tai ương như thiên tai, động đất và lũ lụt vẫn xẩy ra.

Cho dù tất cả các biến cố nói trên và các hiện tượng kinh hoàng khác ập xuống trên mặt đất cũng không làm chúng ta phải hoảng sợ. Đức Giê-su đã quả quyết rằng những sự việc đó sẽ xẩy ra trước, nhưng đó cũng không phải là các điềm báo nói về ngày chung cục đâu.

Ngoài ra, các người theo Chúa còn bị bách hại, bị ngược đãi và bị giam cầm, thậm chí còn bị những người thân trong gia đình bắt nộp. Nhưng, tất cả các điều đó không làm cho chúng ta phải hoang mang hay lo sợ; trái lại chúng ta hãy xử dụng các hoàn cảnh ngặt nghèo như là những cơ hội để loan báo Tin Mừng cho những ai đang có lối sống thù địch với Tin Mừng.

Sống trong tư thế của kẻ đã sẵn sàng trong hoạt động để loan báo Tin Mừng là thái độ sống tích cực của người tín hữu đã sẵn sàng đón chào Chúa. Quả thật, chúng ta được mời gọi để đón nhận mọi biến cố xẩy đến trên thế giới này bằng một niềm hy vọng. Chúng ta được mời gọi trung kiên với Chúa và tìm mọi cơ hội để làm chứng nhân cho niềm tin và niềm trung kiên của chúng ta giữa lòng thế giới mà chúng ta đang sống. Tất cả là bối cảnh mà chúng ta được mời gọi để làm chứng cho Đức Ki-tô giữa lòng thế giới và ngay ở trong lòng của những kẻ thù địch với mình.

Như vậy, việc Thiên Chúa đến trễ hay đến sớm không phải là việc mà chúng ta cần quan tâm hay lo lắng. Tất cả mọi biến cố đều nằm trong kế hoạch yêu thương của Người. Đức Giê-su muốn chúng ta có nhiều thời gian để chuẩn bị cho thật tốt, nhất là biết dùng thời gian đang sống để công bố cho mọi người biết về Tin Mừng của Thiên Chúa.

Vì thế, hãy kiên tâm vì mạng sống của chúng ta đã được Thiên Chúa coi sóc. Hãy một lòng tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa là chăm sóc cho chúng ta. Và, với sức mạnh của lời Chúa hứa, chúng ta hiên ngang dấn bước theo Người và để lại mọi sự, kể cả ngày sau cùng, cho Người lo liệu. Tạ ơn Chúa. Amen!





Thursday, 7 November 2019

TẤT CẢ VẪN ĐANG SỐNG.




Truyện kể rằng có linh mục kia đang trông coi một giáo xứ miền quê. Vào một buổi chiều nọ, ông trùm quản xứ vào gặp ngài. Hai cha con ngồi nói chuyện dưới mái hiên của nhà xứ. Bỗng nhiên, với vẻ trang trọng ông thưa với cha rằng: “Thưa cha, trong suốt 30 năm qua, không ngày nào mà vợ chồng con không cãi cọ nhau.” Nghe đến đó, cha lùi lại phía sau, nhìn thẳng vào mắt ông trùm và với vẻ ngạc nhiên cha hỏi: “Mỗi ngày sao?” “Thưa cha, mỗi ngày” ông đáp. Vậy hôm nay thì sao? Ông trùm trả lời: “Dạ thưa cha, sáng nay cũng thế, cô ta quàng tay sang phía con, tung mền và lôi con bò dậy rồi lớn tiếng quát “ông không dậy ra khỏi giường mà lo việc, cứ nằm đó mà nướng.” Thế là lời qua tiếng lại, cuối cùng con vẫn là người chịu thua và im đi cho yên chuyện.

Trong cuộc sống gia đình anh chị em thường xuyên gặp phải hoàn cảnh thực tế nói trên. Không tranh luận, không cãi vã, không có lời qua tiếng lại thì không phải là sinh hoạt vợ chồng, thế mà anh chị vẫn cứ trung thành sống bên nhau. Cuối cùng cả vợ lẫn chồng đều nhận ra một thực tế mà cha ông chúng ta đã trải nghiệm, đó là: “Càng yêu nhau lắm, càng cắn nhau đau.”

Những cuộc cãi vã thường xuyên xẩy ra trong đời sống vợ chồng thế nào thì mấy ông lãnh đạo thời Đức Giê-su cũng thế. Mỗi khi các ông Pha-ri-sêu và các vị thuộc nhóm Xa-đốc gặp nhau là cơ hội họ tranh luận về đề tài kẻ chết sống lại này. Hầu như không có lối thoát. Phe nào cũng muốn phần thắng lợi thuộc về họ. Không ai chịu thua ai.

Ngoài việc căn cứ vào Lời Chúa phán trong các sách ngũ thư và truyền thống ngôn sứ, mấy ông Pha-ri-sêu còn dựa vào hoàn cảnh thực tế mà dân đang phải gánh chịu, như cảnh những người công chính, ăn ngay ở lành thì bị bách hại, trong khi đó những tay gian ác, ăng ten và làm tay sai cho chính quyền lại phát tài và ăn nên làm ra. Từ đó họ mới suy luận và cho rằng Thiên Chúa công minh sẽ can thiệp vào thời sau hết và không để cho xã hội mãi như thế. Họ không chết trong các nỗi bất hạnh. Chắc chắn có sự sống đời sau. Lúc đó, Thiên Chúa sẽ làm cho kẻ chết sống lại, ban thưởng cho bậc chính nhân và phạt kẻ ác. Với suy tư thần học này, rất đông dân chúng đang sống trong cảnh bị bách hại, theo phe họ.

Trong khi đó, hầu hết các vị Thượng Tế là những người thuộc nhóm Xa- đốc chủ trương không có chuyện kẻ chết sống lại. Bởi vì họ đang thụ hưởng một cuộc sống quá sung túc. Thế giới mà họ đang sống đã là Thiên Đàng rồi, đâu cần một thế giới khác nữa. Giữa họ và người Pha-ri-sêu luôn luôn bất đồng với nhau về việc này.

Vẫn biết rằng, Đức Giê-su đã trở thành mối đe dọa cho vị trí và quyền lợi của những người Pha-ri-sêu và nhóm Xa đốc, cho nên họ luôn tìm cách để nộp Người. Họ luân phiên nhau chất vấn Đức Giê-su và hôm nay đến phiên nhóm Xa-đốc. Câu hỏi về số phận con người sau khi chết chỉ là một cái bẫy mà nhóm Xa-đốc dùng để gài Chúa. Họ không trực tiếp hỏi về cuộc sống sau khi chết, cho bằng dựng nên một câu chuyện, tuy hơi hoang đường với chúng ta, nhưng phản ảnh nền văn hóa và hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ. Họ dựa vào khoản luật trong sách Đệ Nhị Luật, chương 25:5-6 để chất vấn Chúa. Điều luật đó như sau, nếu người anh chết mà không có con nối dõi tông đường thì người em phải lấy chị dâu, nay đã góa chồng, làm vợ và đứa con đầu lòng cô ta sinh ra sẽ mang tên của ông anh đã chết. Khoản luật này xem ra không hợp với văn hóa của chúng ta ngày nay, nhưng lại là điều tốt vì có như thế thì người phụ nữ bị góa chồng đó mới được bảo vệ, ít nhất cô ta còn có con cái phụng dưỡng khi về già.

Những người thuộc nhóm Xa-đốc đưa ra câu chuyện của một người đàn bà đã trải qua bẩy đời chồng mà họ là anh em với nhau trong một gia đình. Theo luật Mô-sê thì bà đã làm đúng. Cho dù, những người thuộc nhóm Xa-đốc không tin vào sự sống đời sau; nhưng ở đây họ giả định là nếu có sự sống đời sau thì bà này sẽ là vợ ai? Vì bà đã là vợ của cả bẩy anh em! Điểm then chốt mà họ đưa ra ở đây không phải để tìm hiểu giáo lý, nhưng để bắt bí Đức Giê-su. Nếu Người cũng chủ trương có sự sống đời sau thì Người phải đối diện với một tình huống thật khó xử chưa kể là phi lý nữa. Đức Giê-su lại một lần nữa bị đặt vào hoàn cảnh dường như không lối thoát. Người sẽ hành xử ra sao trong lúc đối tượng chỉ là những người chống đối và gây khó khăn cho Người?

Dù biết được thâm ý của họ như thế nhưng Đức Giê-su vẫn kiên nhẫn trong cách hành xử để đáp trả vấn nạn mà họ nêu ra. Người không chỉ nói lên quan niệm của Người về sự sống lại mà còn giải thích cho họ biết về quan niệm của Người. Chúng ta có thể tóm tắt lời Người giảng dậy như sau:

·        Điểm quan trọng trước hết là có sự khác biệt giữa sự sống đời này và sự sống đời sau. Cuộc sống với Thiên Chúa trong thời sau khi chết thì khác hẳn với sự sống hiện tại. Khác như thế nào không được nói rõ, nhưng hẳn nhiên không phải là một sự tiếp nối của cuộc sống hiện tại.

·        Điều thứ hai là không có việc lấy vợ gả chồng trong thời đại đó.
·        Điểm thứ ba là họ không thể chết nữa vì họ đang sống đời đời.
·        Sau cùng, những ai đã được cứu độ thì sẽ có lối sống giống như các thiên thần, chầu chực và ca tụng Thiên Chúa.

Sau đó, Đức Giê-su còn trích dẫn lời tuyên xưng của Mô-sê, khi ông gọi Đức Chúa hiện vẫn là Thiên Chúa của các tổ phụ: Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Người còn khẳng định rằng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là người sống, vì đối với Thiên Chúa, tất cả vẫn đang sống.

Cho dù bản văn phụng vụ hôm nay không đề cập đến phản ứng và lời đáp trả của một số kinh sư, đa số thuộc về nhóm Pha-ri-sêu. Nhưng nếu chúng ta đọc tiếp thì sẽ thấy mấy ông kinh sư, ít khi đồng ý và tán thưởng hành động của Đức Giê-su, thế mà hôm nay lại đứng về phía Người qua lời ca tụng sau đây: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” Và không có người nào dám chất vấn Người nữa.

Chúng ta cũng thế, câu hỏi về sự sống đời sau không phải để thảo luận, bàn cãi hay tranh luận. Đó là vấn đề của đức tin và cũng là một điều bí ẩn. Nó hàm chứa một niềm hy vọng, một thách đố, một kiếm tìm và một lòng tin tưởng đầy hứa hẹn ở tương lai. Khi sinh ra, chúng ta đã bước vào cuộc hành trình của sự sống vĩnh cửu. Lời hứa của cuộc sống đời sau đó giúp chúng ta đối diện với các khó khăn cũng như nghịch cảnh của cuộc sống này như những con người không để cho sự chết đánh gục. Tuy nhiên, trước các nghịch cảnh trong cuộc sống, chúng ta sẽ buồn phiền, thậm chí thất vọng, nhưng không tuyệt vọng bởi vì chúng ta tin rằng cuộc sống mới sẽ đến. Chúng ta tin rằng có một thực tại tuyệt vời hơn đang chờ đợi chúng ta ở tương lai.

Chúng ta yên tâm về Thiên Đàng, chính nhờ niềm tin này mà chúng ta sẽ sống khác với những ai chỉ thấy thiên đàng tại thế. Chúng ta sẽ sống vì Chúa. Chúng ta sẽ đáp lại tình thương của Người bằng toàn bộ cuộc sống này. Nói khác đi, cuộc sống vĩnh cửu không phải là quà tặng ban cho tôi khi tôi đã về già; nhưng nó đã được khởi động trong ngày tôi lĩnh nhận bí tích Thánh Tẩy để làm Con Chúa của tôi.

Thật đúng như lời Đức Giê-su đã khẳng định Người là Thiên Chúa của kẻ sống. Đối với Người thì tất cả đều đang sống. Hy vọng Lời Chúa nói hôm nay đem đến cho chúng ta sự bình an, niềm vui và hy vọng ngay bây giờ và mãi mãi sau này nữa.

Thưa anh chị em,

Trong niềm tin và hy vọng vào cuộc sống đời sau đã được hứa ban, nhất là trong tháng các linh hồn năm nay, chúng ta xác tín về số phận của những người thân. Họ đã bước qua ngưỡng cửa, mà chúng ta gọi là sự chết để bước vào nước hằng sống. Quí ngài đang sống gần Chúa hơn chúng ta, các ngài đang nghỉ yên để thụ hưởng tình yêu và sự hiệp thông - cho dù chưa trọn vẹn – với Chúa.

Niềm xác tín như thế được đặt trên căn bản của niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng giầu lòng xót thương, chậm bất bình và không kể tội của con mình. Hãy xem cách mà Thiên Chúa đã hành xử với Da-kêu và người con thứ. Cả hai người khi trở về nhà có người nào bị hạch tội hay phải nhắc lại quá khứ của mình hay chăng, ngược lại họ còn được trọng thưởng và mở tiệc mừng ăn khao.

Quả thật, nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã săn sóc chúng ta khi còn sống, thì chắc chắn Ngài còn săn sóc và thương yêu chúng ta nhiều hơn nữa khi chúng ta bước về nhà Cha. Trong nhà Cha, con người chuyển sang vũ trụ khác, một trạng thái sống không còn đau khổ, không còn hận thù; nhưng chỉ có bình an, hoan lạc và niềm vui. Tất cả đều ở trong tình trạng vĩnh cửu. Con người được thu hút vào vũ trụ tràn đầy tình thương của Thiên Chúa và biết rõ rằng Thiên Chúa biết và yêu thương họ.

Như vậy việc cầu nguyện cho nhau có cần thiết hay không?

Dạ thưa, cần và rất khẩn thiết. Tuy nhiên chúng ta không đến ngôi mộ để tìm và cầu cho người chết. Họ đang sống. Vì thế, việc cầu nguyện của chúng ta không nhằm mục tiêu đánh thức Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn thương yêu và lo lắng cho mọi người, Người không muốn cho bất cứ ai bị hư đi. Như vậy, việc cầu nguyện và tưởng nhớ đến những người thân hay mọi người đã lìa cõi thế của chúng ta nói lên sự yêu thương, nhớ nhung của chúng ta với các ngài.

Qua việc cầu nguyện, chúng ta minh chứng rằng thân nhân của chúng ta không chết. Sự chết không làm đứt đoạn hay tiêu hủy mọi mối dây tương quan mà chúng ta đã thiết lập và xây dựng. Bởi vì, các mối tương quan đó được đặt trên nền tảng của sự yêu thương trong Chúa. Chính vì sức mạnh của tình yêu giúp chúng ta xác tín rằng cho dù thân nhân của chúng ta đã lìa cõi thế về mặt thể lý, nhưng sự hiện diện của họ tồn tại vĩnh viễn trong lòng yêu thương và sự tưởng nhớ của chúng ta.
Vì, Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Đối với Người thì tất cả đều đang sống, không còn ai chết nữa. Đây là niềm hy vọng mà chúng ta dùng để an ủi, nâng đỡ và cầu nguyện cho nhau. Amen!



Friday, 1 November 2019

HÃY ĐẶT LẠI ĐÚNG VỊ TRÍ



Hẳn anh chị em vẫn còn nhớ, Tin Mừng không phải là một lý tưởng huyền thoại mà chất chứa một sứ điệp chất vấn và đòi buộc chúng ta phải thay đổi. Nếu chưa được biến đổi thì Tin Mừng vẫn chỉ là những bản văn chết và không có ảnh hưởng gì trên cuộc sống của chúng ta.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc biến đổi của ông Da-kêu, trưởng ban thu thuế. Câu chuyện này nối tiếp với bài Phúc âm tuần trước. Trong đó, thánh sử đã trình bầy về cử chỉ và hành động của hai người, Pha-ri-siêu và thu thuế, trong đền thờ; còn hôm nay là cuộc gặp gỡ của Đức Giê-su và ông Da-kêu, trưởng ban thu thuế.

Trong xã hội Do Thái dưới thời Đức Giê-su thì những người thu thuế được coi như là những nhận vật nguy hiểm và bị dân chúng thù ghét. Họ là những người cộng tác với đế quốc Rô-ma, một thể chế đang thống trị và đàn áp dân Do Thái lúc bấy giờ. Họ có một đội ngũ tay sai, điềm chỉ viên, chuyên săn tin và báo cáo cho họ biết ai đã thu hoạch được một vụ mùa bội thu hay ai đã kiếm được một khoản lợi nhuận qua việc trao đổi và buôn bán trên thị trường. Sau đó, những người thu thuế sẽ xuất hiện để đòi chia lợi nhuận dựa trên tỷ lệ phần trăm.

Thậm chí, chính quyền Rô-ma còn cho phép họ đánh thuế bằng hiện vật từ những người nghèo, không có tiền đóng thuế. Có nghĩa là, họ có quyền bắt giữ con cái của các gia đình thiếu thuế làm nô lệ cho họ.

Với phương thức như thế, những người thu thuế dù liêm khiết và thành thật đến mức độ nào cũng trở nên giàu có và bị dân chúng thù ghét. Cụm từ địa chủ hay cường hào ác bá, sống trên xương máu của nhân dân cũng chưa đủ nghĩa để nói lên công việc của những người thu thuế.

Những người Do Thái không chỉ thù ghét họ mà còn tránh né và không bao giờ tiếp xúc nói chi đến việc đưa ra lời mời gợi ý giúp họ thay đổi. Và cũng chỉ vì bị cô lập và bị đối xử tách biệt như thế cho nên những người thu thuế chỉ biết dùng đủ mọi cách thức để tiếp tục làm giầu và vui thích với ý nghĩ của những kẻ có quyền lực bằng sự giầu có mà họ đã tích lũy được.

Trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, chúng ta khám phá rằng không chỉ một lần mà rất nhiều lần các nhân viên thu thuế đã xuất hiện để nghe Thánh Gioan tiền hô và Đức Giê-su rao giảng. Và trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra bản chất và sức mạnh của Đức Giê-su mang đến. Người cảm nhận và kinh nghiệm rằng tình yêu của Thiên Chúa không loại trừ một ai và được thể hiện tại bất cứ nơi nào.

Người lại một lần nữa hoán đổi ngôi vị, từ khách ra chủ. Da-kêu có thể vì tò mò nên ông đã chủ động trong việc tìm kiếm để xem Đức Giê-su mà người ta đang bàn tán là ai. Nhưng khi nhìn thấy ông đang ngồi ở trên cây thì Đức Giê-su đã đi bước trước, không bộc lộ một cử chỉ nào để đáp lại Da-kêu, mà Người đã chủ động tự mời mình đến lưu ngụ tại nhà Da-kêu và Da- kêu đã được biến đổi sau khi nhận lời mời của Người.

Cuộc biến đổi trước tiên đã được mô tả thật rõ ràng qua cử chỉ và việc làm của ông. Ông vội vàng tụt xuống, vui mừng đón tiếp Chúa đến nhà ông. Trong khi đó, đám đông lại bị sốc vì hành động của Đức Giê-su. Người không đứng về phía nhân dân nữa mà lại làm bạn với bọn hút máu mủ của dân chúng. Nhưng điều mà Đức Giê-su quan tâm hôm nay là Da-kêu, một con người bị ruồng bỏ hơn là việc luật lệ hay truyền thống bị xúc phạm. Công việc thu thuế của Da-kêu tuy xấu thật; nhưng con người của Da-kêu, cũng như mọi người chưa hẳn là xấu. Sự thiện hảo và lòng tốt vẫn còn trong ông, nó chưa hẳn bị tê liệt hoàn toàn, cần được hâm nóng và làm cho chỗi dậy.

Khi bước chân vào nhà Da-kêu, Đức Giê-su đã trả lại cho ông phẩm giá của một con người có thể bị đánh mất vì chức nghiệp. Người phục hồi hình ảnh tốt trong ông, Người kéo ông ra khỏi môi trường đã giam cầm ông. Nguyên tắc căn bản mà Đức Giê-su thường xuyên áp dụng, đặc biệt cho hoàn cảnh của Da-kêu hôm nay là giúp ông nhận ra sự quảng đại của Thiên Chúa, Đấng hòa hợp với lòng tốt đang tiềm ẩn trong ông. Da-kêu sẽ không thể thay đổi nếu ông không nhận ra bản tính lương thiện vẫn hiện diện trong ông. Ông đã được hâm nóng và đốt cháy bởi ngọn lửa yêu thương, lòng nhiệt thành và tâm hồn quảng đại của Đức Giê-su.

Có một điểm quan trọng mà chúng ta cần lưu ý ở đây mà áp dụng, đó là phải chú ý đến cách mà Đức Giê-su đã làm. Người không đưa ra yêu cầu hay một việc đền tội nào cho Da-kêu cả. Người tạo cơ hội và không gian để Da-kêu tự do chọn lựa cách thức mà ông muốn chuyển hướng cuộc sống của ông.

Thật không may, phản ứng của chúng ta thì giống như đám đông cùng thời với Đức Giê-su. Chúng ta có thói quen chôn và giam giữ người khác chung với những sai lầm trong quá khứ của họ. Chúng ta lại thường xuyên học theo lối lên án và kết tội người khác hơn là tạo cơ hội giúp cho họ khẳng định các mặt tích cực trong cuộc sống của họ. Tầm nhìn của Đức Giê-su thì rộng và xa hơn những gì mà chúng ta có thể nhìn thấy. Người không nhìn Da-kêu là kẻ tội lỗi, mà luôn coi ông là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham, cũng được thừa hưởng một nguồn ơn cứu thoát.

            Như vậy, qua cuộc gặp gỡ của Đức Giê-su với ông Da-kêu, Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta nhận ra một chân lý lạ lùng này, đó là Người đến để mời gọi con người đặt lại đúng chỗ những gì đã bị mất hay đã hư đi. Da-kêu đã được gặp Chúa và cuộc gặp gỡ này đã đổi mới cuộc đời ông. Trong hành trình đổi mới này, Da-kêu trước tiên đã công khai sửa chữa những việc làm sai trái của ông. Thay vì chạy theo tiền bạc, danh vọng, chức vụ rồi chỉ lo đến mình… bây giờ ông theo Chúa và lo cho người khác, nhất là người nghèo rồi đền bù các thiệt hại do ông gây ra.

Liệu chúng ta đã thực sự gặp Chúa để được đổi mới hay chưa?

Dù cuộc đời chúng ta vẫn gắn liền với sự mỏng dòn, yếu đuối của thân phận làm người và thường xuyên phạm tội; nhưng đó cũng chỉ là điều để chúng ta biết rằng chúng ta vẫn là con người, vẫn đang đi trên đường, nhắm đích mà tiến bước. Chúng ta chưa hoàn hảo. Nhưng đừng vội thất vọng. Chúa vẫn đang ngước mắt tìm và nhìn thấu ta. Còn ta thì hãy bước ra khỏi chính mình (leo lên cây) để nhìn sự thiện hảo của Thiên Chúa nơi mình; hành động với lòng yêu mến chân thành mà Chúa đã đặt trong mình; rồi mở rộng vòng tay chào đón nhau trong Chúa. Amen!