Anh chị em thân mến,
Đức Giê-su, trong bài Tin Mừng hôm nay đã nói cho chúng ta biết
rằng chính Người là cây nho đích thật và chúng ta là cành. Như cành nho muốn
sinh hoa kết trái thì phải gắn liền vào thân cây nho. Chúng ta cũng thế, nếu muốn
trổ sinh hoa trái nhiều hơn thì phải gắn liền với thân thể của Chúa và ở lại
trong Người.
Tôi đã nghe đoạn Tin Mừng này rất nhiều lần. Nhưng, hôm nay
khi nghe và suy niệm tôi thấy mình bị cuốn hút một cách mạnh mẽ vào lời tuyên bố
của Chúa Giê-su, đó là không có Chúa, chúng ta chẳng làm gì được. Tôi xin anh
chị em lưu ý rằng Đức Giê-su không nói rằng nếu không có Người, chúng ta có thể
làm được một vài điều quan trọng. Không! Đức Giê-su nói nếu không có Người, chúng
ta không làm được gì hết. Việc chúng ta ở lại trong Chúa diễn tả niềm tin tưởng,
sự gắn bó, hiệp thông và cùng bước đi của chúng ta với Người.
Thật vậy, chỉ có ở lại với Chúa Giê-su chúng ta mới sinh hoa
trái. Người luôn sẵn sàng, chờ đợi sự đồng ý, thậm chí cho phép của chúng ta để
Người hành động. Phần chúng ta, hãy ở lại trong Người, hãy tin tưởng nơi Người
là Đấng luôn trung tín với Lời Người đã hứa rằng: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở
lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái,”
Trong lúc suy tư tới đây, tôi chợt nhớ một câu chuyện. Truyện
kể về hoàn cảnh của một thiếu nữ, ở độ tuổi mới lớn, dự định dọn nhà ra đi vì
có vài mâu thuẫn và không chịu nổi các qui luật dường như hơi khó khăn của gia
đình. Cô muốn thoát ly. Cô không muốn ở lại trong bầu khí dường như quá ngột ngạt
của gia đình nữa.
Vào một ngày nọ, trong khi cô đi dạo tại một công viên gần nhà
thì nhìn thấy con két nhỏ bị thương ở đôi cánh đang nằm bên lối đi dành cho người
đi bộ. Khi thấy hoàn cảnh quá đáng thương của con vẹt. Bản tính của cô lại rất
yêu thú vật nên cô đã bế chú vẹt về nhà, tự tay làm ổ và chăm sóc chú chim con.
Vì bận rộn với công tác mới như thế cho nên cô không thể thực hiện ý định bỏ
nhà. Cô sẽ thực hiện ý định này cho đến khi chim con lành bịnh và có thể bay lại
được. Ngày qua ngày, sau cùng chim con cũng có thể nhẩy nhót và bay lại được và
cô quyết định giải thoát chim con.
Cô bèn đem chú két ra công viên. Đang lúc phóng sinh thì cô một
gặp một nhân viên bảo vệ thú vật đang đi tuần ở đó. Ông nghi là cô có ý định
hành hạ thú vật nên tính phạt cô. Nhưng khi nghe cô giải thích ông mới hiểu rõ
sự kiện bèn giải nghĩa cho cô biết việc thả chú chim con tại công viên không
thích hợp, chim có thể bị nguy hiểm khi không được bảo vệ. Ông ta đề nghị cô
hãy đem chim con bỏ vào rừng, nơi con chim thuộc về. Tại nơi đó chú chim con sẽ
được bảo vệ. Bởi vì, khi chim sống theo bầy thì cơ hội sống sót cao hơn. Cô đã
làm theo lời chỉ dẫn của ông. Chú chim con đã được trở về nơi chú thuộc về. Còn
phần cô gái trẻ, ngạc nhiên thay khi trở về nhà cô cũng quên luôn ý định bỏ nhà
ra đi.
Cùng một cách suy nghĩ, mọi tương quan chỉ được nối kết khi
con người muốn ở bên nhau. Từ trong cùng một môi trường và ai cũng quyết tâm giữ
mối dây liên kết với nhau thì sau cùng mối tương giao sẽ được thiết lập. Nhưng
nếu bất kỳ một ai muốn dời đi thì mối quan hệ sẽ bị sứt mẻ.
Tương tự như thế, cho dù ước muốn của Thiên Chúa là muốn cuộc
sống của chúng ta được thêm nhiều hoa trái, nhưng nếu chúng ta từ chối không hợp
tác hay là không muốn ở lại trong mối quan hệ với Người và tha nhân thì Người cũng
không thể làm gì khác để chúng ta trổ sinh hoa trái được. Và phần chúng ta sẽ bị
khô héo. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta hãy nhìn lại, không phải thành quả hay
các việc làm cho bằng mối tương quan của Thiên Chúa và chúng ta, và giữa chúng
ta với nhau.
Như vậy, bài
học của chúng ta hôm nay là: Sống đổi mới và sống liên kết với nhau. Đổi mới để
chấp nhận nhau. Liên kết trong các sinh hoạt chung để việc xây dựng nhóm, xây dựng
gia đình và cộng đoàn mỗi ngày mỗi gắn bó mật thiết với nhau hơn; rồi từ đó
chúng ta đến với nhau bằng sự tin tưởng và lòng yêu thương.
Anh chị em
thân mến,
Tin tưởng và
yêu thương là hai đức tính nền tảng của người tín hữu. Các đức tính này cần được
trau dồi và luyện tập trong cuộc sống. Niềm tin của chúng ta không dựa vào một
vị Thiên Chúa của trí óc về tính siêu việt của Ngài, nhưng là một sự lệ thuộc
vào Đấng đã nghe, đã thấy, đã sống lại và đang hiện diện để cứu thoát chúng ta
khỏi ách nô lệ của sự dữ và thần Ác.
Từ đó, chúng
ta làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa qua cách xử thế của chúng ta với
người khác. Chúng ta yêu người bằng con tim chân thật thể hiện qua hành động,
không nơi đầu môi chót lưỡi. Tình yêu này được xuất phát bởi niềm tin vào Đức
Giêsu, Con của Người.
Và, khởi điểm
của sự yêu thương là chấp nhận sự khác biệt của nhau, giảm bớt các mối nghi kỵ
và sợ hãi nhau. Thật vậy, mỗi người chúng ta là những cành nho được nuôi dưỡng
bởi cây nho. Như cành nho, không cành nào giống cành nào. Chúng ta cũng thế, mỗi
người đều có các vẻ đẹp khác nhau trong vẻ đẹp chung xuất phát từ Thiên Chúa.
Và tự cành nho không thể sống được nếu không tiếp nhận sự sống từ cây nho, thì
sự sống của chúng ta hoàn toàn phát sinh từ sự sống của Chúa: “Hãy ở lại trong
Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa
trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.”
(Gio-an 15: 4-9) Có nghĩa là chỉ ở lại với Chúa và trong Chúa thì người môn đệ
mới sinh hoa kết trái; bằng không thì sẽ bị khô héo và cháy đi.
Tuy nhiên,
không phải là cứ ở trong Chúa rồi sẽ sinh hoa kết trái đâu! Hoa quả đuợc sinh ra
từ nhựa sống của thân cây và cũng bị cắt tỉa để tươi tốt hơn thế nào thì cuộc sống
của người môn đệ cũng cần đi vào mầu nhiệm Thập Giá mà chính Đức Giê-su đã buớc
vào. Người môn đệ cũng cần bị cắt tỉa, cắt tỉa ý riêng, từ bỏ sở hữu; từ bỏ tất
cả rồi vượt qua cái chết để buớc vào sự sống vĩnh cửu. Chỉ có bị cắt tỉa như thế
thì con người mới đuợc dự phần vào cuộc sống vĩnh cửu với các giá trị mới mà
Chúa Ki-tô Phục Sinh đem lại, nhờ vậy mà Thiên Chúa được tôn vinh và chúng ta
quả thật rất xứng đáng là môn đệ của Người. Amen!
No comments:
Post a Comment