Trình thuật Tin Mừng hôm
nay kể lại một sự cố, đó là trong lúc đang giảng dậy thì có người yêu cầu Đức
Giê-su xử kiện khi ông ta thưa với Chúa rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi
chia gia tài với tôi.” Đây là một thói quen, những người cùng thời với Đức
Giê-su thường gặp các kinh sư để xin ý kiến về những vấn đề tương tự như thế. Với
uy tín và sự khôn ngoan, Đức Giê-su cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, đứng trước
lời yêu cầu hôm nay, Đức Giê-su đã từ chối can thiệp và nhân dịp này Người muốn
nói lên lập trường của Người về mối tương quan của con người với của cải. Của cải
không phải là vị thần khiến cho con người trở thành nô lệ, rồi mù quáng hy sinh
mọi sự để có cho bằng được. Mạng sống con người không được bảo đảm bằng của cải.
Gia tài của chúng ta ở đâu: Nước Thiên Chúa hay của cải?
Thưa anh chị em,
Thoáng đọc bài Tin Mừng, tôi thấy ông phú hộ không làm sai điều gì hết. Thật
ra, về mặt kinh doanh anh ta là một người khôn ngoan và có trách nhiệm với công
việc kinh doanh của mình. Giống như bất kỳ một doanh nhân thành đạt nào, ông ta
phải biết tích trữ vào kho lẫm của mình mỗi khi được mùa. Ông ta phải biết gom
góp sau các mùa bội thu để phòng hờ những năm mất mùa bởi lũ lụt, hạn hán, dịch
bệnh hay các thiên tai có thể ập đến.
Câu chuyện hôm nay được viết vào lúc ông được mùa, mức thu hoạch cao đến
nỗi không còn chỗ đễ chứa. Vì vậy, lẽ dĩ nhiên ông ta phải nghĩ đến việc xây dựng
thêm những kho lớn hơn để chứa tất cả ngũ cốc và hàng hóa của mình. Đây không
phải là điều chúng ta được khuyến khích để phấn đấu hay sao? Tiết kiệm cho
tương lai chẳng phải là việc làm của một con người khôn ngoan và có trách nhiệm
hay sao? Ông phú hộ đã làm việc chăm chỉ và tiết kiệm một cách khôn ngoan. Bây
giờ ông ta có thể ngồi lại, thư giãn và tận hưởng thành quả lao động của mình.
Quá đúng, phải không, thưa anh chị em?
Thật ra không phải như thế!
Nội dung của câu chuyện nằm ở chỗ ông ta so đo và tính toán với Thiên
Chúa đến nỗi Người phải khuyến cáo ông bằng lời lẽ như sau: “Đồ ngốc! Nội đêm
nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?
” (Lu-ca 12:20)
Người phú hộ giầu có được coi như là người nứt khố đổ vách bị mắng là đồ
ngốc không phải vì ông ta giàu có hay vì ông ta không biết tiết kiệm cho tương
lai, mà vì ông ta chỉ biết nghĩ và sống cho bản thân, nhất là việc ông ta dùng
của cải như là phương tiện duy nhất và tối thượng để bảo đảm cho cuộc sống của ông.
Thật ra, ông là người cô đơn nhất. Ông nói với chính mình. Người duy nhất
ông nói là chính ông. Thế giới của ông nhỏ bé quá. Ông rất cô đơn, không có ai
để bàn bạc hay tâm sự nên mới phải nói với chính mình. Ông nói: “Mình sẽ làm thế
này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc
lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề
của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”
(Lu-ca 12: 17-19).
Thiên Chúa đã ban cho ông sự sống, sức khỏe, tài năng, nhất là được nhiều
người giúp đỡ. Đất đai đã sinh hoa lợi cho ông, những người làm công đã giúp
ông thành đạt. Nhưng dường như ông đã không tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, và ông cũng
không bày tỏ lòng biết ơn đối với những người lao động đã giúp anh ta trồng trọt
và thu hoạch vụ mùa bội thu này.
Người phú hộ có nhiều, rất nhiều. Nhưng, dường như anh lại không nghĩ đến
việc chia sẻ nó với người khác, và không nghĩ đến những gì Thiên Chúa muốn anh
ta thực hiện. Người phú hộ không nhìn thấy ai, ngoại trừ anh. Ông ta là tất cả!
Tuy thế, ông ta lại không học được điều mà tất cả chúng ta đều biết là đúng. Điều
đó rất đơn giản, đó là chúng ta không thể mang của cải theo bên mình.
Nhưng chúng ta cũng biết rằng giàu có không làm cho chúng ta hạnh phúc.
Điều thú vị là dựa vào các thống kê của các nhà chuyên môn đã giúp chúng ta biết
một điều là niềm hạnh phúc mà chúng ta có được không dựa vào thành quả, nhưng ở
chỗ chúng ta biết cho đi. Và không chỉ cho tiền mà còn cho đi thời gian, sức lực,
tình cảm và nhiều thứ khác của chúng ta nữa.
Vì vậy, tiền của không đem hạnh phúc đến cho chúng ta, cho dù chúng ta sở
hữu bao nhiêu đi chăng nữa, chúng ta luôn thiếu bởi vì chúng ta quá tham và
không hài lòng với những gì chúng ta đang có mà chỉ mơ tưởng đến những thứ mà chúng
ta chưa có. Giống như người phú hộ giàu có, chúng ta bị cám dỗ để nghĩ rằng hạnh
phúc và cuộc sống của chúng ta sẽ được an toàn và bảo đảm hơn khi chúng ta giàu
có. Tuy nhiên, dù sớm hay muộn, chúng ta cũng biết rằng không có số lượng của cải,
tài sản hay của cải nào có thể đảm bảo cuộc sống của chúng ta hoặc mang lại cho
chúng ta cuộc sống dư dả.
Chẳng hạn, không có số lượng của cải nào có thể bảo vệ chúng ta thoát khỏi
các căn bệnh di truyền, nan y hay bị tai nạn thương tâm nào đó. Trái lại khi đối
diện với bịnh tật, nhất là các căn bịnh chưa có hay hết thuốc chữa, chúng ta mới
biết sức khỏe là quí, tiền bạc chỉ là hư không!
Không có số lượng của cải nào có thể giữ cho các mối quan hệ của chúng ta
được lành mạnh và gia đình không bị tan vỡ. Trái lại, của cải và tài sản có thể
là nguyên nhân gây ra các mối rạn nứt, phá hủy mối dây liên kết giữa các thành
viên trong gia đình, như trường hợp anh em tranh giành quyền thừa kế ở phần đầu
của bài Tin Mừng hôm nay.
Quan trọng nhất, tuân theo ý Chúa không lệ thuộc vào tiền bạc của chúng
ta. Ngược lại, người môn đệ chân chính là người nghèo nhất và chỉ biết sống lệ
thuộc vào Chúa.
Trong Tin Mừng, đặc biệt Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, Chúa Giê-su quan tâm
đến người nghèo. Bên cạnh đó, Người cũng không mấy có thiện cảm với những người
thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội cùng thời với Người. Hết lần này đến lần
khác, Chúa Giê-su dạy rằng những người có của phải có trách nhiệm chia sẻ những
gì họ có cho những người thiếu thốn hơn họ.
Dựa vào kinh nghiệm của cuộc sống, tôi đã nghe nhiều lời hối tiếc khác
nhau được bày tỏ bởi những người gần chết. Nhưng chưa một ai, trong lúc hấp hối,
lại hối tiếc về những việc bác ái mà người đó đã làm. Họ chỉ hối tiếc vì họ đã
quá ích kỷ, chỉ biết sống cho mình mà không nghĩ đến người khác. Sự chết là một
thực tế đáng sợ, nhưng là một tiếng chuông cảnh tỉnh để chúng ta sắp đặt giá trị
ưu tiên của cuộc sống.
Vì vậy, chúng ta cần phải chọn lựa: Tiền của hay Thiên Chúa? Chỉ khi nào
chúng ta đón nhận và cho phép Thiên Chúa làm chủ cuộc sống mình thì lúc đó cuộc
sống mới trở thành niềm vui. Thứ chúng ta cần không phải là một thứ gì cả, đó
là Chúa. Khi chúng ta sống buông bỏ và không để tâm hồn bị dính bén vào những
gì hư nát thì Thiên Chúa sẽ đến để lấp đầy hoặc chiếm hữu chúng ta, và chúng ta
sẽ là người giầu nhất vì có Chúa làm gia nghiệp.
Sau cùng, cuộc sống và tài sản của chúng ta không phải là của riêng chúng
ta. Đó là tài sản chung. Nó thuộc về mọi người và nên được chia sẻ cho tất cả
các tạo vật.
Nắm giữ hay buông bỏ? Thu vén, vơ vét hay cho đi? Chúng ta sẽ chọn gì?
No comments:
Post a Comment