Thursday, 1 October 2020

VƯỜN NHO CỦA CHÚA.

 

Anh chị em thân mến,

Theo thói đời, người ta thường có khuynh hướng tránh gặp những người có xung đột hay đối đầu với mình. Nhưng Đức Giê-su đã không làm như thế.

Trong các bản văn của Tin Mừng, đặc biệt Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu, chúng ta được nhìn thấy mức độ căng thẳng trong mối quan hệ giữa Đức Giê-su và hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo thời của Người. Họ quyết tâm tìm mọi cơ hội để gài bẫy và buộc tội hầu có thể tiêu diệt Đức Giê-su; nhưng không vì thế mà Người chịu lùi bước.

Tuần trước, Đức Giê-su đã dùng câu chuyện “hai người con” để mời gọi hàng ngũ lãnh đạo Do Thái giáo trở về cõi lòng mà nói lời “xin vâng” rồi hành động theo ý Thiên Chúa. Nhưng hình như sứ điệp của Người không phá tan được rào cản của quyền lực, nhất là ‘cái tôi” của họ, khiến họ không chịu hối hận mà trở về nẻo chính đường ngay. Trong bài nói chuyện tuần này, Người tiếp tục dùng thêm một dụ ngôn nữa để ám chỉ đến tấm lòng chai đá, đôi khi biến thành các hành vi tàn ác của họ.

Truyện kể về việc kinh doanh vườn nho. Có một ông chủ kia trồng được vườn nho. Ông rào giậu chung quanh. Trong vườn ông khoét bồn đạp nho và một tháp canh. Các chi tiết này ám chỉ cho chúng ta biết vườn nho thuộc về ông. Nhưng ông không tự mình trồng nho mà lại cho các tá điền thuê để canh tác. Sau đó, ông trẩy đi phương xa cho đến mùa thu hoạch mới sai sứ giả của ông đến để thu hoa lợi. Đến lúc này thì công việc kinh doanh vẫn hoạt động như bình thường, cho đến khi sự cố xẩy ra.

Trước khi tìm hiểu xem điều gì đã xẩy ra, xin mời anh chị em thử tưởng tượng xem có người làm thuê nào dám hành hạ và đánh đập những sứ giả mà ông chủ phái tới để thu hoa lợi hay không? Giả như những người đại diện của chủ bị hành hạ thì ông chủ sẽ có thái độ như thế nào? Hơn thế nữa, với tình hình của một quốc gia đang bị đô hộ thì người dân có quyền thế gì. Mọi thứ quyền lực thường nằm trong tay đế quốc, qua trung gian của mấy ông chủ, những người có mối quan hệ với đế quốc đang thống trị họ. Trong tình hình đó, ông chủ vườn nho (như mấy ông chủ đồn điền) sẽ sai quân binh đến để dẹp bọn tá điền phản loạn, làm gì có việc sai thêm nhóm khác và sau cùng lại gửi con ông đến để chịu chết như dụ ngôn kể lại. Và, thật nực cười khi chúng ta nghe lý do mà họ giết cậu con trai, đó là để đoạt gia tài mà cậu được thừa kế. Dù cậu có bị giết thì gia tài vẫn thuộc quyền ông chủ, cho đến khi nào mới về tay những kẻ làm thuê.

Đến lúc này, Đức Giê-su mới bộc lộ ý của Người qua câu hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn đã giết các sứ giả và người con thừa tự của ông? Câu trả lời của họ thật rõ ràng: Ông sẽ tru diệt bọn ác nhân và trao cho nhóm tá điền khác canh tác, để cứ đúng mùa, họ sẽ nộp hoa lợi cho ông.

Sau câu trả lời thật hiển nhiên đó, họ thấy chính họ trong câu chuyện. Họ hiểu ý mà Đức Giê-su kể trong câu chuyện hôm nay. Người có ý mời gọi các vị lãnh đạo, các chức sắc hãy nhận ra sứ điệp của Người mà thay đổi cách sống. Nhưng họ không động lòng để hối cải. Than ôi, họ ngoan cố tiếp tục tìm cách bắt Đức Giê-su!

Thưa anh chị em,

Đối với các thành viên trong cộng đoàn của Mát-Thêu thì bài Tin Mừng này có thể được giải thích đó là việc dân Do Thái đã lạm dụng vai trò canh tác vườn nho của Thiên Chúa. Họ được mô tả như những người làm thuê, nhưng lại không chấp nhận thân phận của mình, trái lại họ đã cư xử như một ông chủ; không có lòng nhân từ và kiên nhẫn. Với cách hành xử rất thô bạo, bằng bạo lực họ đã cuớp quyền sở hữu, giết các sứ giả do chủ sai đến. Họ, từ vị trí của những người làm công, đã thiết lập các qui tắc, rồi cuớp đoạt và tự hành xử như một ông chủ. Họ tìm cách loại bỏ Người. Vì quyền lợi riêng tư nên họ đã từ chối đón nhận Đức Giêsu và nguồn ơn cứu độ của Người.

Tuy nhiên, câu chuyện không kết thúc ở hành động khuớc từ của họ. Thiên Chúa, Đấng làm chủ vườn nho tiếp tục mời gọi và sai các nhóm tá điền khác đến để canh tác. Nói cách khác thì vườn nho không bao giờ bị bỏ hoang! Một ngôi nhà mới sẽ được cất lên, một triều đại mới sẽ được khai sinh trên hòn đá tảng là chính Đức Kitô. Đây chính là công việc của Thiên Chúa, Đấng làm chủ vườn nho của Người.

Thật tuyệt vời cho chúng ta khi nhìn thấy hay nhận ra bao công trình mà Chúa đã xây dựng trong vườn nho của Người, trong cuộc đời của mỗi chúng ta nữa. Quả thật, chúng ta hãy nhận ra rằng việc được làm việc trong vườn nho của Chúa là một hồng ân, hồng ân đó hoàn toàn không lệ thuộc vào tài năng hay phẩm chất của con nguời. Đó là một món quà nhưng không của Thiên Chúa ban, không chỉ cho riêng mình, nhưng qua công sức, chúng ta làm cho món quà đó mỗi ngày mỗi lớn hơn để chia sẻ cho tha nhân. Có như thế, chúng ta mới xứng đáng là người thợ luôn tìm cách sinh hoa lợi cho ông chủ trong mùa thu hoạch. Và trong khi chờ đợi mùa thu hoạch, Thiên Chúa vẫn kiên tâm chờ đợi, không thu động nhưng rất tích cực, bằng cách tiếp tục sai hết lớp thợ này đến lớp thợ khác đến để canh tác trong vườn nho của Người. Sau cùng Người sai người con thừa tự, hy vọng rằng họ sẽ nể Người mà cộng tác với người con đó. Nhưng than ôi! Họ đã nhẫn tâm giết luôn người con. Tuy nhiên, việc con người nhẫn tâm và tàn ác cũng không thắng nổi sức mạnh và công trình của Thiên Chúa. Thật vậy, Đức Giê-su đã nói: “…Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” Tảng đá mà Đức Giêsu nói ở đây là chính bản thân Người, là thân thể của Đức Ki-tô.

Theo thiển ý của tôi, khi nhắc lại công trình của Thiên Chúa, Thánh sử muốn đề cao quyền làm chủ của Người và nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa có dự án của Người. Cho dù con người có bất trung hay hành xử bất kính và bạo lực cũng không phá hủy được chương trình của Người.

Họ nghĩ là họ đã thành công trong ý đồ xấu xa của họ là loại bỏ Tảng đá. Nhưng, với bàn tay của Thiên Chúa, do công trình của Người, tảng đá đó trở nên tảng đá góc tường.

Họ nghĩ rằng họ đã giết được Con Thiên Chúa. Nhưng, Đức Giê-su qua sự chết, Người đã chiến thắng thần chết. Qua việc chết đi cho ý riêng, Người đã biểu lộ lòng vâng phục ý của Thiên Chúa. Sau cùng, Thiên Chúa đã siêu tôn Người Con và tiếp tục làm chủ công trình của Người.

Còn chúng ta, việc canh tác làm cho vũ trụ, vườn nho Hội Thánh, vườn nho gia đình, cộng đoàn hay xã hội được đổi mới và phát triển là trách nhiệm và phần vụ của mọi người. Phần vụ này không thuộc về riêng ai: Do Thái hay dân ngoại, ai ai cũng được mời gọi. Phần  chúng ta, hãy luôn hỏi mình rằng chúng ta đã sống như thế nào để xứng đáng với vai trò mà Chúa đã trao phó trong công việc canh tác vườn nho của Người? Và, trong việc canh tác mà Chúa đã trao phó cho chúng ta đã thực hiện thế nào? Không tự xét mình, chúng ta có thể giống như hàng ngũ lãnh đạo mà Đức Giêsu đã nhắm đến trong bài Tin Mừng hôm nay!

Vẫn biết, cuối cùng thì Nước Thiên Chúa sẽ toàn thắng. Chúng ta không đuợc phép thất vọng. Tuy nhiên, việc sinh hoa lợi là phần phúc mà Chúa đang chờ đợi bàn tay con người. Hãy làm tất cả để vườn nho của Thiên Chúa, thân thể của Đức Ki-tô được sinh hoa kết trái dồi dào và phong phú hơn!

Hãy nhớ rằng vườn nho thuộc về Thiên Chúa, vườn nho là của Người. Chúng ta chỉ là những người cộng tác, hết nhóm này đến nhóm khác, hết thời này đến thời kia, Thiên Chúa vẫn làm chủ. Và, cho dù chúng ta bất xứng, nhưng Thiên Chúa luôn thành tín với dự án của Người. Đừng bao giờ có ý nghĩ chiếm hữu vườn nho cho riêng mình. Đừng bao giờ để cho thành quả của công việc làm thay đổi căn tính phục vụ của mình. Hãy sống trọn vẹn vai trò thừa tác, chu toàn bổn phận của người cộng sự mà làm cho Danh Chúa được cả sáng và Vườn nho của Chúa, là Thân Thể của Đức Ki-tô, được sinh hoa kết trái theo ý Người. Amen!

No comments:

Post a Comment