Friday, 27 April 2018

“TUY RẰNG KHÁC GIỐNG NHƯNG CHUNG MỘT GIÀN”




Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin Mừng tuần trước, bằng vào mối dây liên hệ mật thiết với Chúa Cha, Đức Giê-su đã khám phá và tự xác định cho các môn đệ biết Người chính là Mục Tử Tốt Lành và Nhân Hậu. Không giống như các người chăn thuê, Mục tử tốt là người sẵn sàng yêu thương và làm mọi cách để nuôi dưỡng và bảo vệ đoàn chiên của Người.

Với diễn từ hôm nay, Ðức Giêsu đã dùng hình ảnh cây nho để diễn tả chính Người là cây nho đích thật, và tất cả chúng ta là các cành nho. Việc so sánh cây nho và các cành nho mô tả sự liên kết mật thiết giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Bằng vào sự gắn bó thâm sâu này, chúng ta nhận biết rằng nếu muốn trở thành môn đệ đích thật và duy trì sứ mạng đó qua bao thử thách thì chúng ta cần được nối kết với Đức Giê-su. Như các cành nho chỉ có thể lấy nhựa sống mà phát triển từ thân cây nho thế nào thì sự sống của các tín hữu, môn đệ Đức Ki-tô cũng phải được phát nguồn từ chính Chúa. Ngoài ra, người môn đệ chân chính của Ðức Giêsu không chỉ trưởng thành trong ân sủng khi được kết hiệp với Người mà thôi, còn hơn thế nữa chúng ta cần được thanh luyện để phát triển đến mức toàn diện.

Như người làm vườn cắt tỉa cành nho thế nào thì Thiên Chúa, vì yêu thương cũng sẽ cắt tỉa, thanh luyện những kẻ thuộc về Ngài như thế. Các lần thanh tẩy này phát sinh từ tình yêu sẵn có mà Thiên Chúa đã thể hiện để giúp mình thăng hoa chứ không phải để trừng phạt. Nói như thế, có nghĩa là chỉ qua thanh luyện và đón nhận sự cắt tỉa thì những người môn đệ của Chúa Ki-tô mới trở nên giống Chúa Giê-su hơn; gắn bó và thuộc về Người một cách mật thiết và sâu sắc hơn. Họ sẽ sống một cuộc sống mới, trọn vẹn rập theo khuôn mẫu của Đức Giê-su.

Đây chính là uớc muốn và tiêu chí trong cuộc sống của người môn đệ. Và, một khi chúng ta đã ở trong mối dây liên hệ thâm sâu đó với Đức Giê-su thì chúng ta cũng được mời gọi để kết hợp với các thành phần khác trong cộng đoàn của các kẻ tin. Vì không một ai trên đời này lại có thể tự nhận mình là kẻ hoàn toàn mà không cần sự hướng dẫn và giúp đỡ của người khác. Làm sao cây mai có thể tăng trưởng và sinh ra những bông hoa đầy hương thơm và những mầu sắc khác nhau nếu không được cung cấp nhựa sống bởi rễ cây và sự vun tưới của con người. Cũng vậy, chúng ta sẽ bị tiêu diệt nếu tự mình cắt đứt mọi mối tương quan với người khác.

            Kính thưa quí cụ, quí ông bà và anh chị em,

Không ai có thể nên Thánh một mình và không ai có thể tự mình hoàn tất công tác tông đồ thật tốt đẹp mà không cần đến sự hỗ trợ của tha nhân. Chúng ta cần liên kết và hiệp thông với cộng đoàn dân Chúa. Nhìn lại các sinh hoạt của cộng đoàn tiên khởi, cách ứng xử của họ cũng là cơ hội giúp chúng ta tìm ra những bài học thật khôn ngoan.

 Trong bài đọc thứ nhất, tác giả đã kể lại cho chúng ta về cuộc thăm viếng cộng đoàn tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem của Sao-lô (sau này gọi là Phao-lô). Anh em ở Giê-ru-sa-lem tỏ thái độ dè dặt và có đôi chút nghi kỵ với Phao-lô. Quả thật, chúng ta phải nhìn nhận rằng trong khi đang đối diện với rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng cộng đoàn, thì làm sao họ có thể chấp nhận Sao-lô với một quá khứ là chống đối và lùng bắt họ, như đã được ghi lại trong sách Tông đồ công vụ như sau: “Ông Sao-lô vẫn còn hằm hằm đe dọa giết các môn đệ Chúa... để nếu thấy những người theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giêrusalem. (9:1- 2)

Với quá khứ và thành tích như thế, làm sao các môn đệ có thể tin ông. Họ có thể nghi ông là ‘người nằm vùng’ đang thi hành nhiệm vụ gián điệp. Sự phản bội của Giu-đa vẫn còn ám ảnh họ. Hơn nữa, hoàn cảnh của giáo đoàn tại Giêrusalem lúc bấy giờ còn đang trong thời kỳ phôi thai, đang bị theo dõi và chống đối thì làm sao họ có đủ can đảm để tiếp nhận ông như một thành viên của họ. (Tđcv 9: 26) Tuy nhiên, với sự bảo đảm, chứng từ của Ba-na-ba về việc Chúa hiện ra với Sao-lô và các công việc cũng như lời rao giảng của Sao-lô tại Đa-mat đã khiến các Tông đồ tin tưởng và đón nhận ông. Và ông đã cùng cộng tác với các Ngài trong việc rao giảng về sự sống lại của Chúa mà chính ông là chứng nhân. (Tđcv 9: 27-29) Chính bởi công việc này mà anh em tín hữu tại Giê-ru-sa-lem đã thay đổi thái độ: từ nghi kỵ, dè dặt đến tin tưởng và nhìn nhận Sao-lô là Tông đồ của Chúa Phục sinh. 

Khi ghi lại cách ứng xử đầy tính con người của anh em tiên khởi như thế, chúng ta thấy họ rất gần với các sinh hoạt trong lối sống cộng đoàn mình. Phao-lô đã cần thời gian 3 năm để đào sâu ân huệ làm ông sáng mắt thế nào thì anh em tiên khởi cũng thế. Họ cũng cần có thời gian để biện phân xem Phao-lô là vàng thật hay chỉ là sắt vụn. Đôi bên đều cần sự soi sáng của Chúa. Ân huệ của Chúa đã thay đổi Phao-lô thế nào thì anh em tiên khởi cũng cần nguồn sáng của Thánh Linh để nhận ra sự can thiệp của Thiên Chúa truớc sự đổi mới của Phao-lô như thế.

Anh chị em thân mến,

Bài học mà chúng ta rút được qua sự kiện này là: Ai trong chúng ta cũng được mời gọi để sống đổi mới và liên kết với nhau. Đổi mới để chấp nhận nhau. Liên kết trong các sinh hoạt chung để việc xây dựng nhóm, gia đình và cộng đoàn mỗi ngày mỗi gắn bó với nhau hơn; rồi từ đó chúng ta đến với nhau bằng sự tin tưởng và lòng yêu thương. Đó chính là điều mà thánh Phao-lô đã khuyên dậy: “Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người...Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi.” (2 Cor 5:16)

Tin tưởng và yêu thương là hai đức tính nền tảng của người tín hữu. Các đức tính này cần được trau dồi và luyện tập trong hành trình sống. Niềm tin của chúng ta không qui chiếu vào một vị Thiên Chúa của trí óc về tính siêu việt của Ngài, nhưng là một Đấng đã nghe, đã thấy và đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền để giải thoát chúng ta, như kinh nghiệm xuất hành, vượt qua Biển Đỏ của dân Israel khi xưa: “... Ngài đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu. Thiên Chúa đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai cập.” (Đnl 26:7-9)

Như vậy, Thiên Chúa luôn hiện diện qua cách xử thế của chúng ta với người khác, nên “chúng ta đừng yêu thương nơi đu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm.” (1 Gio-an 3:18) Tình yêu này được xuất phát bởi niềm tin vào Đức Giêsu, Con của Người. (1 Gio-an 3:23) Và, khởi điểm của sự yêu thương là chấp nhận sự khác biệt của nhau, giảm bớt các mối nghi kỵ và sợ hãi nhau.

Thật vậy, mỗi người chúng ta là những cành nho được nuôi dưỡng bởi cây nho. Như cành nho, không cành nào giống cành nào. Chúng ta cũng thế, mỗi người đều có các vẻ đẹp khác nhau trong vẻ đẹp chung xuất phát từ Thiên Chúa. Và tự cành nho không thể sống được nếu không tiếp nhận sự sống từ cây nho, thì sự sống của chúng ta hoàn toàn phát sinh từ sự sống của Chúa: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.” (Gio-an 15: 4-9)

Có nghĩa là chỉ ở trong Chúa thì người môn đệ mới sinh hoa kết trái; bằng không thì sẽ bị khô héo và cháy đi. Tuy nhiên, không phải là cứ ở trong Chúa rồi sẽ sinh hoa kết trái đâu! Hoa quả được sản sinh từ nhựa sống của thân cây và cũng bị cắt tỉa để tươi tốt hơn thế nào thì cuộc sống của người môn đệ cũng cần đi vào mầu nhiệm Thập Giá, bị cắt tỉa, mà chính Đức Giê-su đã bước vào. Đó là một sự cắt tỉa thật thâm sâu, cắt tỉa ý riêng, từ bỏ sở hữu; từ bỏ tất cả rồi vượt qua cái chết để bước vào sự sống vĩnh cửu. Chỉ có bị cắt tỉa như thế thì con người mới được dự phần vào cuộc sống vĩnh cửu với các giá trị mới mà Chúa Ki-tô Phục Sinh đem lại. Amen.



No comments:

Post a Comment