Tuesday, 24 November 2020

CHÚA VẪN ĐANG CHỜ TA!

 

            Đối diện với những gì đã xẩy ra trong năm 2020 này, hầu hết chúng ta đều mong đợi cho năm này mau qua đi. Các tai ương sẽ biến mất. Thuốc chủng ngừa do Covid-19 gây ra sẽ được tìm thấy để con người bớt lo sợ. Mọi sự sẽ trở lại bình thường. Dĩ nhiên, tất cả vẫn chỉ là mong ước. Niềm hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn vẫn là nguồn động lực cho chúng ta dấn bước.

Trong niềm tin tưởng và hy vọng vào những gì tốt đẹp hơn sẽ xẩy đến, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội bước vào Chúa Nhật I Mùa Vọng, bắt đầu một chu kỳ mới, chu kỳ phụng vụ năm B, năm 2021. Trong thời gian này, chúng ta cũng trông đợi và để nói lên niềm trông đợi đó chúng ta chuẩn bị cuộc sống sao cho phù hợp với việc viếng thăm của Chúa, một cuộc viếng thăm đã bắt đầu hơn 2000 năm qua và vẫn còn được tiếp diễn cho đến ngày Người tái lâm trong vinh quang.

Như vậy, Mùa Vọng là mùa của hy vọng, là mùa để chúng ta ôn lại hai tiếng ‘xin vâng’ hết lòng, hết dạ của Mẹ Maria. Qua việc vâng phục, Mẹ đã truyền cảm hứng và sức mạnh cho chúng ta đủ sức đối diện với các xáo trộn hằng ngày mà chúng ta đang phải gánh chịu với niềm tin và hy vọng tràn đầy vào Chúa. Trong tâm tình đó, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa phán: “Các con phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì các con không biết khi nào thời ấy đến. Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Vậy các con phải canh thức, vì các con không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Các con phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp các con đang ngủ. Điều Thầy nói với các con đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!” (Mc 13:33-37)

Sứ điệp Chúa dậy quá rõ ràng. Chỉ có 5 câu mà Người đã nhắc chúng ta 4 lần là “Hãy Tỉnh Thức.” Lời mời gọi: “Hãy coi chừng, hãy tỉnh thức!” trong bài Tin Mừng hôm nay mang một giọng điệu thật đáng khích lệ, nhưng cũng ẩn chứa một lời cảnh báo. Chúng ta không biết khi nào, giờ nào Chúa sẽ đến. Tuy nhiên, không ai trong chúng ta còn nghi ngờ về điều này. Chúa chắc chắn sẽ đến. Nhưng không người nào trong chúng ta biết khi nào, lúc nào và trong hoàn cảnh nào! Vì thế chỉ biết trông cậy và đợi chờ.

Trong khi chờ đợi chúng ta sẽ làm gì và tâm tình của chúng ta ra sao? Qua kinh nghiệm của cuộc sống, chúng ta đã trải qua những cuộc đợi chờ với những tâm tình và các trạng thái khác nhau như: chờ đợi với niềm hy vọng; hứng khởi đợi mong, khao khát chờ ai? Cũng có lúc chờ đợi với tâm trạng thất vọng rồi thiếu kiên nhẫn. Rồi cũng đôi ba lần chờ đợi với lòng ham muốn… Trong các hoàn cảnh đó, chúng ta chỉ muốn nó xẩy ra, ngay bây giờ và trong lúc này; vì chờ lâu quá nên không muốn chờ thêm.

Đã có chờ đợi thì không thoát khỏi những lần lỡ hẹn: Lỡ một chuyến đò hay một chuyến tàu, lỡ một lần hẹn hay lỡ gửi quà cho nguời thân, v.v... Trong những lần lỡ làng của cuộc sống, cũng có cái lỡ có thể bù đắp được; cũng có cái lỡ luôn. Tôi được nghe kể lại, nhiều người trong anh chị em, chỉ vì lỡ một lần hẹn mà tình duyên bị trắc trở. Còn nếu “lỡ” không lắng nghe tiếng Chúa, không nhận ra Chúa đang chờ đợi mình nơi tha nhân thì chúng ta có thể mất tất cả. Cái lỡ này nguy hiểm vô cùng, không ai có thể chuộc lại. Bởi vì chúng ta đâu biết có còn cơ hội để bù đắp những ‘lần lỡ làng’ đó hay không? Chẳng ai biết được lúc nào Chúa sẽ đến: Có thể lúc chập tối, hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.  Vì thế, phương thức tốt nhất là phải chuẩn bị cho những cuộc gặp gỡ Chúa ngay trong giây phút này.

Chờ đợi huớng về tương lai, không phải là việc quay đầu lại, dù chỉ là lướt qua, để nhìn về quá khứ. Mong chờ một đổi thay, tìm ra những kinh nghiệm mới. Tất cả hướng về niềm vui và sự chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đức Giêsu. Vì thế, dù phải canh thức và chờ đợi; nhưng chúng ta biết rằng chúng ta đang chờ điều gì? Đó là một điều thật tuyệt vời, phù hợp cho mọi thế hệ.

Việc Chúa đến lần thứ hai cho dù đã được tiên báo, tuy nhiên những lời tiên báo đó cũng chẳng khẳng định chính xác được điều gì. Chúng ta tin ngày đó sẽ đến. Ngày mà trời mới đất mới sẽ thay thế trời cũ đất cũ. Thật ra, trời cũ đất cũ đã được biến đổi bởi biến cố phục sinh của Chúa Giêsu; chúng ta chờ đợi việc hòan tất cuộc biến đổi ấy trong ngày Chúa đến lần thứ hai. Vì không biết ngày đó sẽ xẩy ra khi nào, nên chúng ta chỉ biết chờ đợi. Đợi với niềm hy vọng là chúng ta luôn sẵn sàng để gặp Chúa.

Anh chị em thân mến,

Thoáng nhìn lại lịch sử ơn cứu độ chúng ta nhận biết Chúa luôn đi bước trước đến với con người. Ngay từ ngày đầu tiên con người đã muốn sống tự lập, sống thóat khỏi sự che chở của Thiên Chúa và làm theo ý mình. Nhưng không vì thế mà Chúa bỏ rơi con người. Người đã đến lên tiếng kêu gọi: “Ngươi ở đâu?” Tuy đã nghe được tiếng Chúa, nhưng thay vì đối diện với sự thật để được tha thứ, con người lại lẩn trốn vì sợ hãi. Nhưng tình yêu Thiên Chúa vượt trên mọi công trạng hay việc ‘lẩn trốn’ của con người. Người đã không bỏ mặc con người. Ngòai tin vui loan báo về ơn cứu độ, Thiên Chúa còn làm những chiếc áo bằng da và mặc cho họ. Đó chính là nghĩa cử nói lên lòng quan tâm và yêu thương của Thiên Chúa như đã mô tả trong sách Sáng Thế Ký (Stk 3:15 và 21).

Tuy vậy, thái độ bất trung của con người và sự trung tín của Thiên Chúa vẫn tiếp diễn từ đời này qua đời khác. Và ngay lúc chúng ta không còn làm được gì nữa, thì Thiên Chúa lại đi bước trước để viếng thăm và cứu độ dân Người. Và nếu khi xưa con người đã ‘lẩn trốn’ vì sợ hãi, thì nay Đức Kitô, còn được gọi là Em-ma-nu-en, có nghĩa là: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đang hịện diện và chờ đợi bàn tay yêu thương, con tim rộng mở và nhân từ của chúng ta.

Như vậy, trong thời gian này, chúng ta không chỉ chuẩn bị chờ đợi để mừng lễ Giáng Sinh; hay mong chờ ngày hạnh phúc vĩnh cửu mà hiện tại chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm bằng niềm tin. Thật ra từng giây từng phút Chúa đang chờ đợi ta. Sự biến đổi thế giới này trở thành trời mới đất mới là nhiệm vụ của các tín hữu. Và nét nổi bật trong mùa này là “coi chừng, tỉnh thức và đợi chờ”.

Tỉnh thức không phải là thái độ thụ động như người lính canh đồn, thức trắng đêm để đợi chờ; rồi thời gian chờ đợi quá lâu, họ đâm chểnh mảng rồi ngủ gà ngủ gật; chỉ mất sức mà chẳng được việc gì! Nhưng là người tín hữu, chúng ta tỉnh thức bằng cách chu toàn trách nhiệm hiện tại, biết nhận ra những dấu chỉ thời đại, khám phá ra thánh ý Thiên Chúa, kiên tâm phục vụ trong yêu thương, nỗ lực hơn trong các dự án tình thương, những công việc bác ái, ra sức cổ võ cho sự hiệp nhất,  rộng tay đón tiếp và chia sẻ cho những người nghèo đói, hoạn nạn.

Nói riêng cho những ai đang sống trong bậc gia đình. Anh chị cần tỉnh thức để phục vụ nhau. Đời sống gia đình là môi trường phục vụ lý tưởng nhất. Vợ chồng kitô hữu hiến thân cho nhau, tha thứ cho nhau, biết tận tâm giáo dục con cái, biết dùng của cải Chúa ban để mưu sống gia đình, nhưng đồng thời cũng biết chia cơm sẻ bánh cho người nghèo đói. Tất cả những công việc đó nói lên thái độ tỉnh thức và sẵn sàng đón tiếp Ngày của Chúa.

Nói chung, chúng ta được mời đến, để sống trọn vẹn bản chất và ơn gọi của mình; ngay trong thời điểm này. Thiên Chúa hiện diện rất gần trong mỗi giây phút của cụộc sống. Ngài đang sống trong hiện tại. Thiên Chúa không biết thời gian. Chính chúng ta là những người sống trong khoảng thời gian chứ không phải là Thiên Chúa. Chính chúng ta là những người bị ràng buộc bởi quá khứ và bị cuốn về tương lai, chứ không phải Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ có trong hiện tại. Chính vì thế, chúng ta cần để tâm đến các việc trong hiện tại. Sau đây là vài gợi ý cụ thể dành riêng cho mỗi người, thí dụ như:

Hôm nay, tôi có sẵn sàng tham dự các cuộc nấu nướng và dọn bữa cho nhưng ai không có nơi trú ngụ, vô gia cư hay không?

Năm nay, tôi có sẵn sàng đến trang trí cây thông và thăm các cụ già trong các nhà dưỡng lão và các bịnh viện hay không?

Bây giờ, câu trả lời của tôi sẽ như thế nào khi được mời đến thăm các cháu trong các trại mồ côi hay đến an ủi những ai đang hấp hối trong các khu an dưỡng?

Ngay trong giây phút này, Chúa đang chờ tôi nơi tha nhân; còn thái độ tôi như thế nào?

Thật ra chúng ta có đủ bằng chứng để bị Chúa phạt. Thế nhưng, Ngài không hề quên giao ước mà Ngài đã ký kết với chúng ta. Chúng ta cảm nghiệm được điều này trong tình thương của Đức Giêsu, nhất là trong bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa đã mặc lấy xác thịt trong thân phận loài người, hiện diện giữa chúng ta, rao giảng sự thật cứu rỗi. Cho dù chúng ta tìm đủ cách ‘lẩn trốn’ Ngài. Nhưng Ngài lại có muôn ngàn phương pháp để lôi kéo chúng ta trở về với tư thế sẵn sàng của những người con hân hoan chờ đợi ngày của Chúa. Vậy còn chờ đợi gì nữa, ngay lúc này chúng mình hãy bắt tay vào những công việc nói trên. Tôi nghĩ Chúa sẽ rất hài lòng khi chúng ta vừa làm việc, vừa canh chừng và tỉnh thức để nhận ra Chúa đang hiện diện và chờ chúng ta nơi cuộc sống của những con người bị tổn thương, bị ngược đãi và bị bỏ rơi. Thái độ và lối sống tỉnh thức như thế thật đáng được ca tụng và khuyến khích.

Cầu cho nhau được như thế. Amen!

Thursday, 19 November 2020

CHIÊN HAY DÊ, BẠN HÃY CHỌN

 

Đã có một thời, tại nhiều nơi, nhất là tại các xứ đạo toàn người công giáo, Lễ Chúa Ki-tô, Vua vũ trụ được tổ chức thật hoành tráng và trọng thể. Ý nghĩa của việc làm này nhằm tuyên dương quyền thống trị toàn thế giới của Chúa Ki-tô mà chúng ta đang trông đợi. Tuy đây là một việc làm thật chính đáng, nhưng đôi khi chúng ta lại quá nhấn mạnh đến quyền thống trị của Thiên Chúa mà quên đi con đường dẫn Đức Ki-tô đến vương quyền hoàn toàn khác hẳn với quan niệm thống trị của các vua chúa trần gian mà chúng ta đã được nghe đến.

Ngày nay, ý nghĩa về ngày Đại Lễ không chỉ nhấn mạnh đến quyền thống trị của Đức Giê-su mà là cơ hội nhắc nhở chúng ta về con đường dẫn Người đến vương quyền, một vương quyền không đạt được bằng sức mạnh, vũ lực hay gươm giáo;  nhưng cốt yếu là yêu thương và phục vụ, cho dù phải trả bằng mạng sống của chính Người, Đức Giê-su vẫn sẵn lòng. Qua đó, Đức Giê-su đã khai mở một đường lối cai trị mới, không bằng quyền hành nhưng bằng sự quan tâm, lo lắng, chăm sóc và hy sinh cho con dân trong vương quốc của Người, cách riêng cho những ai bị thương tích hay bị bỏ rơi.

Sau cùng, tình yêu của Đức Giê-su Ki-tô, Vua nhân ái được diễn tả qua việc hiến dâng trên Thập Giá. Đó chính là đích điểm của con đường yêu thương và phục vụ của Đức Giê-su mà Người đã chia sẻ trong các bài giảng của Người. Đó là sự rộng lượng, tấm lòng quảng đại, ơn tha thứ, lòng quan tâm chăm sóc người nghèo, chữa lành bệnh tật cho kẻ bị đau ốm và kêu gọi những người tội lỗi ăn năn. Người không chỉ ban một học thuyết, cho dù học thuyết về tình yêu; nhưng Người đã khai mở con đường yêu thương. Con đường hay lối sống yêu thương này đã xuất phát từ kinh nghiệm mà Đức Giê-su đã trải nghiệm với Cha của Người, và bất cứ ai tin và sống theo Tin Mừng của Đức Giê-su đã rao giảng đều có một trải nghiệm giống như thế. Để có được tâm tình của Đức Giê-su, chúng ta cùng nhau nghe lại Lời Người dậy bảo trong bài Tin Mừng hôm nay. Tuy nhiên, chúng ta đừng nghe câu chuyện này như là lời phán quyết sau cùng của Chúa. Nhưng hãy đón nhận và lắng nghe như một lời cảnh báo. Hãy để cho Lời của Chúa hôm nay trở nên một cơ hội cho chúng ta nhìn thấy mình đang ở đâu?

Chúa phán: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han." Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? "Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy."Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng." Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu?" Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy." Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.” (Mt 25:31-46)

            Những lời chất vấn của Chúa hôm nay đã giúp tôi nhớ lại một kinh nghiệm mục vụ. Cách đây vài năm, khi còn làm việc tại trung tâm Hoan Thiện, Keysborough. Vào một buổi sáng, tôi đã gặp một người. Anh ta kể về hoàn cảnh của anh, lý do nào anh đưa ra cũng xác đáng. Sau cùng anh xin tôi giúp anh ít tiền để làm lộ phí đi đường. Dựa trên kinh nghiệm của bản thân đã dậy cho tôi biết rằng, nếu tôi mủi lòng, đáp lại lời yêu cầu của anh thì sẽ có nhiều người khác đến để xin giúp đỡ… Sau cùng, tôi đành từ chối lời van xin của anh. Phần anh, đây có lẽ không phải là lần đầu tiên bị từ chối. Đã quá quen khi bị khước từ nên xem ra trông anh ra về rất thanh thản. Còn tôi, coi như xong một chuyện, trở về cuộc sống thường nhật.

            Câu chuyện không chấm dứt như thế. Vài tuần sau, trong khi chào đón bà con đến tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật hàng tuần. Bỗng nhiên, tôi gặp lại anh. Bổn phận khiến chúng tôi khổng thể tránh mặt nhau. Tôi tiến đến chào và vui vẻ mời anh vào nhà nguyện để cùng dâng lễ với chúng tôi.

            Tôi không biết sự thật về cuộc đời của anh, tôi cũng không tìm hiểu các lý do anh đưa ra có xác thực hay không. Có lẽ tôi cũng không cần biết các điều đó làm gì. Sự thật là qua hai lần gặp gỡ, anh đã cho tôi thấy sự thật của đời mình. Anh đã hiện diện như một cơ hội yêu cầu tôi phải đưa ra một sự lựa chọn, không phải là việc giúp đỡ hay không giúp đỡ. Đó là sự lựa chọn mang tính ‘con người’, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa lòng nhân ái và tính ích kỷ.

            Đấy, kinh nghiệm sống của tôi như thế. Căn cứ vào tiêu chuẩn phân loại của Đức Giê-su mà chúng ta vừa nghe thì làm sao tôi giải thích đây! Việc phân loại mình là chiên hay là dê quả thật không dễ dàng, không rõ ràng như trong bài Tin Mừng mà Đức Giê-su vừa nói. Thực tế, tôi là cả hai. Có những lúc tôi đã chia sẻ của ăn, thức uống cho người đói khát, thăm viếng những người đau ốm, an ủi những kẻ bị giam cầm, v.v… và lại có những lần khác tôi nhắm mắt làm ngơ khi nhìn thấy những người cùng chung hoàn cảnh nêu trên.

Kính thưa anh chị em,

Những diễn biến của ngày chung thẩm, ngày phán xét chung được diễn tả trong dụ ngôn quá đầy đủ. Trong ngày đó, Chúa sẽ không chất vấn về lòng sùng đạo qua việc đọc bao nhiêu kinh? Cầu nguyện bao nhiêu lần? Xưng tội bao nhiêu lần và xưng các tội nào? Rước lễ có theo ý ngay lành hay không? Đã tham gia bao nhiêu chuyến hành hương hay có một lòng một ý khi tham dự các nghi thức phụng vụ như Thánh Lễ hay không? Nhưng, trong ngày đó, Ngài sẽ hỏi chúng ta đã làm gì cho nhau?

Muốn có câu trả lời cho ngày đó, thì ngay bây giờ, trong mọi giây phút của cuộc sống; chúng ta cần để cho Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay chất vấn và chỉ có một việc duy nhất mà chúng ta cần thực hiện là nỗ lực làm cho trần gian này trở thành nơi chan chứa tình huynh đệ, nơi không còn chia rẽ, nơi mà những giọt lệ của đau thương sẽ nhường chỗ cho niềm vui và an bình, nơi mà người tốt và xấu có thể sống chung hòa bình. Quả thật, chúng ta không cần chờ đến ngày tận thế mới thấy Chúa. Và nếu chúng ta chờ cho đến ngày đó mới thấy Chúa thì đã quá trễ rồi! Nhất là làm sao chúng ta có thể nhận ra ai là Chúa, một khi trong cuộc sống chúng ta chưa hề gặp gỡ hay có một kinh nghiêm nào về Ngài! Trong khi đó, ngay bây giờ và trong lúc này, Chúa đang ở giữa chúng ta, đặc biệt nơi những người khốn khổ nhất.

Có một chi tiết trong bài Tin mừng gây không ít ngạc nhiên là trong câu trả lời của cả hai nhóm, chiên cũng như dê, những người thực hiện lòng thương xót và những ai không làm, đều không biết đến sự hiện diện của Chúa ở nơi những con người khốn khổ và bé mọn. Họ nói: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, Chúa khát mà cho uống, Chúa trần truồng mà cho áo mặc, Chúa đau yếu hay bị giam trong các nhà tù mà đến thăm rồi phục vụ Chúa đâu?” Đâu là động lực khiến họ khác nhau? Phải chăng nhóm thuộc về phe chiên là những ai sống theo lương tâm và nhịp đập của con tim, biết rung cảm trước các nỗi khốn cùng của nhau; còn những ai thuộc về nhóm dê là những con người đã chôn cất trai tim và lòng thương xót của mình vào tủ kín rồi khóa lại. Họ đã đánh mất đi các diệu cảm và thức đẩy của Tin Mừng.

Như vậy, một cách nào đó chúng ta nhận thấy ngoài việc để cho Lời Chúa tác động, con người, không phân biệt mầu da, niềm tin hay phái tính, tất cả cần sống với chất liệu và nhịp rung cảm của trái tim, để thực hiện lòng thương xót và quan tâm cho nhau trước. Thật ra, chính con tim nhậy cảm mà Chúa đã đặt vào trong thân xác tôi đã dậy cho tôi biết rằng: tha nhân và Chúa không hề tách biệt nhau.

Ngoài con tim nhậy cảm, chúng ta còn được Lời Chúa huớng dẫn nữa. Cụ thể, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay đã tỏ cho tôi biết rằng Chúa đã nên đồng hình đồng dạng với con người, đặc biệt những ai bé mọn: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Còn lời khẳng định nào rõ ràng hơn. Đức Giêsu đã xác định thật rõ ràng về sự liên hệ mật thiết giữa những người bé nhỏ, hèn mọn này với Người. Vì thế, những việc chúng ta làm cho nhau vì Chúa, hay vì đuợc khen thuởng rồi cũng bị phơi bày ra hết.

Như vậy, qua dụ ngôn này, Chúa nhắc nhở và hối thúc chúng ta cần xông xáo ra đi khỏi mình để chia sẻ và xoa dịu những nỗi đau của nhau. Đặc biệt thực hiện lòng thương xót nơi những nguời thiếu ăn, thiếu mặc, không cửa không nhà, đang bị tù đầy, v.v…

Thiếu ăn, thiếu mặc không hẳn là đói khát hay bị lạnh về phần xác, nhưng còn bao nhiêu người thiếu nụ cuời, không đựợc ủi an, tôn trọng.

Không chốn nương thân không hẳn là không có nhà để ở, nhưng vì con người ngày nay ích kỷ hơn, không dám mở lòng ra đón nhận nhau và đôi khi còn tạo ra những rào cản để nhốt và giam giữ nhau…

Một vài nét tiêu biểu như thế. Còn biết bao nhiêu điều cần làm, kể sao cho hết. Nhưng với ai có con tim nhậy cảm trước nỗi đau của tha nhân thì tự họ sẽ tìm ra các phương thuốc để giúp nhau. Và, đối với các kẻ tin, một lần nữa, với lời xác quyết rõ ràng của Chúa, chúng ta không còn vịn vào bất cứ một lý do nào để từ chối những người mà chúng ta gặp trong cuộc sống. Tất cả đều được quan tâm, không ai bị lọai trừ khỏi lòng mến của Thiên Chúa qua sự hiện diện của Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Người không chỉ hiện diện trong nhà thờ, hay tại những cuộc biểu dương tôn giáo; nhưng mãnh liệt và xác thực hơn cả là Người đang hiện diện trong đời sống của những người bé mọn và khốn cùng.

Sau cùng, dụ ngôn này được công bố vào Chúa nhật cuối của năm phụng vụ và nói đến việc thẩm định của Chúa trong ngày sau cùng. Nhưng không phải là chấm dứt. Cùng với Hội Thánh trên cuộc lữ hành trần thế, chúng ta sống với niềm hy vọng về cùng đích của đời mình là được Đức Kitô quang lâm đón chúng ta về nhà Cha để tham dự bữa tiệc hồng phúc, bữa tiệc cánh chung. Với niềm hy vọng đó, chúng ta bắt đầu lại con đuờng sống đạo bằng một khởi điểm mới phù hợp với những thách đố của Tin Mừng, đó là trong Đức Giê-su Ki-tô, Vua yêu thương, chúng ta quyết tâm làm chứng cho nhân lọai nhận ra tình thương của Thiên Chúa bằng chính cuộc sống yêu thương và phục vụ lẫn nhau mà Vua Giê-su đã làm gương. Amen!

Wednesday, 11 November 2020

BỔN PHẬN TRONG LÚC ĐỢI CHỜ.


Trong dụ ngôn mười trinh nữ mà chúng ta đã nghe vào tuần trước, Thánh Mát-thêu khuyên chúng ta hãy tỉnh thức và sẵn sàng trong khi chờ ngày Chúa đến. Giống như các trinh nữ khôn ngoan, chúng ta phải chuẩn bị cho đèn đức tin của mình luôn được chiếu sáng bằng lượng dầu bác ái mà chúng ta phải có để chia sẻ cho tha nhân. Có nghĩa là chúng ta được mời gọi tỉnh thức trong công việc, chứ không thụ động để đợi chờ mà thôi. Tiếp tục cùng một chủ đề, trong dụ ngôn các nén bạc, Thánh Mát-thêu muốn nhắn nhủ trong lúc chờ ngày Chúa đến, chúng ta hãy làm việc chăm chỉ để sinh lợi cho Chúa và tha nhân bằng những nén bạc, ám chỉ đến những hồng ân, mà Chúa đã giao.

Câu chuyện nói về việc ủy thác công việc quản lý tài sản của ông chủ cho các gia nhân. Trước khi đi vắng, ông đã trao quyền kinh doanh cho họ. Ông không muốn công việc bị đình trệ và không phát triển trong thời gian ông đi vắng. Tùy theo khả năng của từng người mà ông giao việc. Ông giao cho người thứ nhất năm nén bạc, người kế tiếp chỉ có hai nén, đến người thứ ba còn có một nén. Sự khác biệt này ám chỉ chủ ý của ông chủ mà các gia nhân phải nhận ra, đó là những gì họ có, hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của ông chủ. Ông không bất công, trái lại tùy theo khả năng của họ mà ông chủ đã giao. Không ai được giao các công việc quá sức mình. Như vậy, những gì họ có đều thuộc về chủ. Nói khác đi, không có gì họ có thuộc về họ cả. Bổn phận của họ là làm sinh lợi những nén bạc mà ông chủ đã giao.

Khi trao những nén bạc cho các gia nhân ông chủ đã không ban cho họ một lịnh truyền hay lời chỉ dẫn nào rõ ràng. Điều này có nghĩa là ông tín nhiệm và tôn trọng tự do của họ. Dù được tự do, nhưng người nhận hai nén và năm nén đã không lạm dụng tự do để làm giầu cho bản thân, bởi vì họ biết rằng sẽ có một ngày ông chủ sẽ đến tra vấn về những gì mà họ đã nhận. Họ bắt tay vào việc ngay. Ở đây, chúng ta phải ngầm hiểu là hai người tôi tớ đầu tiên này đã biết ý của ông chủ. Họ không làm theo ý riêng mà tìm kiếm và tuân theo ý định của ông chủ. Muốn được như thế họ cần phải thiết lập mối quan hệ thật tốt với chủ của mình.  

Còn về gia nhân thứ ba, cho dù ông chỉ nhận được có một nén, nhưng đó là tất cả những gì ông có thể đảm đương được. Vẫn biết rằng, ngày nay người ta gửi tiền tại các ngân hàng. Ngày xưa cha ông mình có thói quen chôn tiền của hay vàng bạc. Vì thế, việc chôn cất nén bạc mà người đầy tớ thứ ba làm hôm nay có thể hiểu được và đâu có gì là sai trái. Việc làm này của ông có thể nói lên tính thận trọng và muốn bảo quản tài sản của chủ được an toàn. Kinh doanh mà lỗ vốn thì còn thiệt hại hơn là chôn cất của cải. Huề vốn là tốt rồi. Còn về phía ông chủ tuy chẳng có lời mà cũng chẳng lỗ vốn. Đó là ý nghĩ của ông và dường như những gì ông nghĩ, giải pháp ông đưa ra không hợp với ý của chủ.

Anh chị em thân mến,

Qua dụ ngôn các nén bạc, Chúa muốn nhắc chúng ta nhớ rằng: mỗi người sinh ra trong trần gian này đều được Chúa ban cho những ân huệ đặc biệt và khác nhau. Không ai giống ai. Mỗi người là một cá thể thật quan trọng và đều có một chỗ đứng riêng biệt trong trái tim yêu thương và chương trình của Thiên Chúa. Bổn phận của chúng ta là nhận ra vị trí của mình để ý thức hơn trong việc quản lý những gì mà Chúa trao ban cho con người. Trí khôn, khả năng đặc biệt mà chúng ta hay gọi là thiên phú và những gì ta đang có đều là những ân huệ nhưng không của Thiên Chúa ban cho hầu đem lại lợi ích cho nhân loại, chứ không chỉ dành cho riêng mình mà thôi. Do vậy, tất cả mọi người đều được mời gọi làm giàu và sinh lợi cho Chúa những hồng ân mà mình đã nhận.

Người nhận đuợc một nén bạc ít hơn người được năm nén, đó là điều rõ ràng, nhưng đối với Chúa thì một nén bạc là tất cả những gì mà ông ta cần. Điều quan trọng không nằm ở chỗ ông ta nhận nhiều hay nhận ít, nhưng ở chỗ là người đó biết dùng tài năng đó như thế nào. Bổn phận của chúng ta là sinh lợi không cho mình mà là cho chủ. Nhưng, người có một nén đã chọn việc đem chôn giấu đi, rồi sau đó lý luận và đổ thừa cho chủ.

Trong câu chuyện không hề có một chi tiết nào nói ông chủ là người hà khắc; thế mà ông ‘một nén’ này đã không nhận ra sự sai lầm của mình. Ông tuởng là ông đã biết ý của chủ, tình thực ông đã sai, chỉ biết nghĩ đến sự an toàn cho chính bản thân rồi làm theo ý mình; sau đó còn gán cho chủ ý nghĩ sai lầm của ông: “…, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.” Ý nghĩ về chủ như thế khiến ông sợ hãi. Và trong tâm trạng sợ hãi như thế ông không nhìn ra ý muốn của chủ. Ông chỉ quan tâm đến việc bảo vệ nén bạc hơn là phát huy sáng kiến để thực hiện công việc mà chủ đã giao cho anh làm.

Đây là một trong những sai lầm mà chúng ta thường vấp phải. Thay vì làm giầu có các ân huệ đã đuợc lĩnh nhận, chúng ta lại xử dụng nó để làm giầu cho chính mình, để đầu tư vào ‘cái tôi’ và làm cho nó phình to hơn, phình đến độ chúng ta không còn biết ai làm chủ nữa. Nhận bổng lộc từ Chúa, thế mà mới sinh lợi được một chút mà đã muốn thay quyền Chúa làm chủ đời mình. Phải chăng ‘cái tôi’ và tham vọng đã làm thay đổi vị trí của Chúa trong cuộc sống chúng ta. Thay vì làm vinh danh Chúa được cả sáng thì bằng mọi cách và dưới mọi phuơng tiện, chúng ta làm để mình được tôn vinh. Như vậy, có nghĩa là Chúa đã bị chôn vùi trong chính cái tôi của mình.

Dựa vào kinh nghiệm khi làm việc, chúng ta có thể nhìn thấy một số hiện tuợng không mấy tốt đẹp vẫn thuờng xẩy ra cho một số người; đó là khi đuợc trọng dụng và kính phục thì họ rất hăng say trong các công tác. Việc nào cũng có mặt, công tác nào cũng tham gia. Họ không chỉ cống hiến tài năng và tiền của mà còn khuyến khích và kêu gọi các thành viên trong gia đình cùng tham gia. Nhưng khi gặp chuyện bất bình, bị chạm vào ‘cái tôi’, họ không chấp nhận sự góp ý của người khác, bèn lập bè tạo phái, rồi tìm những sơ hở của người khác và buông ra những lời chỉ trích thật nặng nề và thiếu tình bác ái. Thậm chí, họ còn có ý nghĩ là chỉ mình họ mới có đủ khả năng để hòan tất tốt đẹp những công tác mà hiện nay chính họ không muốn đụng ngón tay vào nữa.

Trên thực tế, đôi khi chúng ta quá bận tâm đến cuộc sống của chính mình như công danh, sự nghiệp đến nỗi không còn thời gian lo hoàn tất công việc mà Thiên Chúa đã yêu cầu chúng ta là xây dựng Nước Chúa trước còn mọi sự khác Chúa sẽ ban cho thêm. Những lời kêu gọi về việc tham gia mở mang Nước Chúa đòi hỏi một đức tin mạnh mẽ, lòng quảng đại và sự hy sinh; nhất là đôi khi, lời kêu gọi của Nước Trời đòi hỏi chúng ta đi ngược lại những gì mà thế gian mang lại.

Thật vậy, đối với những tín hữu, môn đệ của Chúa, chúng ta được mời gọi hành xử tự do với vốn liếng đã được trao ban. Sự tự do này khiến chúng ta liều lĩnh chấp nhận mọi thua thiệt để trung tín với những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng. Liều lĩnh trong niềm tin vào Thiên Chúa là một trong những đức tính cần thiết mà chúng ta cần có. Liều lĩnh để làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa là một ơn gọi vô cùng cao quí mà Chúa đã mời gọi. Đây còn là một đòi hỏi vô cùng cần thiết cho thế giới bị tục hoá mà chúng ta đang sống hôm nay.

Hành vi của lòng tin được hỗ trợ và đánh giá bởi lòng mến qua các việc bác ái như Thánh Gia-cô-bê khuyên: “Giả như có anh chị em nào không có áo che thân, không có của ăn hằng ngày, mà anh chị em lại nói với họ: “hãy đi bằng an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ họ đang cần, thì nào có ích gì? Cũng vậy, đức tin không có việc làm thì quả là đức tin chết.” (Gia-cô-bê 2: 15-17) Và đức tin mà không dựa trên lòng mến thì nào có ích gì?

Thưa anh chị em,

Hôm nay chúng ta mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cha ông chúng mình. Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận việc các Ngài đã dùng hết các nén bạc mà Chúa đã ban cho các Ngài. Có vị đã nhận được năm nén, vị khác được hai nén, và đại đa số chỉ có một nén. Tuy nhiên các ngài đã dùng hết, không vì mục đích làm gương sáng cho con cháu mà muốn chứng minh lòng yêu mến của các Ngài dành cho Chúa. Chính nhờ tình yêu mãnh liệt và can trường dành cho Chúa mà các Ngài đã can đảm, chấp nhận mọi khổ hình do các thế lực thù nghịch với đức tin đề ra.

Sử sách đã ghi lại bao nhiêu loại cực hình khác nhau đã đuợc dùng để tra tấn các ngài như: nhẹ thì gông cùm, giam tù, bỏ đói; nặng hơn một chút là cho voi dầy, phơi nắng và ném xuống sông; quyết liệt hơn thì bị chặt đầu, bị thắt cổ hay bị đốt cháy; man rợ và hiểm độc nhất là bị phân thây ra từng mảnh hay là tùng sẻo… Chỉ cần tuởng tượng những cực hình nói trên cũng khiến cho con người ngày nay run sợ hãi hùng.

 Tất cả các cực hình đó không nhắm đến các nỗi thống khổ về phần xác; nhưng tất cả đuợc áp dụng để thử lòng trung tín với Chúa của các ngài. Vì thế, thật là thiếu sót, nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh đến những nét hào hùng, những tấm gương can đảm, những cực hình mà cha ông chúng ta đã phải gánh chịu mà quên đi động lực chính đã giúp tổ tiên mình đi đến cùng; đó chính là lòng yêu mến Chúa Giê-su của các ngài. Vì yêu mến mà cha ông chúng ta đã từ khước tất cả và chấp nhận chết cho tất cả.

Thật vậy, sự hiểu biết giáo lý hay những tín điều về Thiên Chúa của các ngài thật nông cạn. Các ngài cũng không có những suy tư cao siêu về thần học. Nhưng khi trở thành tín hữu ‘một nén’, các ngài đã yêu Chúa bằng tất cả con người của các ngài. Đỉnh cao của tình yêu nơi các ngài được thể hiện qua việc chấp nhận cái chết không vì phần thưởng đã dành sẵn cho những ai trung tín với Chúa mà thôi; nhưng qua hành vi tự hiến các ngài đã noi gương Chúa Giê-su, Đấng đã hiến thân để bày tỏ lòng mến tuyệt vời của Thiên Chúa cho nhân lọai.

Tiến đến sự chết bằng niềm tin và lòng mến cho nên tâm hồn cha ông của chúng ta rất thư thái và bình an, miệng các ngài vang lên những lời tha thứ và trên môi là nụ cuời hân hoan của niềm vui sắp đuợc đoàn tụ với Chúa Giêsu, Đấng mà các ngài cả đời yêu mến và trông đợi.

Hôm nay chúng ta cũng được mời gọi sống trọn vẹn và sống cho đến giây phút cuối cùng bằng lòng mến. Đó chính là tâm huyết của cuộc sống. Và đó cũng là phương thức làm giàu các ân huệ và khả năng mà Chúa đã trao ban để sinh lợi cho Chúa, không cho sự an toàn của bản thân mình. Rồi, cũng giống như cha ông mình, các bậc tiền bối đã sống trọn vẹn lòng mến vì danh Chúa Kitô, mỗi người chúng ta đến lúc đó, sẽ nhận đuợc Lời Chúa phán rằng: “Hỡi con yêu dấu, con đã trung tín trong việc nhỏ mà ta đã trao phó, thì giờ đây ta sẽ đặt con trông nom việc lớn hơn. Hãy vào mà hưởng niềm vui với Ta.”

 Ước gì trong niềm hãnh diện là con cháu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta biết noi gương sáng của các Ngài để lại, biết dùng mọi ân ban của Thiên Chúa mà làm sáng danh Chúa và sinh lợi cho Người nữa. Amen!

 

Wednesday, 4 November 2020

CHỜ ĐỢI TRONG TƯ THẾ SẴN SÀNG

 

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe là một câu chuyện rất nổi tiếng, nói về mười cô phù dâu chờ đợi chú rể đến. Dụ ngôn này nằm trong một loạt các dụ ngôn của Đức Giê-su nói về một chủ đề, đó là phải sẵn sàng khi chờ đợi Chúa. Nói thì dễ, nhưng đối chiếu với thực tế của đời sống chúng ta nhận ra rằng không mấy ai trong chúng ta có thể nói rằng mình đã sẵn sàng để đón Chúa đến. Thế nào cũng xin Chúa nán lại thêm một thời gian vì mình còn một số việc chưa giải quyết xong.

Xin thì cứ xin, chứ có ai xin cho đời mình dài thêm được một gang một tấc nữa mà được ban cho hay chưa! Dù chúng ta đã sẵn sàng hay chưa, đến giờ đến buổi, không trễ một khắc và cũng không sớm một giây, Chúa sẽ đến đúng kỳ đúng hẹn theo như chương trình của Chúa dự liệu. Khổ một nỗi là không ai trong chúng ta biết toàn bộ chương trình của Chúa. Vì thế, theo tinh thần của dụ ngôn hôm nay thì chúng ta hãy chuẩn bị, hãy sẵn sàng trong lúc chờ đợi ngày của Chúa đến.

Thật thế, nội dung dụ ngôn nhắm đến là chuyện chàng rể đến chậm, nên phải luôn sẵn sàng. Điều này có thể dựa theo thói tục địa phương thời xưa: việc cưới xin không do chú rể và cô dâu chủ động; nhưng nhờ sự mai mối và được chấp thuận bởi hai gia đình. Sau đó cả hai gia đình cần thời gian để thương lượng. Việc thuơng luợng này có thể kéo dài hàng tháng. Nhưng trong dụ ngôn hình như việc dàn xếp xẩy ra trong ngày cưới; và gặp khó khăn nên nhà gái phải chờ đợi, có khi tới khuya hoặc nửa đêm cũng không chừng.

Theo phong tục của những người sống cùng thời với Đức Giê-su, các cô phù dâu sẽ ra ngoài để đón chú rể và vì trời tối cho nên họ cần mang theo đèn. Cả mười cô đều biết là chàng rể sẽ đến trễ, vì thế việc chờ đợi là chuyện tất nhiên. Bởi thế, việc chuẩn bị trong lúc chờ đời thật quan trọng. Đức Giê-su đã nói là có năm cô khôn ngoan và năm cô dại khờ. Các cô được Đức Giê-su khen là khôn ngoan vì họ biết chuẩn bị trong lúc đợi chờ, còn các cô dại khờ vì biết sẽ phải đợi mà lại không biết chuẩn bị.

Thật ra, ngay cả bây giờ, có một điều vô cùng thú vị mà ít ai trong chúng ta để ý đó là chuyện đợi chờ trong dịp lễ cưới. Cho dù các bà đã chuẩn bị sẽ trang điểm thế nào, ăn mặc ra sao, nhưng có ông chồng nào đã không phải chờ đợi các bà vợ trang điểm trước khi đến tham dự đám cưới hay chưa? Gia đình hai họ, thân bằng quyến thuộc, bạn hữu xa gần và ngay cả vị chủ sự nghi lễ cũng phải mòn mỏi chờ đợi cô dâu đến nhà thờ. Việc làm này không đáng được khích lệ, nhưng lại rất phổ biến. Hình như việc cô dâu đến muộn là một thông lệ nói lên tầm quan trọng của cô dâu. Rồi chờ chụp hình, chờ ở phòng lễ tân để trao quà tặng trước khi vào phòng tiệc. Chờ món ăn đầu tiên. Chờ để nghe các bài phát biểu của hai họ. Chờ nghe cô dâu và chú rể kể lại chuyện tình của đời họ và nói lời cảm ơn…. Nói chung, đám cưới là dịp trọng đại nên mọi người cảm thấy chờ đợi là chuyện hợp tình hợp lý, dễ thông cảm. Vì thế, chúng ta không nên ngạc nhiên khi nghe Đức Giê-su kể một câu chuyện về đám cưới, bao gồm nhiều lần chờ đợi. Và việc chuẩn bị hay sẵn sàng chờ đón chú rể là sứ điệp của Chúa qua dụ ngôn này.

Vẫn biết là như thế, nhưng trong thực tế, việc chờ đợi cũng khiến cho anh em tín hữu tiên khởi cảm thấy mệt mỏi, họ chờ mãi mà chẳng thấy Chúa trở lại.  Có lẽ, giống như các cô phù dâu, họ đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ khi chờ đợi. Chúng ta cũng thế, hơn hai ngàn năm đã trôi qua, chúng ta cũng buồn ngủ và lơ là với việc sống đức tin, chểnh mảng trong các công việc đạo đức, bị ảnh hưởng và chạy theo nếp sống thế tục. Thậm chí, có một số người trong chúng ta có thể đã có ý nghĩ rằng Chúa chưa đến ngay bây giờ, thôi để chuyện hối cải và yêu thương cho ngày mai, vãn còn kịp chán bởi vì đàng nào thì Chúa cũng chưa đến ngay.

Trong tâm trạng và với lối suy nghĩ như thế chúng ta mới nhận ra tầm quan trọng của dụ ngôn mà Đức Giê-su nói hôm nay. Vẫn biết chờ đợi khiến con người sinh ra chán nản, nhưng ai trong chúng ta biết khi nào chàng rể sẽ đến? Chúng ta phải kiên nhẫn, chuẩn bị tư thế sẵn sàng trong lúc chờ Đức Giê-su, Chúa chúng ta sẽ đến.

Anh chị em thân mến,

Lối sống nào sẽ giúp chúng ta sẵn sàng trong khi chờ đợi đây? Đức Giê-su đã cho chúng ta câu trả lời trong dụ ngôn mà Người nói hôm nay.

Chìa khóa trong dụ ngôn nói về việc sẵn sàng khi chờ đợi mà Đức Giê-su nói là ‘dầu’. Có một số người giải thích dầu ở đây nghĩa là đức tin, cầu nguyện, việc tham dự các thánh lễ hay những việc thờ phượng khác, và tất cả những việc khác giống như vậy. Đó có phải là ý của Thánh Mát-thêu hay không?

Lại phải đặt dụ ngôn này trong tòan bộ Tin Mừng do Thánh sử biên sọan để biết chúng ta cần sống như thế nào để chuẩn bị ngày Chúa đến? Như anh chị em còn nhớ mục tiêu mà thánh Mát-thêu viết Tin Mừng là trình bầy về con người và công việc của Đức Giê-su. Ngài là một tin vui trọng đại. Ngài đến trần gian để rao giảng và thiết lập Nước Trời. Nước Trời không được quan niệm như là lãnh thổ chỉ dành riêng cho những kẻ tin. Nhưng Nước Trời được căn cứ vào lối sống của các tín hữu và cho tất cả những ai có lối sống phù hợp với lời dậy bảo của Đức Giê-su trong ‘bài giảng trên núi’ mà chúng ta đã được nghe trong tuần trước. Và một khi chúng ta đã bằng lòng chấp nhận lối sống này thì nghèo khó, hèn mọn, đau khổ không hẳn là những điều bất hạnh. Trái lại, giầu có, danh vọng, uy quyền lại có thể trở thành những rào cản chận đường tiến lên hạnh phúc đích thật của chúng ta. Có nhiều người chỉ áp dụng những tiêu chuẩn trong bài giảng trên núi này một thời gian ngắn; nhưng chờ mãi chẳng thấy Chúa đến khiến họ đâm ra chểnh mảng và xao nhãng.

Rồi nói đến việc xây dựng hòa bình dù chỉ trong một ngày đã là điều khó thưc hiện; nhưng vẫn còn dễ hơn là sống để trở thành khí cụ bình an của Chúa trong một môi trường đầy trở ngại và đối nghịch với Tin Mừng.

Còn nữa, như việc thuơng yêu kẻ khác. Thật là dễ dàng khi chúng ta thương xót và tha thứ cho người khác một vài lần trong cuộc đời. Nhưng quả là khó khăn khi chúng ta phải thực hiện lòng thuơng xót và tha thứ này trong cả cuộc đời.

Sau cùng, chúng ta chẳng hề hay biết ngày nào, giờ nào chú rể sẽ đến. Vì thế phải sẵn sàng bằng cách trang bị cuộc sống cho đủ số luợng dầu để khi chàng rể đến, chúng ta có thể thắp đèn ra đón tiếp lang quân.

Ngoài số lượng dầu cần mang theo chúng ta còn phải tạo điều kiện để Chúa biết ta. Nghe thật lạ đời phải không, thưa các bạn. Bởi vì chúng ta thường được dậy bảo là hãy ra đi tìm kiếm để biết Chúa, đâu phải việc Chúa biết ta mới là chìa khóa để tham dự tiệc cưới. Chúa mà không biết ta thì còn ai biết ta nữa.

Quả thế, khi cánh cửa phòng của tiệc cưới khép lại, chúng ta không nghe thấy tiếng của chàng rể vọng ra: ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không hề biết các cô!’ hay sao?

Có nhiều kiểu ta biết Chúa. Nhưng kiểu ‘biết Chúa’ của chúng ta cũng lạ đời lắm. Có ai ngờ cả nhóm, cả gia đình, cả xứ đạo đều tuyên xưng là biết Chúa; thế mà Chúa trong nhà thờ khác Chúa trong cuộc sống. Chẳng cần phải nói đến chuyện cả thể sẽ phải làm, chỉ cần ra đến bãi đậu xe mà gặp ai làm trái ý mình thì biết Chúa của ta ngay. Rồi đến Chúa của ông này chống Chúa bà kia. Chúa của chồng thì khác Chúa của vợ. Vì thế, dù ta có biết Chúa đến độ nào, thì việc biết ấy vẫn là sự biết có ngần có hạn. Còn Chúa biết, là biết hết, biết rõ những gì sâu thẳm nhất trong đời sống của từng người, biết sự giới hạn và yếu đuối của chúng ta. Người biết để tha thứ, để thông cảm và yêu thương. Như vậy, Chúa biết ta vẫn hơn việc ta biết Chúa.

            Muốn được Chúa biết, ta cần làm những việc giống như Chúa làm; sống tiêu chuẩn giống như Chúa sống; biết thông cảm và luôn tha thứ như Chúa thuờng thứ tha. Trên hết mọi sự là mời Chúa hiện diện trong mọi cách hành xử của chúng ta. Nếu chúng ta làm đúng như thế thì Chúa sẽ vui mừng, giả như chúng ta hành động chưa được tốt lắm, thì cũng không nên lo lắng quá. Bởi vì Chúa biết và còn biết rất rõ về những việc làm chưa tốt của chúng ta. Nó phát sinh từ sự yếu đuối và chính bởi sự yếu đuối đó mà sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong đời sống của chúng ta.  

Tóm lại, niềm tin chưa hẳn là chìa khóa mở cửa phòng của tiệc cưới. Muốn tham dự tiệc cưới, người tín hữu cần có lối sống phù hợp với những điều Chúa dậy trong bài giảng trên núi. Nói cách khác, qua cách suy nghĩ, nói năng và hành động của chúng ta đều phải là họa ảnh lối sống của Chúa. Đó là cách chuẩn bị tốt nhất mà chúng ta cần thực hiện. Và khi nào Chúa đến không phải là việc của mình. Vì bất cứ lúc nào Chúa đến chúng ta cũng sẵn sàng ra đón tiếp và cùng tham dự bữa ăn với Chúa rồi. Amen!