Sunday, 28 April 2024

NGƯỜI CHĂN CHIÊN TỐT

Anh chị em thân mến,

Chúa nhật thứ tư trong mùa Phục sinh còn được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Đây là một hình ảnh vô cùng sống động mà Hội Thánh dùng để mời gọi con cái mình nhận ra lòng yêu thương, sự bao bọc và bảo vệ của Thiên Chúa như người mục tử nhân hậu sẵn sàng làm mọi sự, ngay cả hy sinh mạng sống, để bảo vệ đoàn chiên.

Cũng trong ngày hôm nay, Hội Thánh cổ võ và cầu nguyện cho ơn gọi chung cho tất cả môn đệ, không phân biệt phẩm trật, không loại trừ một ai. Tất cả đều được mời gọi noi gương Đức Giê-su, Đấng Chăn Chiên nhân hậu, Mục Tử duy nhất của thế giới mọi thời.

Trước tiên, chúng ta hãy coi lại cách nhìn và sự hiểu biết của chúng ta về vai trò của người mục tử. Chúng ta thường hay gọi Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, và đôi khi các Linh Mục là các nhà mục tử. Đây là kiểu nói quá hạn hẹp vì cho rằng chỉ có các Đấng bản quyền mới có trách nhiệm chăn dắt con chiên, bổn đạo.

Ngày xưa, người ta nói rằng việc mở mang Nước Chúa được thực hiện bởi hàng Giáo Phẩm. Ngày nay, nhờ sự tác động của Thánh Linh, nhất là từ công đồng Vatican II, chúng ta đã có được cái nhìn đúng đắn hơn. Trách nhiệm mở mang Nước Chúa được trao ban cho tất cả mọi tín hữu, ai ai cũng có bổn phận loan báo Tin mừng.

Chính vì thế, một mặt vai trò ‘mục tử’ được dùng để nói đến trách nhiệm của chúng ta là những kẻ được đặt để chăm sóc, quan tâm và nhất là để trao ban tình yêu cho người khác tùy theo ơn gọi mà Chúa đã mời. Mặt khác, chúng ta phải thừa nhận rằng chính Chúa Giêsu mới là Đấng chăn chiên nhân hậu, còn chúng ta tuy được ban tặng cho danh hiệu đó; nhưng chúng ta vẫn là người thừa hành tác vụ từ Chúa. Căn bản, mỗi người chúng ta luôn là những con chiên trong ràn chiên của Chúa.

Hẳn anh chị em còn nhớ, các ngôn sứ của thời Cựu ước đã dùng hình ảnh ‘người chăn chiên’ để ám chỉ đến các vị lãnh đạo về phần đời cũng như trong đạo của người Do Thái. Khái niệm này đã đuợc hình thành trong hoàn cảnh của dân Do Thái khi bị lưu đầy bên Babylon. Trong bối cảnh như thế, khi mà dân Do thái đã mất tất cả như: mất đi nền văn hóa truyền thống, xa quê hương và không còn đền thờ để thờ phượng,... thì ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã khơi lên niềm hy vọng cho dân bằng cách trình bầy Thiên Chúa là Người chăn chiên tốt lành, là Mục tử nhân hậu, là Đấng dẫn đường để dẫn dắt ràn chiên, tìm chỗ cho chiên ăn, dẫn lại về ràn các con chiên lạc đường và cứu chiên thoát khỏi các cạm bẫy, các hiểm nguy của các thợ săn và thú dữ. (Ed 34:11–16). Từ đó mỗi khi nói đến người chăn chiên thì dân Do Thái hình dung ra hình ảnh của một vị Thiên Chúa luôn yêu thương và quan tâm đến họ.

Kính thưa quí cụ, quí ông bà và anh chị em,

Trở lại với trình thuật của Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy cố gắng tìm ra điểm then chốt trong mối quan hệ giữa người chăn chiên và ràn chiên, nhờ đó chúng ta sẽ tìm ra những bài học bài học hữu ích trong cuộc sống.

Trước hết, chúng ta cần đồng ý với nhau rằng qua cuộc sống và sứ vụ, Đức Giê-su đã chứng thực điều Người đã phán dậy hôm nay, chính Đức Giê-su là người chăn chiên tốt lành và thiện hảo. Người biết rõ nhu cầu, sở thích, ưu điểm, khuyết điểm và các thương tích của từng con chiên. Người đã hy sinh chính mạng sống mình để bảo vệ và ban sự sống cho các con chiên trong ràn.

Đối với Đức Giê-su thì tất cả mọi người không cần phân biệt chủng tộc hay mầu da, tự do hay nô lệ, tín ngưỡng hay lối sống, nam hay nữ, giầu sang hay nghèo hèn… Tất cả đều thuộc về ràn chiên mà Chúa Cha đã trao cho Người để chăm nom. Trong Chúa không có sự tách biệt. Tất cả đều bình đẳng, không ai hơn ai kém. Mọi người đều có giá trị thật quan trọng trong con tim của Người chăn chiên tốt lành là Đức Giê-su Kitô.

Người phán: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” là một xác định thật quan trọng nói lên mối tương quan giữa Đức Giê-su và các con chiên. Người không lý giải hay biện minh. Người đã phán như một Đấng có uy quyền. Tôi là! Tôi là Người Chăn Chiên Tốt ! Trong mối dây tương quan giữa Chúa Cha và mình, Đức Giê-su đã xác định một cách thật mạnh mẽ: Tôi là Người Chăn Chiên Tốt, Tôi biết chiên tôi, chúng biết và nghe tiếng Người. Đây không là vấn đề để tranh luận hay bàn cãi. Ai tiếp nhận thì điều mà Chúa phán hôm nay nghiễm nhiên trở thành sự thật và của mình.

Nghe tiếng Chúa, hôm nay, có nghĩa là nhận ra tiếng Chúa trong mối dây thân mật dưạ trên tương quan của Tình Yêu, của gắn bó và hiệp thông. Thậm chí đến mức độ, trong mối tương quan này họ không cần nói, cũng chẳng cần nghe… mọi âm thanh dường như cần dừng lại để cho cảm xúc của Tình Yêu và Lòng Mến dâng trào và ngâp tràn trong giây phút hai người biết nhau, như “Tôi biết chúng và chúng biết tôi.”

Như vậy, chúng ta biết rằng chỉ mình Đức Giê-su là Đấng chăn chiên tốt lành. Người biết rõ nhu cầu, sở thích của từng con chiên trong ràn và cả những con chiên ngoài ràn nữa. Cả thế giới và mọi người sống trong đó là ràn chiên thuộc về tay Người. Người đã chết để bảo vệ và ban cho mọi con chiên sự sống và không ai có thể lấy mất được.

Còn chúng ta, mỗi người đều là những mục tử, chăn dắt ràn chiên, nhỏ hay lớn, mà Thiên Chúa trao phó. Chúng ta không thể nào chu toàn nhiệm vụ cao cả này nếu không sống rập theo gương mẫu của Người Chăn Chiên duy nhất là Đức Ki-tô, Đấng đã chấp nhận mọi đau khổ, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình để diễn tả tình thương cho mọi con chiên của Người. Tuy nhiệm vụ rất khó khăn và còn nhiều gian nan nhưng chúng ta sẽ làm được vì có Chúa Chiên lành, Đấng đang bồng bế và ôm ấp chúng ta trong vòng tay yêu thương của Người. Tin Tưởng vào Tình Yêu Nhân Ái của Người, chúng ta cùng tiến bước và làm như Người đã làm, hy sinh cho nhau sống và sống đầy tràn. Amen!

No comments:

Post a Comment