Đối diện với những gì đã xẩy ra trong năm 2020 này, hầu
hết chúng ta đều mong đợi cho năm này mau qua đi. Các tai ương sẽ biến mất.
Thuốc chủng ngừa do Covid-19 gây ra sẽ được tìm thấy để con người bớt lo sợ. Mọi
sự sẽ trở lại bình thường. Dĩ nhiên, tất cả vẫn chỉ là mong ước. Niềm hy vọng
cho một tương lai tươi sáng hơn vẫn là nguồn động lực cho chúng ta dấn bước.
Trong niềm tin
tưởng và hy vọng vào những gì tốt đẹp hơn sẽ xẩy đến, chúng ta cùng với toàn
thể Giáo Hội bước vào Chúa Nhật I Mùa Vọng, bắt đầu một chu kỳ mới, chu kỳ
phụng vụ năm B, năm 2021. Trong thời gian này, chúng ta cũng trông đợi và để
nói lên niềm trông đợi đó chúng ta chuẩn bị cuộc sống sao cho phù hợp với việc
viếng thăm của Chúa, một cuộc viếng thăm đã bắt đầu hơn 2000 năm qua và vẫn còn
được tiếp diễn cho đến ngày Người tái lâm trong vinh quang.
Như vậy, Mùa
Vọng là mùa của hy vọng, là mùa để chúng ta ôn lại hai tiếng ‘xin vâng’ hết
lòng, hết dạ của Mẹ Maria. Qua việc vâng phục, Mẹ đã truyền cảm hứng và sức mạnh
cho chúng ta đủ sức đối diện với các xáo trộn hằng ngày mà chúng ta đang phải
gánh chịu với niềm tin và hy vọng tràn đầy vào Chúa. Trong tâm tình đó, chúng
ta hãy lắng nghe Lời Chúa phán: “Các con
phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì các con không biết khi nào thời ấy đến. Cũng
như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình,
chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.
Vậy các con phải canh thức, vì các con không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập
tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Các con phải canh thức, kẻo lỡ ra
ông chủ đến bất thần, bắt gặp các con đang ngủ. Điều Thầy nói với các con đây,
Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!” (Mc 13:33-37)
Sứ điệp Chúa
dậy quá rõ ràng. Chỉ có 5 câu mà Người đã nhắc chúng ta 4 lần là “Hãy Tỉnh
Thức.” Lời mời gọi: “Hãy coi chừng, hãy tỉnh thức!” trong bài Tin Mừng hôm nay mang
một giọng điệu thật đáng khích lệ, nhưng cũng ẩn chứa một lời cảnh báo. Chúng
ta không biết khi nào, giờ nào Chúa sẽ đến. Tuy nhiên, không ai trong chúng ta
còn nghi ngờ về điều này. Chúa chắc chắn sẽ đến. Nhưng không người nào trong
chúng ta biết khi nào, lúc nào và trong hoàn cảnh nào! Vì thế chỉ biết trông
cậy và đợi chờ.
Trong khi chờ
đợi chúng ta sẽ làm gì và tâm tình của chúng ta ra sao? Qua kinh nghiệm của
cuộc sống, chúng ta đã trải qua những cuộc đợi chờ với những tâm tình và các
trạng thái khác nhau như: chờ đợi với niềm hy vọng; hứng khởi đợi mong, khao
khát chờ ai? Cũng có lúc chờ đợi với tâm trạng thất vọng rồi thiếu kiên nhẫn.
Rồi cũng đôi ba lần chờ đợi với lòng ham muốn… Trong các hoàn cảnh đó, chúng ta
chỉ muốn nó xẩy ra, ngay bây giờ và trong lúc này; vì chờ lâu quá nên không
muốn chờ thêm.
Đã có chờ đợi
thì không thoát khỏi những lần lỡ hẹn: Lỡ một chuyến đò hay một chuyến tàu, lỡ
một lần hẹn hay lỡ gửi quà cho nguời thân, v.v... Trong những lần lỡ làng của
cuộc sống, cũng có cái lỡ có thể bù đắp được; cũng có cái lỡ luôn. Tôi được
nghe kể lại, nhiều người trong anh chị em, chỉ vì lỡ một lần hẹn mà tình duyên
bị trắc trở. Còn nếu “lỡ” không lắng nghe tiếng Chúa, không nhận ra Chúa đang
chờ đợi mình nơi tha nhân thì chúng ta có thể mất tất cả. Cái lỡ này nguy hiểm
vô cùng, không ai có thể chuộc lại. Bởi vì chúng ta đâu biết có còn cơ hội để
bù đắp những ‘lần lỡ làng’ đó hay không? Chẳng ai biết được lúc nào Chúa sẽ
đến: Có thể lúc chập tối, hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Vì thế, phương thức tốt nhất là phải chuẩn bị
cho những cuộc gặp gỡ Chúa ngay trong giây phút này.
Chờ đợi huớng
về tương lai, không phải là việc quay đầu lại, dù chỉ là lướt qua, để nhìn về
quá khứ. Mong chờ một đổi thay, tìm ra những kinh nghiệm mới. Tất cả hướng về
niềm vui và sự chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đức Giêsu. Vì thế, dù phải canh
thức và chờ đợi; nhưng chúng ta biết rằng chúng ta đang chờ điều gì? Đó là một
điều thật tuyệt vời, phù hợp cho mọi thế hệ.
Việc Chúa đến
lần thứ hai cho dù đã được tiên báo, tuy nhiên những lời tiên báo đó cũng chẳng
khẳng định chính xác được điều gì. Chúng ta tin ngày đó sẽ đến. Ngày mà trời
mới đất mới sẽ thay thế trời cũ đất cũ. Thật ra, trời cũ đất cũ đã được biến đổi
bởi biến cố phục sinh của Chúa Giêsu; chúng ta chờ đợi việc hòan tất cuộc biến
đổi ấy trong ngày Chúa đến lần thứ hai. Vì không biết ngày đó sẽ xẩy ra khi
nào, nên chúng ta chỉ biết chờ đợi. Đợi với niềm hy vọng là chúng ta luôn sẵn
sàng để gặp Chúa.
Anh chị em
thân mến,
Thoáng nhìn lại
lịch sử ơn cứu độ chúng ta nhận biết Chúa luôn đi bước trước đến với con người.
Ngay từ ngày đầu tiên con người đã muốn sống tự lập, sống thóat khỏi sự che chở
của Thiên Chúa và làm theo ý mình. Nhưng không vì thế mà Chúa bỏ rơi con người.
Người đã đến lên tiếng kêu gọi: “Ngươi ở đâu?” Tuy đã nghe được tiếng Chúa,
nhưng thay vì đối diện với sự thật để được tha thứ, con người lại lẩn trốn vì
sợ hãi. Nhưng tình yêu Thiên Chúa vượt trên mọi công trạng hay việc ‘lẩn trốn’ của
con người. Người đã không bỏ mặc con người. Ngòai tin vui loan báo về ơn cứu
độ, Thiên Chúa còn làm những chiếc áo bằng da và mặc cho họ. Đó chính là nghĩa
cử nói lên lòng quan tâm và yêu thương của Thiên Chúa như đã mô tả trong sách
Sáng Thế Ký (Stk 3:15 và 21).
Tuy vậy, thái
độ bất trung của con người và sự trung tín của Thiên Chúa vẫn tiếp diễn từ đời
này qua đời khác. Và ngay lúc chúng ta không còn làm được gì nữa, thì Thiên
Chúa lại đi bước trước để viếng thăm và cứu độ dân Người. Và nếu khi xưa con
người đã ‘lẩn trốn’ vì sợ hãi, thì nay Đức Kitô, còn được gọi là Em-ma-nu-en,
có nghĩa là: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đang hịện diện và chờ đợi bàn tay yêu
thương, con tim rộng mở và nhân từ của chúng ta.
Như vậy, trong
thời gian này, chúng ta không chỉ chuẩn bị chờ đợi để mừng lễ Giáng Sinh; hay
mong chờ ngày hạnh phúc vĩnh cửu mà hiện tại chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm
bằng niềm tin. Thật ra từng giây từng phút Chúa đang chờ đợi ta. Sự biến đổi
thế giới này trở thành trời mới đất mới là nhiệm vụ của các tín hữu. Và nét nổi
bật trong mùa này là “coi chừng, tỉnh thức và đợi chờ”.
Tỉnh thức
không phải là thái độ thụ động như người lính canh đồn, thức trắng đêm để đợi
chờ; rồi thời gian chờ đợi quá lâu, họ đâm chểnh mảng rồi ngủ gà ngủ gật; chỉ
mất sức mà chẳng được việc gì! Nhưng là người tín hữu, chúng ta tỉnh thức bằng
cách chu toàn trách nhiệm hiện tại, biết nhận ra những dấu chỉ thời đại, khám
phá ra thánh ý Thiên Chúa, kiên tâm phục vụ trong yêu thương, nỗ lực hơn trong
các dự án tình thương, những công việc bác ái, ra sức cổ võ cho sự hiệp nhất, rộng tay đón tiếp và chia sẻ cho những người
nghèo đói, hoạn nạn.
Nói riêng cho
những ai đang sống trong bậc gia đình. Anh chị cần tỉnh thức để phục vụ nhau.
Đời sống gia đình là môi trường phục vụ lý tưởng nhất. Vợ chồng kitô hữu hiến
thân cho nhau, tha thứ cho nhau, biết tận tâm giáo dục con cái, biết dùng của
cải Chúa ban để mưu sống gia đình, nhưng đồng thời cũng biết chia cơm sẻ bánh
cho người nghèo đói. Tất cả những công việc đó nói lên thái độ tỉnh thức và sẵn
sàng đón tiếp Ngày của Chúa.
Nói chung, chúng
ta được mời đến, để sống trọn vẹn bản chất và ơn gọi của mình; ngay trong thời
điểm này. Thiên Chúa hiện diện rất gần trong mỗi giây phút của cụộc sống. Ngài
đang sống trong hiện tại. Thiên Chúa không biết thời gian. Chính chúng ta là
những người sống trong khoảng thời gian chứ không phải là Thiên Chúa. Chính
chúng ta là những người bị ràng buộc bởi quá khứ và bị cuốn về tương lai, chứ
không phải Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ có trong hiện tại. Chính vì thế, chúng ta
cần để tâm đến các việc trong hiện tại. Sau đây là vài gợi ý cụ thể dành riêng
cho mỗi người, thí dụ như:
Hôm nay, tôi
có sẵn sàng tham dự các cuộc nấu nướng và dọn bữa cho nhưng ai không có nơi trú
ngụ, vô gia cư hay không?
Năm nay, tôi
có sẵn sàng đến trang trí cây thông và thăm các cụ già trong các nhà dưỡng lão
và các bịnh viện hay không?
Bây giờ, câu
trả lời của tôi sẽ như thế nào khi được mời đến thăm các cháu trong các trại mồ
côi hay đến an ủi những ai đang hấp hối trong các khu an dưỡng?
Ngay trong
giây phút này, Chúa đang chờ tôi nơi tha nhân; còn thái độ tôi như thế nào?
Thật ra chúng
ta có đủ bằng chứng để bị Chúa phạt. Thế nhưng, Ngài không hề quên giao ước mà
Ngài đã ký kết với chúng ta. Chúng ta cảm nghiệm được điều này trong tình
thương của Đức Giêsu, nhất là trong bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa đã mặc lấy
xác thịt trong thân phận loài người, hiện diện giữa chúng ta, rao giảng sự thật
cứu rỗi. Cho dù chúng ta tìm đủ cách ‘lẩn trốn’ Ngài. Nhưng Ngài lại có muôn
ngàn phương pháp để lôi kéo chúng ta trở về với tư thế sẵn sàng của những người
con hân hoan chờ đợi ngày của Chúa. Vậy còn chờ đợi gì nữa, ngay lúc này chúng
mình hãy bắt tay vào những công việc nói trên. Tôi nghĩ Chúa sẽ rất hài lòng
khi chúng ta vừa làm việc, vừa canh chừng và tỉnh thức để nhận ra Chúa đang
hiện diện và chờ chúng ta nơi cuộc sống của những con người bị tổn thương, bị
ngược đãi và bị bỏ rơi. Thái độ và lối sống tỉnh thức như thế thật đáng được ca
tụng và khuyến khích.
Cầu cho nhau
được như thế. Amen!
No comments:
Post a Comment