Hôm nay, trong bài Tin Mừng,
Thánh Gio-an đã tường thuật cuộc hiện ra lần thứ ba của Chúa, sau khi đã sống lại
từ cõi chết, cho các môn đệ. Tuần trước, chúng ta đã được nghe Thánh sử ghi lại
2 lần hiện ra, lần thứ nhất không có Tô-Ma, lần thứ hai có mặt Tô-ma. Nếu không
tính việc hiện ra cho cá nhân bà Ma-ri-a Mác-đa-la, thì đúng thật đây là lần thứ
ba Chúa hiện ra với các môn đệ.
Với lối tính này, chúng ta đoán
được chủ ý của Thánh sử là muốn trình bầy những lần hiện ra cho cộng đoàn hơn
là cho từng cá nhân. Cho dù Tô-Ma và Ma-ri-a Mác-đa-la đã nói và tuyên xưng rằng
Thầy mình đã sống lại; nhưng dù sao chăng nữa thì các lời tuyên xưng của họ vẫn
mang tính cá nhân. Các lời tuyên tín của cộng đoàn bao giờ cũng có giá trị hơn.
Niềm tin vào Chúa Phục Sinh không dựa vào các lời tuyên tín của từng cá nhân;
đây là quà tặng của Chúa Cha và đó cũng là niềm tin chung của cộng đoàn dân
Chúa, Hội Thánh của Người.
Sau khi Đức Giê-su bị giết! Thế
giới mà các môn đệ mong chờ để được chia chác chỗ đứng đã bị sụp đổ. Cho dù các
ông đã hai lần được nhìn thấy Chúa, nhưng tiến trình đổi mới để thay đổi nhất
là niềm vui và ơn bình an của Chúa Phục sinh không có hiệu quả ngay tức khắc;
nó không được xẩy ra một sớm một chiều. Các ông vẫn còn buồn chán và với tâm trạng
thất vọng, các ông trở về nghề chài lưới tại Biển Hồ Ti-bê-ri-a, nơi mà các ông
đã làm trước khi đi theo Chúa. Có bẩy môn đệ có mặt trong lần hiện ra này, đó
là “ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na
miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở
với nhau.”
Giống như mọi lần, hôm nay Phê-rô
mau mắn lên tiếng đề xuất “tôi đi đánh cá đây.” Phê-rô chỉ nói lên ý định của
mình, không có ý truyền lịnh hay yêu cầu điều gì nơi các bạn đồng nghiệp. Như một
vị lãnh đạo tài giỏi và nhiệt thành, ông chỉ gợi ý mời gọi việc cộng tác của
các bạn và tự nguyện đi bước trước. Ông tôn trọng ý kiến hay việc đóng góp của
các bạn. Các bạn của ông thấy được trách nhiệm và tinh thần cùng chia sẻ nên đã
đồng thanh xin đi cùng. Tinh thần hiệp nhất trong công tác chung đã được nói đến,
nhưng kết quả của việc ra khơi trong đêm hôm ấy vẫn không bắt được con cá nào hết!
Có lẽ, chúng ta cũng đoán được lý do tại sao. Câu trả lời sẽ tìm thấy trong phần
kế tiếp của trình thuật. Theo kinh nghiệm của những ngư phủ, cá thường đi ăn
vào ban đêm; thế mà các môn đệ đã vất vả cả đêm mà vẫn không lưới được con cá nào
cả!
Khi màn đêm đã trôi qua để nhường
chỗ cho bình minh xuất hiện thì các môn đệ đã mệt nhoài nên các ông chuẩn bị đi
về. Ngay thời điểm ‘khi trời đã sáng’, Chúa Ki-tô không chỉ hiện đến mà Người
đang đứng trên bãi biển mà các môn đệ không nhận ra Người. Điều này có nghĩa là
Người hiện diện và đang đứng ở đó, lúc ánh sáng của thái dương bắt đầu xuất hiện.
Người không biến mất rồi hiện ra, Người đang đứng ở đó; nhưng các môn đệ và
chúng ta (vẫn đang ở trong đêm tối) không nhận ra Người.
Cho dù các môn đệ không nhận ra
Người, nhưng các ông vẫn vâng lời mà làm theo điều Người dậy bảo mà thả lưới ở
bên phải mạn thuyền và kết quả là các ông thu đuợc một mẻ cá lớn mà nhiều người
gọi là mẻ lưới kỳ diệu bao gồm 153 con thuộc đủ mọi loại cá khác nhau. Trước kết
quả này, người môn đệ được Chúa yêu, có thể là nhân vật đại diện cho tất cả mỗi
người chúng ta, bởi vì ai trong chúng ta lại không được Chúa yêu sao. Ông môn đệ
được Chúa yêu nhận ra Chúa và lên tiếng cho Phê-rô biết là “Chúa đó”. Còn phản ứng
của Phê-rô lại khác, vẫn bộc trực, thẳng thắn và mau mắn. Vừa nghe bạn mình nói
“Chúa đó” là ông lập tức nhẩy ngay xuống biển bơi vào bờ đến với Chúa. Lời nói
và hành động của người được Chúa thương yêu và Phê-rô đã để lại cho chúng ta
bài học vô cùng cao quí là sự nhận biết Chúa của chúng ta không dừng lại ở mặt
cảm xúc; nhưng cần được thể hiện bằng hành động mà tiếp cận với Chúa.
Chúa Giê-su mời các ông cùng ăn
sáng đã được dọn sẵn cho các ông. Thầy trò cùng ăn với nhau. Một bữa ăn sáng
đơn sơ, thanh đạm nhưng đầy tình thân. Lương thực của buối sáng hôm đó chỉ vỏn
vẹn có mấy con cá và vài khúc bánh thế mà đã để lại trong tâm tư của họ một điều
thật kỳ diệu đến nỗi không một ai trong nhóm họ dám hỏi về thân thế của Người,
vì tất cả đều biết Người chính là Đức Chúa của họ, là chính Đức Giê-su, bằng
xuơng bằng thịt mà các ông đã theo Người trên con đường sứ vụ. Người không phải
là bóng ma, mà là Đấng đã chỗi dậy từ cõi chết.
Việc ra khơi của các môn đệ hôm
nay nhắc cho chúng ta nhớ lại điều mà Đức Giê-su đã tuyên bố khi kêu gọi các
ông trở thành môn đệ của Người, đó là “hãy
theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.”
(Mác-cô 1,17) Dù trong hành trình thi hành sứ vụ, Đức Giê-su đã gọi, chọn và huấn
luyện các ông từ những người đánh cá chuyên nghiệp trở thành những kẻ lưới người;
nhưng hiệu quả của việc tuyển chọn và huấn luyện chỉ có hữu hiệu sau khi Đức
Giê-su sống lại. Chúa Ki-tô Phục Sinh, trao ban Thần Khí, năng quyền và sức mạnh
để các ông ra khơi chài lưới người về với gia đình Hội Thánh.
Như vậy, kết quả việc lưới cá hôm
nay cho chúng ta hiểu rằng cho dù con người có nhiệt tình và hăng say đến đâu
trong công việc truyền giáo mà thiếu yêú tố căn bản và quan trọng nhất, đó là sự
hiện diện của Chúa, thì dù chúng ta có đạt thành quả, nhưng đó chỉ là thành quả
dựa vào sức mình; đến khi gặp phong ba bão táp, những gì chúng ta xây dựng có
thể sẽ bị sụp đổ tan tành. Việc làm như thế có thể được ví như người xây nhà
trên cát vậy. Việc đầu tiên trước khi ra khơi để rao giảng là nhận ra sư hiện
diện của Chúa Phục Sinh, Đấng cùng đi với mình rồi sau đó mới thả lưới.
Sau khi dùng bữa sáng xong. Chúa
Giê-su biết rằng đã đến lúc Người cần ủy thác cho một môn đệ trong nhóm đứng ra
đảm nhận vai trò lãnh đạo, thừa hành trách vụ của người Mục Tử nhân lành mà
Chúa Cha đã ủy thác. Người đã hy sinh mạng sống mình để yêu thương và bảo vệ
đoàn chiên mà Chúa Cha đã ủy thác cho Người thế nào thì giờ đây người kế thừa
trách vụ này cũng phải có tấm lòng hy sinh và yêu thương đoàn chiên như thế.
Nên trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã ba lần hỏi Phê-rô “Anh có yêu mến
Thầy không?” Và Phê-rô đã ba lần đáp trả “Thầy biết con yêu mến Thầy.”
Cho dù trước đây, trong hành
trình Thương Khó của Đức Giê-su, Phê-rô đã ba lần chối là ông không hề biết Chúa.
Nhưng hôm nay, với năng lực và ân huệ của Chúa Phục Sinh, Phê-rô nhớ lại việc
Thầy làm và Lời Thầy dậy trong bữa tiệc ly: “Anh
em gọi Thầy là "Thầy", là "Chúa", điều đó phải lắm, vì quả
thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa
chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương
cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo
thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người
sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc
cho anh em!”
Đây chính là khuôn vàng thước ngọc
để lượng định và đánh giá vị trí và ơn gọi của người lãnh đạo. Người lãnh đạo
không dựa vào khả năng hay sự khôn ngoan của bản thân; nhưng hoàn tòan được
phát xuất từ sự đáp trả về câu hỏi “anh hay chị, ông hay bà có yêu mến Chúa
không?” Yêu mến thì ra khơi múc nước mà rửa chân cho nhau. Làm to là như thế,
là quì xuống mà phục vụ theo gương của Thầy, Đấng yêu thương mình và ngược lại
mình cũng hết lòng yêu thương Chúa và tha nhân nữa.
Như vậy, sau khi cùng nhau suy niệm
bài Tin Mừng về việc Chúa đến với các môn đệ hôm nay, chúng ta cùng nhớ lại rằng
giống như các môn đệ, chúng ta đã nhiều lần để cho đêm tối lấn át nên đã không
nhận ra sự hiện diện của Chúa Phục sinh, Đấng đang đứng chờ đợi ta trên con đường
mà chúng ta đang đi. Người hiện diện trong những lúc chúng ta gặp khó khăn. Người
có mặt khi chúng ta vui cũng như lúc buồn phiền. Người hiện diện khi chúng ta
cô đơn và bí lối. Người ở đó và chuẩn bị bữa cơm tình thương rồi mời chúng ta
cùng ăn với Người. Người biết rõ các nỗi yếu đuối, các cơn hoạn nạn, những lần
chúng ta ngã gục, những giây phút chán nản, khiến chúng ta thất vọng…
Tóm lại, trong mọi khoảnh khắc của
cuộc đời Người vẫn có mặt. Người đứng đó chờ đợi lời đáp trả của chúng ta trước
câu hỏi “anh chị em có yêu mến Chúa không?” Người hiện diện và biết chúng ta
yêu mến Chúa nên Người đã cho phép chúng ta thừa hành nhiệm vụ của Người trong
vai trò của người mục tử nhân lành, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì yêu.
Vì thế, dựa vào hoàn cảnh cá biệt
của từng cá nhân, Chúa đã bộc lộ tình thương và sự chăn dắt của Người dành cho
chúng ta. Giờ đây, theo gương Người, chúng ta cũng được mời gọi ra đi, đến với
anh chị em trong hoàn cảnh của họ mà thể hiện tình yêu thương và sự chăm nom của
chúng ta dành cho họ; nhất là những người nghèo đói yếu đuối, đau khổ, lạc lối
hoặc đang gặp rắc rối.
Hãy chăm sóc nhau như Chúa đã từng
chăm sóc cho chúng ta. Amen! Alleluia.
No comments:
Post a Comment