Tin Mừng Chúa
Nhật hôm nay bắt đầu với lời nhắn nhủ của Đức Giê-su dành cho các môn đệ, đoàn
chiên nhỏ bé của Người, rằng “anh em đừng sợ, vì Nước Trời đã được ban cho anh
em”. Đức Giê-su nhận ra rằng nỗi sợ hãi có thể là một trong các nguyên nhân gây
ra sự chán nản, bỏ cuộc và thất bại khi thi hành sứ mạng rao giảng Nước Thiên
Chúa mà các môn đệ đã được trao phó. Vẫn biết rằng, khi chấp nhận lời mời gọi
trở thành môn đệ của Chúa, các môn đệ đã từ bỏ gia đình, bước ra khỏi nếp sống
an toàn và lao mình vào cuộc chiến vì Nước Trời; nhưng không vì thế mà các môn
đệ sẽ bớt sợ, vì sợ hãi vẫn là một sức mạnh ngấm ngầm làm cản trở họ thực hiện
sứ mạng.
Để thoát khỏi
các nỗi lo sợ, Đức Giê-su tha thiết khuyên chúng ta hãy vui sống phút giây hiện
tại như khoảnh khắc của hồng ân, đón nhận tất cả như quà tặng, rồi ra đi phục vụ,
như Lời Chúa phán trong bài Tin mừng hôm nay là hãy bán của cải mình đi mà chia
sẻ cho người khác. Và đó cũng là cách sống mà Đức Giê-su đã khuyến khích các
môn đệ phải có trong lúc đón tiếp ngày giờ Chủ trở về.
Và để nói rõ
ý tưởng này, Đức Giê-su tiếp tục dùng dụ ngôn để giảng dậy. Dụ ngôn mà Chúa
phán trong bài Tin Mừng, thường được công bố trong các dịp lễ an táng hay cầu hồn.
Mục đích là nhắc nhở chúng ta hãy sống tỉnh thức. Tỉnh thức bằng hành động để dọn
sẵn cho mình một kho tàng trong Nước của Người. Kho tàng đó được tích lũy bởi lối
sống phục vụ và chia sẻ của chúng ta khi theo Người.
Muốn theo
Chúa, chúng ta cần nhận biết Chúa. Điều này rất khó thực hiện. Bởi vì, Chúa thường
xuất hiện vào những lúc chúng ta không ngờ. Người chẳng ăn diện theo tiêu chuẩn
của quân vương hay hàng ngũ quí tộc. Người đã đến với chúng ta qua hình ảnh của
những người nghèo, những bịnh nhân mang mầm mống của các căn bịnh di truyền mà
không ai trong chúng ta dám đến gần. Người hiện diện ở những dự án mà chúng ta
đã cố gắng nhưng vẫn nếm mùi thất bại. Người đến ở trong các mối quan hệ khiến
chúng ta bị tổn thương. Người hiện diện trong cuộc sống của người hàng xóm khó
tính. Người hiện diện nơi cuộc sống của những người ăn xin khi họ đến với chúng
ta vào lúc tâm hồn và thể xác của chúng ta đã mệt lử, v.v… Người có muôn vàn
cách thức để đến, ngay bây giờ.
Nói đến đây,
tôi chợt nhớ đến một người, Ngài đã nhận ra Chúa nơi các hình ảnh của những con
người mà chúng ta vừa đề cập nói trên. Ngài cũng là người đã thu hút chúng ta quây quần bên nhau
trong bàn tiệc Thánh này: Cha Thánh An Phong. Tụ họp để tạ ơn Chúa vì còn nhìn
thấy nhau. Cảm tạ Người đã gìn giữ chúng ta được bình an trong cơn đại dịch.
Sau hết là cùng nhau tìm hiểu cách thức nào để đặc sủng mà Cha Thánh đã lĩnh nhận
nơi Chúa vẫn tiếp tục bùng cháy trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta?
Anh chị em thân
mến, chúng ta hãy trở về nguồn để ôn lại công việc Ngài:
Nếu Thành phố
Naples là thiên đường của những người giàu có thì ngược lại đó là địa ngục đối
với những người nghèo. Họ bị đày lên những ngọn đồi xung quanh. Cuộc sống của họ
gắn liền với sự đói nghèo, thất học và tai ương. Thường xuyên đối diện với các
nạn dịch như sốt rét, sinh ra chết chóc. Nhờ sự nhậy cảm trước nhu cầu của kẻ
khác, Ngài đã động lòng thương, kết hợp với đời sống cầu nguyện và sự biện phân
đã giúp cha chúng ta, Thánh An-Phong khám phá ra một hướng đi. Đó là con đường
Chúa muốn Ngài tuân theo. Phục vụ “bọn chết tiệt” tại Naples và các nơi khác.
Lại có một số
linh mục cùng chí hướng tụ tập xung quanh Ngài. Thánh An Phong ý thức rằng đã đến
lúc phải giúp bổn đạo, nhất là những người nghèo thoát nỗi âu lo của sự trừng
phạt, cần thay thế tâm tình sợ hãi Thiên Chúa bằng lòng yêu mến. Đối với Ngài,
dung nhan của Chúa là hình ảnh của Đấng Cứu Thế, tái tạo thế giới bằng tình yêu
của Ngài. Và một hội dòng được khai sinh vào năm 1732, được gọi là Dòng Chúa Cứu
Thế chuyên lo phục vụ “bọn chết tiệt,” không ai quan tâm và săn sóc.
Mục tiêu của Dòng
là theo Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế trong việc rao giảng Tin Mừng cho người
nghèo. Một ơn gọi dành cho những người bị bỏ rơi. Thông qua các tuần đại phúc tại
các giáo xứ, canh tân lối sống đạo dựa vào lòng mến của Thiên Chúa, giúp họ tái
tạo đời sống thiêng liêng qua rao giảng, thánh lễ và xưng tội. Cha An Phong và
anh em đã đi khắp vùng nông thôn tại Ý, tìm đến những người nghèo nhất trong số
những người nghèo.
Khi rao giảng,
Cha Thánh An Phong đã tránh dùng hình ảnh lửa thiêu đốt như án phạt dành cho kẻ
có tội phải sống trong lo sợ. Ngài cho rằng việc hoán cải thực sự không thể dựa
trên "nỗi sợ hãi” về sự trừng phạt của Thiên Chúa." Phổ biến và quảng
bá ý tưởng này chỉ làm cho con người kéo dài sự sợ hãi trong cuộc sống của họ
mà thôi. Không ích lợi gì! Một sự hoán cải thực sự chỉ xảy ra khi con người để
cho Tình yêu thánh khiết của Thiên Chúa thống trị. Vì thế, Thánh nhân đã chủ
trương giải thoát con người khỏi sự lo sợ bị án phạt, thay vào đó là ngọn lửa
tình yêu của Thiên Chúa. Đấng yêu thương và chỉ muốn giải thoát con người khỏi
nô lệ của quyền lực của sự dữ mà thôi.
Cha Thánh An
Phong, trong mọi giây phút của cuộc sống, đã tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện
của Chúa trong mọi sự, qua mọi người, nhất là nơi cuộc sống và gia cảnh của ‘bọn
chết tiệt’, rồi đón tiếp họ như hình ảnh của Chúa Cứu Thế. Theo Ngài, đó là bổn
phận phải làm của thành viên Dòng Chúa Cứu Thế, không phân biệt người đó thuộc
tuyến nào. Nếu không chu toàn là thiếu bổn phận và làm cho đặc sủng bị thiêu
mòn đi.
Sau cùng, trong
bài Tin Mừng, chúng ta hãy nhìn cách thức mà ông chủ dành cho người đầy tớ. Thật
ngạc nhiên, bởi vì ông chủ đâu cần có thái độ ân cần đối với anh ta như thế. Không một ông chủ nào của thế gian có thái độ
như thế đối với đầy tớ! Chỉ có ông chủ trong Nước Trời mới có thể từ bỏ mình mà
nêu gương hầu hạ như thế.
Cách thức mà
ông chủ hành động trong bài Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ lại hành động
mà Đức Giê-su đã thực hiện trong Bữa Tiệc Ly. Thay vì để cho các môn đệ rửa
chân cho Người thì Người đã hoán đổi vị trí, quì xuống mà rửa chân cho các ông. Nhờ đó, chúng ta nhận biết rằng người lãnh đạo
thật, người tu sĩ chân chính, một sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế đích thật phải là người
phục vụ.
Phục vụ người
nghèo. Quì xuống rửa chân cho ‘bọn chết
tiệt’ là lối sống của anh chị em chúng mình, thành viên của gia đình An
Phong, không phân biệt thân hữu hay thuộc tuyến nào. Chỉ biết rằng với lối sống
phục vụ như Đức Giê-su thì chúng ta chẳng còn phải lo âu hay sống trong sợ hãi khi
nào Chúa đến nữa. Bởi vì, Chúa đã hiện diện trong mọi sự và có mặt ở mọi biến cố
trong cuộc đời của chúng ta là những kẻ thuộc về Người rồi, phải không thưa anh
chị em?
Cầu cho nhau
được như thế nhé. Amen!
No comments:
Post a Comment