Về
mặt thể lý, chúng ta thường nghe nói không có cuộc vui nào mà không có lúc tan,
không có bữa tiệc nào mà lại không tàn và không có buổi gặp gỡ nào mà không có ngày
phải chia tay. Giờ chia tay bao giờ cũng lưu lại trong tâm hồn kẻ đi và người ở
những tâm tình hoang mang, buồn chán và thương tiếc. Đặc biệt cuộc chia tay giữa những người
thân hay người mà chúng ta yêu mến lại tạo thêm nhiều cảm xúc hơn. Họ chưa xa
nhau mà lòng đã xót xa, ngậm ngùi, lưu luyến và lo lắng.
Giống
với lối suy nghĩ như trên, trước viễn tượng phải ra đi, trong bữa tiệc ly, Đức
Giê-su và các môn đệ vô cùng xao xuyến. Vì thế, những gì mà chúng ta được nghe
trong phần phụng Vụ Lời Chúa trong các tuần này đều được trích dẫn trong phần
mà người ta gọi là ‘Diễn Từ Cáo Biệt’. Đó là những lời nhắn nhủ, trăn trối của
Đức Giê-su dành cho các môn đệ và những ai mà Người yêu thương hết lòng. Người
biết rằng giờ ra đi của Người đã đến; nhưng các môn đệ thì không. Các ông vẫn
còn mơ màng về sứ mệnh của Thầy cho nên Giu-đa, không phải là người đã nộp Người
mới hỏi “Thưa Thầy, tại
sao Thầy phải tỏ mình ra cho chúng con, mà không tỏ mình ra cho thế gian?” Với
óc não chia chác quyền lực và mong muốn một vị Chúa đến giải thoát dân tộc mình
khỏi cảnh nô lệ đã khiến ông có ý nghĩ là việc Chúa tỏ uy quyền và vinh quang
cho thế gian là điều cần thiết hơn. Nhưng ý muốn của Thiên Chúa mà Đức Giê-su
đã lĩnh nhận thì hoàn toàn khác. Việc Người ra đi để đón nhận
cái chết có thể được coi như một cuộc chiến thắng của quyền lực bóng tối, chống
lại ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng thật ra đây là dịp để tình yêu của Thiên Chúa
được bộc lộ trọn vẹn nơi sự vâng phục của Đức Giê-su.
Vì
thế, trước khi ban những lời trăn trối này, Đức Giê-su đã khẳng định rằng giờ Người
rời bỏ thế gian là giờ bộc lộ tình yêu của Người dành cho thế gian mà Người vẫn
yêu thương họ đến cùng. Tình yêu đó được diễn tả qua việc rửa chân cho các môn
đệ. Và Người truyền cho họ hãy noi gương Thầy, học theo cách thức yêu thương của
Thầy đối với Chúa Cha. Qua lối sống yêu thương, chúng ta làm cho Lời Chúa phán “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy.
Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” được
ứng nghiệm. Có nghĩa là, kể từ nay, yêu mến là dấu chứng, ấn tích về sự hiện diện
của Thiên Chúa. Ngài đến và ở lại với ai yêu mến Thầy.
Lời Thầy nói thật đơn sơ không chau
chuốt, không phức tạp, không cầu kỳ. Đó là những điều mà chúng ta thường xuyên
áp dụng trong cuộc sống. Khi bạn đã yêu thì chỉ muốn nghe người yêu mình nói
chuyện hay ít nhất là được nghe người ta nói về người mình yêu. Mức độ cảm xúc
của con tim bạn tùy thuộc vào mức độ yêu thương mà chúng ta dành cho nhau. Trong
thân phận con người mà chúng ta còn hành xử được như thế, phương chi mối tình của
mình với Chúa. Người hết mực yêu thương chúng ta thì việc lắng nghe và tuân giữ
Lời Người là việc chính đáng và phải đạo. Và hiệu quả của việc lắng nghe và
tuân giữ Lời Chúa hôm nay là Thiên Chúa sẽ yêu mến chúng ta. Còn hơn thế nữa,
Thiên Chúa và Đức Giê-su sẽ đến và ở lại với người ấy. Đây không chỉ là lời hứa
về sự hiện diện mà là cách thức mà chúng ta cần làm để cho Lời của Chúa phán
hôm nay được ứng nghiệm.
Thưa anh chị em,
Với các cuộc cách mạng về công nghệ
thông tin, chúng ta đang sống trong một thế giới tưởng chừng như được nối kết với
nhau gần hơn, nhưng trên thực tế lại có nhiều người sống cô đơn hơn. Họ có thể
là nạn nhân của chủ nghĩa cá nhân hay là nạn nhân của một cách sống không cần đến
ngày mai, chọn những thú vui tiêu khiển trong hiện tại như hạnh phúc; nhưng thật
ra lối sống tìm thú vui trước mắt và thiếu tương tác này lại dẫn họ đến tình trạng
chán nản và cô đơn. Thêm vào đó, chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều
tiện nghi, như mua hàng online, không cần giáp mặt mà vẫn đạt được sở nguyện;
thói quen này tăng dần cho đến một ngày con người tự mình cô lập mình.
Thứ cảm giác cô đơn có thể là một điều
thật khó khăn để trải nghiệm. Và đây có thể là điều làm các môn đệ lo sợ. Làm thế
nào mà các ông có thể tránh nỗi hoang mang và lo sợ khi biết Thầy phải ra đi và
để họ ở lại. Cho đến hôm nay, tất cả những gì họ làm và đeo đuổi đều gắn liền với
sứ mạng của Đức Giê-su. Giờ đây công danh và sự nghiệp đâu chưa thấy, thế mà Thầy
lại phán rằng Thầy đi thì ích lợi hơn cho họ (Gio-an 16:7) Vẫn biết học để tin
vào Lời Thầy phán, nhưng làm sao lại không khỏi lo sợ chứ! Trong hoàn cảnh đó,
Đức Giê-su tiếp tục trấn an: Họ sẽ không cô đơn, “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó
sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với
anh em.” (Gio-an 14:26)
Đó là vai trò của Chúa Thánh Thần mà
Đức Giê-su bộc lộ hôm nay. Ngài vừa là thầy dậy vừa là bạn đồng hành nhắc lại
cho các môn đệ nhớ lại những Lời mà Đức Giê-su đã dậy bảo. Với vai trò của Chúa
Thánh Thần như một người Thầy và bạn đồng hành mà Đức Giê-su giới thiệu hôm nay
khiến tôi nhớ đến một vai trò mà chúng ta thường nghe hay đã có kinh nghiệm, đó
là vai trò của một ‘mentor’ trong cuộc sống của chúng ta. Vậy, mentor là ai?
Với kinh nghiệm trong cuộc sống, nhất
là qua lối đào tạo rất nhân văn của xã hội hôm nay, chúng ta nhận ra vai trò của
một vị vừa là thầy vừa là người bảo trợ giúp chúng ta khỏi cô đơn. Họ hiện diện
để hướng dẫn chứ không áp đặt. Họ có mặt để giúp chúng ta thoát cảnh cô độc và
khi chúng ta đã vững vàng thì họ lại lùi về phía sau, mà không biến mất; để chờ
dịp khác hộ phù và tiếp tục bảo trợ.
Những dòng suy tư này được ghi lại
vào ‘ngày của mẹ’. Vì thế, khi nhìn Chúa Thánh Thần trong vai trò Thầy dậy và
người bầu chữa khiến tôi nhận ra quyền năng đó đã hiện diện nơi các người mẹ.
Các ngài là tất cả. Mẹ đã hiện diện ngay khi ta mở mắt chào đời, tiếp tục dìu dắt
và vực chúng ta dạy mỗi khi ta vấp ngã. Các ngài đã dậy bảo nhưng không áp đặt,
dìu dắt và nâng đỡ chứ không lôi kéo. Lùi về phía sau nhưng không biến mất để
chờ dịp cùng chúng ta tiến về đích bình an. Quan trọng hơn cả là cùng đồng hành
không để ta cô đơn.
Thưa anh chị em,
Sau cùng, chúng ta biết rằng Lời Chúa
trong bài Tin Mừng hôm nay đã được ứng nghiệm nơi cuộc sống sứ vụ của các môn đệ
sau khi Chúa sống lại từ cõi chết. Với quyền năng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần,
các Ngài đã làm được những dấu lạ điềm thiêng khiến bao nhiêu kẻ trở lại và tin
vào Danh Chúa Ki-tô. Nhưng hiện tình xẩy ra ngay trước mắt các ông là việc ra
đi của Thầy khiến lòng dạ các ông hoang mang, rối bời và lo sợ. Với tình huống
đó, Đức Giê-su đã phán: “Thầy để lại bình
an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không
theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy
bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn
anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn
Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh
em tin.” (Gio-an 14, 27-29)
Đây là một trong những khoảnh khắc
sâu đậm nhất trong bản văn Tin Mừng hôm nay. Chúa ban bình an cho các môn đệ, một
thứ bình an mà các môn đệ không thể nào tìm được ở đâu khác trên thế gian này. Thế
gian không có thứ bình an này. Bình an xuất phát từ trong tâm hồn. Chỉ có người
nào có con tim thanh tịnh, cõi lòng thanh thản mới có thể cảm nhận được thứ
bình an này. Vì thế, Người khuyên họ đừng để con tim giao động và sợ hãi trước
những biến cố sẽ xẩy đến. Người sẽ không để các ông mồ côi. Không chỉ có Thầy
mà cả Cha Thầy cũng sẽ đến để trao ban bình an cho những ai tin vào Người.
Như vậy, bình an không chỉ là lời
chúc hay nguyện ước; đó chính là quà tặng của Chúa ban ngay tại thời điểm mà
chúng ta cần để có thể đối diện với những giây phút bi đát mà chúng ta có thể gặp
trước sự ra đi (hay việc chúng ta không nhận ra sự hiện diện) của Đức Giê-su. Không
chỉ có thế, với ơn bình an, Đức Giê-su còn mong muốn các môn đệ và chúng ta hãy
hân hoan và vui mừng vì biết rằng chính vào giờ Người từ giã thế gian là thời
điểm Người lên đường về cùng Cha.
Hoàn cảnh thực tế cho chúng ta nhận
biết rằng trong khi thi hành bổn phận của người môn đệ, chúng ta không thể
tránh thoát những giây phút hoang mang, lo lắng về sự vắng bóng của Đức Giê-su.
Nhưng cho dù lòng dạ có xao xuyến đến đâu hay hoàn cảnh mà chúng ta gặp phải có
bi đát đến dường nào đi chăng nữa, chúng ta hãy nhớ rằng lòng mến Chúa và ơn
bình an mà Chúa trao ban hôm nay vẫn là những khí cụ hữu hiệu nhất mà chúng ta
cần có để chu toàn sứ mạng. Amen!
No comments:
Post a Comment