Anh chị em thân mến,
Hôm nay, lời tuyên bố của
Đức Giê-su trong bài Tin Mừng làm cho chúng ta ‘bị sốc’. Chúng ta không chỉ ngạc
nhiên mà còn giật mình khi nghe Người phán: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban
hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng
là đem sự chia rẽ.”
Thế giới hiện nay có đủ
chia rẽ và phân tranh, như vậy chúng ta có cần dựa vào Lời Chúa hôm nay để hỗ
trợ cho lập luận nhằm khuyến khích và bảo vệ các nguyên nhân gây ra chia rẽ hay
không? Chẳng lẽ Đức Giê-su không muốn chúng ta sống an bình, đối xử nhân hậu và
thông cảm với nhau hay sao?
Điều mà Đức Giê-su quan
tâm không phải là thái độ hài hòa, một thế đứng trung lập, một sự bình an giả tạo.
Trong sứ mạng của người môn đệ phải có sự chọn lựa, cho dù phải hy sinh còn hơn
là ‘hài hòa, ba phải, chiều nào cũng ngả’. Trên bước đường theo Chúa không có
chỗ cho sự dửng dưng và chán chường, không có bức tường nào có thể ngăn chận sức
mạnh của Lời Chúa. Sứ mạng của Đức Giêsu bao hàm ơn gọi của một ngôn sứ, như ngọn
lửa đốt cháy thái độ ơ hờ và nguội lạnh, nó muốn khơi lên một ngọn lửa yêu mến
đốt cháy các tâm hồn nguội lạnh.
Như vậy Lời Chúa phán hôm
nay được giải thích thế nào đây? Hãy đặt Lời Người nói trong bối cảnh của ơn gọi
ngôn sứ. Nói thẳng và nói thật để người nghe phải chọn lựa.
Trước tiên, chúng ta hãy
nhìn vào hoàn cảnh thực tế và nhận ra một điều là những ai trung thành với ơn gọi
ngôn sứ thường không có kết quả tốt. Những lời họ nói, các việc họ làm thường
là nguyên nhân xẩy ra các cuộc xung đột. Cõi lòng của họ luôn đứng về phía những
người bị áp bức, bị đàn áp, bị bóc lột. Họ lên tiếng để binh vực những người cô
thân cô thế; đứng về phía các nạn nhân của những vụ đàn áp, bị lạm dụng về tinh
thần và thể xác; Họ còn là điểm tựa, chỗ dựa cho những ai bị tổn thương vì bạo
hành. Nói chung, những người nghèo, những con người tất bạt bị xã hội ruồng bỏ
lại trở thành những những bạn thiết nghĩa của các ngôn sứ.
Nỗi khó khăn nhất mà các
ngôn sứ phải đối diện không xuất phát từ những người có quyền hành trên các
ngài, họ phải chiến đấu với những người thân trong gia đình; bởi vì một cách
nào đó, những người thân của họ không nhận ra sức mạnh thôi thúc ngôn sứ khiến
cho họ phải lên tiếng và hành động theo những gì mà họ đã được thúc đẩy bởi
Thiên Chúa. Thế là xẩy ra tình trạng đối kháng ngay trong gia đình. Cứ lẽ tự
nhiên thì người càng thân, càng gắn bó với mình bao nhiêu thì sức chống đối lại
càng mạnh hơn; bởi vì họ lo cho mình!
Trong thời đại của chúng
ta, vào những thập niên gần đây, chúng ta nghe đến các tên như Martin Luther
King, Nelson Mandala, và Thánh Giám Mục Oscar Romero. Để bảo vệ cho công lý và hòa bình, nhất là
binh vực cho quyền làm người, các ngài đã dùng chính cuộc đời và mạng sống để
làm chứng. Lời chứng của các ngôn sứ thường không được những vị lãnh đạo về mặt
đời và mặt đạo chấp nhận. Ơn gọi ngôn sứ thật cô đơn. Cái giá mà các ngôn sứ đạt
được không phải là sự ủng hộ của bạn đồng nghiệp hay sự hỗ trợ của những ai có
quyền; thậm chí họ có thể là nạn nhân của những con người mà họ lên tiếng để bảo
vệ nữa.
Đức Giê-su nói cho những
ai đang lắng nghe Người nhận biết rằng đón nhận sứ điệp và dấn bước theo Người
không phải là việc dễ dàng. Tin Mừng và con người của Đức Giê-su có thể gây ra
những phản ứng trái chiều, hay ít nhất gây ra một vài bất đồng cho người đón nhận.
Có người hân hoan đón nhận và đem ra áp dụng, lại có người khác vì quyền lợi mà
ra sức chống đối. Mỗi người một cách thức đón nhận; không ai giống ai. Đây là sự
phân rẽ vì niềm tin, vì lối sống. Không chỉ xẩy ra hôm nay; nhưng đã xuất hiện
qua bao thế hệ. Ngay từ thủa Hội Thánh còn trong buổi sơ khai, lẽ ra cần có sự
hiệp nhất để bảo vệ nhau; trái lại các tín hữu thường bị chính quyền và những
người thân cận của mình ghét bỏ.
Nhìn lại giòng lịch sử,
chúng ta hãy can đảm nhìn nhận có sự phân rẽ trong sự hình thành và phát triển
các cộng đoàn Ki-tô giáo. Vấn đề hoàn toàn không xuất phát từ các nguyên do tạo
ra sự chia rẽ cho bằng cách chúng ta hành xử như thế nào về sự chia rẽ. Giả như
nhóm nào cũng chủ trương mình là đúng, và chỉ có mình mới xứng đáng giữ truyền
thống và có quyền giải thích các mầu nhiệm trong đạo thì chúng ta lại xem thường
sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa nơi các nhóm hay giáo phái khác. Thiên
Chúa hiện diện và hoạt động ở khắp nơi, khắp chốn.
Thưa anh chị em,
Nói chung, sự trung thành
với giáo huấn và lối sống của Đức Giê-su thường là nguyên nhân gây ra các cuộc
chia rẽ trong suốt lịch sử, và vẫn còn xẩy ra trong thời đại của chúng ta.
Trên khắp thế giới ngày
nay có hàng ngàn người sợ nói ra công lý bởi vì nếu họ làm như vậy họ có thể phải
đối mặt với guồng máy của những người có thế lực rồi bị tra tấn cho đến chết.
Hiện tượng này đặc biệt xẩy ra tại các nước Á Châu, bên Châu Mỹ La Tinh và các
nước mà nền dân chủ bị khống chế bởi một số người có ‘máu mặt’.
Các phản ứng giống như thế
cũng xẩy ra trong gia đình. Đức Giêsu không hề có ý phá hỏng các mối quan hệ
trong gia đình. Thật ra, lòng hiếu thảo với cha mẹ và sự tôn kính của chúng ta
dành cho các bậc tiên nhân là điều mà Đức Giê-su đã khuyến khích chúng ta phải
thi hành. Tuy nhiên, trong cuộc sống của người môn đệ, chúng ta phải tuân theo
tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời và nếu cần phải chọn lựa ưu tiên giữa tiêu
chuẩn của Nước Thiên Chúa với lợi ích của chúng ta thì cũng đành phải chấp nhận
hy sinh tất cả mọi sự để trung thành với ơn gọi của người môn đệ thôi.
Trong cuộc sống gia đình,
người phối ngẫu phải đối diện với một tình trạng căng thẳng; một bên là sự tha
thứ, bên kia là con tim tan vỡ vì sự bất trung của người bạn đường khi đã có
quan hệ bất chính với người khác.
Các bậc làm cha mẹ, như đứng
trước ngã ba đường, không biết khi nào cần nghiêm khắc và khi nào dễ dãi với
các người con mình. Vẫn biết cuối cùng các bậc phụ huynh cũng nhường bước vì
yêu thương các cháu, tuy nhiên cách thức nhịn nhục này cũng khiến cho họ đau thấu
tâm can.
Tại nơi làm việc, chúng
ta có thể bị đối diện với một bên là tiếng nói của lương tâm, sự thúc đẩy của
Tin Mừng hay là chọn thái độ im lặng đồng lõa với tội ác để thăng tiến nghề
nghiệp và có thể được thăng chức. Họ phải chọn lựa giữa sự phân tranh đó.
Các sinh hoạt tôn giáo
cũng có thể đặt con người vào vị trí phải chọn lựa: đóng góp để xây dựng cơ cấu
hay con người. Cách thế nào phục vụ Chúa hữu hiệu hơn?
Lối sống của người tín hữu
không bao giờ dễ dàng. Chúng ta luôn được đòi hỏi để vươn lên khỏi các thực tại
của trần gian này. Trong khi thi hành nhiệm vụ cao quí này chúng ta được mời gọi
như những ngọn lửa được ném vào trái đất để xua tan bóng tối. Muốn đạt được điều
này, chúng ta hãy nhìn thẳng về phía trước, nơi Đức Giê-su đang ngự trị và mong
chờ sự thành tựu sẽ xẩy ra nơi những gì mà Người đã khởi sự. Hãy nhớ rằng: cho
dù gặp khó khăn, nhưng nỗi khổ đau và đối kháng mà chúng ta lĩnh nhận chưa bằng
những gì mà Đức Giê-su đã chịu đựng, hầu qua đó chúng ta sẽ khỏi mỏi mệt và thất
vọng.
Là những người theo Đức
Giê-su, chúng ta liên tục phải đối diện với các tình huống đòi buộc chúng ta phải
lựa chọn giữa thiện và ác, tốt và xấu. Đối mặt với những tình huống như thế
chúng ta cần can đảm và sự khôn ngoan. Và lòng can đảm, sự khôn ngoan và khả
năng đối phó với các nghịch lý trong cuộc đời chỉ được tìm thấy trong mối quan
hệ của chúng ta với Thiên Chúa mà thôi.
Cầu xin Chúa ban cho
chúng ta luôn kiên vững trong sứ mạng, đem chân lý và bình an của tâm hồn đến
cho nhau, để ngọn lửa mà Đức Giê-su đã nhen nhúm nơi bản thân và cuộc sống của
chúng ta được cháy bùng lên luôn mãi. Amen!
No comments:
Post a Comment