Wednesday, 4 November 2020

CHỜ ĐỢI TRONG TƯ THẾ SẴN SÀNG

 

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe là một câu chuyện rất nổi tiếng, nói về mười cô phù dâu chờ đợi chú rể đến. Dụ ngôn này nằm trong một loạt các dụ ngôn của Đức Giê-su nói về một chủ đề, đó là phải sẵn sàng khi chờ đợi Chúa. Nói thì dễ, nhưng đối chiếu với thực tế của đời sống chúng ta nhận ra rằng không mấy ai trong chúng ta có thể nói rằng mình đã sẵn sàng để đón Chúa đến. Thế nào cũng xin Chúa nán lại thêm một thời gian vì mình còn một số việc chưa giải quyết xong.

Xin thì cứ xin, chứ có ai xin cho đời mình dài thêm được một gang một tấc nữa mà được ban cho hay chưa! Dù chúng ta đã sẵn sàng hay chưa, đến giờ đến buổi, không trễ một khắc và cũng không sớm một giây, Chúa sẽ đến đúng kỳ đúng hẹn theo như chương trình của Chúa dự liệu. Khổ một nỗi là không ai trong chúng ta biết toàn bộ chương trình của Chúa. Vì thế, theo tinh thần của dụ ngôn hôm nay thì chúng ta hãy chuẩn bị, hãy sẵn sàng trong lúc chờ đợi ngày của Chúa đến.

Thật thế, nội dung dụ ngôn nhắm đến là chuyện chàng rể đến chậm, nên phải luôn sẵn sàng. Điều này có thể dựa theo thói tục địa phương thời xưa: việc cưới xin không do chú rể và cô dâu chủ động; nhưng nhờ sự mai mối và được chấp thuận bởi hai gia đình. Sau đó cả hai gia đình cần thời gian để thương lượng. Việc thuơng luợng này có thể kéo dài hàng tháng. Nhưng trong dụ ngôn hình như việc dàn xếp xẩy ra trong ngày cưới; và gặp khó khăn nên nhà gái phải chờ đợi, có khi tới khuya hoặc nửa đêm cũng không chừng.

Theo phong tục của những người sống cùng thời với Đức Giê-su, các cô phù dâu sẽ ra ngoài để đón chú rể và vì trời tối cho nên họ cần mang theo đèn. Cả mười cô đều biết là chàng rể sẽ đến trễ, vì thế việc chờ đợi là chuyện tất nhiên. Bởi thế, việc chuẩn bị trong lúc chờ đời thật quan trọng. Đức Giê-su đã nói là có năm cô khôn ngoan và năm cô dại khờ. Các cô được Đức Giê-su khen là khôn ngoan vì họ biết chuẩn bị trong lúc đợi chờ, còn các cô dại khờ vì biết sẽ phải đợi mà lại không biết chuẩn bị.

Thật ra, ngay cả bây giờ, có một điều vô cùng thú vị mà ít ai trong chúng ta để ý đó là chuyện đợi chờ trong dịp lễ cưới. Cho dù các bà đã chuẩn bị sẽ trang điểm thế nào, ăn mặc ra sao, nhưng có ông chồng nào đã không phải chờ đợi các bà vợ trang điểm trước khi đến tham dự đám cưới hay chưa? Gia đình hai họ, thân bằng quyến thuộc, bạn hữu xa gần và ngay cả vị chủ sự nghi lễ cũng phải mòn mỏi chờ đợi cô dâu đến nhà thờ. Việc làm này không đáng được khích lệ, nhưng lại rất phổ biến. Hình như việc cô dâu đến muộn là một thông lệ nói lên tầm quan trọng của cô dâu. Rồi chờ chụp hình, chờ ở phòng lễ tân để trao quà tặng trước khi vào phòng tiệc. Chờ món ăn đầu tiên. Chờ để nghe các bài phát biểu của hai họ. Chờ nghe cô dâu và chú rể kể lại chuyện tình của đời họ và nói lời cảm ơn…. Nói chung, đám cưới là dịp trọng đại nên mọi người cảm thấy chờ đợi là chuyện hợp tình hợp lý, dễ thông cảm. Vì thế, chúng ta không nên ngạc nhiên khi nghe Đức Giê-su kể một câu chuyện về đám cưới, bao gồm nhiều lần chờ đợi. Và việc chuẩn bị hay sẵn sàng chờ đón chú rể là sứ điệp của Chúa qua dụ ngôn này.

Vẫn biết là như thế, nhưng trong thực tế, việc chờ đợi cũng khiến cho anh em tín hữu tiên khởi cảm thấy mệt mỏi, họ chờ mãi mà chẳng thấy Chúa trở lại.  Có lẽ, giống như các cô phù dâu, họ đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ khi chờ đợi. Chúng ta cũng thế, hơn hai ngàn năm đã trôi qua, chúng ta cũng buồn ngủ và lơ là với việc sống đức tin, chểnh mảng trong các công việc đạo đức, bị ảnh hưởng và chạy theo nếp sống thế tục. Thậm chí, có một số người trong chúng ta có thể đã có ý nghĩ rằng Chúa chưa đến ngay bây giờ, thôi để chuyện hối cải và yêu thương cho ngày mai, vãn còn kịp chán bởi vì đàng nào thì Chúa cũng chưa đến ngay.

Trong tâm trạng và với lối suy nghĩ như thế chúng ta mới nhận ra tầm quan trọng của dụ ngôn mà Đức Giê-su nói hôm nay. Vẫn biết chờ đợi khiến con người sinh ra chán nản, nhưng ai trong chúng ta biết khi nào chàng rể sẽ đến? Chúng ta phải kiên nhẫn, chuẩn bị tư thế sẵn sàng trong lúc chờ Đức Giê-su, Chúa chúng ta sẽ đến.

Anh chị em thân mến,

Lối sống nào sẽ giúp chúng ta sẵn sàng trong khi chờ đợi đây? Đức Giê-su đã cho chúng ta câu trả lời trong dụ ngôn mà Người nói hôm nay.

Chìa khóa trong dụ ngôn nói về việc sẵn sàng khi chờ đợi mà Đức Giê-su nói là ‘dầu’. Có một số người giải thích dầu ở đây nghĩa là đức tin, cầu nguyện, việc tham dự các thánh lễ hay những việc thờ phượng khác, và tất cả những việc khác giống như vậy. Đó có phải là ý của Thánh Mát-thêu hay không?

Lại phải đặt dụ ngôn này trong tòan bộ Tin Mừng do Thánh sử biên sọan để biết chúng ta cần sống như thế nào để chuẩn bị ngày Chúa đến? Như anh chị em còn nhớ mục tiêu mà thánh Mát-thêu viết Tin Mừng là trình bầy về con người và công việc của Đức Giê-su. Ngài là một tin vui trọng đại. Ngài đến trần gian để rao giảng và thiết lập Nước Trời. Nước Trời không được quan niệm như là lãnh thổ chỉ dành riêng cho những kẻ tin. Nhưng Nước Trời được căn cứ vào lối sống của các tín hữu và cho tất cả những ai có lối sống phù hợp với lời dậy bảo của Đức Giê-su trong ‘bài giảng trên núi’ mà chúng ta đã được nghe trong tuần trước. Và một khi chúng ta đã bằng lòng chấp nhận lối sống này thì nghèo khó, hèn mọn, đau khổ không hẳn là những điều bất hạnh. Trái lại, giầu có, danh vọng, uy quyền lại có thể trở thành những rào cản chận đường tiến lên hạnh phúc đích thật của chúng ta. Có nhiều người chỉ áp dụng những tiêu chuẩn trong bài giảng trên núi này một thời gian ngắn; nhưng chờ mãi chẳng thấy Chúa đến khiến họ đâm ra chểnh mảng và xao nhãng.

Rồi nói đến việc xây dựng hòa bình dù chỉ trong một ngày đã là điều khó thưc hiện; nhưng vẫn còn dễ hơn là sống để trở thành khí cụ bình an của Chúa trong một môi trường đầy trở ngại và đối nghịch với Tin Mừng.

Còn nữa, như việc thuơng yêu kẻ khác. Thật là dễ dàng khi chúng ta thương xót và tha thứ cho người khác một vài lần trong cuộc đời. Nhưng quả là khó khăn khi chúng ta phải thực hiện lòng thuơng xót và tha thứ này trong cả cuộc đời.

Sau cùng, chúng ta chẳng hề hay biết ngày nào, giờ nào chú rể sẽ đến. Vì thế phải sẵn sàng bằng cách trang bị cuộc sống cho đủ số luợng dầu để khi chàng rể đến, chúng ta có thể thắp đèn ra đón tiếp lang quân.

Ngoài số lượng dầu cần mang theo chúng ta còn phải tạo điều kiện để Chúa biết ta. Nghe thật lạ đời phải không, thưa các bạn. Bởi vì chúng ta thường được dậy bảo là hãy ra đi tìm kiếm để biết Chúa, đâu phải việc Chúa biết ta mới là chìa khóa để tham dự tiệc cưới. Chúa mà không biết ta thì còn ai biết ta nữa.

Quả thế, khi cánh cửa phòng của tiệc cưới khép lại, chúng ta không nghe thấy tiếng của chàng rể vọng ra: ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không hề biết các cô!’ hay sao?

Có nhiều kiểu ta biết Chúa. Nhưng kiểu ‘biết Chúa’ của chúng ta cũng lạ đời lắm. Có ai ngờ cả nhóm, cả gia đình, cả xứ đạo đều tuyên xưng là biết Chúa; thế mà Chúa trong nhà thờ khác Chúa trong cuộc sống. Chẳng cần phải nói đến chuyện cả thể sẽ phải làm, chỉ cần ra đến bãi đậu xe mà gặp ai làm trái ý mình thì biết Chúa của ta ngay. Rồi đến Chúa của ông này chống Chúa bà kia. Chúa của chồng thì khác Chúa của vợ. Vì thế, dù ta có biết Chúa đến độ nào, thì việc biết ấy vẫn là sự biết có ngần có hạn. Còn Chúa biết, là biết hết, biết rõ những gì sâu thẳm nhất trong đời sống của từng người, biết sự giới hạn và yếu đuối của chúng ta. Người biết để tha thứ, để thông cảm và yêu thương. Như vậy, Chúa biết ta vẫn hơn việc ta biết Chúa.

            Muốn được Chúa biết, ta cần làm những việc giống như Chúa làm; sống tiêu chuẩn giống như Chúa sống; biết thông cảm và luôn tha thứ như Chúa thuờng thứ tha. Trên hết mọi sự là mời Chúa hiện diện trong mọi cách hành xử của chúng ta. Nếu chúng ta làm đúng như thế thì Chúa sẽ vui mừng, giả như chúng ta hành động chưa được tốt lắm, thì cũng không nên lo lắng quá. Bởi vì Chúa biết và còn biết rất rõ về những việc làm chưa tốt của chúng ta. Nó phát sinh từ sự yếu đuối và chính bởi sự yếu đuối đó mà sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong đời sống của chúng ta.  

Tóm lại, niềm tin chưa hẳn là chìa khóa mở cửa phòng của tiệc cưới. Muốn tham dự tiệc cưới, người tín hữu cần có lối sống phù hợp với những điều Chúa dậy trong bài giảng trên núi. Nói cách khác, qua cách suy nghĩ, nói năng và hành động của chúng ta đều phải là họa ảnh lối sống của Chúa. Đó là cách chuẩn bị tốt nhất mà chúng ta cần thực hiện. Và khi nào Chúa đến không phải là việc của mình. Vì bất cứ lúc nào Chúa đến chúng ta cũng sẵn sàng ra đón tiếp và cùng tham dự bữa ăn với Chúa rồi. Amen!

 

 

No comments:

Post a Comment