Wednesday, 28 April 2021

Ở LẠI TRONG CHÚA THÌ SẼ SINH HOA TRÁI


Tiêu chuẩn định giá dựa trên năng suất và thành quả cá nhân được nhiều người áp dụng. Ai sản xuất nhiều thì được thưởng và nhận được nhiều hơn. Trái lại, người nào sản xuất ít hay không tạo được sản phẩm nào thì dễ bị quên lãng, thậm chí có thể bị ném ra ngoài. Trong hệ thống giáo dục cũng thế, các học sinh giỏi, có nhiều sáng kiến hay phát minh mới thường được tuyên dương và nhận được sự hỗ trợ để hoàn thành các dự án. Trái lại những học sinh không phát minh ra điều gì mới thì ít được để ý và tự nhiên bị đẩy lùi về phía sau. Quan niệm và cách cư xử này đã xâm nhập vào trong lối sống đạo của chúng ta. Nguyên tắc thưởng phạt dựa trên thành quả vẫn còn được cổ võ và áp dụng tại nhiều nơi.

Cách cư xử nói trên tuy thông dụng nhưng cũng rất nguy hiểm bởi vì nếu áp dụng cách cư xử này vào cách thức sống đạo thì chúng ta có thể sẽ rơi vào lối suy nghĩ dùng công nghiệp để đòi thưởng như lập trường của một số người thuộc nhóm biệt phái sống cùng thời với Đức Giê-su chủ trương. Chúng ta biết rất rõ là Chúa Giê-su không tán thành lập trường và quan điểm sống này. Thật vậy, năng suất và thành quả thường không tạo nên các mối quan hệ gắn bó và sâu sắc. Nó tạo ra các mối giao dịch. Đức Giê-su không nhấn mạnh hay đòi buộc năng suất và thành quả của cá nhân cho bằng mời gọi chúng ta thiết lập các mối dây liên kết, kiến tạo và xây dựng các mối quan hệ dựa vào sự thân tình với Người và với nhau. Đó chính là ý nghĩa trong bài Tin Mừng mà chúng ta suy niệm hôm nay.

Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng hôm nay là phần đầu của diễn từ mà trong đó Đức Giê-su nói về mình như là cây nho đích thật và chúng ta là cành của cây nho đó. Người mời gọi chúng ta hãy ở với Người, ở lại trong Người để sinh hoa trái cho chính cuộc sống mình và cho những ai mà chúng ta tiếp xúc mỗi ngày.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe biết sứ điệp này. Đoạn Tin Mừng này quá thông dụng và tôi được nghe thường xuyên. Tuy nhiên, trong khi đọc và suy niệm Tin Mừng hôm nay, tôi bỗng nhiên cảm thấy mình bị cuốn hút một cách mạnh mẽ vào lời tuyên bố của Chúa Giê-su về mối tương quan giữa Người và chúng ta như sau: không có Chúa, chúng ta chẳng làm gì được. Tôi xin anh chị em lưu ý rằng Đức Giê-su không nói rằng nếu không có Người, chúng ta có thể làm được một vài điều quan trọng. Không! Đức Giê-su nói nếu không có Người, anh và tôi không làm được gì hết. Như vậy, việc sinh hoa kết trái không phải là nỗ lực hay sự cố gắng của mỗi cá nhân cho bằng tự do, tình nguyện và sẵn sàng ở lại bên Chúa Giê-su. Hành động ở lại này diễn tả niềm tin tưởng, sự gắn bó, hiệp thông và cùng bước đi với Người. Thật vậy, chỉ có Chúa Giê-su mới có thể sinh hoa trái trong cuộc sống của chúng ta. Người luôn sẵn sàng, chờ đợi sự đồng ý, thậm chí cho phép Người hành động. Phần chúng ta, hãy ở lại trong Người, hãy tin tưởng nơi Người là Đấng luôn trung tín với Lời Người đã hứa rằng: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái,”

Trong lúc suy tư tới đây, tôi chợt nhớ một câu chuyện. Truyện kể về hoàn cảnh của một thiếu nữ, ở độ tuổi mới lớn, dự định dọn nhà ra đi vì có vài việc mâu thuẫn và không chịu nổi các qui luật dường như hơi khó khăn của gia đình.

Vào một ngày nọ, trong khi cô đi dạo tại một công viên gần nhà thì nhìn thấy con két nhỏ bị thương ở đôi cánh đang nằm bên vệ đường dành cho người đi bộ. Khi thấy hoàn cảnh quá đáng thương của con vẹt. Bản tính của cô lại rất yêu thú vật nên cô đã bế chú vẹt về nhà, tự tay làm ổ và chăm sóc chú chim con. Vì bận rộn với công tac mới như thế cho nên cô không thể thực hiện ý định bỏ nhà. Cô sẽ thực hiện ý định này cho đến khi chim con lành bịnh và có thể bay lại được. Ngày qua ngày, sau cùng chim con cũng có thể nhẩy nhót và bay lại được và cô quyết định giải thoát chim con.

Cô bèn đem chú két ra công viên. Đang lúc phóng sinh thì cô một gặp một nhân viên bảo vệ thú vật đang đi tuần ở đó. Ông nghi là cô có ý định hành hạ thú vật nên tính phạt cô. Nhưng khi nghe cô giải thích ông mới hiểu rõ sự kiện bèn giải nghĩa cho cô biết việc thả chú chim con tại công viên không thích hợp, chim có thể bị nguy hiểm khi không được bảo vệ. Ông ta đề nghị cô hãy đem chim con bỏ vào rừng theo bầy thì cơ hội nhập đoàn và sống sót cao hơn. Cô đã làm theo lời chỉ dẫn của ông.

Ngạc nhiên thay khi trở về nhà cô cũng quên luôn ý định bỏ nhà ra đi.

Cùng một cách suy nghĩ, mọi tương quan chỉ được nối kết khi con người muốn ở bên nhau. Từ trong cùng một môi trường và ai cũng quyết tâm giữ mối dây liên kết với nhau thì sau cùng mối tương giao sẽ được thiết lập. Nhưng nếu bất kỳ một ai muốn dời đi thì mối quan hệ sẽ bị sứt mẻ.

Tương tự như thế, cho dù ước muốn của Thiên Chúa là muốn cuộc sống của chúng ta được thêm nhiều hoa trái, nhưng nếu chúng ta từ chối không hợp tác hay là không muốn ở lại trong mối quan hệ với Người và tha nhân thì Người cũng không thể làm gì khác để chúng ta trổ sinh hoa trái được. Và phần chúng ta sẽ bị khô héo. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta hãy nhìn lại, không phải thành quả hay các việc làm cho bằng mối tương quan của Thiên Chúa và chúng ta, và giữa chúng ta với nhau.

Bài học mà chúng ta rút được qua sự kiện này là: Ai trong chúng ta cũng được mời gọi để sống đổi mới và liên kết với nhau. Đổi mới để chấp nhận nhau. Liên kết trong các sinh hoạt chung để việc xây dựng nhóm, gia đình và cộng đoàn mỗi ngày mỗi gắn bó với nhau hơn; rồi từ đó chúng ta đến với nhau bằng sự tin tưởng và lòng yêu thương.

Tin tưởng và yêu thương là hai đức tính nền tảng của người tín hữu. Các đức tính này cần được trau dồi và luyện tập trong hành trình sống. Niềm tin của chúng ta không qui chiếu vào một vị Thiên Chúa của trí óc về tính siêu việt của Ngài, nhưng là một Đấng đã nghe, đã thấy và đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền để giải thoát chúng ta, như kinh nghiệm xuất hành, vượt qua Biển Đỏ của dân Israel khi xưa: “... Thiên Chúa đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền,… để đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai cập.” (Đnl 26:7-9)

Như vậy, Thiên Chúa luôn hiện diện qua cách xử thế của chúng ta với người khác, nên “chúng ta đừng yêu thương nơi đâu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1 Gio-an 3:18) Tình yêu này được xuất phát bởi niềm tin vào Đức Giêsu, Con của Người. Và, khởi điểm của sự yêu thương là chấp nhận sự khác biệt của nhau, giảm bớt các mối nghi kỵ và sợ hãi nhau.

Thật vậy, mỗi người chúng ta là những cành nho được nuôi dưỡng bởi cây nho. Như cành nho, không cành nào giống cành nào. Chúng ta cũng thế, mỗi người đều có các vẻ đẹp khác nhau trong vẻ đẹp chung xuất phát từ Thiên Chúa. Và tự cành nho không thể sống được nếu không tiếp nhận sự sống từ cây nho, thì sự sống của chúng ta hoàn toàn phát sinh từ sự sống của Chúa: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.” (Gio-an 15: 4-9)

Có nghĩa là chỉ ở lại với Chúa và trong Chúa thì người môn đệ mới sinh hoa kết trái; bằng không thì sẽ bị khô héo và cháy đi. Tuy nhiên, không phải là cứ ở trong Chúa rồi sẽ sinh hoa kết trái đâu! Hoa quả đuợc sinh ra từ nhựa sống của thân cây và cũng bị cắt tỉa để tươi tốt hơn thế nào thì cuộc sống của người môn đệ cũng cần đi vào mầu nhiệm Thập Giá, bị cắt tỉa, mà chính Đức Giê-su đã buớc vào. Đó là một sự cắt tỉa thật thâm sâu, cắt tỉa ý riêng, từ bỏ sở hữu; từ bỏ tất cả rồi vượt qua cái chết để buớc vào sự sống vĩnh cửu. Chỉ có bị cắt tỉa như thế thì con người mới đuợc dự phần vào cuộc sống vĩnh cửu với các giá trị mới mà Chúa Ki-tô Phục Sinh đem lại, nhờ vậy mà Thiên Chúa được tôn vinh và chúng ta quả thật rất xứng đáng là môn đệ của Người. Amen!

Wednesday, 21 April 2021

AI LÀ NGƯỜI CHĂN CHIÊN TỐT?


Anh chị em thân mến,

Chúa nhật thứ tư trong mùa Phục sinh còn được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Đây là một hình ảnh vô cùng độc đáo mà Hội Thánh dùng để mời gọi con cái mình nhận ra lòng yêu thương, sự bao bọc và bảo vệ của Thiên Chúa như người mục tử nhân hậu sẵn sàng làm mọi sự, ngay cả hy sinh mạng sống, để bảo vệ đoàn chiên. Cũng trong ngày hôm nay, Hội Thánh cổ võ và cầu nguyện cho ơn gọi chung cho tất cả môn đệ, không phân biệt phẩm trật, không loại trừ một ai. Tất cả đều được mời gọi noi gương Đức Giê-su, Đấng Chăn Chiên nhân hậu, Mục Tử duy nhất của thế giới mọi thời.

Trước tiên, chúng ta hãy coi lại cách nhìn và sự hiểu biết của chúng ta về vai trò của người mục tử. Chúng ta thường hay gọi Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, và đôi khi các Linh Mục là các nhà mục tử. Đây là kiểu nói quá hạn hẹp vì cho rằng chỉ có các Đấng bản quyền mới có trách nhiệm chăn dắt con chiên, bổn đạo.

Ngày xưa, người ta nói rằng việc mở mang Nước Chúa được thực hiện bởi hàng Giáo Phẩm. Công đồng Vatican II đã giúp cho chúng ta có được cái nhìn đúng đắn hơn. Trách nhiệm đó được trao ban cho tất cả mọi tín hữu, ai ai cũng có bổn phận loan báo Tin mừng cho người khác.

Chính vì thế, danh từ ‘mục tử’ được dùng để nói đến trách nhiệm của chúng ta là những kẻ được đặt để chăm sóc, quan tâm và nhất là để trao ban tình yêu cho người khác tùy theo ơn gọi mà Chúa đã mời. Thật ra, chính Chúa Giêsu mới là Đấng chăn chiên nhân hậu, còn chúng ta tuy được ban tặng cho danh hiệu đó; nhưng chúng ta vẫn là người thừa hành tác vụ từ Chúa. Căn bản, mỗi người chúng ta luôn là những con chiên trong ràn chiên của Chúa.

Hẳn anh chị em còn nhớ, các ngôn sứ của thời Cựu ước đã dùng hình ảnh ‘người chăn chiên’ để ám chỉ đến các vị lãnh đạo về phần đời cũng như trong đạo của người Do Thái. Khái niệm này đã đuợc hình thành trong hoàn cảnh của dân Do Thái khi bị lưu đầy bên Babylon. Trong bối cảnh như thế, khi mà dân Do thái đã mất tất cả như: mất đi nền văn hóa truyền thống, xa quê hương và không còn đền thờ để thờ phượng,... thì ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã khơi lên niềm hy vọng cho dân bằng cách trình bầy Thiên Chúa là Người chăn chiên tốt lành, là Mục tử nhân hậu, là Đấng dẫn đường để dẫn dắt ràn chiên, tìm chỗ cho chiên ăn, dẫn lại về ràn các con chiên lạc đường và cứu chiên thoát khỏi các cạm bẫy, các hiểm nguy của các thợ săn và thú dữ. (Ed 34:11–16). Từ đó mỗi khi nói đến người chăn chiên thì dân Do Thái hình dung ra hình ảnh của một vị Thiên Chúa luôn yêu thương và quan tâm đến họ.

Căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ: những người chăn chiên thường xuyên ở với ràn chiên cho nên họ không thể thường xuyên tham dự các nghi lễ theo luật của người Do thái. Nhiệm vụ của họ vô cùng vất vả. Vào mùa nắng, họ phải dẫn chiên đi đến những đồng cỏ tốt; và khi mùa đông đến ông phải tìm chỗ cho chiên trú ẩn; ông còn phải học để săn sóc cho các con chiên bị thương tích. Vì chức năng của công việc, nên người chăn chiên thường có nhiều đụng chạm với chủ của các đồng cỏ; và đôi khi còn bị lên án như là kẻ trộm hoa mầu.

Tuy nhiên, cũng vì nhiệm vụ nên mối tương quan giữa người chăn chiên và ràn chiên rất riêng tư và cá biệt. Hàng ngày họ chia sẻ sinh hoạt và cuộc sống với nhau tại các nơi hoang vắng, ít người qua lại. Họ chỉ có nhau chứ không có gì chung quanh, và chính nhờ vào yếu tố riêng biệt và lối sống chung này nên những người chăn chiên thường có một mối giây tương quan mật thiết với từng con chiên trong ràn. Do đó, ngày qua ngày, họ học để biết rõ từng con chiên, và các con chiên trong cùng một ràn cũng nhận biết tiếng nói của người chăn, và dễ dàng phân biệt tiếng của họ với tiếng của người khác.

Kính thưa quí cụ, quí ông bà và anh chị em,

Trở lại với trình thuật của Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy cố gắng tìm ra điểm then chốt trong mối quan hệ giữa người chăn chiên và ràn chiên, nhờ đó chúng ta sẽ tìm ra những bài học bài học hữu ích trong cuộc sống.

Trước hết, chúng ta cần đồng ý với nhau rằng qua cuộc sống và sứ vụ, Đức Giê-su đã chứng thực điều Người đã phán dậy hôm nay, chính Đức Giê-su là người chăn chiên tốt lành và thiện hảo. Người biết rõ nhu cầu, sở thích, ưu điểm, khuyết điểm và các thương tích của từng con chiên. Người đã hy sinh chính mạng sống mình để bảo vệ và ban cho các con chiên trong ràn sự sống.

Đối với Đức Giê-su thì tất cả mọi người không cần phân biệt chủng tộc hay mầu da, tự do hay nô lệ, tín ngưỡng hay lối sống, nam hay nữ, giầu sang hay nghèo hèn… Tất cả đều thuộc về ràn chiên mà Chúa Cha đã trao cho Người để chăm nom. Trong Chúa không có sự tách biệt. Tất cả đều bình đẳng, không ai hơn ai kém. Mọi người đều có giá trị thật quan trọng trong con tim của Người chăn chiên tốt lành là Đức Giê-su Kitô.

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” là một xác định thật quan trọng nói lên mối tương quan giữa Đức Giê-su và các con chiên. Người không lý giải hay biện minh. Người đã phán như một Đấng có uy quyền. Tôi là! Tôi là! Trong mối dây tương quan giữa Chúa Cha và mình, Đức Giê-su đã xác định một cách thật mạnh mẽ: Tôi là Người Chăn Chiên Tốt, Tôi biết chiên tôi, chúng biết và nghe tiếng Người. Đây không là vấn đề để tranh luận hay bàn cãi. Ai tiếp nhận thì điều mà Chúa phán hôm nay nghiễm nhiên trở thành sự thật và của mình.

Nghe tiếng Chúa, hôm nay, có nghĩa là nhận ra tiếng Chúa trong mối dây thân mật dưạ trên tương quan của Tình Yêu, của gắn bó và hiệp thông. Thậm chí đến mức độ, trong mối tương quan này họ không cần nói, cũng chẳng cần nghe… mọi âm thanh dường như cần dừng lại để cho cảm xúc của Tình Yêu và Lòng Mến dâng trào và ngâp tràn trong giây phút hai người biết nhau, như “Tôi biết chúng và chúng biết tôi.”

Như vậy, chúng ta biết rằng chỉ mình Đức Giê-su là Đấng chăn chiên tốt lành. Người biết rõ nhu cầu, sở thích của từng con chiên trong ràn và cả những con chiên ngoài ràn nữa. Cả thế giới và mọi người sống trong đó là ràn chiên thuộc về tay Người. Người đã chết để bảo vệ và ban cho mọi con chiên sự sống và không ai có thể lấy mất được.

Còn chúng ta, mỗi người đều là những người chăn dắt ràn chiên, nhỏ hay lớn, mà Thiên Chúa trao phó. Chúng ta không thể nào chu toàn nhiệm vụ cao cả này nếu không sống rập theo gương mẫu của Người Chăn Chiên duy nhất là Đức Ki-tô, Đấng đã chấp nhận mọi đau khổ, và sẵn sàng hy sinh mình để diễn tả tình thương cho mọi con chiên của Người. Tuy nhiệm vụ có khó khăn và còn nhiều gian nan nhưng chúng ta sẽ làm được vì có Chúa Chiên lành, Đấng đang bồng bế và ôm ấp chúng ta trong vòng tay yêu thương của Người. Tin Tưởng vào Tình Yêu Nhân Ái của Người để chúng ta tiến bước và làm như Người đã làm, hy sinh cho nhau sống và sống đầy dư. Amen!

 

 

Thursday, 15 April 2021

CHÚA SỐNG LẠI, AI LÀ CHỨNG NHÂN?


Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã được nghe nói về ‘ngôi mộ trống’ để chứng minh rằng Chúa đã Phục Sinh thì lại có người nói rằng các môn đệ đã ăn cắp xác Chúa. Rồi đến khi các Tông Đồ công bố hay loan báo rằng Chúa đã hiện ra thì người ta bảo là các môn đệ vì sống trong sự mất mát khi tưởng nhớ đến Thầy mình quá độ cho nên các ông bị hoang tưởng, nhìn thấy bóng ma lại tưởng là Chúa. Thật vậy, chúng ta không thể dùng lý luận hay tìm các chứng cớ tự nhiên để chứng minh sự Phục Sinh của Đức Chúa. Vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống chúng ta phải đạt được kinh nghiệm về sự sống lại của Chúa, Đấng đang hiện diện, đồng hành và sống với chúng ta, và chúng ta hãnh diện là các chứng nhân cho Người. Đó chính là món quà của Chúa Phục Sinh và cũng chính là ý nghĩa mà bài Tin Mừng hôm nay muốn chuyển đạt.

Hai môn đệ, mà chúng ta chỉ biết một người tên là Cleopas, đang say sưa và vui sướng kể lại cho các môn đệ khác biết, trên đường đi Em-mau, Chúa Giê-su đã hiện ra cho họ như thế nào thì bất thình lình, không biết từ đâu Chúa hiện đến, cắt ngang cuộc trò chuyện của họ và đứng giữa các ông rồi nói “Bình an cho anh em.” Họ nhìn thấy Chúa, nghe Chúa nói, nhưng lại không nhận ra Chúa mà còn tưởng là ma.

Họ đã chứng kiến từ xa cảnh Chúa bị đóng đinh, bị giết chết. Chuyện một người chết sống lại quả thật là chuyện hoang đường. Đây có thể chỉ là một hồn ma. Một người đã chết, bị chôn vùi dưới lòng đất, làm gì còn có xác thể. Ngôi mộ tuy trống rỗng nhưng tâm trí và lòng họ lại đóng kín. Đó là tất cả những gì chúng ta có thể mô tả về tình trạng của các môn đệ.

Ho không nhận ra khía cạnh thần linh và thánh thiêng của Chúa đang ở giữa họ. Họ tiếp tục sống trong lối suy nghĩ của họ. Họ vẫn chưa nhìn ra sự sống và sự đổi mới mà Chúa Phục Sinh đem lại. Sự Phục Sinh không thể là một biến cố để cho con người tìm hiểu và khám phá bằng lý trí hay suy luận. Nó là một sự kết hợp và nối tiếp giữa chết và sống lại. Vẫn là thân xác bị thương tích nhưng hôm nay không bị ràng buộc bởi các qui luật tự nhiên của không gian và thời gian trong thế giới mà chúng ta đang sống nữa. Ngay lúc họ nhận ra Chúa qua việc bẻ bánh thì Người lại biến mất. Và trong bài Phúc Âm hôm nay không ai biết Người từ đâu hiện đến và nói “Bình an cho anh em.”

Bài tường thuật mời gọi và củng cố niềm tin của chúng ta. Tin thôi cũng chưa đủ mà còn phải làm chứng về sự sống lại của Chúa bằng chính lối sống của mình như Lời Chúa nói hôm nay rằng: anh em là chứng nhân về những điều mà anh chị em đã có kinh nghiệm.

Việc các môn đệ làm nhân chứng không có nghĩa là họ đã tìm và có được câu trả lời cho tất cả mọi sự. Cuộc sống nhân chứng có nghĩa là bây giờ họ và chúng ta có được cuộc sống theo đúng ý Chúa. Họ là nhân chứng không dựa trên những gì họ biết, nhưng dựa trên mối quan hệ của họ với Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã sống lại và cùng sống với họ.

Thật vậy, nhìn lại từ những ngày đầu tiên của Ki-tô giáo cho đến hôm nay, chúng ta nhận ra rằng chỉ có một chứng cớ thuyết phục con người mọi thời đó chính là đời sống chứng tá của các tín hữu. Với Chúa Phục Sinh, họ đã đuợc biến đổi, sẵn sàng quay lưng lại với các tiêu chuẩn của nền văn hoá sự chết, rồi quyết tâm biểu dương văn hoá sự sống qua lối sống yêu thương, tha thứ và trao ban cho nhau sự sống để làm chứng cho thế giới nhận ra rằng Chúa đã sống lại và hiện đang sống mãnh liệt trong lối sống của họ. Đó là những gì mà Chúa Giê-su đã làm cho các môn đệ, và đó cũng là những gì Người muốn chúng ta lĩnh nhận. Đây không phải là sự hiểu biết của trí tuệ.

Anh chị em thân mến,

Tôi vẫn biết rằng trong cuộc sống, chúng ta đã trải qua những khoảnh khắc khó quên. Những khoảnh khắc này đã ảnh hưởng và làm thay đổi lối suy nghĩ, hành động, cách cư xử của chúng ta. Đó là các kinh nghiệm mà Chúa Phục Sinh tác động. Trong từng khoảnh khắc đó, chúng ta cảm nhận sự hiện diện của Chúa Ki-tô Phục Sinh, Đấng đang kêu gọi chúng ta nhận ra Người, cộng tác với Người, khám phá trong Người, với Người chúng ta có cuộc sống mới. Đó chính là chân tướng đích thật mà Chúa Phục Sinh muốn chúng ta có.

Tuy nhiên trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra khoảnh khắc mà hai môn đệ nhận ra Chúa đã sống lại là lúc Người bẻ bánh.

Theo dấu chân họ, chúng ta sẽ nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào?

Khi nói đến việc nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh là lúc chúng ta tin và nhận ra sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể và trong Thánh Lễ. Quả thực không sai!

Căn cứ vào sách Công Vụ Tông Đồ chúng ta nhận thấy việc bẻ bánh đã có từ thời các Tông Đồ. Họ chuyên cần nghe giáo huấn của các Tông Đồ, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Họ sống hiệp nhất và yêu thương, mọi sự đều là của chung và ai nấy tiêu dùng theo nhu cầu của mình… Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được người người thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn thêm nhiều người tin vào Chúa và đuợc cứu độ. Qua đó chúng ta nhận thấy việc bẻ bánh đuợc thực hiện tuy với tâm hồn đơn sơ, nhưng lại rất thực tiễn. Họ không chỉ tham dự các nghi thức nhưng còn chia sẻ lối sống và san sẻ cho nhau tuỳ theo lợi ích và nhu cầu của từng người.

Lối sống này được nhấn mạnh như một lời mời gọi chúng ta nhìn lại việc làm của mình! Viêc cùng nhau cử hành bữa tiệc Thánh Thể, bẻ bánh mà chúng ta gọi là Thánh Lễ ngày nay có phản ảnh lối sống hiệp nhất và yêu thương của chúng ta hay không? Bằng không thì chúng ta đang lập lại những gì mà anh chị em tín hữu thuộc công đoàn Cô-rin-thô đã phạm phải trước đây. Và sau đây là phản ứng và huấn dụ của Thánh Phao-lô:

“…tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại… Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say. Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? Tôi phải nói gì với anh em? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao? Về điểm này, tôi chẳng khen đâu!”

Sau đó Thánh Phao-lô nhắc lại cho họ biết sự hiện diện của Chúa Ki-tô Phục Sinh khi Người bẻ bánh. Rồi Ngài tiếp tục khuyên dậy họ cần xét mình, biện phân để khỏi bị xét xử. “Cho nên, thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau. Ai đói, thì ăn ở nhà, kẻo anh em đến họp mà hoá ra để bị kết án…” (1Cor 11: 17-34)

Như vậy việc nhận ra hay tin rằng Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện qua việc bẻ bánh thật cần thiết và quan trọng. Tất cả đã đuợc lưu truyền và làm chứng bởi đời sống của các chứng nhân qua bao thế hệ. Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn được mời gọi sống vai trò của những chứng nhân không chỉ bằng lối sống phụng vụ nhưng còn bằng chính cuộc sống chia sẻ và yêu thương của chúng ta nữa.

Và khi thực hiện đuợc như thế, chúng ta đã sống thật đúng như lời nhắn nhủ của Chúa “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Và “Ở đâu hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ.”

Sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thiên Chúa ở lại với chúng ta mãi mãi vì Ngài là Em-ma-nu-en. Đó là tinh thần mà chúng ta mang đến cho nhau qua bữa tiệc bẻ bánh. Không phải chỉ có chúng ta, nhưng Chúa Kitô Phục Sinh đồng hành và cùng hiện diện với chúng ta nữa. Vì Danh Nguời mà chúng ta chia sẻ và yêu thương nhau. Và chúng ta là những chứng nhân về các điều ấy.

Tóm lại, niềm tin của chúng ta dựa trên lối sống của các chứng nhân. Họ đã và đang làm chứng về sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời họ. Và qua những lần bẻ bánh, chúng ta có bổn phận làm chứng cho nhau biết về sự hiện diện của Chúa.

Nói chung, Chúa Phục Sinh chính là trung tâm của cuộc sống chúng ta vậy. Amen

 

Wednesday, 7 April 2021

CHÚA PHỤC SINH VÀ CÁC NỖI ĐAU.

 

Anh chị em thân mến,

            Trong trình thuật kể lại hai lần hiện ra của Chúa Giê-su hôm nay, việc đầu tiên Người làm là chúc bình an cho các môn đệ. Thật ra, đây không phải là lời cầu chúc của Chúa Giê-su mà thôi, nhưng đó là hồng ân của Chúa Phục Sinh dành cho các môn đệ.

Không ai hiểu trò bằng thầy. Đức Giê-su thấu hiểu lòng trí hoang mang và các nỗi sợ hãi của các môn đệ. Họ cần được bình an để thoát khỏi nỗi âu lo này. Bởi vì, một khi tâm hồn có được bình an, lòng trí được thanh khiết thì họ mới có thể nhận ra người đang hiện diện trước mặt các ông là Chúa Giê-su, người thầy yêu dấu của họ.

Sau đó Chúa cho họ thấy tay và cạnh sườn của Người. Đây là một điều thật đặc biệt, Chúa muốn cho các ông nhận ra rằng thân xác của Chúa Phục Sinh và con người đã trải qua khổ nạn, chết trên Thập Giá là một người. Khi thấy những chứng tích đó, các môn đệ đã vui mừng và tin rằng người đang ở trước mặt họ là Đức Giê-su, vị Thầy đáng kính của họ. Sau đó, Chúa Giêsu một lần nữa lại ban bình an và Thánh Thần cho các ông để các ông ra đi hoàn thành sứ mạng mà chính Người vừa hoàn tất.

Trong lần hiện ra lần thứ nhất này không có mặt Tô-ma. Các môn đệ khác đã kể lại cho ông biết về việc này: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Nhưng Tô-ma đã không tin vào lời loan báo của các bạn mình.

Thật ra, các bạn của ông cũng chẳng làm chứng được gì. Họ vẫn đóng kín vì sợ người Do Thái. Cho dù Thần khí đã đuợc trao ban, nhưng các bạn của Tô-ma đã không để cho sức mạnh của Thần Khí tác động, họ vẫn chưa ra khỏi vùng an toàn, vẫn dựa vào các cánh cửa đã đuợc đóng kín để bảo vệ, chưa sẵn sàng ra đi rồi vịn cớ là không biết đi đâu! Lời loan báo của họ không đi đôi với việc làm như thế thì làm sao có thể truyền lửa cho Tô-ma đuợc.

Còn Tô-ma, ông muốn niềm tin của ông phải dựa trên trải nghiệm của cá nhân. Ông muốn chạm vào thân thể của Chúa, nên đáp rằng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 

          Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra với các ông, lần này có mặt Tô-ma. Trước tiên, Người cũng ban bình an cho các môn đệ rồi quay sang Tô-ma và nói: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Tô-ma đã đáp trả bằng một niềm xác tín thật cao độ rằng Người là CHÚA và là THIÊN CHÚA của ông.

Sau đó qua Tô-ma, Chúa đã thể hiện tình thương của Người dành cho chúng ta bằng cách trao ban cho chúng ta thêm mối phúc nữa là “Phúc thay những người không thấy mà tin.”

            Trước khi xem xét cách biểu lộ niềm tin của Tô-ma, chúng ta cũng nên nhìn nhận rằng ông không phải là trung tâm của bài Tin Mừng hôm nay. Trình thuật diễn tả cách thức Chúa hiện ra thì Chúa phải là trọng tâm. Khi nhìn như thế, chúng ta mới khám phá ra lòng đại lượng phát sinh từ tình yêu của Chúa. Chúng ta vẫn thường đuợc dậy bảo niềm tin vào Chúa phải là một niềm tin vô điều kiện, phó thác hoàn toàn theo Chúa. Nhưng hôm nay, Chúa hành xử với Tô-ma quả thật khác hẳn với lối suy nghĩ cầu toàn của chúng ta. Chúa chấp nhận điều kiện mà Tô-ma đưa ra. Cho dù đã đuợc tôn vinh, nhưng Chúa vẫn không che dấu các thương tích. Đó chính là chứng tích của Tình yêu thì làm sao phải che dấu! Các vết thương đó cần đuợc bộc lộ hơn là che dấu.

            Tô-ma cũng có nỗi đau của riêng mình. Ông cũng là nguời đang mang thương tích. Chúa Giê-su, Thầy đáng kính của ông đã chết. Cái chết của Người để lại trong ông một tâm trạng buồn rầu và mất mát. Biết trông cậy và nương tựa vào ai nữa đây! Ông đi trốn, cần có một không gian và nơi ẩn nấp để đối diện với niềm đau này. Vì thế ông đã hụt mất một cơ hội khi Chúa hiện ra lần trước.

Các bạn của ông cũng thế, họ cũng có niềm đau rồi sinh ra chán nản và thất vọng. Nhưng họ đã chọn cách đối diện với bi kịch mà họ đang đón nhận bằng cách liên đới, chia sẻ, an ủi và hỗ trợ nhau.

Nói chung là chỉ có ai đã kinh qua đau khổ mới thông cảm cho những người đồng cảnh ngộ. Chúa đã bị thương tích và Người cũng nhìn thấy các nỗi đau khổ mà Tô-ma đang đối diện; vì thế Người cũng muốn cho ông biết là Người rất thông cảm với yêu cầu của ông.

Qua sự tiếp xúc, Thầy trò gặp và nhận ra nhau. Chúa chữa lành thuơng tích cho Tô-ma. Còn ông nhận ra Thầy mình là Chúa và là Thiên Chúa của ông. Ông đầu phục hoàn toàn trước quyền năng của Thầy mình, Đấng mới bị giết và treo trên Thánh Giá mấy ngày qua. Còn chúng ta thì sao?

Anh chị em thân mến,

Phần chúng ta hãy nhớ rằng: Chúa Phục Sinh không xoá đi dấu vết của thập giá. Vết thương vẫn là vết thương. Thập giá vẫn còn đó nhưng nay mang một giá trị mới. Thập giá, án phạt dành cho tội nhân nay đã biến thành Thánh Giá, nguồn ơn cứu độ cho các kẻ tin. Đó không còn là án phạt mà là hồng ân. Vì thế, cho dù hiện nay thế giới của chúng ta vẫn chứa đầy những vết thương, cụ thể là các vết thương gây ra bởi đại dịch Covid-19. Virus Corona đã giết đi bao nhiêu sinh mạng, khiến cho thân nhân của họ bị tan nát cõi lòng; chưa kể đến niềm đau thương còn kéo dài trên cuộc sống của những người thất nghiệp, các trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, v.v…

Trước hiện tình của thế giới đầy thương tích như thế, làm sao người tín hữu có thể nhắm mắt, làm ngơ trước những vết thương của tha nhân rồi tuyên xưng, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Cho dù, họ có nói trăm lần, vạn lần thì lời tuyên xưng đó cũng chỉ là tuyên xưng bằng môi miệng. Con người cần chạm vào những vết thương của nhau, và đó là việc làm cần thiết cho một đức tin đúng theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay.

Như vậy, khi đối diện với các thương tích gây ra bởi Covid-19, chúng ta tuy còn hoang mang và lo sợ; nhưng nỗi niềm lo sợ đó không làm cho chúng ta quên đi ân huệ bình an mà Chúa dành cho những ai tin cậy ở nơi Người. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần hãnh diện về niềm tín thác: đó là tuy sống giữa tâm bão của hoang mang và lo sợ, nhưng không ai trong chúng ta được phép đánh mất niềm hy vọng vì ‘bình an của Chúa ‘ vẫn đang ở cùng chúng ta.

Bình an là sứ mạng mà Đức Ki-tô Phục Sinh đã đem đến. Bình an là hồng ân của Chúa Phục Sinh đã trao ban. Ngay trong lúc này, chúng ta hãy ra đi mà an ủi và tạo cho nhau niềm hy vọng vào Chúa Phục Sinh, Đấng vẫn đồng hành và ban cho muôn dân muôn nước ơn bình an để vượt qua kiếp nạn đại dịch vẫn đang đe dọa cuộc sống của chúng ta.

Sau cùng, Đức Giê-su với các dấu đinh và các vết thương còn trên thân xác, đã chết thật. Nay Người đã sống lại thật rồi anh chị em ơi! Và bình an của Chúa Phục Sinh luôn mãi ở cùng chúng ta. Alleluia, Alleluia!