Wednesday, 13 July 2022

LẮNG NGHE và HÀNH ĐỘNG


Anh chị em thân mến,

Với dụ ngôn người Sa-ma-ri-a nhân hậu, Thánh Lu-ca đã nhấn mạnh đến việc phục vụ anh em, nhất là những ai bị tổn thương, để diễn tả lòng mến của Thiên Chúa tuôn chảy trong bản thân của người tín hữu. Hôm nay, qua hình ảnh và thái độ của Mát-ta và Ma-ri-a dành cho Chúa, Thánh Lu-ca không hề muốn phân biệt lối sống phục vụ và cuộc sống chiêm niệm như một số người vẫn chủ trương. Cả hai lối sống: cầu nguyện và hoạt động bổ túc cho nhau. Thật ra, qua câu chuyện và cách cư xử của Mát-ta và Ma-ri-a, Thánh sử muốn nhắn gửi các môn đệ một sứ điệp quan trọng: đó là phải lắng nghe lời Người, phải chú tâm để Người tiếp tục hướng dẫn.

Câu chuyện đón tiếp Chúa của hai chị em trong bài Tin Mừng cho chúng ta thấy sự khác nhau giữa Mát-ta và Ma-ri-a. Mát-ta quán xuyến mọi sự. Chị ta có hảo ý. Tuy nhiên vì lo lắng quá nên không nhận ra nhu cầu của Đức Giê-su, vị khách quí hôm nay đến thăm nhà của chị. Chị Mát-ta dành hết sức để chuẩn bị cho việc đón tiếp được hoàn hảo theo ý nghĩ của chị, cho nên chị không có khả năng nhận ra vị khách quí hôm nay muốn gì.

Trong khi đó thì Ma-ri-a không có gì hết, nên chỉ biết ngồi để lắng nghe Chúa. Thật ra, cô không lười. Cô đón tiếp Chúa bằng cả con tim, chú tâm đến sự hiện diện của Người, để mắt đến từng cử chỉ và lời nói của Người. Đối với cô, từ lúc Đức Giê-su bước chân vào nhà thì Người là tất cả. Còn Mát-ta, vì quá bận rộn nên không nhận ra Đức Giê-su là khách. Đức Giê-su đến thăm để bộc lộ ý muốn của Người cho hai chị em mà cô lại bận rộn như thế thì cho dù Người muốn cũng chẳng có cơ hội trao cho Mát-ta. Nói khác đi, vì quá bận rộn, Mát-ta chẳng còn tâm trí hay cơ hội nhận ra ý định của Chúa nữa.

Với cái nhìn nông cạn, chúng ta dễ dàng đồng ý với Chúa là Ma-ri-a đã chọn, không phải là phần tốt nhất mà còn dễ nhất nữa. Ma-ri-a chỉ việc ngồi thừ ra đó, còn bao nhiêu việc tất bật khác thì Mát-ta ôm trọn, thật là khó khăn! Nhưng suy nghĩ kỹ, chúng ta có thể thấy, phần việc của Ma-ri-a khó khăn hơn nhiều trong hai phần việc ấy. Gạt bỏ công việc của mình và chú tâm hoàn toàn vào người khác không phải là việc dễ đâu. Đem sự chú tâm trọn vẹn ấy vào Thiên Chúa lại càng khó hơn. Nhưng đó mới là phuơng thế tuyệt hảo nhất trong việc hiệp thông để sinh ra lợi ích cho bản thân mình và tha nhân.

Thưa anh chị em,

Như vậy, sự bận rộn trong cuộc sống để hoàn thành việc của mình mà không nhận ra nhu cầu của người thân để quan tâm thì cũng giống như việc chạy đôn chạy đáo mà Mát-ta thể hiện hôm nay. Kết quả mà họ đạt được cũng không đáng khích lệ. Sau đây là một thí dụ.

Có một gia đình kia. Anh chị đã sống với nhau trên hai mươi năm trời và đã có với nhau ba người con. Họ gặp nhau, yêu nhau rồi cưới nhau. Khi mới cưới, vì trách nhiệm và bổn phận đối với thân nhân của hai bên gia đình còn ở Việt Nam, và nhất là muốn tạo cho gia đình riêng của anh chị một nền tảng vững chắc; cho nên anh chị đã phải cầy cả đêm lẫn ngày, anh chị đã nỗ lực làm việc không biết mệt mỏi. Mỗi người một công việc. Cả anh và chị thành công trong sự nghiệp. Ai cũng làm chủ. Tuy nhiên cái giá phải trả cho sự thành công này cũng không nhẹ. Chỉ vì vật lộn với công ăn việc làm, anh chị không còn nhiều thời gian cho nhau. Về đến nhà chỉ biết ngủ. Mối dây tương quan trong cuộc sống vợ chồng giả như có thì cũng chỉ là bổn phận qua loa cho xong. Đối với con cái, anh chị đã nuôi nấng các cháu rập theo cung cách quản lý nhân viên; mấy người con của anh chị không được lớn lên trong vòng tay yêu thương, vì thế cách hành xử của các cháu cũng bộc lộ một sự thèm muốn được yêu thương!

Người ngoài nhìn vào tưởng họ hạnh phúc chứ ai nào ngờ cảnh ‘phòng không gối chiếc’ hay ‘đồng sàng dị mộng’ đã xẩy ra với họ từ lâu rồi. Giờ này chỉ còn lại là sự chịu đựng cho qua khỏi kiếp này. Cái giả phải trả cho sự bận rộn trong cuộc sống mắc đến độ khi nhìn lại cũng chẳng còn biết làm thế nào để sửa chữa. Thật tội nghiệp!

Trong việc xây dựng mối dây tương quan giữa Chúa và ta cũng thế. Chúng ta đến với Chúa trong lúc bận rộn thì còn giây phút hay tâm tình nào dành cho Ngài đây! Sau đây là một trong những thói quen mà nhiều người đã vấp phải.

Có một bà thưa rằng: “Thưa cha, con đã cầu nguyện hầu như không ngừng suốt đời, và con chưa bao giờ có cảm giác gì về sự hiện diện của Thiên Chúa”. Linh mục đó mới hỏi: “Con có để cho Thiên Chúa có cơ hội lên tiếng không?”. Bà nói: “Ồ không, con đã nói với Người suốt thời gian ấy. Như thế không phải là cầu nguyện sao?” Vị Linh mục đó trả lời: “Không, tôi không nghĩ như thế,” rồi nói tiếp: “Bây giờ, tôi xin đề nghị với cụ thế này nhé: mỗi ngày, cụ hãy dành riêng năm hoặc mười phút để chỉ ngồi trước mặt Thiên Chúa”. Thưa cha, ngồi như thế dễ buồn ngủ lắm! Vị linh mục ôn tồn đáp: “Bà ơi, ngủ trong bàn tay yêu thuơng của Chúa là một hồng ân đấy, bà cứ tập đi.”

Và bà đã làm như thế. Kết quả là gì? Không lâu sau, bà ta trở lại và nói: “Thưa Cha, thật lạ lùng, khi con cầu nguyện cùng Thiên Chúa, nói cách khác khi con nói với Ngài, con không thấy điều gì. Nhưng khi con ngồi thinh lặng, yên tĩnh, mặt đối mặt với Ngài, con cảm thấy được bao trùm bởi sự hiện diện của Ngài”.

Thưa anh chị em,

Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất. Cô đã không nói gì nhưng trao trọn vẹn tấm lòng và con tim cho Chúa để Chúa họat động. Còn Mát-ta thì bận rộn để phô trương thanh thế, muốn chứng minh rằng mình đã quá đầy đủ, làm việc gì cũng hòan hảo thì Chúa còn làm đuợc gì nữa.

Ma-ri-a ngồi duới chân Chúa bộc lộ tâm tình lệ thuộc; và lắng nghe để nhận chỉ thị và huấn lịnh của Chúa. Còn Mát-ta lại bận rộn rồi yêu cầu Chúa làm điều cô muốn: “nói em con giúp con”.

Như Ma-ri-a chúng ta hãy lệ thuộc vào Chúa.

Giống Ma-ri-a chúng ta hãy lắng nghe Lời Người chỉ dậy. Và, Chúa sẽ huớng dẫn, thúc đẩy và tác động để chúng ta trở thành những Mát-ta, những Sa-ma-ri-a sống động.

Như thế, hãy ngồi để lắng nghe Chúa dậy như Ma-ri-a, rồi với lòng hiếu khách chúng ta cùng đứng dậy, noi gương người Sa-ma-ri-a và Mát-ta, đón tiếp và phục vụ Chúa trong anh em mình nhé. Amen!

 

No comments:

Post a Comment