Anh chị em thân mến,
Trong trình thuật kể lại hai lần hiện
ra của Chúa Giê-su hôm nay, việc đầu tiên Người làm là chúc bình an cho các môn
đệ. Thật ra, đây không phải là lời cầu chúc của Chúa Giê-su mà thôi, nhưng đó
là hồng ân của Chúa Phục Sinh dành cho các môn đệ.
Không ai hiểu trò bằng thầy. Đức Giê-su thấu hiểu lòng trí hoang
mang và các nỗi sợ hãi của các môn đệ. Họ cần được bình an để thoát khỏi nỗi âu
lo này. Bởi vì, một khi tâm hồn có được bình an, lòng trí được thanh khiết thì
họ mới có thể nhận ra người đang hiện diện trước mặt các ông là Chúa Giê-su, người
thầy yêu dấu của họ.
Sau đó Chúa cho họ thấy tay và cạnh sườn của Người. Đây là một
điều thật đặc biệt, Chúa muốn cho các ông nhận ra rằng thân xác của Chúa Phục
Sinh và con người đã trải qua khổ nạn, chết trên Thập Giá là một người. Khi
thấy những chứng tích đó, các môn đệ đã vui mừng và tin rằng người đang ở trước
mặt họ là Đức Giê-su, vị Thầy đáng kính của họ. Sau đó, Chúa Giêsu một lần nữa
lại ban bình an và Thánh Thần cho các ông để các ông ra đi hoàn thành sứ mạng
mà chính Người vừa hoàn tất.
Trong lần hiện ra lần thứ nhất này không có mặt Tô-ma. Các môn đệ
khác đã kể lại cho ông biết về việc này: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Nhưng Tô-ma đã không tin vào lời
loan báo của các bạn mình.
Thật ra, các bạn của ông cũng chẳng làm chứng được gì. Họ vẫn đóng
kín vì sợ người Do Thái. Cho dù Thần khí đã đuợc trao ban, nhưng các bạn của Tô-ma
đã không để cho sức mạnh của Thần Khí tác động, họ vẫn chưa ra khỏi vùng an
toàn, vẫn dựa vào các cánh cửa đã đuợc đóng kín để bảo vệ, chưa sẵn sàng ra đi
rồi vịn cớ là không biết đi đâu! Lời loan báo của họ không đi đôi với việc làm
như thế thì làm sao có thể truyền lửa cho Tô-ma đuợc.
Còn Tô-ma, ông muốn niềm tin của ông phải dựa trên trải nghiệm của
cá nhân. Ông muốn chạm vào thân thể của Chúa, nên đáp rằng: “Nếu tôi không thấy
dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn
tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”
Tám
ngày sau, Chúa lại hiện ra với các ông, lần này có mặt Tô-ma. Trước tiên, Người
cũng ban bình an cho các môn đệ rồi quay sang Tô-ma và nói: “Đặt ngón tay vào
đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng
lòng nữa, nhưng hãy tin.” Tô-ma đã đáp trả bằng một niềm xác tín thật cao độ
rằng Người là CHÚA và là THIÊN CHÚA của ông.
Sau đó qua Tô-ma, Chúa đã thể hiện tình thương của Người dành cho
chúng ta bằng cách trao ban cho chúng ta thêm mối phúc nữa là “Phúc thay những
người không thấy mà tin.”
Trước khi xem xét cách biểu lộ niềm
tin của Tô-ma, chúng ta cũng nên nhìn nhận rằng ông không phải là trung tâm của
bài Tin Mừng hôm nay. Trình thuật diễn tả cách thức Chúa hiện ra thì Chúa phải
là trọng tâm. Khi nhìn như thế, chúng ta mới khám phá ra lòng đại lượng phát
sinh từ tình yêu của Chúa. Chúng ta vẫn thường đuợc dậy bảo niềm tin vào Chúa
phải là một niềm tin vô điều kiện, phó thác hoàn toàn theo Chúa. Nhưng hôm nay,
Chúa hành xử với Tô-ma quả thật khác hẳn với lối suy nghĩ cầu toàn của chúng
ta. Chúa chấp nhận điều kiện mà Tô-ma đưa ra. Cho dù đã đuợc tôn vinh, nhưng
Chúa vẫn không che dấu các thương tích. Đó chính là chứng tích của Tình yêu thì
làm sao phải che dấu! Các vết thương đó cần đuợc bộc lộ hơn là che dấu.
Tô-ma cũng có nỗi đau của riêng
mình. Ông cũng là nguời đang mang thương tích. Chúa Giê-su, Thầy đáng kính của
ông đã chết. Cái chết của Người để lại trong ông một tâm trạng buồn rầu và mất
mát. Biết trông cậy và nương tựa vào ai nữa đây! Ông đi trốn, cần có một không
gian và nơi ẩn nấp để đối diện với niềm đau này. Vì thế ông đã hụt mất một cơ
hội khi Chúa hiện ra lần trước.
Các bạn của ông cũng thế, họ cũng có niềm đau rồi sinh ra chán nản
và thất vọng. Nhưng họ đã chọn cách đối diện với bi kịch mà họ đang đón nhận
bằng cách liên đới, chia sẻ, an ủi và hỗ trợ nhau.
Nói chung là chỉ có ai đã kinh qua đau khổ mới thông cảm cho những
người đồng cảnh ngộ. Chúa đã bị thương tích và Người cũng nhìn thấy các nỗi đau
khổ mà Tô-ma đang đối diện; vì thế Người cũng muốn cho ông biết là Người rất
thông cảm với yêu cầu của ông.
Qua sự tiếp xúc, Thầy trò gặp và nhận ra nhau. Chúa chữa lành
thuơng tích cho Tô-ma. Còn ông nhận ra Thầy mình là Chúa và là Thiên Chúa của
ông. Ông đầu phục hoàn toàn trước quyền năng của Thầy mình, Đấng mới bị giết và
treo trên Thánh Giá mấy ngày qua. Còn chúng ta thì sao?
Anh chị em thân mến,
Phần chúng ta hãy nhớ rằng: Chúa Phục Sinh không xoá đi dấu vết của thập
giá. Vết thương vẫn là vết thương. Thập giá vẫn còn đó nhưng nay mang một giá trị mới. Thập giá, án
phạt dành cho tội nhân nay đã biến thành Thánh Giá, nguồn ơn cứu độ cho các kẻ
tin. Đó không còn là án phạt mà là hồng ân. Vì thế, cho dù hiện nay thế giới của chúng ta vẫn chứa đầy những vết thương, cụ thể là các vết thương gây ra bởi đại dịch Covid-19. Virus Corona đã giết đi bao nhiêu sinh mạng,
khiến cho thân nhân của họ bị tan nát cõi lòng; chưa kể đến niềm đau thương còn
kéo dài trên cuộc sống của những người thất nghiệp, các trẻ em mồ côi, không
nơi nương tựa, v.v…
Trước hiện tình của thế giới đầy thương tích
như thế, làm sao người tín hữu có thể nhắm mắt, làm ngơ trước những vết thương
của tha nhân rồi tuyên xưng, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Cho
dù, họ có nói trăm lần, vạn lần thì lời tuyên xưng đó cũng chỉ là tuyên xưng
bằng môi miệng. Con người cần chạm vào những vết thương của nhau, và đó là việc
làm cần thiết cho một đức tin đúng theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay.
Như vậy, khi đối diện với các thương tích gây
ra bởi Covid-19, chúng ta tuy còn hoang mang và lo sợ; nhưng nỗi niềm lo sợ đó
không làm cho chúng ta quên đi ân huệ bình an mà Chúa dành cho những ai tin cậy
ở nơi Người. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần hãnh diện về niềm tín thác: đó là
tuy sống giữa tâm bão của hoang mang và lo sợ, nhưng không ai trong chúng ta được phép đánh mất niềm hy vọng vì ‘bình an
của Chúa ‘ vẫn đang ở cùng chúng ta.
Bình an là sứ mạng mà Đức Ki-tô Phục Sinh đã
đem đến. Bình an là hồng ân của Chúa Phục Sinh đã trao ban. Ngay trong lúc này, chúng ta hãy ra đi mà an ủi và tạo
cho nhau niềm hy vọng vào Chúa Phục Sinh, Đấng vẫn đồng hành và ban cho muôn dân
muôn nước ơn bình an để vượt qua kiếp nạn đại dịch vẫn đang đe dọa cuộc sống của
chúng ta.
Sau cùng, Đức Giê-su với các dấu đinh và các vết thương
còn trên thân xác, đã chết thật. Nay Người đã sống lại thật rồi anh chị em ơi!
Và bình an của Chúa Phục Sinh luôn mãi ở cùng chúng ta. Alleluia, Alleluia!
No comments:
Post a Comment