Anh chị em thân mến,
Có một thực tế mà
chúng ta dường như nên chấp nhận, đó là việc tham gia vào các công cuộc đổi mới
‘môi trường’ theo đúng tinh thần của Phúc Âm vẫn còn xa lạ với cuộc sống đạo của
nhiều tín hữu. Chúng ta vẫn thờ ơ và tỏ ra thiếu quan tâm với những gì đang xẩy
ra trong xã hội. Chúng ta có khuynh hướng chấp nhận việc tách rời tôn giáo ra
khỏi cuộc sống của người công dân. Nói cách khác, cuộc sống của chúng ta có thể
chia thành nhiều mảng. Việc thờ phượng và yêu mến Chúa dừng lại trong các nghi
lễ và bị cầm tù tại các khuôn viên của nhà thờ. Khi tham dự nghi lễ xong, vừa
bước chân ra khỏi nhà thờ thì chúng ta đã trở về với cuộc sống khác, một con
người thuộc về trần thế. Với lối sống như thế, chúng ta dần dần sẽ thiếu nhậy cảm
với những điều tạo ra các bất công, không nhìn thấy các nguyên nhân tạo ra cuộc
sống giai cấp và thiếu công bình trong đời sống.
Như anh chị em đã biết:
công việc xây dựng và mở mang Nuớc Chúa không chỉ lệ thuộc và giới hạn bởi các
việc làm trong các nghi thức phụng tự, như đọc kinh, tham dự những cuộc hành
huơng, Thánh lễ hay các công việc đạo đức mà thôi. Nhưng đó cần bao gồm cả đời
sống. Chúng ta không thể phân chia đời sống của chúng ta thành nhiều mảnh: như
theo đạo rồi quên đời, theo Chúa rồi bỏ thế gian. Không phải vì yêu thuơng thế
gian mà Thiên Chúa đã sai người Con duy nhất của Ngài đến thế gian đó sao! Và
nhờ vậy, mà thế gian đã được cứu độ. Vì thế, cả hai mặt ‘đạo và đời’ cần được gắn
bó với nhau. Và đó là điểm mà chúng ta cần lưu tâm trong lúc suy niệm bài Tin Mừng
hôm nay.
Trước tiên, chúng ta cần ghi nhận một điều là
con người thường có khuynh hướng bắt tay với nhau để chống lại kẻ thù chung,
đúng như câu mà chúng ta thường được nghe nói rằng “kẻ thù của kẻ thù ta là bạn
ta!” Và hôm nay, trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su đã gặp phải tình huống đó. Những
người thuộc nhóm Hê-rô-đê, là những người có địa vị trong guồng máy của đế quốc
La-Mã và nhóm Pha-ri-siêu, họ nghiêm chỉnh trong việc tuân giữ luật lệ Do Thái.
Tuy hai nhóm người này là đối thủ của nhau, nhưng hôm nay họ liên kết với nhau
để cố gắng làm mất uy tín của Đức Giê-su hầu tiêu diệt Người.
Trước khi đặt câu hỏi,
họ tán dương và ca tụng Đức Giê-su là Người tôn trọng sự thật, là Đấng chỉ bảo
đường lành, là Thầy dậy đường công chính. Những lời ca tụng của họ không phát
sinh từ ý ngay lành cho bằng bộc lộ ác ý để gài bẫy Người. Họ dương dương tự đắc
và nghĩ rằng Đức Giê-su sẽ bị bí với câu hỏi mà họ nghĩ rằng rất phức tạp, đó
là “có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”
Nếu câu trả lời của Đức
Giê-su là “không” thì nhóm người thuộc nhóm Hê-rô-đê sẽ bắt Chúa vì tội xúi giục
dân chúng làm loạn qua việc không nộp thuế cho đế quốc La-Mã. Còn nếu Đức
Giê-su trả lời "có" thì những người phe Pha-ri-siêu sẽ thừa dịp này
mà tố cáo Chúa là người thân với chính quyền bảo hộ, hà hiếp và bóc lột dân
chúng. Người không xứng đáng là người lãnh đạo tôn giáo (vì không làm theo ý của
họ!)
Theo như cách suy nghĩ
và lối suy luận của họ thì Đức Giê-su chắc chắn bị rơi vào bẫy. Người sẽ không
còn đường thoái thác. Đức Giê-su không còn chọn lựa câu trả lời nào khác, ngoại
trừ có hay không. Một là phải nộp thuế hai là không nộp thuế. Đường nào cũng dẫn
Đức giê-su vào ngõ cụt. Nhưng câu trả lời của Đức Giêsu làm cho cả hai nhóm không
bắt bẻ được Người, đồng thời Đức Giêsu còn nhắc cho họ biết sự thật đã được mạc
khải từ khi tạo dựng đó là con người thuộc về Thiên Chúa thì hãy trả lại cho
Ngài những gì mà Thiên Chúa đã dựng nên. Còn những gì mà họ đang nhìn thấy trước
mắt thì hãy trả cho Xê-da.
Anh chị em rất thân
yêu,
Chúng ta hãy ngồi xuống
mà suy nghĩ rồi nghiêm túc nghiệm lại xem có một vật gì hay một thứ gì hiện diện
trong trời đất này mà không thuộc về Thiên Chúa hay Thượng Đế hay chăng? Thiên
Chúa đã tạo dựng nên mọi sự từ hư không, và đỉnh cao của chương trình tạo dựng
của Thiên Chúa là con người, con người là “hình ảnh Ngài.” Sự sống đang luân
chuyển trong ta đã được diễn tả qua việc thổi hơi, ban sự sống, trao sinh khí
cho con người. Vì thế không có gì chúng ta có được mà không phát sinh và ban tặng
từ Ngài.
Vậy, nếu không trả về
cho Thiên Chúa những gì thuộc về Ngài, không hướng về Thiên Chúa những gì trong
vũ trụ hay tất cả những gì ta đang hưởng dùng thì đó là thái độ bất trung. Một
khi, chúng ta chiếm mất vị trí của Thiên Chúa, tự mình làm chủ, lấy mình làm
tiêu chuẩn cho mọi phán đoán, bộc lộ tính kiêu ngạo và hất Thiên Chúa ra khỏi
cuộc sống mình và tha nhân thì chúng ta sẽ chuốc lấy tranh chấp, hận thù, bạo lực
và hủy diệt mà thôi
Vì thế, bao lâu con người
không nhìn nhận Thiên Chúa là Cha yêu thương, là Chủ tể của mình, không qui hướng
tất cả những gì con người có được về Ngài, không để cho Thiên Chúa chiếm chỗ nhất
trong cuộc sống của mình, không cảm nhận lòng thương xót và tính quảng đại của
Thiên Chúa đang hoạt động trong ta thì bấy lâu con người không thể xây dựng một
xã hội nhân bản, không thể nào xây dựng một xã hội hiệp nhất và an bình, trong
đó mọi người yêu thương, kính trọng và mến mộ nhau như anh chị em trong gia
đình có Thiên Chúa là Cha, đó là ý của câu trả lời của Đức Giê-su: trả cho
Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.
Hơn thế nữa, khi nói
điều này, Đức Giê-su không có ý đưa ra một nguyện tắc chia quyền ‘Chúa một nửa,
vua một nửa’, hay là phần thiêng liêng thì thuộc về Chúa, còn phần đời thuộc về
vua. Người cũng không tranh dành uy quyền với các vị vua trần gian; bởi vì uy
quyền tối thuợng và vững bền qua muôn thế hệ thuộc về Thiên Chúa; còn các vị
vua, ông chúa, bà hoàng hay các vị thủ lĩnh trên thế gian đều là những người thừa
hành; họ nối tiếp nhau cai trị thiên hạ; nhưng có ông vua hay bà chúa nào trường
tồn quá một trăm năm đâu! Chỉ có uy quyền của Thiên Chúa mới tồn tại qua muôn thế
hệ.
Tuy nhiên, chúng ta
cũng không thể bán cái và trả lại trách nhiệm trông coi và xây dựng vũ trụ này
cho Thiên Chúa.
Trong khi thi hành sứ
vụ mà chúng ta gọi là truyền giáo, giới thiệu và mở mang Nước Chúa, Đức Giêsu
đã tỏ bầy cho chúng ta nhận biết về một Thiên Chúa không chỉ ở trên cao, nhưng
Ngài đang đồng hành với cảnh ngộ và cuộc sống của từng người. Người nhập thể và
chia sẻ mọi tình huống của con người: ai đau ốm Người chữa cho lành; ai gặp hoạn
nạn, Người thuơng cứu giúp; ai đói khát, Người nuôi ăn; ai tội lỗi, Người ban
ơn tha thứ; thậm chí Người hồi sinh cả kẻ đã chết… Người chu toàn mọi sự trong
mọi người. Nhưng, có một điều thật rõ ràng là Đức Giêsu không làm thay chúng
ta. Người trao và mời gọi chúng ta tiếp tay. Người không thể cứu giúp và làm
cho mọi bịnh nhân thuộc mọi thời đại khác nhau được chữa khỏi; Người cũng chẳng
làm cho mọi người đói, thuộc về các thời đại khác nhau được no nê. Đó là phần vụ
của con người ở các thời đại khác nhau.
Do đó, khi chúng ta tiếp
cận người nghèo, đến với những người bị bỏ rơi, tiếp đón những người bị khước từ
là lúc chúng ta đang cố gắng hết sức để cho Thiên Chúa họat động trong toàn bộ,
cũng như trong mọi lãnh vực của cuộc sống chúng ta.
Vì thế, sứ điệp của
bài Tin Mừng hôm nay, không chỉ được thu gọn trong việc đóng thuế xây dựng quốc
gia nơi chúng ta đang sống hay là việc mở mang Nuớc Chúa. Nhưng, qua cuộc sống,
chúng ta thực hiện để cho Thiên Chúa trở nên mọi sự trong chúng ta. Và, chúng
ta, cũng như mọi sự của chúng ta, đều thuộc về Ngài. Hơn thế nữa, chúng ta hãy
sống mà trả lại cho Ngài, không chỉ quan tiền của Xê-da, mà còn là mọi sự của
chúng ta nữa. Amen!
No comments:
Post a Comment