Thursday, 16 May 2019

YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA YÊU



Bài Tin Mừng hôm nay, tuy vỏn vẹn chỉ có bốn câu, nhưng chất chứa một sứ điệp thật quan trọng.

Trong hai câu đầu, Thánh sử trình bầy việc ra đi của Giu-đa. Hành động này của ông báo hiệu giờ của đêm tối đã đến. Vẫn biết rằng, tự bản chất, sứ vụ và nội dung các lời giảng dậy của Đức Giê-su đã gây ra nhiều cuộc tranh luận và đã tạo nên một làn sóng xung đột vô cùng căng thẳng với hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo, nói riêng tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Việc Người bị giao nộp là chuyện đương nhiên sẽ xẩy ra. Nhưng đối với Thiên Chúa thì việc làm của Giu-đa hôm nay lại là cơ hội để Đức Giê-su làm trọn vai trò của Người. Do đó, một cách nào đó chúng ta có thể nhìn việc ra đi của ông giống như hình ảnh của bóng tối. Một khi bóng tối khuất đi thì ánh sáng sẽ xuất hiện.

Đức Giê-su không để cho hành động của Giu-đa ảnh hưởng trên sứ mạng của Người. Người biết sẽ phải làm gì. Người nói “giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.” Hành vi nộp Người của Giu-đa lại biến thành giờ để Đức Giê-su thực hiện và sống ơn gọi của Người một cách trọn vẹn nhất. Qua đó, Chúa được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi việc Chúa bị treo lên. Treo lên để được tôn vinh. Kể từ giờ Con Người bị treo lên thì mọi gối đều phải quì xuống bái lậy mà tôn vinh Người. Cả cuộc đời của Người, bao gồm mọi khoảnh khắc trong khi thi hành sứ vụ, Đức Giê-su luôn hướng về giờ mà Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người. 

Và hôm nay trong giây phút thân tình với các môn đệ, Người đã tâm sự cho các ông biết ý nghĩa về việc được tôn vinh trong vâng phục của Người. Đức Giê-su cảm thấy bị xúc động khi Người phải từ giã các ông. Người trăn trối cho các môn đệ những điều mà Người đã ưu tư, ôm ấp và khát khao thực hiện. Chúa phán: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” Điều Thầy ban cho các môn đệ đêm nay vô cùng quan trọng.

Trước tiên, Thầy không chỉ truyền lịnh. Nhưng Thầy đã trao cho những người bạn thiết nghĩa của Thầy chính cử chỉ và hành động mà Thầy đã thực hiện trong một bữa ăn, Những lời tâm sự của Thầy nằm trong bối cảnh của bữa tiệc ly, trong bữa ăn đó “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.” (Gio-an 13: 4-5) Hành động của Thầy khiến cho họ ngạc nhiên, nên Người đã giải thích “nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Gio-an 13: 13-14)

Kế đến, đó là lịnh truyền, giới răn, mệnh lệnh của Thầy yêu cầu. Điều Thầy truyền hôm nay vô cùng mới mẻ. Nó khác với cách hành xử mà con người dành cho nhau. Vẫn biết rằng, đạo nào cũng dậy con người làm lành tránh dữ và yêu thương nhau. Nhưng, điều đặc sắc và mới mẻ mà Đức Giê-su tỏ bầy hôm nay, đó là yêu người như Chúa yêu. Đức Giê-su gọi việc làm đó là giới răn, điều luật để trở nên thành viên cho một nhóm; có nghĩa là từ nay yêu thương sẽ là dấu ấn, bằng chứng, bản chất và danh xưng của những người thuộc về nhóm mà người ta gọi là nhóm môn đệ được Chúa yêu thương.

Như vậy, yêu thương là bổn phận và là dấu chỉ chính thức của người môn đệ Chúa. Yêu thương theo mẫu mực của Chúa. Yêu thương như Chúa đã làm là quì xuống rửa chân cho kẻ kém hơn mình, rửa những vết thương hôi thối, rửa những lỗi lầm, xóa bỏ những hận thù ghen ghét đã tạo nên sự nghi kỵ và chia rẽ trong cộng đồng. Rửa chân không nhằm nói đến việc tự hạ cho bằng đó là dịp để Chúa sống trọn vẹn ơn gọi mà Người đã lãnh nhận từ Cha; và trao ban cho các môn đệ. Những việc làm này là bổn phận của mỗi Kitô hữu, môn đệ của Chúa.

Thật vậy, đạo mà chúng ta đang theo là con đường mà Chúa đã đi. Đó không chỉ bao gồm những điều phải tin, và cũng không chỉ gồm tóm những điều khoản phải giữ; nhưng là con đường yêu thương. Vì thế, cách sống đạo đích thật mà chúng ta cần thực hiện là hãy trao ban và đón nhận tình yêu như cách thức của Chúa.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần biết mục tiêu và đối tượng để giãi bầy tình yêu; bởi vì không ai trong chúng ta có thể nói rằng mình đang yêu nếu đối tượng mình yêu không thật sự hiện hữu. Sự hiện hữu của đối tượng cũng mang nhiều mức độ và nằm trong nhiều cảnh huống khác nhau. Nhưng, tất cả đều có một mẫu số chung, đó là nếu muốn thể hiện tình yêu thì chúng ta cần từ bỏ tháp ngà, ý riêng của chính bản thân, ra đi để gặp gỡ họ.

Họ là ai? Họ là anh, là chị hoặc tôi, những người thân quen trong gia đình, xóm giáo, các nhóm cầu nguyện và đặc biệt hơn nữa, Thiên Chúa còn hiện diện nơi những người bị bỏ rơi ở ngoài đường hay gầm cầu, phố chợ, v.v… Thiên Chúa và tha nhân đang chờ đợi bàn tay yêu thương, vỗ về, săn sóc và an ủi của chúng ta. Qua việc làm trong yêu thương, chúng ta sẽ xoa dịu một phần những vết hằn mà người khác đang phải gánh chịu. Yêu thương là thế đấy. 

Trong tình yêu không còn phân biệt giữa tôi và anh, giữa tôi và chị hay giữa tôi và kẻ khác nữa. Tất cả đều được hoà hợp trong một tổng thể duy nhất của lòng yêu thương, nơi đó không còn biên giới, không còn hận thù, tỵ hiềm hay chia rẽ; chỉ còn hiệp thông, tha thứ và bình an.

Nhưng trong thực tế, chúng ta vẫn sống theo tiêu chuẩn lấy lòng mình làm thước đo. Ai tốt với mình thì mình tốt lại. Chúng ta chưa dám dấn thân, cho đi trọn vẹn! Thật ra, việc dấn thân ra đi phục vụ trong yêu thương như mẫu mực của Chúa có tính cách của một sự tái sinh, trở về với Chúa và đổi mới cuộc đời. Và qua việc yêu thương nhau như Chúa yêu, chúng ta dễ dàng gặp Chúa hơn, một cuộc gặp gỡ thân mật để ta được tham gia vào sự sống của Chúa, được trở nên thành viên của cộng đoàn môn đệ mà Chúa yêu mến. Amen!




No comments:

Post a Comment