Tuesday, 6 October 2020

SỰ CÓ MẶT LÀ QUÀ TẶNG CHO NHAU


Thưa anh chị em,

Có một điều mà chúng ta nên đồng ý với nhau, đó là lối kể truyện của Đức Giê-su thật đặc biệt. Các câu chuyện Người kể trong các dụ ngôn có sức mạnh khiến chúng ta phải suy nghĩ, chấp nhận thách đố và thay đổi. Như trong dụ ngôn ‘hai người con’, sau khi nghe xong, chúng ta phải chọn lối sống, xin vâng và sống điều xin vâng đó trong suốt cuộc đời. Rồi đến dụ ngôn ‘những người làm công sát nhân’, Đức Giê-su nhắc nhở cho chúng ta nhớ lại bổn phận của mình, chỉ là những người làm công trong vườn nho mà Thiên Chúa mới là chủ nhân, chúng ta không được phép tiếm quyền. Hôm nay, trong dụ ngôn tiệc cưới, Đức Giê-su cũng đưa ra sứ điệp thách đố và lời mời gọi chúng ta thay đổi lối sống hơn là những lời trấn an.

Vì thế, chúng ta đừng tìm hiểu và đọc các câu chuyện trong các dụ ngôn theo nghĩa đen mà phải tìm ra chân lý mà dụ ngôn ẩn chứa để thay đổi cách sống sao cho phù hợp với sự mới mẻ mà Đức Giê-su muốn dậy bảo.

Trước tiên chúng ta hãy tưởng tượng.

Anh hay chị đã bao giờ nhận được lời mời đến tham dự một bữa tiệc mà bạn thực sự không muốn tham dự? Bạn đã làm gì về điều đó? Tôi cá là bạn đã không ngược đãi, lạm dụng và giết người báo tin hay nhân viên đưa thư. Thế mà, đó là những gì đã xảy ra trong câu chuyện hôm nay.

Anh hay chị đã bao giờ hết lòng hết dạ khoản đãi những khách mời, cuối cùng họ lại không đến chưa? Các việc chuẩn bị như dọp dẹp nhà cửa, nấu ăn, trang trí phòng ăn thật ấm cúng. Mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng, gia nhân đã được chỉ bảo trong việc tiếp đón khách. Nhưng đến giờ khai tiệc vẫn còn một số khách không đến tham dự. Trong hoàn cảnh đó anh hay chị sẽ làm gì? Tức giận rồi cho gia nhân đi đốt nhà họ hay sao? Có lẽ bạn sẽ không làm điều đó. Thế mà, đó là những gì đã xẩy ra trong câu chuyện hôm nay.

Câu chuyện mà Đức Giê-su kể hôm nay tạo một cú sốc cho người nghe. Tuy nhiên chúng ta không nên hình dung và đi đến một kết luận cho rằng Thiên Chúa là một vị vua giận dữ, đã đối xử với những người không theo ý Ngài bằng cách sai quân binh đến hủy diệt dân tộc mình và đốt cháy thành phố của họ như đã được trình bầy trong dụ ngôn. Tất cả không phải sự thật mà Tin Mừng loan báo.

Dụ ngôn ‘tiệc cuới’ hôm nay ám chỉ đến bữa tiệc ‘cánh chung’, bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa, trong đó chúng ta thấy dung mạo của một vị Thiên Chúa rất nhân từ, kiên tâm trong công việc. Bữa Tiệc do Ngài làm chủ. Ngài tự ý mở tiệc và cho gia nhân đi mời mọi người. Cho dù, khi gặp phản ứng khước từ của nhóm khách đầu tiên, nhà vua đã có nhận định là họ không xứng đáng. Lối nói này dẫn chúng ta thấy hành động sau đó của nhà vua cho gia nhân đi mời mọi người. Qua đó, chúng ta mới thấy tư cách được mời không phải vì họ xứng đáng, nhưng đây chính là tâm huyết và niềm vui của Ngài. Điều đặc biệt ở đây là Thiên Chúa không giữ ‘niềm vui’ cho riêng mình, nhưng Ngài đã tự ý chia sẻ niềm vui đó qua việc sai các sứ giả, hết nhóm này đến nhóm khác, mời tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi - từ các nẻo đuờng và trong các hang cùng ngõ hẻm - đến tham dự tiệc cuới.

Nhưng giữa hai nhóm được mời tham dự tiêc cưới có điểm khác biệt.

Sự khác biệt không phải là những người thuộc nhóm thứ nhất xứng đáng hơn những người thuộc nhóm sau. Những vị khách được mời đầu tiên là những người nhận được lời mời và sự ưu ái của nhà vua. Nhưng những vị khách được mời thứ hai cũng vậy. Và người đàn ông xuất hiện không mặc áo cưới cũng vậy. Họ đều được mời. Họ đều được ưu ái. Không ai trong số họ đã làm bất cứ điều gì để có thể cho rằng mình xứng đáng được mời. Chúng ta cũng thế.

Sự khác biệt không phải là nhà vua thích nhóm này hơn nhóm khác. Động lực duy nhất của nhà vua là muốn chia sẻ niềm vui, san sẻ trong bữa tiệc do Ngài khoản đãi. Điều này nói lên lòng đại lượng và tâm tình san sẻ của Thiên Chúa cho nhân loại. Thiên Chúa muốn mọi người tham gia vào niềm vui và những sinh hoạt trong gia đình của Ngài. Đây là một phần trong các sinh hoạt trong cuộc sống của Ngài. Tất cả những người được mời đều được trao cơ hội như nhau. Chúng ta cũng thế. Cơ hội luôn chờ đợi sự cộng tác và đón nhận của chúng ta.

Sự khác biệt không phải là một số khách tốt và những người khác xấu. Không có sự phân biệt hoặc đánh giá nào được thực hiện dựa trên hành vi, niềm tin, thái độ sống hay lối hành xử đạo đức. Ngược lại, với lần mời thứ hai, nhà vua cử người hầu của mình ra các đường phố chính với chỉ thị “gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” Và gia nhân đã làm như chỉ thị: đi ra các nẻo đường, gặp ai, không phân biệt tốt xấu, sang hèn, giầu nghèo, có địa vị hay không, mời hết khiến cho phòng tiệc cưới đã đầy khách dự tiệc. Chúng ta cũng thế, không phân biệt tốt xấu, ai ai cũng được mời.

Chỉ có một điều duy nhất phân biệt khách được mời đầu tiên với khách được mời lần thứ hai. Đó là cách thức hiện diện. Những vị khách được mời lần thứ hai đã lộ diện. Những vị khách được mời đầu tiên thì không. Phòng tiệc đã chật kín những vị khách được mời lần thứ hai nhưng những vị khách được mời đầu tiên đã không có mặt. Đó là sự khác biệt duy nhất giữa hai nhóm.

Thưa anh chị em,

Chìa khóa cho cuộc sống của chúng ta trong Chúa là sự hiện diện, sự có mặt. Chúng ta không thể tiếp tục thờ phượng và yêu mến Chúa và tha nhân một cách ‘online’ mãi. Chúng ta cần có mặt. Bây giờ hoàn cảnh chưa cho phép, nhưng không vì thế mà thay đối cách diễn tả. Chúng ta cần có mặt để san sẻ, thông cảm và trao ban. Không ai cứ ăn uống ‘online’ mà no thỏa hết. Nói ra thì dễ nhưng biểu lộ sự hiện diện của mình và chấp nhận sự có mặt của tha nhân trong ta không phải là việc dễ dàng. Muốn làm được điều này, chúng ta phải:

• Biết quên mình, nhận ra sư hiện diện của người khác, không như sự kỳ vọng hay ước muốn của chúng ta cho bằng chấp nhận sự hiện hữu của họ với tất cả giới hạn, yếu đuối và mỏng dòn của tha nhân.

• Từ bỏ cái tôi, mở lòng ra mà chấp nhận người khác và đưa họ hiệp thông với các sinh hoạt trong cuộc sống mình.

• Tìm kiếm để nhìn thấy họ vì họ chứ không phải là người mà mình mong ước.

• Lắng nghe tiếng nói của người khác vì tâm tư của họ hơn là chọn lựa chỉ để lắng nghe những gì mình thích.

• Sau cùng, chúng ta đem đến cho nhau tất cả.

Đó là những điều chúng cần làm để chấp nhận sự có mặt bên nhau. Một khi chúng ta không làm các điều này cho nhau thì làm sao chúng ta có thể xuất hiện và hiện diện bằng xương bằng thịt, với tất cả tâm hồn với anh em mình trong bữa tiệc cưới ‘cánh chung’ được!

Thay vào đó, chúng ta thường chọn đi trên những con đường riêng biệt, đến các trang trại, tham quan các cơ sở kinh doanh hay đi buôn. Chúng ta quá bận rộn, quá mệt mỏi trong công ăn việc làm để kiếm tiền và nuôi con cái ăn học. Lý do nào cũng khẩn cấp và hợp lý, còn giờ và năng lực đâu mà có mặt để cùng đi với người khác. Đó là những gì mà những người thuộc về nhóm thứ nhất đã làm. Điều mà họ thiếu sót, và có thể cũng là điều mà chúng ta không nhận ra, đó là sự sống đích thực chỉ có thể tìm thấy được trong Nước Thiên Chúa, trong các bữa tiệc do Thiên Chúa khoản đãi mà thôi. Chúng ta được mời và chấp nhận lời mời để cùng nhau hiện diện bằng sự có mặt mật thiết bên nhau trong Nước của Ngài. Từ đó, chúng ta nhận ra mình thật xứng đáng. Xứng đáng không phải vì mình nhưng vì Chúa nhận ra mình thật xứng đáng được yêu thương, xứng đáng được đồng bàn. Đó là lúc chúng ta đã thay đổi.

Thế nhưng chúng ta sẽ nói thế nào về người khách không mặc y phục lễ cưới trong nhóm thứ hai. Người ta có thể xếp anh vào loại người có niềm tin mà không có việc làm như được mô tả ở đoạn 2 trong thư của Thánh Gia-cô bê, Ngài nói “Đức tin mà không có việc làm là đức tin chết”, giống như đi vào phòng tham dự tiệc cưới mà không có y phục lễ cưới thì đáng bị ném ra ngoài.

Nhưng hôm nay, tôi nhận ra một điều khác ở người khách này. Khi bị hỏi: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà không có ý phục lễ cưới?” thì anh ta ngậm tăm, miệng câm và không nói được gì. Có một cái gì thiếu nơi anh. Anh không nói được điều nào hết! Anh tuy có mặt nhưng thật ra đã không hiện diện. Thân xác anh bất động ở đó, nhưng tâm hồn và các sự khác của anh đã thoát khỏi phòng tiệc. Anh có mặt như không có mặt. Cứ như thể anh không thực sự hiện diện nơi đó.

Sự thật này đã xẩy ra trong kinh nghiệm sống của chúng ta. Đã bao lần thân xác ta ở đó, nhưng lòng của mình đã bay tận chốn nào rồi. Tình trạng ‘đồng sàng dị mộng’ hay ‘lãnh cảm’ là thế đó. Sự thật này cũng đã xẩy ra trong cuộc sống của chúng ta với Chúa. Đã bao nhiêu lần, thân xác chúng ta trong nhà thờ mà lòng trí lại ở tận nơi đâu. Giống như thế, trong các mối tương quan, đã bao nhiêu lần chúng ta có mặt như không có mặt. Sống chung một nhà mà không muốn nhìn mặt nhau thì coi như người đó đâu còn hiện diện nữa.

Sau cùng, chúng ta hãy nhớ rằng: tiêu chuẩn mà chúng ta đuợc mời hoàn toàn không dưạ trên lòng đạo đức, thánh thiện hay là phẩm chất tốt của chúng ta. Tất cả được phát sinh bởi Thiên Chúa, từ lòng quảng đại của Người, Đấng tha thiết mời gọi chúng ta đến để chia sẻ niềm vui trong kho tàng ân sủng thật bao la của Người.

Như vậy, ý định của Thiên Chúa dành cho chúng ta là Ngài sẵn sàng chia sẻ với chúng ta sự giàu có trong các bữa tiệc của cuộc sống. Nhưng lòng quảng đại, nhân từ và kiên tâm chờ đợi của Thiên Chúa không bao giờ là một cái cớ khiến chúng ta tự mãn và coi thuờng rồi không hợp tác với Ngài. Chính việc chọn lựa không hợp tác, giống như người được mời mà lại không có y phục lễ cưới đã được mô tả trong dụ ngôn, có thể là nguyên nhân khiến chúng ta bị, hay tự mình, loại ra khỏi bữa tiệc của niềm vui.

Vậy, chúng ta cần có thái độ nào trong các lần gặp mặt, các bữa ăn - tiệc của đời sống, nhất là qua các bữa tiệc lòng mến (Thánh Lễ) mà chúng ta đuợc mời gọi chia sẻ với nhau bằng sự hiện diện đích thật, chứ không on-line, vào các ngày Chúa Nhật hàng tuần?

Uớc mong, chúng ta cùng cộng tác với lời mời chia sẻ niềm vui của Thiên Chúa, để mãi mãi, bằng cuộc sống, chúng ta cùng cử hành bữa tiệc niềm vui cho đến ngày chung kết. Amen!

 

No comments:

Post a Comment