Wednesday, 27 July 2022

ĐÂU LÀ KHO TÀNG ĐÍCH THẬT


Truyện kể rằng, có một bà quản nọ, khi còn trẻ đã có ý định dâng mình cho Chúa làm nữ tu. Nhưng vì hòan cảnh khiến bà không thực hiện được ước mơ; bù lại bà dành mọi nỗ lực và công sức trong việc đào tạo giáo lý viên, nhất là dậy giáo lý cho thiếu nhi. Đã dậy thì bà cần phải học. Bà tham dự các lớp, từ Thánh kinh đến Thần học và thêm cả phụng vụ nữa. Nói chung về mặt kiến thức, các bà sơ cũng không sánh bằng.

Trong một buổi dậy giáo lý, nhân đọc bài Tin mừng về nguời phú hộ giàu có hôm nay. Bà quản nhà ta hỏi các cháu thiếu nhi: Có ai trong các em không thích của cải thế gian hay không? Nếu thích, xin em hãy đứng dậy. Cả lớp im lặng. Lại có một số em cúi gầm mặt xuống vì sợ ánh mắt liếc qua liếc lại của bà quản. Thấy thế, bà quản hăng hái hỏi tiếp “Có ai trong các em không tham lam, đứng dậy.” Không khí của lớp giáo lý càng nặng nề thêm. Bà quản than thở: “Rõ chán, công lao cô dậy giáo lý và giải thích Lời Chúa bao nhiều năm cho các em, mà kết quả lại như thế này à.” Ngay lúc đó, duới góc phòng, có em bé nhìn rất lam lũ, không cần đóan cũng biết là gia đình em rất nghèo, rụt rè đứng dậy thưa rằng: “Dạ thưa cô, nhà con không có tiền lấy gì để mê; còn tham lam thì ai chẳng có!” Tuy chúng con chưa sống đuợc yêu cầu Chúa dậy, nên đành ngồi im chịu tội! Trong lớp chỉ có một mình cô đứng, không lẽ cô không mê tiền và không tham….

Nghe xong câu nói của bạn, cả lớp hân hoan đứng dậy còn bà quản của chúng mình buồn thiu ngồi xuống!

Như vậy, chúng ta đều biết rằng: tiền của có một năng lực vô cùng thần bí khiến một số người trong chúng ta phải tôn thờ và lệ thuộc vào chúng, như đã được nghe nói rằng ‘đồng tiền nối liền khúc ruột’. Do đó, ở bên Úc ‘lòi ruột thì có medicare, chứ lòi tiền ra rồi thì hỏi ai đây. Trời ơi, hỡi Trời.’

Tiếp theo là vài câu nói mà chúng ta thuờng nghe, xin mời anh chị em cùng ngâm.

“Có tiền chán vạn kẻ theo, nghèo tiền thì bạn cũng đòi bỏ đi.”

 “Tiền là tiên là phật, là sức bật của con người, là nụ cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà cho danh vọng, là cái lộng cho tương lại…”

Rồi trong lúc trà dư tửu hậu, có một số cụ than rằng ‘làm gì cho nó khổ, đến khi chết đi thì tiền nó dùng, vợ nó sai, con nó khiến… cứ ăn chơi’… lại một kiểu nói của ông phú hộ, vịn vào sức mình.

Vẫn biết rằng tiền bạc là tên đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ xấu. Thông thường, chúng ta lại để cho của cải làm chủ cuộc sống mình. Đáng buồn thay!

Anh chị em thân mến,

Thật vậy, xử dung tiền bạc sao cho đúng là một trong những vấn nạn quá khó khăn. Dù chúng ta có nghe đi nghe lại những lời khuyên của Chúa hôm nay, nhưng vẫn khó lòng thực hiện. Bản thân tôi, dù đã khấn sống khó nghèo, nhưng nếu có ai vào phòng tôi ngay bây giờ thì thật là xấu hổ, vì sự sung túc và dư dật mà tôi đã thu lẫm đuợc. Có nhiều thứ nằm trên giá sách, từ ngày này qua ngày khác, bám đầy bụi thế mà đi đâu tôi cũng lôi chúng theo cho chật chỗ, cho nặng ký. Thật là khờ dại!

Trở lại trình thuật hôm nay, tôi nhận ra lối suy nghĩ và cách hành xử của ông phú hộ trong dụ ngôn và cách suy nghĩ và hành động của Ađam và Evà, sao mà giống nhau đến thế.

Cũng chỉ vì muốn tự lập, tách mình ra khỏi tương quan với Đấng tạo dựng, nên con người đã đi vào đổ vỡ này đến tan nát khác. Trước đó, họ sống thật hồn nhiên, đơn sơ và thánh thiện. Thế mà chỉ muốn tự quyết định cho cuộc sống mình nên mới phải đọa đầy.

Người phú hộ cũng thế. Tự lập, tính toán để tích chứa những gì ông ta có do lao động một cách hợp lý hợp pháp, đâu có gì xấu.  Nhưng ông ta bị gọi là khùng khi nghĩ rằng ông có thể dùng tất cả năng lực của mình để bảo đảm cho sự sống, niềm vui huởng thụ và sự tồn tại của chính ông, ông tự nhủ ‘Linh hồn ta ơi! mầy có chán của cải, sẵn đó cho nhiều năm; nghỉ đi! ăn uống đi! hưởng đi!’ 

Sự sống, linh hồn là quà tặng của Thiên Chúa. Khi tạo dựng, với hình ảnh của người thợ gốm (nặn tượng), Chúa đã dùng đất để nặn thành tựơng. Tượng ‘hình người’ vẫn chỉ là pho tượng cho đến khi Thiên Chúa hà hơi, trao ban Thần khí và sự sống thì pho tượng đó mới trở thành vật sinh linh, sống động. Thế mà, ông phú hộ nhà mình lại lầm tưởng rằng ông có thể dùng tài năng, sức mạnh, công lao để bảo đảm cho sự sống còn của ‘linh hồn’. Quả thật là ngạo mạn và ngốc nghếch.

Đọc lịch sử dân Do Thái trong chuơng trình cứu độ của Thiên Chúa, rồi chúng ta cùng xét mình, sẽ nhận ra một điều là dù con người hay ông phú hộ trong dụ ngôn có bất trung và kiêu ngạo đến đâu cũng không dập tắt đuợc ngọn lửa yêu thuơng không hề tắt của Thiên Chúa. Ngài trung tín và làm chủ chương trình yêu thuơng của Ngài. Chính vì thế, câu nói ‘Ðồ ngốc! ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại linh hồn ngươi, mọi điều ngươi đã chuẩn bị sẽ về tay ai?’được hiểu như lời răn đe, cảnh cáo để ông phú hộ và chúng ta thay đổi cách sống mà làm giầu trước mặt Thiên Chúa; chứ không phải là một lệnh phạt.

Điều này cũng giống như câu răn đe của cô giáo ‘nếu các em không chăm chỉ, không im lặng, không thực thi công bằng và bác ái thì cuối học kỳ này cô sẽ không cho các em nghỉ hè.’ Thế mà chính cô lại là người đầu tiên chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè này.

Đến đây, chúng ta cùng đọc lại tòan bộ bài Tin Mừng hôm nay mới thấy rằng, dụ ngôn ông phú hộ là câu trả lời cho câu hỏi: ‘Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài với tôi.’

Gia tài của người cha để lại cho con cái. Ở đây, thánh sử không nói rõ người cha này có bao nhiêu người con. Dựa vào văn mạch ‘xin Thầy bảo anh tôi, không phải là chúng tôi; như vậy chúng ta có thể đóan đuợc ông ta chỉ có hai người con. Điều này khiến tôi nhớ đến một trình thuật nói về lòng nhân hậu của Thiên Chúa qua dụ ngôn ‘tình phụ tử’ trong Tin Mừng của Thánh Luca. Người Cha đó sẵn sàng mất tất cả để duy trì sự hiện hữu của tất cả con cái. Đối với ông, gia đình sẽ không còn là gia đình nếu thiếu vắng một trong hai người con của ông. Gia tài ông có là để trao ban cho con cái.

Một cách khác, chúng ta có thể nhìn ra rằng gia tài là trái đất mà Thiên Chúa trao ban cho con nguời trông nom. Tất cả đều thuộc về Ngài. Đó là kho tàng hồng ân mà Thiên Chúa trao ban chung cho mọi người. Và nếu như thế, thì không ai đuợc chiếm hữu làm của riêng mình. Những gì mình có hôm nay là của người khác ngày mai. Hay nói khác đi, sự hiện diện của ‘tôi’ trên mặt đất này không phải là cho tôi, nhưng là cho người khác. Như vậy, cái mà tôi đang có ngày hôm nay là của người khác. Do vậy, nhiệm vụ của chúng ta là trao ban và chia sẻ cho nhau.

Đó chính là điều Chúa muốn nhắm đến. Làm giầu truớc mặt Thiên Chúa là việc trao ban cho nhau những hồng ân đã đuợc ban tặng, trao ban thời gian, tài năng và tất cả chứ không phải chỉ hạn hẹp trong việc trao ban tiền bạc mà thôi. Nhưng một khi chúng ta chưa làm chủ đuợc bạc tiền thì còn trao ban thứ gì nữa đây. Trao ban cho nhau trở thành bổn phận.

Chúng ta đã đón nhận lòng nhân ái xót thương vô điều kiện từ Thiên Chúa thì cũng phải trao ban lòng nhân ái đó cách quảng đại cho tha nhân. Nói khác đi, thay vì làm giàu truớc mặt Thiên Chúa thì chúng ta hãy để cho Thiên Chúa làm cho chúng ta giàu có. Trao ban tất cả, để đôi tay trở về hư không và trong chốn hư không đó, Chúa sẽ làm đầy lại để chúng ta tiếp tục trao ban. Gia tài của chúng ta giàu có như thế. Vì Chúa làm chủ và quyền phân phát là của Ngài. Chúng ta chỉ là những tác nhân thực thi lòng nhân ai và chia sẻ cho nhau. Nếu chúng ta không thực hiện, thì một ngày nào đó, sẽ có người đến trình với Chúa rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy yêu cầu anh tôi (là chính tôi) chia gia tài cho con.”

Hãy cho đi, hãy trao ban, hãy chia sẻ để Chúa có cơ hội ban thêm và làm cho gia nghiệp của chúng ta giầu ân sủng hơn nữa. Amen!                                                    

No comments:

Post a Comment