Wednesday, 27 July 2022

NẮM GIỮ HAY BUÔNG BỎ?


Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại một sự cố, đó là trong lúc đang giảng dậy thì có người yêu cầu Đức Giê-su xử kiện khi ông ta thưa với Chúa rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài với tôi.” Đây là một thói quen, những người cùng thời với Đức Giê-su thường gặp các kinh sư để xin ý kiến về những vấn đề tương tự như thế. Với uy tín và sự khôn ngoan, Đức Giê-su cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, đứng trước lời yêu cầu hôm nay, Đức Giê-su đã từ chối can thiệp và nhân dịp này Người muốn nói lên lập trường của Người về mối tương quan của con người với của cải. Của cải không phải là vị thần khiến cho con người trở thành nô lệ, rồi mù quáng hy sinh mọi sự để có cho bằng được. Mạng sống con người không được bảo đảm bằng của cải. Gia tài của chúng ta ở đâu: Nước Thiên Chúa hay của cải?

Thưa anh chị em,

Thoáng đọc bài Tin Mừng, tôi thấy ông phú hộ không làm sai điều gì hết. Thật ra, về mặt kinh doanh anh ta là một người khôn ngoan và có trách nhiệm với công việc kinh doanh của mình. Giống như bất kỳ một doanh nhân thành đạt nào, ông ta phải biết tích trữ vào kho lẫm của mình mỗi khi được mùa. Ông ta phải biết gom góp sau các mùa bội thu để phòng hờ những năm mất mùa bởi lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh hay các thiên tai có thể ập đến.

Câu chuyện hôm nay được viết vào lúc ông được mùa, mức thu hoạch cao đến nỗi không còn chỗ đễ chứa. Vì vậy, lẽ dĩ nhiên ông ta phải nghĩ đến việc xây dựng thêm những kho lớn hơn để chứa tất cả ngũ cốc và hàng hóa của mình. Đây không phải là điều chúng ta được khuyến khích để phấn đấu hay sao? Tiết kiệm cho tương lai chẳng phải là việc làm của một con người khôn ngoan và có trách nhiệm hay sao? Ông phú hộ đã làm việc chăm chỉ và tiết kiệm một cách khôn ngoan. Bây giờ ông ta có thể ngồi lại, thư giãn và tận hưởng thành quả lao động của mình. Quá đúng, phải không, thưa anh chị em?

Thật ra không phải như thế!

Nội dung của câu chuyện nằm ở chỗ ông ta so đo và tính toán với Thiên Chúa đến nỗi Người phải khuyến cáo ông bằng lời lẽ như sau: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? ” (Lu-ca 12:20)

Người phú hộ giầu có được coi như là người nứt khố đổ vách bị mắng là đồ ngốc không phải vì ông ta giàu có hay vì ông ta không biết tiết kiệm cho tương lai, mà vì ông ta chỉ biết nghĩ và sống cho bản thân, nhất là việc ông ta dùng của cải như là phương tiện duy nhất và tối thượng để bảo đảm cho cuộc sống của ông.

Thật ra, ông là người cô đơn nhất. Ông nói với chính mình. Người duy nhất ông nói là chính ông. Thế giới của ông nhỏ bé quá. Ông rất cô đơn, không có ai để bàn bạc hay tâm sự nên mới phải nói với chính mình. Ông nói: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lu-ca 12: 17-19).

Thiên Chúa đã ban cho ông sự sống, sức khỏe, tài năng, nhất là được nhiều người giúp đỡ. Đất đai đã sinh hoa lợi cho ông, những người làm công đã giúp ông thành đạt. Nhưng dường như ông đã không tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, và ông cũng không bày tỏ lòng biết ơn đối với những người lao động đã giúp anh ta trồng trọt và thu hoạch vụ mùa bội thu này.

Người phú hộ có nhiều, rất nhiều. Nhưng, dường như anh lại không nghĩ đến việc chia sẻ nó với người khác, và không nghĩ đến những gì Thiên Chúa muốn anh ta thực hiện. Người phú hộ không nhìn thấy ai, ngoại trừ anh. Ông ta là tất cả! Tuy thế, ông ta lại không học được điều mà tất cả chúng ta đều biết là đúng. Điều đó rất đơn giản, đó là chúng ta không thể mang của cải theo bên mình.

Nhưng chúng ta cũng biết rằng giàu có không làm cho chúng ta hạnh phúc. Điều thú vị là dựa vào các thống kê của các nhà chuyên môn đã giúp chúng ta biết một điều là niềm hạnh phúc mà chúng ta có được không dựa vào thành quả, nhưng ở chỗ chúng ta biết cho đi. Và không chỉ cho tiền mà còn cho đi thời gian, sức lực, tình cảm và nhiều thứ khác của chúng ta nữa.

Vì vậy, tiền của không đem hạnh phúc đến cho chúng ta, cho dù chúng ta sở hữu bao nhiêu đi chăng nữa, chúng ta luôn thiếu bởi vì chúng ta quá tham và không hài lòng với những gì chúng ta đang có mà chỉ mơ tưởng đến những thứ mà chúng ta chưa có. Giống như người phú hộ giàu có, chúng ta bị cám dỗ để nghĩ rằng hạnh phúc và cuộc sống của chúng ta sẽ được an toàn và bảo đảm hơn khi chúng ta giàu có. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, chúng ta cũng biết rằng không có số lượng của cải, tài sản hay của cải nào có thể đảm bảo cuộc sống của chúng ta hoặc mang lại cho chúng ta cuộc sống dư dả.

Chẳng hạn, không có số lượng của cải nào có thể bảo vệ chúng ta thoát khỏi các căn bệnh di truyền, nan y hay bị tai nạn thương tâm nào đó. Trái lại khi đối diện với bịnh tật, nhất là các căn bịnh chưa có hay hết thuốc chữa, chúng ta mới biết sức khỏe là quí, tiền bạc chỉ là hư không!

Không có số lượng của cải nào có thể giữ cho các mối quan hệ của chúng ta được lành mạnh và gia đình không bị tan vỡ. Trái lại, của cải và tài sản có thể là nguyên nhân gây ra các mối rạn nứt, phá hủy mối dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình, như trường hợp anh em tranh giành quyền thừa kế ở phần đầu của bài Tin Mừng hôm nay.

Quan trọng nhất, tuân theo ý Chúa không lệ thuộc vào tiền bạc của chúng ta. Ngược lại, người môn đệ chân chính là người nghèo nhất và chỉ biết sống lệ thuộc vào Chúa.

Trong Tin Mừng, đặc biệt Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, Chúa Giê-su quan tâm đến người nghèo. Bên cạnh đó, Người cũng không mấy có thiện cảm với những người thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội cùng thời với Người. Hết lần này đến lần khác, Chúa Giê-su dạy rằng những người có của phải có trách nhiệm chia sẻ những gì họ có cho những người thiếu thốn hơn họ.

Dựa vào kinh nghiệm của cuộc sống, tôi đã nghe nhiều lời hối tiếc khác nhau được bày tỏ bởi những người gần chết. Nhưng chưa một ai, trong lúc hấp hối, lại hối tiếc về những việc bác ái mà người đó đã làm. Họ chỉ hối tiếc vì họ đã quá ích kỷ, chỉ biết sống cho mình mà không nghĩ đến người khác. Sự chết là một thực tế đáng sợ, nhưng là một tiếng chuông cảnh tỉnh để chúng ta sắp đặt giá trị ưu tiên của cuộc sống.

Vì vậy, chúng ta cần phải chọn lựa: Tiền của hay Thiên Chúa? Chỉ khi nào chúng ta đón nhận và cho phép Thiên Chúa làm chủ cuộc sống mình thì lúc đó cuộc sống mới trở thành niềm vui. Thứ chúng ta cần không phải là một thứ gì cả, đó là Chúa. Khi chúng ta sống buông bỏ và không để tâm hồn bị dính bén vào những gì hư nát thì Thiên Chúa sẽ đến để lấp đầy hoặc chiếm hữu chúng ta, và chúng ta sẽ là người giầu nhất vì có Chúa làm gia nghiệp.

Sau cùng, cuộc sống và tài sản của chúng ta không phải là của riêng chúng ta. Đó là tài sản chung. Nó thuộc về mọi người và nên được chia sẻ cho tất cả các tạo vật.

Nắm giữ hay buông bỏ? Thu vén, vơ vét hay cho đi? Chúng ta sẽ chọn gì?

 

ĐÂU LÀ KHO TÀNG ĐÍCH THẬT


Truyện kể rằng, có một bà quản nọ, khi còn trẻ đã có ý định dâng mình cho Chúa làm nữ tu. Nhưng vì hòan cảnh khiến bà không thực hiện được ước mơ; bù lại bà dành mọi nỗ lực và công sức trong việc đào tạo giáo lý viên, nhất là dậy giáo lý cho thiếu nhi. Đã dậy thì bà cần phải học. Bà tham dự các lớp, từ Thánh kinh đến Thần học và thêm cả phụng vụ nữa. Nói chung về mặt kiến thức, các bà sơ cũng không sánh bằng.

Trong một buổi dậy giáo lý, nhân đọc bài Tin mừng về nguời phú hộ giàu có hôm nay. Bà quản nhà ta hỏi các cháu thiếu nhi: Có ai trong các em không thích của cải thế gian hay không? Nếu thích, xin em hãy đứng dậy. Cả lớp im lặng. Lại có một số em cúi gầm mặt xuống vì sợ ánh mắt liếc qua liếc lại của bà quản. Thấy thế, bà quản hăng hái hỏi tiếp “Có ai trong các em không tham lam, đứng dậy.” Không khí của lớp giáo lý càng nặng nề thêm. Bà quản than thở: “Rõ chán, công lao cô dậy giáo lý và giải thích Lời Chúa bao nhiều năm cho các em, mà kết quả lại như thế này à.” Ngay lúc đó, duới góc phòng, có em bé nhìn rất lam lũ, không cần đóan cũng biết là gia đình em rất nghèo, rụt rè đứng dậy thưa rằng: “Dạ thưa cô, nhà con không có tiền lấy gì để mê; còn tham lam thì ai chẳng có!” Tuy chúng con chưa sống đuợc yêu cầu Chúa dậy, nên đành ngồi im chịu tội! Trong lớp chỉ có một mình cô đứng, không lẽ cô không mê tiền và không tham….

Nghe xong câu nói của bạn, cả lớp hân hoan đứng dậy còn bà quản của chúng mình buồn thiu ngồi xuống!

Như vậy, chúng ta đều biết rằng: tiền của có một năng lực vô cùng thần bí khiến một số người trong chúng ta phải tôn thờ và lệ thuộc vào chúng, như đã được nghe nói rằng ‘đồng tiền nối liền khúc ruột’. Do đó, ở bên Úc ‘lòi ruột thì có medicare, chứ lòi tiền ra rồi thì hỏi ai đây. Trời ơi, hỡi Trời.’

Tiếp theo là vài câu nói mà chúng ta thuờng nghe, xin mời anh chị em cùng ngâm.

“Có tiền chán vạn kẻ theo, nghèo tiền thì bạn cũng đòi bỏ đi.”

 “Tiền là tiên là phật, là sức bật của con người, là nụ cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà cho danh vọng, là cái lộng cho tương lại…”

Rồi trong lúc trà dư tửu hậu, có một số cụ than rằng ‘làm gì cho nó khổ, đến khi chết đi thì tiền nó dùng, vợ nó sai, con nó khiến… cứ ăn chơi’… lại một kiểu nói của ông phú hộ, vịn vào sức mình.

Vẫn biết rằng tiền bạc là tên đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu. Thông thường, chúng ta lại để cho của cải làm chủ cuộc sống mình. Đáng buồn thay!

Anh chị em thân mến,

Thật vậy, xử dung tiền bạc sao cho đúng là một trong những vấn nạn quá khó khăn. Dù chúng ta có nghe đi nghe lại những lời khuyên của Chúa hôm nay, nhưng vẫn khó lòng thực hiện. Bản thân tôi, dù đã khấn sống khó nghèo, nhưng nếu có ai vào phòng tôi ngay bây giờ thì thật là xấu hổ, vì sự sung túc và dư dật mà tôi đã thu lẫm đuợc. Có nhiều thứ nằm trên giá sách, từ ngày này qua ngày khác, bám đầy bụi thế mà đi đâu tôi cũng lôi chúng theo cho chật chỗ, cho nặng ký. Thật là khờ dại!

Trở lại trình thuật hôm nay, tôi nhận ra lối suy nghĩ và cách hành xử của ông phú hộ trong dụ ngôn và cách suy nghĩ và hành động của Ađam và Evà, sao mà giống nhau đến thế.

Cũng chỉ vì muốn tự lập, tách mình ra khỏi tương quan với Đấng tạo dựng, nên con người đã đi vào đổ vỡ này đến tan nát khác. Trước đó, họ sống thật hồn nhiên, đơn sơ và thánh thiện. Thế mà chỉ muốn tự quyết định cho cuộc sống mình nên mới phải đọa đầy.

Người phú hộ cũng thế. Tự lập, tính toán để tích chứa những gì ông ta có do lao động một cách hợp lý hợp pháp, đâu có gì xấu.  Nhưng ông ta bị gọi là khùng khi nghĩ rằng ông có thể dùng tất cả năng lực của mình để bảo đảm cho sự sống, niềm vui huởng thụ và sự tồn tại của chính ông, ông tự nhủ ‘Linh hồn ta ơi! mầy có chán của cải, sẵn đó cho nhiều năm; nghỉ đi! ăn uống đi! hưởng đi!’ 

Sự sống, linh hồn là quà tặng của Thiên Chúa. Khi tạo dựng, với hình ảnh của người thợ gốm (nặn tượng), Chúa đã dùng đất để nặn thành tựơng. Tượng ‘hình người’ vẫn chỉ là pho tượng cho đến khi Thiên Chúa hà hơi, trao ban Thần khí và sự sống thì pho tượng đó mới trở thành vật sinh linh, sống động. Thế mà, ông phú hộ nhà mình lại lầm tưởng rằng ông có thể dùng tài năng, sức mạnh, công lao để bảo đảm cho sự sống còn của ‘linh hồn’. Quả thật là ngạo mạn và ngốc nghếch.

Đọc lịch sử dân Do Thái trong chuơng trình cứu độ của Thiên Chúa, rồi chúng ta cùng xét mình, sẽ nhận ra một điều là dù con người hay ông phú hộ trong dụ ngôn có bất trung và kiêu ngạo đến đâu cũng không dập tắt đuợc ngọn lửa yêu thuơng không hề tắt của Thiên Chúa. Ngài trung tín và làm chủ chương trình yêu thuơng của Ngài. Chính vì thế, câu nói ‘Ðồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại linh hồn ngươi, mọi điều ngươi đã chuẩn bị sẽ về tay ai?’được hiểu như lời răn đe, cảnh cáo để ông phú hộ và chúng ta thay đổi cách sống mà làm giầu trước mặt Thiên Chúa; chứ không phải là một lệnh phạt.

Điều này cũng giống như câu răn đe của cô giáo ‘nếu các em không chăm chỉ, không im lặng, không thực thi công bằng và bác ái thì cuối học kỳ này cô sẽ không cho các em nghỉ hè.’ Thế mà chính cô lại là người đầu tiên chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè này.

Đến đây, chúng ta cùng đọc lại tòan bộ bài Tin Mừng hôm nay mới thấy rằng, dụ ngôn ông phú hộ là câu trả lời cho câu hỏi: ‘Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài với tôi.’

Gia tài của người cha để lại cho con cái. Ở đây, thánh sử không nói rõ người cha này có bao nhiêu người con. Dựa vào văn mạch ‘xin Thầy bảo anh tôi, không phải là chúng tôi; như vậy chúng ta có thể đóan đuợc ông ta chỉ có hai người con. Điều này khiến tôi nhớ đến một trình thuật nói về lòng nhân hậu của Thiên Chúa qua dụ ngôn ‘tình phụ tử’ trong Tin Mừng của Thánh Luca. Người Cha đó sẵn sàng mất tất cả để duy trì sự hiện hữu của tất cả con cái. Đối với ông, gia đình sẽ không còn là gia đình nếu thiếu vắng một trong hai người con của ông. Gia tài ông có là để trao ban cho con cái.

Một cách khác, chúng ta có thể nhìn ra rằng gia tài là trái đất mà Thiên Chúa trao ban cho con nguời trông nom. Tất cả đều thuộc về Ngài. Đó là kho tàng hồng ân mà Thiên Chúa trao ban chung cho mọi người. Và nếu như thế, thì không ai đuợc chiếm hữu làm của riêng mình. Những gì mình có hôm nay là của người khác ngày mai. Hay nói khác đi, sự hiện diện của ‘tôi’ trên mặt đất này không phải là cho tôi, nhưng là cho người khác. Như vậy, cái mà tôi đang có ngày hôm nay là của người khác. Do vậy, nhiệm vụ của chúng ta là trao ban và chia sẻ cho nhau.

Đó chính là điều Chúa muốn nhắm đến. Làm giầu truớc mặt Thiên Chúa là việc trao ban cho nhau những hồng ân đã đuợc ban tặng, trao ban thời gian, tài năng và tất cả chứ không phải chỉ hạn hẹp trong việc trao ban tiền bạc mà thôi. Nhưng một khi chúng ta chưa làm chủ đuợc bạc tiền thì còn trao ban thứ gì nữa đây. Trao ban cho nhau trở thành bổn phận.

Chúng ta đã đón nhận lòng nhân ái xót thương vô điều kiện từ Thiên Chúa thì cũng phải trao ban lòng nhân ái đó cách quảng đại cho tha nhân. Nói khác đi, thay vì làm giàu truớc mặt Thiên Chúa thì chúng ta hãy để cho Thiên Chúa làm cho chúng ta giàu có. Trao ban tất cả, để đôi tay trở về hư không và trong chốn hư không đó, Chúa sẽ làm đầy lại để chúng ta tiếp tục trao ban. Gia tài của chúng ta giàu có như thế. Vì Chúa làm chủ và quyền phân phát là của Ngài. Chúng ta chỉ là những tác nhân thực thi lòng nhân ai và chia sẻ cho nhau. Nếu chúng ta không thực hiện, thì một ngày nào đó, sẽ có người đến trình với Chúa rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy yêu cầu anh tôi (là chính tôi) chia gia tài cho con.”

Hãy cho đi, hãy trao ban, hãy chia sẻ để Chúa có cơ hội ban thêm và làm cho gia nghiệp của chúng ta giầu ân sủng hơn nữa. Amen!                                                    

Wednesday, 20 July 2022

CẦU NGUYỆN THEO ĐÚNG Ý CHÚA


Bài Tin Mừng Chúa Nhật 18 Mùa Thường Niên, năm C hôm nay xoay quanh chủ đề cầu nguyện và phân chia thành ba phần: Phần thứ nhất nói về tâm tư của Đức Giê-su khi Người cầu nguyện trong thể thức mà chúng ta hay gọi là ‘Kinh Lậy Cha’, sau đó là dụ ngôn nói về việc kiên định trong kinh nguyện và sau cùng là hiệu lực của lời cầu nguyện theo đúng ý Chúa.

Trong phần mở đầu của trình thuật, Thánh Lu-ca đã xếp các lời kinh này sau đoạn nói về việc Đức Giê-su cầu nguyện. Chi tiết này có thể giúp chúng ta suy đoán rằng các môn đệ vừa chứng kiến cách Người cầu nguyện với Chúa Cha, quá thân mật, rất đơn sơ và thật sốt sắng cho nên các ông muốn noi gương và xin Thầy dậy họ cách cầu nguyện.

Kinh Lậy Cha là bản toát yếu của toàn bộ Tin Mừng, là bản tóm tắt chương trình của Đức Giê-su. Trong bản kinh này, Đức Giê-su đã xưng với Thiên Chúa là ‘Abba’, có nghĩa là ‘Cha, Bố, Ba ơi’. Thời Chúa Giê-su, không mấy người xưng với Thiên Chúa như thế. Đó là cách gọi của trẻ con, thiếu kính trọng. Như vậy khi dùng danh xưng này để thân thưa với Thiên Chúa, Đức Giê-su cố ý nhấn mạnh đến mối tương quan thân mật, gắn bó, nhất là sự lệ thuộc của Người với Chúa Cha.

Với tâm tư như thế, như Đức Giê-su, khi dùng bản kinh này để cầu nguyện, chúng ta cũng không chỉ ước nguyên cho Vương quyền của Thiên Chúa ngự đến, mà còn nói lên lòng quyết tâm thể hiện sự hiện diện của Vương quốc nơi cuộc sống của chúng ta nữa.

Phần kế tiếp là những lời cầu xin xem ra liên quan đến nhu cầu và ước muốn của người môn đệ. Nhưng thật ra những ước nguyện này không quy hướng về bản thân cho bằng nói lên ý muốn xin cho được những điều như thế để những ai là môn đệ sẽ được tự do, không còn bận tâm lo chuyên cơm ăn áo mặc, không bị cám dỗ bởi quyền lực, rồi thanh thản giống như Đức Giê-su dành trọn thời gian và năng lực cho công cuộc rao giảng Nước Chúa.

Sau đó đến lời nguyện ước mà theo tôi cảm thấy là rất khó thực hiện. Chúng ta xin Chúa tha thứ cho các lỗi phạm của chúng ta không biết bao nhiêu lần; thế mà có bao giờ chúng ta đã tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình chưa? Làm sao chúng ta dám xin Chúa ban cho chúng ta điều mà mình rất khó thực hiện!

Việc chúng ta xin ơn tha thứ để thứ tha cho kẻ khác là mục tiêu mà chúng ta sẽ thực hiện trong suốt cuộc sống. Việc xin Chúa tha thứ để thứ tha cho người khác thì giống như việc ăn năn tội mà chúng ta thường làm khi đón nhận bí tích giao hòa. Trong giây phút ‘ăn năn’ đó, chúng ta hết sức thành khẩn để bộc lộ tâm tình thống hối cho các sai phạm của mình, thế mà sau đó chúng ta có thể sẽ tái phạm. Nhưng Thiên Chúa biết và thấu hiểu lòng mình; Chúa cũng biết rõ thân phận yếu đuối của mình. Mỗi lần cầu xin Chúa tha thứ là lúc chúng ta nói lên sự quyết tâm cải thiện của mình. Chúa muốn chúng ta làm hết sức mình, và Người sẵn sàng tha thứ nếu chúng ta tiếp tục thất bại.

Sau đó là dụ ngôn ‘người bạn quấy rầy’ mà trong phần cuối, Đức Giê-su đã nói người bị quấy rầy đã không dậy vì tình bạn; nhưng vì sự kiên trì của anh bạn đang khẩn thiết van xin lòng đại lượng của mình. Và, trong thân phận con người, chúng ta còn biết cư xử với nhau như thế phương chi Thiên Chúa là Tình Yêu. Người sẽ làm ngơ trước sự van xin trong các nỗi khó khăn của chúng ta hay sao? Người sẽ ban cho chúng ta những gì tốt đẹp nhất, ngay cả sự sống của Người.

Phần cuối của bài Tin Mừng hôm nay quá khó. Bởi vì căn cứ vào kinh nghiệm trong cuộc sống, chúng ta nhận ra rằng không phải mọi lời chúng ta xin đều được, không phải khi nào chúng ta gõ cửa thì Người sẽ mở cho và không phải lúc nào chúng ta tìm kiếm Người thì Người sẽ xuất hiện.

Thí dụ, chúng ta đã làm gì sai khi cầu nguyện cho người thân được khỏe mạnh và bình an; chúng ta không cầu xin cho bản thân; nhưng cầu xin cho người thân mà. Thế mà họ lại cứ lần lượt ra đi. Già mà ra đi thì còn có thể hiểu được; nhưng nhiều gia đình đã mất những người thân yêu khi còn quá trẻ. Rồi còn bao nhiêu lời cầu xin cho nền hòa bình trên thế giới, thế mà chúng ta vẫn nghe thấy những thảm kịch của chiến tranh, khủng bố, bạo lực, đói khát, bệnh tật và thiên tai.

Nếu Thiên Chúa đã được ví như một bậc cha mẹ luôn yêu thương, mong muốn cho đi những gì tốt đẹp nhất cho con cái mình thì tại sao những lời cầu nguyện chính đáng như thế lại dường như không được trả lời?

Không có câu trả lời đơn giản cho câu hỏi này!

Có những lúc, có lẽ, lời cầu xin của chúng ta chưa phải là lời yêu cầu chính đáng; và Thiên Chúa, vì yêu thương nên đã phải từ chối yêu cầu của chúng ta. Tuy nhiên, lời giải thích này không thể giải thích cho nhiều trường hợp trong đó các yêu cầu của chúng ta chắc chắn phù hợp với ý muốn của Chúa.

Một lời giải thích khác thường được đưa ra là Chúa có chương trình của Người, và việc mà chúng ta xin không được xẩy ra vì kết quả của sự việc sẽ không đem lại lợi ích lâu dài cho người xin. Tuy nhiên, lối giải thích này cũng tạo nhiều rắc rối. Bởi vì, như vậy chúng ta giả thiết mọi sự xẩy ra đều là ý Chúa. Như vậy, con người sẽ phủi tay, và đổ thừa cho Chúa về mọi sự - như bạo lực, tra tấn, chết đói hay chết yểu - là ý muốn của Thiên Chúa hay sao? Trong khi đó, chúng ta cần có can đảm để thừa nhận những việc đó xẩy ra một phần là do tội lỗi của mình.

Thế thì chúng ta có thể nói gì về lời cầu nguyện chưa được trả lời? Chúng ta có thể tin rằng Thiên Chúa toàn năng, nhưng Thiên Chúa không phải là quyền lực duy nhất trên thế giới. Có những sức mạnh khác, sức mạnh của Satan và những quyền lực thuộc về nó, sức mạnh của ác quỷ và cái chết, thường được con người chấp nhận và làm cho nó phát triển. Mặc dù, chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã chiến thắng trước những quyền lực này qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu; nhưng trận chiến vẫn còn tiếp diễn, chờ ngày chung cục, ngày Đức Ki-tô ngự đến lần thứ hai trong quang lâm. Vì thế, trong giai đoạn hiện tại, ý định của Thiên Chúa vẫn bị cản trở bởi sự cộng tác của chúng ta với quyền lực của Satan. Chúng ta xử dụng tự do để ngăn trở ý định và chương trình của Thiên Chúa; rồi quì xuống cầu xin cho Nước Cha trị đến thì sao có thể xẩy ra được!

Tại sao phải cầu nguyện?

Chúa không bảo chúng ta cầu xin cho bằng được những gì chúng ta cần, nhưng cầu nguyện là đi vào mối quan hệ với Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta vô vàn. Và để minh họa cho ý tưởng này, xin anh chị em đón nhận tâm tình của một người bạn khi anh cầu nguyện Kinh Lậy Cha, anh đã chia sẻ như sau:

Trong lúc suy gẫm về Kinh Lậy Cha, tôi bị đánh động nhất với cụm từ “Abba, Cha ơi!” Cụm từ này mang đến cho tôi một ý nghĩa rất sâu sắc, không chỉ về mặt cảm xúc, nhưng nói lên mối thân tình với Chúa. Thiên Chúa là Cha và tôi chỉ dám gọi Người là Cha nếu tôi thực sự trở nên một trong những người con của Người. Tức là, tôi phải từ bỏ ý riêng và hoàn toàn tùy thuộc vào Người như đứa trẻ tùy thuộc vào bàn tay yêu thương săn sóc của cha mẹ. Tôi cần phải khiêm tốn và tử tế nhiều hơn nữa. Tôi cần được Người thương yêu và yêu thương Người thêm nữa. Amen!”

 

Wednesday, 13 July 2022

LẮNG NGHE và HÀNH ĐỘNG


Anh chị em thân mến,

Với dụ ngôn người Sa-ma-ri-a nhân hậu, Thánh Lu-ca đã nhấn mạnh đến việc phục vụ anh em, nhất là những ai bị tổn thương, để diễn tả lòng mến của Thiên Chúa tuôn chảy trong bản thân của người tín hữu. Hôm nay, qua hình ảnh và thái độ của Mát-ta và Ma-ri-a dành cho Chúa, Thánh Lu-ca không hề muốn phân biệt lối sống phục vụ và cuộc sống chiêm niệm như một số người vẫn chủ trương. Cả hai lối sống: cầu nguyện và hoạt động bổ túc cho nhau. Thật ra, qua câu chuyện và cách cư xử của Mát-ta và Ma-ri-a, Thánh sử muốn nhắn gửi các môn đệ một sứ điệp quan trọng: đó là phải lắng nghe lời Người, phải chú tâm để Người tiếp tục hướng dẫn.

Câu chuyện đón tiếp Chúa của hai chị em trong bài Tin Mừng cho chúng ta thấy sự khác nhau giữa Mát-ta và Ma-ri-a. Mát-ta quán xuyến mọi sự. Chị ta có hảo ý. Tuy nhiên vì lo lắng quá nên không nhận ra nhu cầu của Đức Giê-su, vị khách quí hôm nay đến thăm nhà của chị. Chị Mát-ta dành hết sức để chuẩn bị cho việc đón tiếp được hoàn hảo theo ý nghĩ của chị, cho nên chị không có khả năng nhận ra vị khách quí hôm nay muốn gì.

Trong khi đó thì Ma-ri-a không có gì hết, nên chỉ biết ngồi để lắng nghe Chúa. Thật ra, cô không lười. Cô đón tiếp Chúa bằng cả con tim, chú tâm đến sự hiện diện của Người, để mắt đến từng cử chỉ và lời nói của Người. Đối với cô, từ lúc Đức Giê-su bước chân vào nhà thì Người là tất cả. Còn Mát-ta, vì quá bận rộn nên không nhận ra Đức Giê-su là khách. Đức Giê-su đến thăm để bộc lộ ý muốn của Người cho hai chị em mà cô lại bận rộn như thế thì cho dù Người muốn cũng chẳng có cơ hội trao cho Mát-ta. Nói khác đi, vì quá bận rộn, Mát-ta chẳng còn tâm trí hay cơ hội nhận ra ý định của Chúa nữa.

Với cái nhìn nông cạn, chúng ta dễ dàng đồng ý với Chúa là Ma-ri-a đã chọn, không phải là phần tốt nhất mà còn dễ nhất nữa. Ma-ri-a chỉ việc ngồi thừ ra đó, còn bao nhiêu việc tất bật khác thì Mát-ta ôm trọn, thật là khó khăn! Nhưng suy nghĩ kỹ, chúng ta có thể thấy, phần việc của Ma-ri-a khó khăn hơn nhiều trong hai phần việc ấy. Gạt bỏ công việc của mình và chú tâm hoàn toàn vào người khác không phải là việc dễ đâu. Đem sự chú tâm trọn vẹn ấy vào Thiên Chúa lại càng khó hơn. Nhưng đó mới là phuơng thế tuyệt hảo nhất trong việc hiệp thông để sinh ra lợi ích cho bản thân mình và tha nhân.

Thưa anh chị em,

Như vậy, sự bận rộn trong cuộc sống để hoàn thành việc của mình mà không nhận ra nhu cầu của người thân để quan tâm thì cũng giống như việc chạy đôn chạy đáo mà Mát-ta thể hiện hôm nay. Kết quả mà họ đạt được cũng không đáng khích lệ. Sau đây là một thí dụ.

Có một gia đình kia. Anh chị đã sống với nhau trên hai mươi năm trời và đã có với nhau ba người con. Họ gặp nhau, yêu nhau rồi cưới nhau. Khi mới cưới, vì trách nhiệm và bổn phận đối với thân nhân của hai bên gia đình còn ở Việt Nam, và nhất là muốn tạo cho gia đình riêng của anh chị một nền tảng vững chắc; cho nên anh chị đã phải cầy cả đêm lẫn ngày, anh chị đã nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi. Mỗi người một công việc. Cả anh và chị thành công trong sự nghiệp. Ai cũng làm chủ. Tuy nhiên cái giá phải trả cho sự thành công này cũng không nhẹ. Chỉ vì vật lộn với công ăn việc làm, anh chị không còn nhiều thời gian cho nhau. Về đến nhà chỉ biết ngủ. Mối dây tương quan trong cuộc sống vợ chồng giả như có thì cũng chỉ là bổn phận qua loa cho xong. Đối với con cái, anh chị đã nuôi nấng các cháu rập theo cung cách quản lý nhân viên; mấy người con của anh chị không được lớn lên trong vòng tay yêu thương, vì thế cách hành xử của các cháu cũng bộc lộ một sự thèm muốn được yêu thương!

Người ngoài nhìn vào tưởng họ hạnh phúc chứ ai nào ngờ cảnh ‘phòng không gối chiếc’ hay ‘đồng sàng dị mộng’ đã xẩy ra với họ từ lâu rồi. Giờ này chỉ còn lại là sự chịu đựng cho qua khỏi kiếp này. Cái giả phải trả cho sự bận rộn trong cuộc sống mắc đến độ khi nhìn lại cũng chẳng còn biết làm thế nào để sửa chữa. Thật tội nghiệp!

Trong việc xây dựng mối dây tương quan giữa Chúa và ta cũng thế. Chúng ta đến với Chúa trong lúc bận rộn thì còn giây phút hay tâm tình nào dành cho Ngài đây! Sau đây là một trong những thói quen mà nhiều người đã vấp phải.

Có một bà thưa rằng: “Thưa cha, con đã cầu nguyện hầu như không ngừng suốt đời, và con chưa bao giờ có cảm giác gì về sự hiện diện của Thiên Chúa”. Linh mục đó mới hỏi: “Con có để cho Thiên Chúa có cơ hội lên tiếng không?”. Bà nói: “Ồ không, con đã nói với Người suốt thời gian ấy. Như thế không phải là cầu nguyện sao?” Vị Linh mục đó trả lời: “Không, tôi không nghĩ như thế,” rồi nói tiếp: “Bây giờ, tôi xin đề nghị với cụ thế này nhé: mỗi ngày, cụ hãy dành riêng năm hoặc mười phút để chỉ ngồi trước mặt Thiên Chúa”. Thưa cha, ngồi như thế dễ buồn ngủ lắm! Vị linh mục ôn tồn đáp: “Bà ơi, ngủ trong bàn tay yêu thuơng của Chúa là một hồng ân đấy, bà cứ tập đi.”

Và bà đã làm như thế. Kết quả là gì? Không lâu sau, bà ta trở lại và nói: “Thưa Cha, thật lạ lùng, khi con cầu nguyện cùng Thiên Chúa, nói cách khác khi con nói với Ngài, con không thấy điều gì. Nhưng khi con ngồi thinh lặng, yên tĩnh, mặt đối mặt với Ngài, con cảm thấy được bao trùm bởi sự hiện diện của Ngài”.

Thưa anh chị em,

Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất. Cô đã không nói gì nhưng trao trọn vẹn tấm lòng và con tim cho Chúa để Chúa họat động. Còn Mát-ta thì bận rộn để phô trương thanh thế, muốn chứng minh rằng mình đã quá đầy đủ, làm việc gì cũng hòan hảo thì Chúa còn làm đuợc gì nữa.

Ma-ri-a ngồi duới chân Chúa bộc lộ tâm tình lệ thuộc; và lắng nghe để nhận chỉ thị và huấn lịnh của Chúa. Còn Mát-ta lại bận rộn rồi yêu cầu Chúa làm điều cô muốn: “nói em con giúp con”.

Như Ma-ri-a chúng ta hãy lệ thuộc vào Chúa.

Giống Ma-ri-a chúng ta hãy lắng nghe Lời Người chỉ dậy. Và, Chúa sẽ huớng dẫn, thúc đẩy và tác động để chúng ta trở thành những Mát-ta, những Sa-ma-ri-a sống động.

Như thế, hãy ngồi để lắng nghe Chúa dậy như Ma-ri-a, rồi với lòng hiếu khách chúng ta cùng đứng dậy, noi gương người Sa-ma-ri-a và Mát-ta, đón tiếp và phục vụ Chúa trong anh em mình nhé. Amen!

 

Wednesday, 6 July 2022

AI CŨNG LÀ NGƯỜI THÂN CỦA TÔI


 Câu hỏi: “Ai là người thân của tôi?” là chủ đề chính trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta cùng nhau tìm câu trả lời và áp dụng vào đời sống.  

Có người cho rằng người thân của họ là những người cùng một huyết thống trong gia tộc: ông bà, cha mẹ, vợ chồng con cái, cháu chắt, v.v… Đúng vậy, và nếu người nhà mình mà mình không yêu, không sống tử tế thì làm sao yêu người khác được. Nhưng, với căn tính của người tín hữu, chúng ta được mời gọi sống và vượt lên trên tiêu chuẩn nói trên. Và câu trả lời cho câu hỏi “Ai là người thân của tôi?” đã được Đức Giê-su diễn tả thật sống động qua truyện ngắn mà chúng ta hay gọi là dụ ngôn “Người Sa-ma-ri-a nhân hậu”.

Truyện ấy như thế này: Mọi người cùng thời với Đức Giê-su đều biết rằng con đường từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô là một đoạn đường đầy nguy hiểm, thường xuyên xẩy ra các nạn cướp của và giết người. Xẩy ra là có một người mà chúng ta không hề biết gốc tích, gia thế hay địa vị, nói chung là một người vô danh, không hề có bất cứ một chút quan hệ gì với mỗi người chúng ta. Ông đi ngang qua đó và đã rơi vào tay bọn cướp. Chúng cướp hết tiền bạc, đánh ông nhừ tử, thừa sống thiếu chết rồi quăng ông bên vệ đường. Tình trạng của ông cần được cứu cấp.

Cùng vào thời gian đó, có một ông tư tế mà chúng ta hay gọi là ông cha, cũng đi trên con đường đó. Cha nhìn thấy cảnh tượng của người bị nạn bèn quay mặt làm như không thấy gì rồi đi sang lối bên kia để đi. Lại có một ông luật sĩ, bậc thầy dậy đạo cho dân chúng, cũng đi qua, cũng nhìn thấy rồi cũng ngoảnh mặt làm ngơ và rẽ sang lối khác để đi. Tuy trong bản văn chúng ta không hề hay biết lý do tại sao họ lại làm như thế! Nhưng cũng có một số lý lẽ được đưa ra để bảo vệ cho hai vị trọng vọng nói trên, đó là các ngài có chuyện gấp cần phải đi hay sợ bị trở thành ô uế khi đụng chạm vào nạn nhân. Nói chung, họ làm ngơ trước hoàn cảnh vô cùng thương tâm của đồng loại!

Tình cờ, lại là truyện tình cờ. Nhưng lần tình cờ này đáng cho chúng ta phải suy nghĩ. Số là, cùng vào lúc đó, có một người thuộc dòng giống Sa-ma-ri-a mà người Do Thái coi họ là kẻ thù; vì họ đã dám phế bỏ truyền thồng của tiền nhân, thu nhập các thói tục ngoại giáo và luôn sống trong tình trạng bị ô uế. Anh chị em thử thay cụm từ ‘người Sa-ma-ri-a’ bằng một tên nào đó thuộc nhóm khủng bố IS (Hồi Giáo cực đoan) hay là bất cứ nhân vật nào hay nhóm người nào mà bị anh chị coi họ như kẻ thù thì chắc hẳn chúng ta sẽ đọc trình thuật này với ý nghĩ khác. Và, ngày nay khi nghe thấy chữ ‘Sa-ma-ri-a‘ tức khắc chúng ta sẽ nghĩ đến các cụm từ ‘tốt lành hay nhân hậu’ để gán cho người đó. Nhưng, trong trình thuật, Đức Giê-su chỉ gọi ông là người Sa-ma-ri-a mà thôi.

Giống như vị tư tế và ông kinh sư, người Sa-ma-ri-a cũng đang đi trên đường, ông cũng nhìn thấy nạn nhân đang nằm thoi thóp bên vệ đường, nửa sống nửa chết. Ông cảm thấy như có lưỡi dao đâm vào tim ông. Bỏ hết mọi sự mà ông dự tính thực hiện sang một bên. Ông dừng lại, tiến lại gần, dùng tất cả khả năng và dụng cụ cứu thương sẵn có để cứu giúp nạn nhân. Chưa xong, ông cảm thấy không thể để người bị cướp này nằm ở lề đường. Ông đưa nạn nhân, người mà ông không hề quen biết đến quán trọ và xin chủ quán săn sóc cẩn thận và mọi chi phí sẽ được bồi hòan khi ông trở lại.

Sau đó, thay vì tiếp tục cuộc tranh luận và đưa cho nhà thông luật câu trả lời thì Đức Giê-su đã hỏi ý kiến ông ta rằng: “Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy". Ðức Giêsu bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy". (Luca 10: 30-37)

Thưa anh chị em,

Người thông luật trả lời thật là chí lý. Kẻ thực thi lòng thương xót, thực hiện việc bác ái là người thân cận của kẻ đang sống dở chết dở. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây không phải là chuyện lý lẽ. Lời xác định của Đức Giêsu làm cho chúng ta suy nghĩ. Ông hãy đi và làm như vậy.

Khi nói thế Đức Giêsu muốn cho chúng ta biết ý muốn của Người. Việc xác định ai là người thân của tôi không nằm trong phạm vi tìm kiếm câu trả lời về mặt lý thuyết. Nhưng điểm quan trọng là thái độ và cách sống của chúng ta. Đây không phải là tiêu chuẩn để xác định ai là người thân của mình; nhưng đúng hơn đó là tiêu chuẩn để xác định mình có là người thân của người khác hay không?

Người thân cận là người có lòng thuơng xót, biết động lòng thương, biết rung động trước nhu cầu của người khác. Một khi mà hành trang trong cuộc sống của chúng ta còn thiếu những khí cụ như tình yêu, lòng thương xót, thông cảm và tha thứ cho nhau thì mình vẫn xa lạ với chính mình và chưa là người thân của ai hết.

Việc áp dụng lời mời gọi “hãy đi và làm như vậy” của Đức Giêsu hôm nay không phải là điều dễ thực hiện. Nhất là trong những năm gần đây, các hành động thể hiện sự quan tâm và săn sóc của chúng ta dành cho những người bị nạn cũng có thể bị coi là các hành vi lạm dụng. Cho nên, để phòng hờ, chúng ta lại nghiêng về một thái độ cực đoan khác. Đó là nếu thấy ai té ngã trên đường mà chúng ta không có bổn phận thì cũng nên thận trọng trong việc giúp đỡ khi cần đụng chạm đến người đó, nhất là người bị nạn là trẻ em, chúng ta dễ dàng bị vu cáo là vi phạm vào các tiêu chuẩn chức nghiệp làm tổn hại đến người khác. Quả thật không biết đường nào để ứng xử. Gần gũi quá cũng bị hiểu lầm. Không gần gũi thì làm sao thể hiện sự quan tâm đây! Đúng là vàng thau lẫn lộn… Tuy chúng ta cần đến sự khôn ngoan để thẩm định. Nhưng xét cho cùng, nếu chúng ta chẳng còn biết tin vào ai thì việc xác định ‘người thân’ lại càng khó khăn hơn.

Anh chị em thân mến,

Trong Nước Thiên Chúa thì tất cả đều bình đẳng, không phân biệt giai cấp và không ai bị lên án. Tất cả đều có chỗ đứng và không ai bị loại ra ngoài. Chúng ta có chung một mẫu số là ‘động lòng thương’. Đó là nền tảng duy trì các mối tương quan và là sợi dây nối kết chúng ta thành cộng đoàn. Đối tượng của mình không hạn hẹp trong mối quan hệ huyết thống, nhưng được mở ra cho tất cả mọi người. Thế giới của những kẻ tin vào Chúa rất rộng, vì đối với họ thì ai cũng là người thân. Mà người thân cận nhất của mình lại là chính bản thân mình. Thay vì sầu não, buồn phiền và cứ bị dằn vặt về những lỗi phạm được xét dựa vào tính khắc kỷ và những tiêu chuẩn khắt khe của lề luật. Chúng ta nên mở ra để đón nhận tình thương yêu của Thiên Chúa để sống vui tươi hơn. Chúa chấp nhận yếu đuối của mình thì không vì lý do gì mà chúng ta lại không thông cảm và tin rằng Chúa luôn yêu thương ta.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn biết rằng yêu thương mình vốn là việc khó làm. Nhưng được làm môn đệ của Chúa là một hồng ân, và sống trong kho tàng của nguồn suối yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi ra khỏi chính mình để yêu thương người khác nữa. Đây chính là mẫu mực Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi trao đổi lòng mến cho nhau và cho nhân loại. Tình yêu chỉ trở nên sung mãn khi chúng ta dám ra khỏi mình. Và cũng chỉ trong tình trạng sống như thế thì Thiên Chúa mới có cơ hội đổ thêm ân huệ và tình thương của Người vào lòng chúng ta.

            Ra khỏi mình để đến với người khác là khởi điểm của hành trình ‘hãy đi và làm như vậy’. Đó là con đường duy nhất để tôi làm chứng cho nhân loại biết tất cả đều là người thân của tôi và với khí cụ của lòng thương xót thì tôi là người thân của tất cả mọi người. Amen!