Friday, 27 April 2018

“TUY RẰNG KHÁC GIỐNG NHƯNG CHUNG MỘT GIÀN”




Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng tuần trước, bằng vào mối dây liên hệ mật thiết với Chúa Cha, Đức Giê-su đã khám phá và tự xác định cho các môn đệ biết Người chính là Mục Tử Tốt Lành và Nhân Hậu. Không giống như các người chăn thuê, Mục tử tốt là người sẵn sàng yêu thương và làm mọi cách để nuôi dưỡng và bảo vệ đoàn chiên của Người.

Với diễn từ hôm nay, Ðức Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho để diễn tả chính Người là cây nho đích thật, và tất cả chúng ta là các cành nho. Việc so sánh cây nho và các cành nho mô tả sự liên kết mật thiết giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Bằng vào sự gắn bó thâm sâu này, chúng ta nhận biết rằng nếu muốn trở thành môn đệ đích thật và duy trì sứ mạng đó qua bao thử thách thì chúng ta cần được nối kết với Đức Giê-su. Như các cành nho chỉ có thể lấy nhựa sống mà phát triển từ thân cây nho thế nào thì sự sống của các tín hữu, môn đệ Đức Ki-tô cũng phải được phát nguồn từ chính Chúa. Ngoài ra, người môn đệ chân chính của Ðức Giêsu không chỉ trưởng thành trong ân sủng khi được kết hiệp với Người mà thôi, còn hơn thế nữa chúng ta cần được thanh luyện để phát triển đến mức toàn diện.

Như người làm vườn cắt tỉa cành nho thế nào thì Thiên Chúa, vì yêu thương cũng sẽ cắt tỉa, thanh luyện những kẻ thuộc về Ngài như thế. Các lần thanh tẩy này phát sinh từ tình yêu sẵn có mà Thiên Chúa đã thể hiện để giúp mình thăng hoa chứ không phải để trừng phạt. Nói như thế, có nghĩa là chỉ qua thanh luyện và đón nhận sự cắt tỉa thì những người môn đệ của Chúa Ki-tô mới trở nên giống Chúa Giê-su hơn; gắn bó và thuộc về Người một cách mật thiết và sâu sắc hơn. Họ sẽ sống một cuộc sống mới, trọn vẹn rập theo khuôn mẫu của Đức Giê-su.

Đây chính là uớc muốn và tiêu chí trong cuộc sống của người môn đệ. Và, một khi chúng ta đã ở trong mối dây liên hệ thâm sâu đó với Đức Giê-su thì chúng ta cũng được mời gọi để kết hợp với các thành phần khác trong cộng đoàn của các kẻ tin. Vì không một ai trên đời này lại có thể tự nhận mình là kẻ hoàn toàn mà không cần sự hướng dẫn và giúp đỡ của người khác. Làm sao cây mai có thể tăng trưởng và sinh ra những bông hoa đầy hương thơm và những mầu sắc khác nhau nếu không được cung cấp nhựa sống bởi rễ cây và sự vun tưới của con người. Cũng vậy, chúng ta sẽ bị tiêu diệt nếu tự mình cắt đứt mọi mối tương quan với người khác.

            Kính thưa quí cụ, quí ông bà và anh chị em,

Không ai có thể nên Thánh một mình và không ai có thể tự mình hoàn tất công tác tông đồ thật tốt đẹp mà không cần đến sự hỗ trợ của tha nhân. Chúng ta cần liên kết và hiệp thông với cộng đoàn dân Chúa. Nhìn lại các sinh hoạt của cộng đoàn tiên khởi, cách ứng xử của họ cũng là cơ hội giúp chúng ta tìm ra những bài học thật khôn ngoan.

 Trong bài đọc thứ nhất, tác giả đã kể lại cho chúng ta về cuộc thăm viếng cộng đoàn tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem của Sao-lô (sau này gọi là Phao-lô). Anh em ở Giê-ru-sa-lem tỏ thái độ dè dặt và có đôi chút nghi kỵ với Phao-lô. Quả thật, chúng ta phải nhìn nhận rằng trong khi đang đối diện với rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng cộng đoàn, thì làm sao họ có thể chấp nhận Sao-lô với một quá khứ là chống đối và lùng bắt họ, như đã được ghi lại trong sách Tông đồ công vụ như sau: “Ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe dọa giết các môn đệ Chúa... để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem. (9:1- 2)

Với quá khứ và thành tích như thế, làm sao các môn đệ có thể tin ông. Họ có thể nghi ông là ‘người nằm vùng’ đang thi hành nhiệm vụ gián điệp. Sự phản bội của Giu-đa vẫn còn ám ảnh họ. Hơn nữa, hoàn cảnh của giáo đoàn tại Giêrusalem lúc bấy giờ còn đang trong thời kỳ phôi thai, đang bị theo dõi và chống đối thì làm sao họ có đủ can đảm để tiếp nhận ông như một thành viên của họ. (Tđcv 9: 26) Tuy nhiên, với sự bảo đảm, chứng từ của Ba-na-ba về việc Chúa hiện ra với Sao-lô và các công việc cũng như lời rao giảng của Sao-lô tại Đa-mat đã khiến các Tông đồ tin tưởng và đón nhận ông. Và ông đã cùng cộng tác với các Ngài trong việc rao giảng về sự sống lại của Chúa mà chính ông là chứng nhân. (Tđcv 9: 27-29) Chính bởi công việc này mà anh em tín hữu tại Giê-ru-sa-lem đã thay đổi thái độ: từ nghi kỵ, dè dặt đến tin tưởng và nhìn nhận Sao-lô là Tông đồ của Chúa Phục sinh. 

Khi ghi lại cách ứng xử đầy tính con người của anh em tiên khởi như thế, chúng ta thấy họ rất gần với các sinh hoạt trong lối sống cộng đoàn mình. Phao-lô đã cần thời gian 3 năm để đào sâu ân huệ làm ông sáng mắt thế nào thì anh em tiên khởi cũng thế. Họ cũng cần có thời gian để biện phân xem Phao-lô là vàng thật hay chỉ là sắt vụn. Đôi bên đều cần sự soi sáng của Chúa. Ân huệ của Chúa đã thay đổi Phao-lô thế nào thì anh em tiên khởi cũng cần nguồn sáng của Thánh Linh để nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa truớc sự đổi mới của Phao-lô như thế.

Anh chị em thân mến,

Bài học mà chúng ta rút được qua sự kiện này là: Ai trong chúng ta cũng được mời gọi để sống đổi mới và liên kết với nhau. Đổi mới để chấp nhận nhau. Liên kết trong các sinh hoạt chung để việc xây dựng nhóm, gia đình và cộng đoàn mỗi ngày mỗi gắn bó với nhau hơn; rồi từ đó chúng ta đến với nhau bằng sự tin tưởng và lòng yêu thương. Đó chính là điều mà thánh Phao-lô đã khuyên dậy: “Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người...Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi.” (2 Cor 5:16)

Tin tưởng và yêu thương là hai đức tính nền tảng của người tín hữu. Các đức tính này cần được trau dồi và luyện tập trong hành trình sống. Niềm tin của chúng ta không qui chiếu vào một vị Thiên Chúa của trí óc về tính siêu việt của Ngài, nhưng là một Đấng đã nghe, đã thấy và đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền để giải thoát chúng ta, như kinh nghiệm xuất hành, vượt qua Biển Đỏ của dân Israel khi xưa: “... Ngài đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu. Thiên Chúa đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai cập.” (Đnl 26:7-9)

Như vậy, Thiên Chúa luôn hiện diện qua cách xử thế của chúng ta với người khác, nên “chúng ta đừng yêu thương nơi đu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1 Gio-an 3:18) Tình yêu này được xuất phát bởi niềm tin vào Đức Giêsu, Con của Người. (1 Gio-an 3:23) Và, khởi điểm của sự yêu thương là chấp nhận sự khác biệt của nhau, giảm bớt các mối nghi kỵ và sợ hãi nhau.

Thật vậy, mỗi người chúng ta là những cành nho được nuôi dưỡng bởi cây nho. Như cành nho, không cành nào giống cành nào. Chúng ta cũng thế, mỗi người đều có các vẻ đẹp khác nhau trong vẻ đẹp chung xuất phát từ Thiên Chúa. Và tự cành nho không thể sống được nếu không tiếp nhận sự sống từ cây nho, thì sự sống của chúng ta hoàn toàn phát sinh từ sự sống của Chúa: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.” (Gio-an 15: 4-9)

Có nghĩa là chỉ ở trong Chúa thì người môn đệ mới sinh hoa kết trái; bằng không thì sẽ bị khô héo và cháy đi. Tuy nhiên, không phải là cứ ở trong Chúa rồi sẽ sinh hoa kết trái đâu! Hoa quả được sản sinh từ nhựa sống của thân cây và cũng bị cắt tỉa để tươi tốt hơn thế nào thì cuộc sống của người môn đệ cũng cần đi vào mầu nhiệm Thập Giá, bị cắt tỉa, mà chính Đức Giê-su đã bước vào. Đó là một sự cắt tỉa thật thâm sâu, cắt tỉa ý riêng, từ bỏ sở hữu; từ bỏ tất cả rồi vượt qua cái chết để bước vào sự sống vĩnh cửu. Chỉ có bị cắt tỉa như thế thì con người mới được dự phần vào cuộc sống vĩnh cửu với các giá trị mới mà Chúa Ki-tô Phục Sinh đem lại. Amen.



Monday, 23 April 2018

AI LÀ NGƯỜI CHĂN CHIÊN TỐT?



Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ tư mùa Phục Sinh hôm nay, Đức Giê-su đã xác định mình là người chăn chiên tốt lành, thiện hảo và nhân hậu. Người đã làm mọi sự, cho dù cần hy sinh mạng sống để bảo vệ và nuôi sống ràn chiên mà Thiên Chúa đã trao ban thì Người cũng vui lòng thực hiện.

Đối với người Việt Nam, chiên vẫn là những con vật rất xa lạ trong cuộc sống với chúng ta. Ít ai trong chúng ta có kinh nghiệm về việc chăm sóc và nuôi dưỡng chúng. Tuy nhiên, chúng ta chịu ảnh hưởng bởi các hình ảnh mô tả cảnh Đức Giê-su bồng bế và vác chiên trên vai, và từ đó chúng ta nghĩ rằng chiên là những con vật thật hiền lành và dễ thương. Nhưng cũng có một số người cho rằng chiên là loài vật “hiền quá hoá ngố như câu thành ngữ as silly as a sheep.”

Vì thế, để hiểu rõ ý nghĩa của bài Tin Mừng này, chúng ta cùng nhau đặt mình trong bối cảnh và nền văn hoá mà trình thuật này được viết ra, đó là cùng nhau trở lại với nền văn hóa của dân Israel.

Hình ảnh ‘người chăn chiên’ đã được các ngôn sứ của thời Cựu ước dùng để ám chỉ đến các vị lãnh đạo về phần đời cũng như trong đạo của người Do Thái. Khái niệm này đã được hình thành trong hoàn cảnh của dân Do Thái khi bị lưu đầy bên Babylon. Trong bối cảnh như thế, khi mà dân Do thái đã mất tất cả như: mất đi nền văn hóa truyền thống, xa quê hương và không còn đền thờ để thờ phượng,... thì ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã khơi lên niềm hy vọng cho dân bằng cách trình bầy Thiên Chúa là Người chăn chiên tốt lành, là Mục tử nhân hậu, là Đấng dẫn đường để dẫn dắt ràn chiên, tìm chỗ cho chiên ăn, dẫn lại về ràn các con chiên lạc đường và cứu chiên thoát khỏi các cạm bẫy, các hiểm nguy của các thợ săn và thú dữ. (Ed 34:11–16). Từ đó mỗi khi nói đến người chăn chiên thì dân Do Thái hình dung ra hình ảnh của một vị Thiên Chúa luôn yêu thương và quan tâm đến họ.

Căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ: những người chăn chiên thường xuyên ở với ràn chiên cho nên họ không thể thường xuyên tham dự các nghi lễ theo luật của người Do thái. Nhiệm vụ của họ vô cùng vất vả. Vào mùa nắng, họ phải dẫn chiên đi đến những đồng cỏ tốt; và khi mùa đông đến ông phải tìm chỗ cho chiên trú ẩn; ông còn phải học để săn sóc cho các con chiên bị thương tích. Vì chức năng của công việc, nên người chăn chiên thường có nhiều đụng chạm với chủ của các đồng cỏ; và đôi khi còn bị lên án như là kẻ trộm hoa mầu.

Tuy nhiên, cũng vì nhiệm vụ nên mối tương quan giữa người chăn chiên và ràn chiên rất riêng tư và cá biệt. Hàng ngày họ chia sẻ sinh hoạt và cuộc sống với nhau tại các nơi hoang vắng, ít người qua lại. Họ chỉ có nhau chứ không có gì chung quanh, và chính nhờ vào yếu tố riêng biệt và lối sống chung này nên những người chăn chiên thường có một mối giây tương quan mật thiết với từng con chiên trong ràn. Do đó, ngày qua ngày, họ học để biết rõ từng con chiên, và các con chiên trong cùng một ràn cũng nhận biết tiếng nói của người chăn, và dễ dàng phân biệt tiếng của họ với tiếng của người khác.

Kính thưa quí cụ, quí ông bà và anh chị em,

Trở lại với trình thuật của Tin mừng hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi rằng khía cạnh nào trong mối quan hệ giữa người chăn chiên và ràn chiên sẽ đem lại cho chúng ta những bài học hữu ích trong cuộc sống?

Trước hết, chúng ta cần đồng ý với nhau rằng qua cuộc sống và sứ vụ, Đức Giê-su đã chứng thực điều Người đã phán dậy hôm nay, chính Đức Giê-su là người chăn chiên tốt lành và thiện hảo. Người biết rõ nhu cầu, sở thích, ưu điểm, khuyết điểm và các thương tích của từng con chiên. Người đã hy sinh chính mạng sống mình để bảo vệ và ban cho các con chiên trong ràn sự sống. Đối với Đức Giê-su thì tất cả mọi người không cần phân biệt chủng tộc hay mầu da, tự do hay nô lệ, tín ngưỡng hay lối sống, nam hay nữ, giầu sang hay nghèo hèn… Tất cả đều thuộc về ràn chiên mà Chúa Cha đã trao cho Người để chăm nom. Trong Chúa không có sự tách biệt. Tất cả đều bình đẳng, không ai hơn ai kém. Mọi người đều có giá trị thật quan trọng trong con tim của Người chăn chiên tốt lành là Đức Giê-su Kitô.

“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi. Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” là một xác định thật quan trọng nói lên mối tương quan giữa Đức Giê-su và các con chiên. Người không lý giải hay biện minh. Người đã phán như một Đấng có uy quyền. Tôi là! Tôi là! Trong mối dây tương quan giữa Chúa Cha và mình, Đức Giê-su đã xác định một cách thật mạnh mẽ: Tôi là Người Chăn Chiên Tốt, Tôi biết chiên tôi, chúng biết và nghe tiếng Người. Đây không là vấn đề để tranh luận hay bàn cãi. Ai tiếp nhận thì điều mà Chúa phán hôm nay nghiễm nhiên trở thành sự thật và của mình.

Nghe tiếng Chúa, hôm nay, có nghĩa là nhận ra tiếng Chúa trong mối dây thân mật dưạ trên tương quan của Tình Yêu, của gắn bó và hiệp thông. Thậm chí đến mức độ, trong mối tương quan này họ không cần nói, cũng chẳng cần nghe… mọi âm thanh dường như cần dừng lại để cho cảm xúc của Tình Yêu và Lòng Mến dâng trào và ngập tràn trong giây phút hai người biết nhau, như “Tôi biết chúng và chúng biết tôi.”

Dựa vào những suy tư của dân Do thái, hoàn cảnh thực tế của nghề chăn chiên và nhất là các kinh nghiệm về sự sống mà Chúa Giêsu đã trao ban cho các tín hữu thời giáo hội sơ khai, tác giả của Tin mừng thứ tư đã trình bầy Chúa Giêsu không chỉ là người chăn chiên; nhưng là Đấng chăn chiên tốt lành, đã hy sinh mạng sống để đem tất cả con chiên, dù lạc ràn hay không, về lại ràn và ban cho chúng sự sống đời đời và không một ai có quyền tước mất sự sống này được. Và ai ở trong ràn chiên của Người thì không bao giờ bị diệt vong. Đây là một kinh nghiệm được mạc khải bởi Đức Giê-su. Người chính là Đấng chăn chiên tốt đã hiến mạng sống vì ràn chiên. Kinh nghiệm này hoàn toàn mới mẻ và vượt xa kinh nghiệm mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã loan báo trong thời bị lưu đầy.

Kính thưa anh chị em,

Chúng ta thường hay gọi Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, và đôi khi các Linh Mục là các nhà mục tử và đôi khi chúng ta còn lạm dụng và cho rằng các con chiên bổn đạo thuộc về các ngài. Nói cách khác đôi khi chúng ta lạm dụng từ ngữ rồi lẫn lộn cả nhiệm vụ nữa; thay vì là những người chăn chiên của chủ thì chúng ta lại định đoạt số phận của ràn chiên và coi chúng thuộc quyền sở hữu của mình.

Thật ra, danh xưng người chăn chiên được dùng để nói đến trách nhiệm của chúng ta là những kẻ được đặt để chăm sóc, để quan tâm và nhất là để trao ban tình yêu cho người khác tùy theo ơn gọi mà Chúa đã mời. Thật ra, chính Chúa Giêsu mới là Đấng chăn chiên nhân hậu, còn chúng ta tuy được ban tặng cho danh hiệu đó; nhưng chúng ta vẫn còn và luôn luôn là những con chiên trong ràn chiên của Chúa.

Hẳn anh chị em còn nhớ khi trao quyền cho Thánh Phê-rô, Chúa Phục Sinh đã 3 lẫn hỏi Phê-rô có yêu mến Người không. Và cũng 3 lần Người nói hãy chăn dắt các chiên của Thầy. Chiên thuộc về Chúa còn Phê-rô chỉ là người cộng tác. Ý thức và biết rõ nhiệm vụ cũng như vị trí của mình, nên Thánh Phê-rô đã chia sẻ như sau: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.” (1Pet 5:2-4)

Dựa vào các điểm nói trên, chúng ta nhận ra rằng người chăn chiên nhận công tác chăm sóc ràn chiên từ ông chủ. Và ông ta cần chu toàn tốt công việc mà chủ đã trao phó. Vì thế, người chăn chiên tốt là người biết bảo vệ ràn chiên cho chủ. Ông vẫn chỉ là người chăn thuê. Chiên không thuộc về tài sản của ông.

Tóm lại, chỉ mình Đức Giê-su là Đấng chăn chiên tốt lành, nhân ái và thiện hảo. Cả thế giới và mọi người sống trong đó là ràn chiên thuộc về tay Người. Người đã chết để bảo vệ và cho ràn chiên sự sống và không ai có thể lấy mất được. Còn chúng ta, mỗi người đều là những người chăn dắt ràn chiên, nhỏ hay lớn, mà Thiên Chúa trao phó. Chúng ta không thể nào chu toàn trọn nhiệm vụ cao cả của mình, nếu không sống rập theo gương mẫu của Người Chăn Chiên duy nhất là Đức Ki-tô, Đấng đã chấp nhận mọi đau khổ, và sẵn sàng hy sinh mình để diễn tả tình thương cho mọi con chiên của Người. Cầu chúc anh chị em được như vậy.



Friday, 13 April 2018

VIỆC BẺ BÁNH VÀ CHỨNG NHÂN




Trình thuật về viêc Chúa Phục Sinh tuần này có nhiều điểm giống với bài Tin Mừng tuần trước của Thánh Gio-an. Đó là việc Chúa trao ban bình an để cất đi phần nào nỗi sợ hãi của các môn đệ; rồi Chúa cũng cho họ xem họ xem chân tay của mình và còn ăn trước mặt các ông. Các chi tiết này nói lên tính duy nhất, liên tục giữa Đức Giêsu mà các ông đã gặp trong hành trình rao giảng và Chúa Ki-tô Phục Sinh.

Tuy nhiên, bối cảnh của cuộc hiện ra lần này là việc các môn đệ nhận ra Chúa lúc Người bẻ bánh và sứ mạng của họ phải chu toàn lại là những chi tiết mới. Đây là các chi tiết thật quan trọng, cho nên ngoài những gì mà chúng ta đã cùng nhau chia sẻ trong bài Tin Mừng tuần trước, tôi xin thêm vài suy niệm sau:

Trước hết chúng ta hãy nói đến vai trò chứng nhân của các môn đệ.

Chúng ta vẫn tin rằng các lời Kinh Thánh đã chép về Đức Giê-su phải được ứng nghiệm, và như thế sau 3 ngày Người sẽ từ cõi chết sống lại. Đó là việc của Thiên Chúa và Đức Giê-su. Để cảm nghiệm được điều này, các Tông Đồ dường như cũng cần có thời gian. Tuy nhiên chúng ta không được biết thời gian và tiến trình biến đổi của các môn đệ từ những con người nhút nhát, sợ sệt thành các chiến binh đầy can đảm, chuyên tâm lo việc làm chứng cho Chúa không màng đến sống chết như thế nào?  

Nhưng, có một sự thật hiển nhiên và vô cùng quan trọng, đó là đời sống chứng nhân của các Ngài. Chính lối sống của chứng nhân đã củng cố lời rao giảng của các ngài. Và, thật ngạc nhiên khi chúng ta nhận ra rằng trọng tâm lời rao giảng của các Tông đồ không dựa vào những lời giảng dậy của Đức Giê-su; nhưng lại được xây dựng trên nền tảng của việc Chúa chết và sống lại. Đây phải chăng là kinh nghiệm của các Tông Đồ về một vị Thầy đang sống và cùng đồng hành với họ. Hơn thế nữa, phải có một sức mạnh nào của Chúa Phục Sinh tiềm ẩn trong cuộc sống của các Tông đồ đến nỗi dù trải qua bao gian nan, thử thách họ vẫn một lòng kiên cường cho dù phải hy sinh ngay cả mạng sống, các ngài vẫn hiên ngang chỉ để làm chứng rằng Đức Giê-su Ki-tô đã chịu khổ hình, đã chết và hiện đang sống với chúng tôi; và chúng tôi hãnh diện là các chứng nhân của Người.

Nhìn lại ngay từ những ngày đầu tiên của Ki-tô giáo cho đến hôm nay, chúng ta nhận ra rằng chỉ có một chứng cớ thuyết phục con người mọi thời đó chính là đời sống chứng tá của các tín hữu. Với Chúa Phục Sinh, họ đã được biến đổi, sẵn sàng quay lưng lại với các tiêu chuẩn của nền văn hoá sự chết, rồi quyết tâm biểu dương văn hoá sự sống qua lối sống yêu thương để làm chứng cho thế giới nhận ra rằng Người đang sống mãnh liệt trong lối sống của họ. 

Và, chúng ta đã nhận ra Người lúc bẻ bánh thế nào?

Khi nói đến việc nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh là lúc chúng ta tin và nhận ra sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể và trong Thánh Lễ. Quả thực không sai!

Căn cứ vào sách Công Vụ Tông Đồ chúng ta nhận thấy việc bẻ bánh đã có từ thời các Tông Đồ. Họ chuyên cần nghe giáo huấn của các Tông Đồ, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Họ sống hiệp nhất và yêu thương, mọi sự đều là của chung và ai nấy tiêu dùng theo nhu cầu của mình… Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được người người thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn thêm nhiều người tin vào Chúa và được cứu độ. Qua đó chúng ta nhận thấy việc bẻ bánh được thực hiện tuy với tâm hồn đơn sơ, nhưng lại rất thực tiễn. Họ không chỉ tham dự các nghi thức nhưng còn chia sẻ lối sống và san sẻ cho nhau tuỳ theo lợi ích và nhu cầu của từng người.

Lối sống này được nhấn mạnh như một lời mời gọi chúng ta nhìn lại việc làm của mình! Viêc cùng nhau cử hành bữa tiệc Thánh Thể, bẻ bánh mà chúng ta gọi là Thánh Lễ ngày nay có phản ảnh lối sống hiệp nhất và yêu thương của chúng ta hay không? Bằng không thì chúng ta đang lập lại những gì mà anh chị em tín hữu thuộc công đoàn Co-rin-thô đã phạm phải trước đây. Và sau đây là phản ứng và huấn dụ của Thánh Phao-lô:

“…tôi chẳng khen anh em đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại… Khi anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. Thật vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại say. Anh em không có nhà để ăn uống sao? Hay anh em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của? Tôi phải nói gì với anh em? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao? Về điểm này, tôi chẳng khen đâu!”

Sau đó Thánh Phao-lô nhắc lại cho họ biết sự hiện diện của Chúa Ki-tô Phục Sinh khi Người bẻ bánh. Rồi Ngài tiếp tục khuyên dậy họ cần xét mình, biện phân để khỏi bị xét xử. “Cho nên, thưa anh em, khi họp nhau để dùng bữa, anh em hãy đợi nhau. Ai đói, thì ăn ở nhà, kẻo anh em đến họp mà hoá ra để bị kết án…” (1Cor 11: 17-34)

Như vậy việc nhận ra hay tin rằng Chúa Kitô Phục Sinh hiện diện qua việc bẻ bánh thật cần thiết và quan trọng. Tất cả đã được lưu truyền và làm chứng bởi đời sống của các chứng nhân qua bao thế hệ. Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn được mời gọi sống vai trò của những chứng nhân không chỉ bằng lối sống phụng vụ nhưng còn bằng chính cuộc sống chia sẻ và yêu thương của chúng ta nữa.

Và khi thực hiện được như thế, chúng ta đã sống thật đúng như lời nhắn nhủ của Chúa “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Và “Ở đâu hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ.”

Sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Thiên Chúa ở lại với chúng ta mãi mãi vì Ngài là Em-ma-nu-en. Đó là tinh thần mà chúng ta mang đến cho nhau qua bữa tiệc bẻ bánh. Không phải chỉ có chúng ta, nhưng Chúa Kitô Phục Sinh đồng hành và cùng hiện diện với chúng ta nữa. Vì Danh Người mà chúng ta chia sẻ và yêu thương nhau. Và chúng ta là những chứng nhân về các điều ấy.

Tóm lại, niềm tin của chúng ta dựa trên lối sống của các chứng nhân. Họ đã và đang làm chứng về sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời họ. Và qua những lần bẻ bánh, chúng ta có bổn phận làm chứng cho nhau biết về sự hiện diện của Chúa.

Nói chung, Chúa Phục Sinh chính là trung tâm của cuộc sống chúng ta vậy. Amen

Friday, 6 April 2018

CHÚA PHỤC SINH, CÒN MANG ĐẦY THƯƠNG TÍCH!



Mỗi khi chúng ta suy nghĩ về Mầu Nhiệm Phục Sinh của Chúa Ki-tô là lúc chúng ta nghĩ đến hai sự kiện, đó là ngôi mộ trống và các lần hiện ra của Chúa Giê-su. Vẫn biết rằng các điều này không là những chứng cớ xác thực về việc Phục Sinh của Đức Ki-tô. Những người duy lý và ngay cả hàng ngũ lãnh đạo dân Do Thái thời Chúa Giê-su đã giải thích ngôi mộ trống là hậu quả việc ăn cắp xác Chúa của các môn đệ; và các cuộc hiện ra của Chúa là kết quả phát sinh bởi những con người có đầu óc hoang tưởng, họ nhớ Chúa quá đến độ lúc nào cũng nghĩ là Chúa đang ở trước mặt.

Hẳn anh chị em vẫn biết rằng Phục Sinh là một mầu nhiệm; đây không phải là sản phẩm của trí tuệ hay do sự khám phá của con người. Và nếu đó là mầu nhiệm thì đầu óc con người sao có thể hiểu thấu được! Chỉ còn nhờ vào niềm tin, cho nên mục đích của việc Chúa hiện ra, thứ nhất là để củng cố đức tin cho những ai đi theo Người, sau nữa là trao ban cho các ông sứ mạng làm chứng nhân cho nhân loại về biến cố Phục Sinh này.

            Trong trình thuật kể lại các cuộc hiện ra của Chúa Giê-su hôm nay. Việc đầu tiên Người làm là chúc bình an cho các môn đệ. Đây không phải là lời chúc mà thôi. Thật ra đó là hông ân của Chúa Phục Sinh dành cho các môn đệ. Chúng ta cũng thường chúc cho nhau được bình an. Nhưng lời chúc của chúng ta thường diễn tả một ước vọng, trong khi đó lời chúc của Chúa Phục Sinh hôm nay diễn tả một sự trao ban. Người không chỉ chúc một lần, nhưng đã lập lại lời chúc ‘Bình an cho anh em’ đến ba lần. Đó chính là ân huệ đầu mùa của Chúa Phục Sinh dành cho các môn đệ. Không ai hiểu trò bằng thầy. Đức Giê-su thấu hiểu lòng trí hoang mang và các nỗi sợ hãi của các môn đệ, cùng nhau co rúm và trốn trên lầu vì sợ người Do Thái. Vì thế họ cần được bình an để thoát khỏi nỗi âu lo này. Hơn nữa, tâm hồn và lòng trí của các môn đệ cũng cần được thanh thản, bình an, ổn định để nhận ra người đang hiện diện với các ông là Chúa Giê-su, người thầy yêu dấu của họ. Trong lúc lĩnh nhận ơn bình an này các môn đệ cũng hiểu rằng họ cũng được mời gọi trao ban cho người khác điều mà họ vừa lĩnh nhận, nghĩa là trở thành sứ giả bình an cho nhân loại. Hy vọng, việc trao đổi bình an trong các nghi thức phụng vụ đạt đến tầm mức này. Đó không chỉ là lời chúc dựa trên ngôn từ mà thôi; nhưng thật ra là việc chia sẻ bình an của Chúa Phục Sinh cho nhau.

Sau đó Chúa cho họ thấy tay và cạnh sườn của Người. Đây là một điều thật đặc biệt, Chúa muốn cho các ông nhận ra rằng thân xác của Chúa Phục Sinh và con người đã trải qua khổ nạn, chết trên Thập Giá là một người. Vinh quang chỉ tỏ hiện qua hành trình của đau khổ. Hy sinh dù hàm chứa những bi kịch cuả cuộc sống; nhưng qua hy sinh Chúa đã hoàn tất mầu nhiệm Tình Yêu để chiến thắng bằng cuộc chỗi dậy và hiện diện một cách vĩnh cửu. Khi thấy những chứng tích đó, các môn đệ đã vui mừng và tin rằng người đang ở trước mặt họ là Đức Giê-su, vị Thầy đáng kính của họ. Sau đó, Chúa Giêsu lại trao ban bình an và Thánh Thần cho các ông để ra đi hoàn thành sứ mạng mà chính Người vừa hoàn tất.

Lần hiện ra thứ nhất này lại không có mặt Tôma. Các môn đệ khác đã kể lại cho ông biết về việc này: “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Nhưng Tôma đã không tin vào lời loan báo của các bạn mình. Thật ra, các bạn của ông cũng chẳng làm chứng được gì. Họ vẫn đóng kín vì sợ hãi. Cho dù Thần khí đã được trao ban, nhưng các bạn của Tôma đã không để cho sức mạnh của Thần Khí tác động, họ vẫn chưa ra khỏi vùng an toàn, vẫn dựa vào các cánh cửa đã đuợc đóng kín để bảo vệ, chưa sẵn sàng ra đi rồi vịn cớ là không biết đi đâu! Lời loan báo của họ không đi đôi với việc làm như thế thì làm sao có thể truyền lửa cho Tôma được.

Còn Tôma, ông muốn niềm tin của ông phải dựa trên trải nghiệm của cá nhân; ông muốn giác quan (xúc giác) của ông có thể chạm vào thân thể của Chúa, nên đáp rằng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 

          Tám ngày sau, Chúa lại hiện ra với các ông, lần này có mặt Tôma. Trước tiên, Người cũng ban bình an cho các môn đệ rồi quay sang Tôma và nói: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Tôma đã đáp trả bằng một niềm xác tín thật cao độ rằng Người là CHÚA và là THIÊN CHÚA của ông.

Sau đó qua Tôma, Chúa đã thể hiện tình thương của Người dành cho chúng ta bằng cách trao ban cho chúng ta thêm mối phúc nữa là “Phúc thay những người không thấy mà tin.”

            Trước khi xem xét cách biểu lộ niềm tin của Tôma, chúng ta cũng nên nhìn nhận rằng ông không phải là trung tâm của bài Tin Mừng hôm nay. Trình thuật diễn tả cách thức Chúa hiện ra thì Chúa phải là trọng tâm. Khi nhìn như thế, chúng ta mới khám phá ra lòng đại lượng phát sinh từ tình yêu của Chúa. Chúng ta vẫn thường đuợc dậy bảo niềm tin vào Chúa phải là một niềm tin vô điều kiện, phó thác hoàn toàn theo Chúa. Nhưng hôm nay, Chúa hành xử với Tôma quả thật khác hẳn với lối suy nghĩ cầu toàn của chúng ta. Chúa chấp nhận điều kiện mà Tôma đưa ra. Cho dù đã được tôn vinh, nhưng Chúa vẫn không che dấu các thương tích. Đó chính là chứng tích của Tình yêu thì làm sao phải che dấu! Các vết thương đó cần được bộc lộ hơn là che dấu.

            Tôma cũng có nỗi đau của riêng mình. Ông cũng là nguời đang mang thương tích. Chúa Giê-su, Thầy đáng kính của ông đã chết. Cái chết của Người để lại trong ông một tâm trạng buồn rầu và mất mát; ông và dân tộc ông còn biết trông cậy và nương tựa vào ai nữa đây. Ông đi trốn, cần có một không gian và nơi ẩn nấp để đối diện với niềm đau này. Vì thế ông đã hụt mất một cơ hội khi Chúa hiện ra lần trước.

Các bạn của ông cũng thế, họ cũng có niềm đau rồi sinh ra chán nản và thất vọng. Nhưng họ đã chọn cách đối diện với bi kịch mà họ đang đón nhận bằng cách liên đới, chia sẻ, an ủi và hỗ trợ nhau. Trước đây họ nương tựa vào Thầy. Sau cơn địa chấn xẩy đến cho Thầy, họ cũng chẳng biết số phận sẽ ra sao? Thầy của mình quyền năng đến dường nào mà còn bị xử tử phương chi là họ, những cậu học trò nhút nhát và sợ sệt. Trong tình thế đó, họ chọn giải pháp trốn để dấu đi nỗi sơ hãi.

Nói chung là chỉ có ai đã kinh qua đau khổ mới thông cảm cho những người đồng cảnh ngộ. Chúa đã bị thương tích và Người cũng nhìn thấy các nỗi đau khổ mà Tôma đang đối diện; vì thế Người cũng muốn cho ông biết là Người rất thông cảm với yêu cầu của ông.

Qua sự tiếp xúc, Thầy trò gặp và nhận ra nhau. Chúa chữa lành thuơng tích cho ông. Còn ông nhận ra Thầy mình là Chúa và là Thiên Chúa của ông. Ông đầu phục hoàn toàn trước quyền năng của Thầy mình, Đấng mới bị án tử mấy ngày qua.

Để kết thúc bài suy niệm, chúng tôi xin gửi đến anh chị em tâm tình của Đức Hồng Y Luis Antonio Gokim Tagle, Tổng Giám Mục Manila, Phillipines trong bài giảng tĩnh tâm tại Tổng Công Hội lần thứ 25 của Dòng Chúa Cứu Thế, tổ chức tại Pattaya, Thái Lan, Ngài nói như sau: “Chúa Phục Sinh không xoá đi dấu vết của thập giá. Vết thương vẫn là vết thương. Thế giới của chúng ta đầy những vết thương. Ai nhắm mắt lại trước những vết thương của anh chị em mình thì không có quyền tuyên xưng, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Chạm vào những vết thương của nhân loại là điều kiện cần thiết cho một đức tin đúng nghĩa.

Chúng ta hãy chạm vào vết thương của người nghèo, hãy đặt bàn tay vào cạnh sườn bị đâm thâu của họ. Đó chính là phần tuyên xưng đức tin của chúng ta. Chối từ những vết thương của anh chị em mình là cắt đứt những cầu nối của tình hiệp thông.

Chúng ta thường sợ chạm vào những vết thương của người khác. Tại sao vậy? Một phần sợ bị lây nhiễm, phần khác vì chúng ta sợ gợi lại chính những vết thương của chúng ta. Sợ hãi này làm cho chúng ta xa cách anh chị em chúng ta. Có một mối hiệp thông sâu hơn. Đó là hiệp thông với nhau trong những vết thương chung, nỗi đau chung, cái nghèo chung. Người liên kết chúng ta lại với nhau và đã ôm lấy tất cả chính là Chúa Giêsu đã trải qua muôn ngàn khổ đau rồi mới đuợc Phục Sinh. Trong Đức Ki-tô chúng ta hiệp thông với nhau; trong Chúa Cứu Thế chúng ta liên đới với nỗi đau và mang lấy vết thương của anh chị em mình.

Hãy gặp và chạm vào chính Chúa Phục Sinh, Đấng đang mang thương tích nơi những anh chị em nghèo, bị tổn thương, bị bỏ rơi, đang lầm đường, đầy tội lỗi. Cùng nhau đến với họ bằng sự dịu dàng của lòng thương xót của Thiên Chúa. Hãy để tình liên đới với người nghèo trở thành mấu chốt nền tảng, trở nên bản chất đích thật cấu tạo nên người môn đệ của Chúa Cứu Thế, Đấng đã sống lại và hiện diện nơi những con người tất bạt về mọi phương diện, thể xác cũng như tâm hồn.

Chúa Phục Sinh vẫn còn mang thương tích. Người đang chờ chúng ta đó! Amen.



Wednesday, 4 April 2018

HÃY CHỖI DẬY VÌ NGƯỜI ĐÃ PHỤC SINH




Anh chị em thân mến,

Anh chị em thuộc Giáo hội công giáo bên Đông Phương có thói quen nhắc nhở nhau trong ngày mừng lễ Phục sinh: Chúa đã sống lại thật.

Tôi không thích và không muốn nói thêm về các giáo điều hay giải thích thêm về ý nghĩa của mầu nhiệm mà chúng ta đang mừng. Dù có muốn cũng chẳng biết nói gì!

Mấy ngày nay, trong khi cùng với anh chị em cử hành những nghi thức của 3 ngày lễ. Tôi vẫn loay hoay tự hỏi tại sao một người vô tội như Đức Giê-su mà Philato đã không dám kết án lại bị chết như một tử tội. Nói theo ngôn ngữ của các cháu hôm nay ‘it’s not fair.’

Thật vậy làm sao chúng ta có thể nói ‘it is fair’ khi còn biết bao nhiêu người vô tội vẫn bị chết, bao nhiêu tín hữu vẫn bị những kẻ cuồng tín giết hàng loạt bên Trung Đông. Vẫn còn những người đang chết dần mòn vì nghèo đói. Vẫn còn những người đang kéo lê cuộc sống vì những căn bệnh hiểm nghèo. Vẫn còn những trẻ thơ đang bị giam kín trong các trại giam của cô đơn; bị bỏ rơi và thiếu tình thương của các bậc sinh thành. Vẫn còn những trái tim đang tan nát vì bị phản bội hay bị lợi dụng. Vẫn còn những con người không còn tương lai, hay tương lai đang bị chôn vùi bởi những nấm mồ đen tối không lối thoát. Và, còn bao nhiêu cái ‘vẫn đang xẩy ra’ chung quanh chúng ta nữa.

Có lẽ chúng ta nên đi đến những bi thảm không tránh khỏi của đời mình như:

Đã có bao giờ anh chị em đã trải qua những kinh nghiệm của cuộc đời: như nếm cảnh cô đơn, bị ruồng rẫy, bị phản tội, bị lợi dụng, bị phụ tình, nạn nhân của ghen tuông, bị nhạo bang, sỉ nhục, sống trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan… muốn nói ra mà không biết giải thích làm sao. Một sự im lặng, câm nín không lối thoát bao vây đời mình. Và lúc đó chúng ta chỉ thấy cuộc đời chỉ là màn đen, bóng tối đang bao phủ và hầu như không lối thoát.

Trong chính cảnh ngộ đó, nhiều người đã tìm một giải pháp để thoát; còn chúng ta, những tín hữu Chúa tìm vào đâu?

Thưa anh chị em, nhất là những ai đã từng trải qua một vài kinh nghiệm nói trên hãy cùng tôi đi them một bước nữa; bước mà chúng ta cùng với toàn thể Hội Thánh cử hành hôm nay.

Đức Giê-su đã sống lại ngay trong lúc chúng ta bị bí lối; có cảm nhận đó mới biết Phục sinh là ánh sáng soi đường. Có kinh nghiệm như thế mới biết sự sống cần và quan trọng như thế nào.

Sự thinh lặng mà Hội Thánh mời gọi chúng ta đi vào từ khi Chúa chết cho đến bây giờ nhắc cho chúng ta biết về thân phân ‘bó tay’ của mình: không đường đi, không lối thoát. Chúng ta bó tay, Đức Kito trần trụi trên Thập giá tưởng chừng như cũng bó tay… Nhưng chính lúc đó là lúc Thiên Chúa làm việc và can thiệp vào tình trạng ‘bó tay’ của nhân loại và của riêng tôi.

Ánh sáng Phục Sinh đã bùng lên trong đêm tối của cuộc đời mình.

Ánh sáng Phục Sinh đã đem đến cho cuộc đời một ý nghĩa mới, mục đích mới. Và chỉ có ai cảm nhận được sự can thiệp đó của Thiên Chúa mới biết niềm vui là gì và từ đó mới có thể đem niềm vui cho người khác.

Chúa Phục sinh không cất đi những bi thảm của cuộc đời tôi; nhưng chính Người đã ôm lấy những bi thảm đó. Tôi không còn cô đơn, ngã gục nhưng Phục sinh đã giúp tội nhận ra rằng Chúa đang hiện diện và ôm tất cả những nghịch cảnh của cuộc đời vào lòng Người và ban cho tôi sức mạnh để nâng tôi dậy.

Chúa Phục Sinh đem đến cho tôi niềm hy vọng. Hy vọng và xác tín rằng ngay lúc đen tối nhất Thiên Chúa không bỏ rơi Con Ngài thì Ngài cũng không bỏ rơi tôi. Can đảm, mạnh dạn mà tiến bước là thái độ sống mà tôi học được qua Phục sinh.

Phục Sinh giúp tôi hiểu rằng sức mạnh oai phong của Thiên Chúa giúp tôi chấp nhận thực tại của đời sống như: bị hiểu lầm, bị đối xử thiếu công bằng; ngay cả lúc tôi trao đi tình yêu của mình, nhưng bù lại bằng sự lạnh nhạt hay phản bội của đối phương; và nhất là không còn sức để đối diện với sự thật về đời mình, về người khác…. Đức Ki-tô Phục sinh giúp tôi chỗi dậy đễ chấp nhận với niềm tin rằng Ngài vẫn sống trong cảnh ngộ của tôi.

Chúng ta đừng nghĩ rằng Người đã rời xa tôi. Không, Người vẫn sống, một cách thật thầm lặng – như hạt lúa gieo vào lòng đất - mục nát – chờ ngày trổ sinh hoa trái

Thưa anh chị em,

Chúng ta không thể tách cuộc khổ nạn của Chúa trong ngày thứ Sáu, sự thinh lặng hầu như quá khó hiểu của ngày thứ Bẩy ra khỏi mầu nhiệm Phục Sinh mà chúng ta đang cử hành. Tất cả được liên kết trong bàn tay thật tuyệt diệu của Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta sự sống và sự sống thật sung mãn để chúng ta vào đời với tâm hồn vui tươi, hân hoan vì có Chúa Phục sinh ở cùng.

Đây không phải là điều mà chúng ta đạt được. Nhưng hoàn toàn là do ân huệ của Thiên Chúa, của Chúa Thánh Thần, sức riêng sao đạt được. Vậy xin Chúa sai Thần Khí Chúa xua đuổi lối sống bi quan yếm thế để chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa, đấng đang sống trong cảnh ngộ của từng cá nhân, rồi bước đi trong yêu thương.

Tất cả đang đợi chờ ơn Phục Sinh. Thế giới đang bị ảnh hưởng bởi lối sống vô cảm vẫn cần niềm hy vọng; những người đang trải qua những bi kịch của đời sống đang cần đến ánh sáng. Vậy chúng ta hãy mạnh dạn mà tiến bước vì có Chúa Phục sinh đang ở cùng. Alleluia

CUỘC THƯƠNG KHÓ VỚI ĐỨC GIÊ-SU, NẾU CHÚNG TA CHỌN!




Hôm nay cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta tưởng niệm cuộc Thương Khó và sự chết mà Đức Ki-tô đã vui lòng đón nhận.

Đức Giê-su đã không bị tận diệt bởi sự chết. Trong giây phút mà chúng ta tưởng như là mọi sự đã kết thúc thì Thiên Chúa qua Đức Giê-su đã mở ra cho chúng ta một chân trời mới, một luồng sáng mới, Người đã Phục Sinh. Người không chết nữa. Sự chết đã bị đánh gục. Qua ngưỡng cửa sự chết, Người bước vào và mở ra cho chúng ta một sự sống vĩnh cửu.

Vì thế, trong giây phút này, khi tưởng niệm về biến cố trọng đại này chúng ta hãy tự hỏi mình rằng liệu chúng ta có bị xét xử, có bị tra tấn, có bị lên án, có bị buộc tội; vì:

·        Chúng ta tin tưởng vào sức mạnh của yêu thương và quyền năng của việc tha thứ.

·        Chúng ta sống theo sự thật, quảng bá và bảo vệ công lý để binh vực cho những người bị mất quyền làm người, những người không được tôn trọng, cô thân cô thế, v.v...

·        Chúng ta tin rằng dù trải qua thử thách nhưng cuối cùng sự thiện vẫn toàn thắng và đè bẹp sự ác.

·        Chúng ta là các tín hữu, môn đệ của Đức Ki-tô.

Và, một khi chúng ta sống theo gương mẫu của Đức Ki-tô là lúc chúng ta chọn lối sống đi ngược lại với các tiêu chuẩn thuộc về thế gian. Như vậy, những người lãnh tụ cái thế gian này, một thế giới riêng biệt mà họ đang làm chủ, sẽ tìm ra đủ chúng cớ để kết án và buộc tội chúng ta.

Như vậy, vác Thánh Giá đồng nghĩa với việc làm môn đệ.

Một khi chúng ta bắt đầu có lòng từ bi, có con tim nhân hậu, biết hành xử công bằng, luôn bảo vệ sự thật, tranh đấu cho công lý… Có nghĩa là sống và hành động theo gương sáng của Đức Giê-su… là lúc chúng ta làm cho người khác kinh ngạc. Họ sẽ hành động chống lại chúng ta, và chúng ta bắt đầu đau khổ.

Chúng ta được mời tham dự vào hành trình Thương Khó Đức Giê-su. Người nhìn thấy và hiểu thấu các việc sẽ xẩy đến, con đường dẫn đến cái chết càng ngày càng gần. Tuy run sợ và lo lắng. Nhưng Người không bỏ cuộc, vẫn tín trung và đi đến cùng.

Hãy nhìn lại các việc Người đã làm!

Người đồng bàn với người tội lỗi, tiếp xúc với những ai bị coi là ô uế, bị xã hội ruồng bỏ, đuổi quân buôn bán và những ai lợi dụng đền thờ để chà đạp và bóc lột dân chúng, chống lại những kẻ lợi dụng quyền hành để tham nhũng, làm cho người mù đuợc sáng mắt, què được đi và kẻ chết sống lại! Với các công việc đã làm, Chúa Giê-su muốn có một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng ý định và việc làm của Người đã đụng chạm vào quyền lợi của những kẻ có quyền, họ chỉ muốn thế giới mãi là như thế; bởi vì có như thế họ mới bảo vệ đuợc vị trí, quyền thế và cách làm giầu của họ.

Và như thế thì Đức Giê-su phải chết!

Khi chúng ta biết giá trị đích thực của việc vác Thánh Giá theo chân Chúa Giê-su và sẵn sàng trả bằng bất cứ giá nào, cụ thể qua những đau khổ mà chúng ta không thể tránh cũng không làm cho chúng ta đón nhận vác Thập Giá một cách thụ động, than van và chán nản. Trái lại, chúng ta trở nên chủ động tham gia vào cuộc chiến đấu cho một thế giới công bằng hơn, tốt đẹp hơn. Lẽ đương nhiên, con đường chúng ta đi không thênh thang, không dễ dàng; chắc hẳn có nhiều cạm bẫy và đầy thử thách… nhưng tất cả sẽ được đón nhận trong tình liên đới với các nỗi thống khổ mà Đức Giê-su đã mang khi xưa. Đồng hành với cuộc Thương Khó của Đức Giêsu không làm cho hoàn cảnh sống của chúng ta thay đổi, nhưng chúng ta được tự do để chấp nhận.

Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Chúa Giêsu đã đầu phục chính mình cho chúng ta, và cho dù chúng ta nghĩ về mình như thế nào, có xứng đáng hay không, thì những lối suy nghĩ của chúng ta cũng không thể thay đổi ý định của Thiên Chúa. Trong ngày đó, Thiên Chúa qua Đức Giê-su sẽ kéo chúng ta qua bất cứ đau khổ nào, ngay cả cái chết để trở thành một tạo vật mới, sự sống mới và tinh thần mới phù hợp với các tiêu chuẩn sống của Triều đại mới - Triều đại Nước Thiên Chúa.

Như vậy, trong khi tưởng niệm sự chết của Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta cùng nhau xác tín rằng:

  • Không có cái chết nào và cũng không có nỗi lo sợ nào có thể ngăn cản được quyền năng của Thiên Chúa, Đấng có thể làm cho chúng ta Phục Sinh.
  • Không có một quyền lực nào có thể hủy diệt món quà của sự sống, của yêu thương; trừ phi chúng ta chọn không đón nhận nó.
  •  Tinh thần, ý chí và nguồn năng lực sống của chúng ta sẽ không bị vơi cạn, không bao giờ bị đánh bại bởi những vết thương của cuộc sống, cho dù là bất công hay là đau đớn.
  • Ân sủng mà Thiên Chúa ban cho vượt xa sự hiểu biết của chúng ta.
  •  Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta vượt xa mọi thứ tình mà chúng ta dành cho mình và cho nhau