Thursday, 30 April 2020

TRONG CHÚA, CUỘC SỐNG THẬT DỒI DÀO.



Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng chúng ta suy niệm hôm nay là phần đầu của diễn từ ‘Chúa Chiên Lành’ trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Trong phần này, Đức Giê-su đã dựa vào một thực tại mà những người Do Thái đều có kinh nghiệm, đó là nghề chăn chiên và công bố Người là cửa ràn chiên và con chiên nào ở trong ràn chiên của Người thì có sự sống, và cuộc sống của chúng thì thật phong phú và dồi dào.

Nhưng mỗi khi nói đến chiên thì bản thân tôi gặp nhiều khó khăn. Tôi chưa hề chăn chiên, cho nên cũng chẳng biết sinh hoạt của chiên như thế nào. Chiên vẫn là những con vật rất xa lạ. Ít ai trong chúng ta có kinh nghiệm về việc chăm sóc và nuôi dưỡng chúng. Vì thế, để hiểu rõ ý nghĩa của bài Tin Mừng này, chúng ta cùng nhau đặt mình trong bối cảnh và nền văn hoá mà trình thuật này được viết ra, đó là cùng nhau quay lại nền văn hóa của những người sống cùng thời với Đức Giê-su để tìm hiểu cách thức chăn chiên của họ.

Căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ: những người chăn chiên thường xuyên ở với ràn chiên. Nhiệm vụ của họ vô cùng vất vả. Vào mùa nắng, họ phải dẫn chiên đi đến những đồng cỏ tốt; và khi mùa đông đến ông phải tìm chỗ cho chiên trú ẩn; ông còn phải học để săn sóc cho các con chiên bị thương tích.

Hàng ngày họ chia sẻ sinh hoạt và cuộc sống với nhau tại các nơi hoang vắng, ít người qua lại. Họ chỉ có nhau chứ không có gì chung quanh, và chính nhờ vào yếu tố riêng biệt và lối sống chung này nên những người chăn chiên thường có một mối giây tương quan mật thiết với từng con chiên trong ràn. Do đó, ngày qua ngày, họ học để biết rõ từng con chiên, và các con chiên trong cùng một ràn cũng nhận biết tiếng nói của người chăn, và dễ dàng phân biệt tiếng của họ với tiếng của người khác.

Mỗi ngày, chiên được dẫn đến các sườn đồi để gặm cỏ, dưới sự giám sát của những người chăn chiên. Khi màn đêm buông xuống, các con chiên theo ràn được dẫn về đồng cỏ, được rào cẩn thận để canh giữ chiên; và thông thường chỉ cần để lại một người gác cổng để trông chừng. Đến sáng hôm sau, các người chăn chiên đến triệu tập chiên thuộc ràn của mình và dẫn chúng đi. Chiên nào theo ràn ấy. Chúng không phải là những con vậy ù lỳ và ngu ngốc như chúng ta tưởng, chúng học và nhận ra tiếng người lạ để trốn chạy, trái lại chúng nghe và làm theo tiếng gọi của người chăn nuôi chúng. Như vậy, có một mối quan hệ tin cậy giữa người mục tử và từng con chiên trong ràn mà người đó có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ.

Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã dựa vào kinh nghiệm thực tế trong việc chăn chiên để loan báo rằng Người không chỉ là người chăn chiên mà còn là cánh cửa để chiên ra vào nữa. Người chính là cửa, là đường để chiên đi vào đồng cỏ. Tại nơi đó, từng con chiên và cả ràn chiên sẽ có một cuộc sống thật phong phú.

Sứ điệp của Đức Giê-su công bố quả rõ ràng. Ngày nay ai trong chúng ta lại không hiểu ngay ý của Người; thế mà những người Do Thái đang nói chuyện với Đức Giê-su trong trình thuật hôm nay lại không hiểu. Họ không hiểu ý của Người, bởi vì họ không muốn đón nhận Người.

Còn Đức Giê-su, khi loan báo như thế, Người có ý cho chúng ta nhận ra sự khác biệt giữa người chăn chiên và kẻ trộm cướp. Người chăn chiên chăm sóc, bảo vệ và quan tâm đến sự sống của chiên, còn kẻ trộm cướp thì hủy diệt. Người chăn chiên dắt chiên từ cửa để ra và vào ràn, còn kẻ trộm cướp thì không làm như thế, chúng vượt rào để ăn cắp chiên.

Trong nhiệm vụ của người chăn chiên, Đức Giêsu chỉ có một mối bận tâm duy nhất, đó là làm cho các con chiên sống bằng sự sống của Thiên Chúa, cuộc sống của các con chiên trong ràn thuộc về Người càng ngày càng dồi dào và phong phú hơn. Cuộc sống phong phú của các con chiên không lệ thuộc vào số lượng, sự giầu có, thành công hay được người khác tán thưởng và công nhận; nhưng cuộc sống phong phú mà chúng ta nói ở đây là một cuộc sống có chất lượng như Đức Giê-su đã làm gương. Điều mà Đức Giê-su đã sống và muốn dậy chúng ta theo gương Người là: quan tâm, yêu thương, ban phát, lo lắng, bảo vệ, săn sóc cho những người thuộc về Người, cho những ai mà Chúa Cha đã ban cho Người.

Thưa anh chị em,

Khi suy niệm về bài tin mừng hôm nay, tôi nhớ đến Thánh vịnh 23. Qua đó tác giả đã ngợi ca sự quan tâm săn sóc của Thiên Chúa và ông ta không còn thấy thiếu gì nữa. Một cuộc sống thật dồi dào được tặng ban cho những ai thuộc về ràn chiên của Ngài. Và những ai thuộc về ràn chiên của Người thì chẳng thiếu thốn gì. Có Chúa làm gia nghiệp thì quá đủ cho chúng ta rồi.

Hơn thế nữa, mối tương quan giữa Chúa là mục tử trong Thánh vịnh còn làm nổi bật giá trị của các mối quan hệ giữa con người với nhau. Vì thế, danh hiệu mục tử cũng được dùng để gọi tất cả những ai noi gương và bắt chước sự tận tụy, hy sinh, bao bọc của Thiên Chúa; Đấng luôn quan tâm và lo lắng cho dân của Ngài được an vui và hạnh phúc.

Vì thế, các nhà lãnh đạo trong dân về đời cũng như đạo đều được gọi là mục tử. Mục tử tốt lo cho đoàn chiên. Mục tử xấu lợi dụng chức vụ để thu lợi cho mình thì có ai nghe theo bao giờ! Nếu có người hùa theo thì cũng vì lợi nhuận; đến khi tan đàn thì lại cấu xé nhau. Tuy nhiên, chỉ có mình Chúa Giê-su phục sinh là vị mục tử nhân hậu. Tất cả chúng ta là cộng sự của Người. Muốn hoàn tất sứ mạng được trao phó, trong vị trí riêng của từng người, chúng ta được mời gọi kết hợp với Chúa là đấng chủ chăn duy nhất, là mục tử nhân hậu. Còn chúng ta tuy được ban tặng cho danh hiệu đó; nhưng chúng ta vẫn còn và luôn luôn là những con chiên trong ràn chiên của Chúa.

Hẳn anh chị em còn nhớ khi trao quyền cho Thánh Phê-rô, Chúa Phục Sinh đã 3 lần hỏi Phê-rô có yêu mến Người không. Và cũng 3 lần Người nói hãy chăn dắt các chiên của Thầy. Chiên thuộc về Chúa còn Phê-rô chỉ là người cộng tác. Ý thức và biết rõ nhiệm vụ cũng như vị trí của mình, nên Thánh Phê-rô đã chia sẻ như sau: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ. Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.” (1Pet 5:2-4)

Dựa vào các điểm nói trên, chúng ta nhận ra rằng người chăn chiên nhận công tác chăm sóc ràn chiên từ ông chủ. Và ông ta cần chu toàn tốt công việc mà chủ đã trao phó. Vì thế, người chăn chiên tốt là người biết bảo vệ ràn chiên cho chủ. Ông vẫn chỉ là người chăn thuê. Chiên không thuộc về tài sản của ông.

Tóm lại, chỉ mình Đức Giê-su là Đấng chăn chiên tốt lành, nhân ái và thiện hảo. Cả thế giới và mọi người sống trong đó là ràn chiên thuộc về tay Người. Người đã chết để bảo vệ và trao ban cho ràn chiên sự sống, một cuộc sống phong phú và dồi dào; và không ai có thể lấy mất được.

Còn chúng ta, mỗi người đều là những người chăn dắt ràn chiên, nhỏ hay lớn, trong gia đình, ngoài xã hội, hay trong bất kỳ một cơ cấu hay tổ chức nào mà Thiên Chúa trao phó. Nói cách khác, khi chúng ta được mời gọi chăm sóc, hướng dẫn, nuôi sống và bảo vệ cuộc sống của người khác là lúc chúng ta thực hiện nhiệm vụ mục tử. Các công việc đó không chỉ là hành động mà còn được phát xuất từ mối quan hệ yêu thương và quan tâm của chúng ta dành cho nhau. Cao cả và khó khăn.

Chúng ta không thể nào chu toàn trọn nhiệm vụ cao cả của mình, nếu không sống theo gương mẫu của Người Chăn Chiên duy nhất là Đức Ki-tô, Đấng đã chấp nhận mọi đau khổ, và sẵn sàng hy sinh thân mình để mở cánh cửa và ban cho các con chiên trong ràn được một cuộc sống phong phú và tràn đầy. Còn chúng ta, ngày hôm nay, trong nhiệm vụ đã được trao phó, cũng phải sống sao cho vơi đi những đau khổ mà thế gian đang phải gánh chịu mà làm cho cuộc sống của người khác được thăng hoa hơn.  

Cầu chúc anh chị em chúng mình có thể chu toàn ơn gọi đã được kêu mời, tiếp tục ra đi và làm như Chúa Chiên Lành đã làm. Amen!

Wednesday, 22 April 2020

EM-MAU, ĐƯỜNG ĐI KHÔNG ĐẾN!




Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại hành trình của hai môn đệ đi về Em-mau. Người ta vẫn chưa biết đích xác địa danh Em-mau ở đâu. Địa danh này có thể ám chỉ điểm đến của một hành trình không lối thoát mà các môn đệ và chúng ta ngày nay đang hướng đến. Một lộ trình của những người thất vọng thì làm gì có chủ đích. Em-mau là nơi đi để trốn thoát. Em-mau là bất cứ nơi nào chúng ta đi để làm cho mình quên đi các phiền muộn vì đời đã xẩy ra quá nhiều chua cay, đau xót và chán chường. Tai ương, chiến tranh, ôn dịch như đại dịch Coronavirus; rồi đến các phiền muộn của đời thường như: ốm đau, bệnh tật, mất việc, làm ăn thua lỗ luôn làm chúng ta chưa hết cái lo này đến cái lo khác. Tất cả làm cho chúng ta thất vọng. Muốn buông xuôi. Mặc cho dòng đời đưa đẩy.

Hai môn đệ ngày xưa cũng thế, với những bước chân lê thê, diễn tả tâm trạng chán chường đến độ ngay cả khi Chúa Giêsu đi dọc đường với họ mà họ cũng chẳng nhận ra Người.

Trước đây, trên hành trình theo Chúa, họ đã nhìn nhận Người là một ngôn sứ đầy uy thế. Họ không sai lầm khi đã đặt trọn niềm hy vọng rằng chính Người là đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Thế mà Người lại chết, và cho đến nay đã sang ngày thứ ba rồi chúng tôi cũng chẳng thấy gì, ngoại trừ tin từ mấy người đàn bà ra thăm mộ về báo rằng không còn thấy xác của Thầy đâu nữa. Tin này đổ dập tin kia làm cho họ càng hoang mang thêm. Niềm hy vọng đã bị họ chôn vùi vào trong ngôi mộ của Chúa. Thế là hết!

Sau cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, họ cảm thấy đã mất tất cả. Họ đã mất thời gian và nỗ lực trong mấy năm qua, giấc mơ đã tan thành mây khói. Họ cần làm lại từ đầu. Họ cần có dự án về cuộc sống ở tương lai. Thế mà, thật là thú vị khi chúng ta khám phá ra một chi tiết là hai môn đệ vừa đi vừa nói về những gì vừa xẩy ra cho Đức Giê-su. Dù họ cảm thấy những việc vừa xẩy xa hoàn toàn nằm ngoài dự tính. Nhựng họ vẫn đang vật lộn để có mối quan hệ với Chúa. Họ vẫn khao khát tìm kiếm một lời giải thích cho tất cả sự việc vừa mới xẩy ra.

Chúa Giê-su bắt đầu mời họ chia sẻ với Người về câu chuyện đời của họ. Và bằng cách lắng nghe câu chuyện của họ, Chúa Giê-su bước vào thế giới của họ. Sau đó, Người tiến thêm một bước xa hơn bằng cách nói cho họ câu chuyện của đời Người. Và khi nghe câu chuyện của Đức Giê-su, đôi mắt của họ được mở ra, trái tim họ tràn đầy niềm vui, lòng họ rộn ràng đến độ muốn được nghe tiếp câu chuyện của người lữ khách đang kể. Cho nên họ đã mời người lữ khách ở lại với họ. Cũng trong giây phút đó, họ nhận ra Chúa Giê-su trong thân xác đã trải qua đau khổ, bị giết, giờ đã sống lại, hiện diện và đồng hành với họ. Ngay lúc đó, họ đọc câu chuyện về Chúa Giê-su bằng một lăng kính mới, lăng kính được Thần khí và sức mạnh của Đấng Phục Sinh soi sáng.

Cuộc sống của chúng ta bằng cách nào đó giống như con đường đến Em-mau. Tại một nơi nào đó, Chúa Phục Sinh đang đợi chúng ta, có thể Người đang đợi chúng ta ở một khúc quanh nào đó trong cuộc đời mình, để an ủi làm vơi đi nỗi buồn phiền, chia sẻ để cất đi gánh nặng và chiếu cho chúng ta một luồng sáng. Nhưng, dường như chúng ta quá bận rộn với hoài bão và ước mơ của riệng mình, bận rộn với đủ thứ công việc, rồi chẳng còn nhậy bén để nhận ra con người đang cùng đi với chúng ta là Chúa nữa.

Đôi khi chúng ta không tìm thấy Chúa vì chúng ta khốn khổ. Cuộc sống thường chứa đầy đau khổ. Chúng ta không nên giảm thiểu sự phiền muộn của hai môn đệ. Trong lúc này, họ dường như muốn quên đi tất cả những gì mà họ đã trải qua với Chúa Giêsu. Người đã chết. Tất cả chỉ là hoài niệm của quá khứ. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không từ bỏ họ và chúng ta. Thiên Chúa kêu gọi họ, giữa hoang mang và buồn phiền, giữa mất mát và đắng cay, ngay trong nỗi tuyệt vọng, Ngài kêu gọi và giúp họ hòa giải với những gì đã xảy ra.

Nếu chúng ta kiên nhẫn, theo dòng thời gian chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa mới của đau khổ, ngay ở giữa đoạn trường. Chúng ta không được lùi bước, cần quyết tâm, nỗ lực và phải làm việc chăm chỉ hơn.

Thưa anh chị em,

Câu hỏi mà bài Tin Mừng đặt ra cho chúng ta hôm nay là liệu chúng ta có sẵn sàng mở ra để nhận biết và đón nhận người khác vào trong cuộc đời mình hay không? Với tâm tình quảng đại và lòng hiếu khách, chúng ta đón nhận nhau như chính Chúa hằng đón nhận chúng ta. Và, bằng các cử chỉ thân thiện để chia sẻ, để trao ban chúng ta làm chứng cho sự hiện của Chúa Giê-su Phục Sinh bằng chính cuộc sống mình. Với những thái độ này, chúng ta sẽ làm chứng ​​rằng Chúa Giêsu thực sự hiện diện ở giữa chúng ta.

Trở về với tình hình thực tế của thế giới vào năm 2020 này. Dù đại dịch coronavirus vẫn làm chúng ta sống trong hoang mang, lo sợ và không biết tương lai rồi sẽ ra sao? Tất cả vẫn là một biến số. Không ai biết trước việc gì sẽ xẩy đến. Những người mình gặp hôm nay đã bị nhiễm bịnh và truyền sang mình hay chưa? Họ là khách lạ hay người thân mà chúng ta cần phải quan tâm? Tất cả vẫn là những câu hỏi mà các kẻ tin cần có đáp án.

Nhưng, có một điều, chúng ta tin rằng Chúa Giê-su vẫn trên đường, cùng đi một lối trên hành trình của chúng mình. Người không chỉ hiện diện trong giai đoạn này, Người vẫn thường nói với chúng ta qua các biến cố và giải thích cho chúng ta về những gì đang xảy ra. Người mời gọi chúng ta hãy kiên tâm, hãy mở ra để đón nhận.

Trong tâm tình đó, những lời của Người nói, cử chỉ chia sẻ và trao ban của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay chạm đến trái tim chúng ta, cho chúng ta can đảm, kiên tâm, hy vọng và tiếp tục kéo chúng ta lại gần Chúa và gần với nhau nhiều hơn nữa, nhất là trong giai đoạn chúng ta không thể tụ họp nhau như một cộng đoàn để cử hành các nghi thức phụng vụ. Tuy nhiên, bằng cách sống chúng ta vẫn có thể làm những việc như: “Cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao ban cho nhau” mà làm chứng cho sự hiện diện của Người, Đấng đã Phục Sinh và cùng sống với chúng ta.

Như vậy, bất cứ tại nơi nào mà chúng ta lắng nghe Lời Chúa và cùng nhau chia sẻ bữa tiệc lòng mến thì có Chúa hiện diện, không hẳn chỉ tại các nơi thờ phượng. Thiết yếu là niềm tin và lòng mến mà chúng ta noi gương Đức Giê-su sẵn sàng san sẻ cuộc đời cho nhau thì sẽ gặp Chúa. Amen!

Friday, 17 April 2020

CHÚA SỐNG LẠI, CÒN ĐẦY THƯƠNG TÍCH.



Anh chị em thân mến,

Bầu trời ảm đạm và thê lương vẫn đang bao phủ cuộc sống của chúng ta. Đại dịch Corona-virus vẫn là một biến số khiến chúng ta không biết xoay sở thế nào. Covid-19 đã và đang tạo một sức ép cho cuộc sống của mỗi cá nhân và toàn thế giới. Chúng ta thử nhìn xem mức độ tai hại mà nó gây ra. Hầu như toàn bộ các quốc gia đã đóng cửa, các cơ sở giáo dục đã gửi học sinh về nhà và theo học các lớp học trực tuyến, các nhà thờ cử hành các nghi thức phụng vụ trực tuyến. Dân chúng được yêu cầu ở nhà, không được tiếp xúc hay chạm vào nhau để tuân theo qui định ‘giữ một khoảng cách an toàn’ hầu ngăn ngừa mức lây nhiễm của bịnh dịch.

Hơn một thế kỷ qua, kể từ khi xẩy ra nạn dịch cúm vào năm 1918 đến giờ, thế giới chưa trải qua một thời kỳ nào đáng sợ đến như thế. Nhất là trong bối cảnh của một thời đại tiến bộ như chúng ta đang có hiện nay. Nhân loại đã chinh phục và bước ra khỏi mặt đất để thám hiểm các hành tinh khác. Chính vì sự tiến bộ này, con người ngày nay có thể hãnh diện về những thành tựu mà con người đã đạt được. Và cũng vì thế mà chúng ta dễ dàng quên đi thân phận mỏng dòn, yếu đuối và dễ vỡ của con người. Chúng ta tưởng như là mình có thể kiểm sóat được cuộc sống mình bẵng nỗ lực và thành tựu của cá nhân. Chính vì thế, những gì xẩy ra ngoài dự liệu thì khó được chấp nhận và làm cho con người sinh ra chán nản và lo âu nhiều hơn.

Điều khiến chúng ta lo âu là không biết tình hình này kéo dài cho đến bao giờ. Có một số nơi, người ta tưởng chừng như đã khống chế được sự lây lan; vì thế thả lỏng cho bà con dễ thở; ai ngờ con số bị lây nhiễm lại tăng lên. Không ai trong chúng ta, kể cả các nhà lĩnh đạo chính phủ và các bác sĩ có thể tiên liệu khi nào dịch cúm sẽ bị khống chế. Hẳn nhiên là chúng ta đang mong chờ từng giây, từng phút cho đến khi nhân loại có thuốc chủng.

Niềm lo âu và hoảng sợ này khiến chúng ta nhớ lại tâm tình của các môn đệ sau khi đứng ở đàng xa coi trực tuyến cảnh Thầy mình bị đóng đinh. Có ông nào dám đến gần để tham dự đâu! Chúng ta hiểu và đồng cảm với nỗi lo sợ của các môn đệ. Ông nào cũng có hoài bão và tham vọng riêng. Chúng ta không nên kỳ vọng và biến họ thành thần tượng để rồi mất đi niềm cảm thông về cách cư xử mang thật tính người của họ. Họ không thể vì theo Chúa mà mất đi bản tính riêng. Họ đến với Chúa bằng con người thật với những ước mơ rất thật của họ. Thế giới mà họ ước mong được chia phần đã sụp đổ và thế giới đó còn chống lại các môn đệ nữa. Cho nên, họ sợ người Do Thái, và có thể họ còn sợ Chúa sẽ khiển trách họ về cách cư xử như nộp Người và trối Chúa của một số người trong nhóm họ nữa.

 Trong nỗi hoang mang và lo sợ của các môn đệ, Chúa đã đến. Người đã không đến để khiển trách các ông. Việc đầu tiên Người làm là chúc bình an cho các môn đệ. Đây không phải là lời chúc mà thôi. Thật ra đó là hông ân của Chúa Phục Sinh dành cho các môn đệ. Chúng ta cũng thường chúc cho nhau được bình an. Nhưng lời chúc của chúng ta thường diễn tả một ước vọng, trong khi đó lời chúc của Chúa Phục Sinh hôm nay diễn tả một sự trao ban. Người không chỉ chúc một lần, nhưng đã lập lại lời chúc ‘bình an cho anh em’ đến ba lần.

Đó chính là ân huệ đầu mùa của Chúa Phục Sinh dành cho các môn đệ. Không ai hiểu trò bằng thầy. Đức Giê-su thấu hiểu lòng trí hoang mang và các nỗi sợ hãi của các môn đệ, cùng nhau co rúm và trốn trên lầu vì sợ người Do Thái. Vì thế họ cần được bình an để thoát khỏi nỗi âu lo này. Hơn nữa, tâm hồn và lòng trí của các môn đệ cũng cần được thanh thản, bình an, ổn định để nhận ra người đang hiện diện với các ông là Chúa Giê-su, người thầy yêu dấu của họ. Trong lúc lĩnh nhận ơn bình an này các môn đệ cũng hiểu rằng họ cũng được mời gọi trao ban cho người khác điều mà họ vừa lĩnh nhận, nghĩa là trở thành sứ giả bình an cho nhân loại. Hy vọng, việc trao đổi bình an trong các nghi thức phụng vụ đạt đến tầm mức này. Đó không chỉ là lời chúc dựa trên ngôn từ mà thôi; nhưng thật ra là việc chia sẻ bình an của Chúa Phục Sinh cho nhau.

Trở lại hoàn cảnh thực tế của nạn đại dịch mà chúng ta đang phải đối diện, hẳn nhiên không ai trong chúng ta có thể nói là mình không lo sợ hay cuộc sống lại không bị xáo trộn. Vẫn biết là như thế, nhưng là người tín hữu; nhất là với niềm xác tín rằng Chúa đã đến để cất đi nỗi hoang mang, lo sợ của các môn đệ và ban cho họ ơn bình an thế nào; thì ngày nay, Người cũng sẽ làm cho chúng ta được như thế.

Vì thế, trong niềm hiệp thông, chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân của đại dịch. Trong tình liên đới chúng ta san sẻ nỗi đau buồn với gia đình họ và những ai không vượt qua được áp lực do Covid-19 gây ra về tinh thần lẫn vật chất. Và trong niềm hy vọng, chúng ta xác tín rằng Chúa sẽ đến để cứu chúng ta thoát khỏi cơn hiểm nghèo do đại dịch gây ra.

Thưa anh chị em,

Sự tác hại gây ra bởi đại dịch sẽ không dập tắt niềm hy vọng của chúng ta vào Chúa Phục Sinh, Đấng đang hiện diện và trao ban sứ điệp bình an cho chúng ta. Đây chính là ân huệ đầu mùa mà Chúa Phục Sinh đã trao ban cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.

Tin vào Chúa Phục Sinh, không chỉ là Đấng cầm cờ chiến thắng, uy nghi, khải hoàn tiến về Thiên Quốc trong tiếng hò reo; mà vẫn là Đấng mang đầy thương tích như Lời Người đã phán trong trình thuật Tin Mừng hôm nay rằng, Tô-Ma, anh hãy đặt ngón tay vào vết thương này, và hãy nhìn xem lỗ đinh trên tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào vết thương ở cạnh sườn Thầy. Tất cả đều là thương tích và dấu vết trên thân xác Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh, bị treo trên Thập Giá cho đến chết, nay Người đã sống lại và đang đồng hành và hiện diện với chúng ta. Và sau đó, như Tô-Ma, chúng ta được mời gọi “đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”

Tin vào mầu nhiệm Phục Sinh đem đến cho chúng ta sự an bình để đối diện và chấp nhận mọi thương tích. Đức Ki-tô đã sống lại không phải để cất đi các nỗi đau khổ, những vết thương của con người. Người đã đến bằng chính dấu đinh, vết thương mà thế giới đang phải gánh chịu. Vết thương luôn vẫn là vết thương.

Thế giới của chúng ta đầy những vết thương. Vết thương do đại dịch Covid-19 đã giết đi bao nhiêu sinh mạng, khiến cho thân nhân của họ bị tan nát cõi lòng; chưa kể đến niềm đau thương còn kéo dài trên cuộc sống của những người thất nghiệp, các trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, v.v…

Trước hiện tình của thế giới đầy thương tích như thế, làm sao người tín hữu có thể nhắm mắt, làm ngơ trước những vết thương của tha nhân rồi tuyên xưng, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Cho dù, họ có nói trăm lần, vạn lần thì lời tuyên xưng đó cũng chỉ là tuyên xưng bằng môi miệng. Con người cần chạm vào những vết thương của nhau, và đó là việc làm cần thiết cho một đức tin đúng theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay.

Như vây, khi đối diện với các thương tích gây ra bởi Covid-19, chúng ta tuy còn hoang mang và lo sợ; nhưng nỗi niềm lo sợ đó không làm cho chúng ta quên đi ân huệ bình an mà Chúa dành cho những ai tin cậy ở nơi Người. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần hãnh diện về niềm tín thác: đó là tuy sống giữa tâm bão, nhưng không ai trong chúng ta đánh mất niềm hy vọng vì ‘bình an của Chúa ‘ vẫn đang ở cùng chúng ta.

Bình an là sứ mạng mà Đức Ki-tô Phục Sinh đã đem đến, chúng ta hãy ra đi mà an ủi và tạo cho nhau niềm hy vọng vào Chúa Phục Sinh, Đấng vẫn đồng hành và ban cho muôn dân muôn nước ơn bình an để trải qua kiếp nạn đại dịch này.

Đức Giê-su, với các dấu đinh và các vết thương còn trên thân xác, đã chết thật. Nay Người đã sống lại thật rồi anh chị em ơi! Và bình an của Chúa Phục Sinh luôn mãi ở cùng chúng ta. Alleluia, Alleluia!


Friday, 3 April 2020

PHỤC SINH, NGUỒN HY VỌNG CHAN CHỨA. ALLELUIA!




Anh chị em thân mến,

Để đáp ứng với tình hình lây nhiễm do nạn đại dịch Covid-19 gây ra, năm nay chúng ta không thể cùng nhau tụ họp tại nhà thờ để cử hành các nghi thức phụng vụ trong tuần Thương Khó, tưởng niệm sự chết và hân hoan mừng sự sống lại của Đức Giê-su. Đây quả là một mất mát! Một tập tục, một thói quen đạo đức trong cuộc sống bị đảo lộn khiến chúng ta cần thời gian để điều chỉnh sao cho phù hợp. Ngay trong lúc này, tất cả còn quá sớm để tìm ra một giải pháp thích hợp cho mọi người. Kiên nhẫn, cởi mở, thành thật, tạo cho nhau cơ hội để diễn tả lòng nhân ái và nhất là những giây phút thinh lặng trong thời gian này để với mối dây hiệp thông, chúng ta, những kẻ tin sẽ gặp Chúa ngay trong cơn bão mà Covid-19 gây ra.

Những gì mà chúng ta đang phải đối diện hôm nay cũng là tâm tư mà các môn đệ đã trải qua năm nào. Thế giới của họ bị đảo lộn. Những ước muốn của họ khi theo Chúa đột nhiên phải thay đổi. Các môn đệ mất phương hướng. Thay vì lo sợ hậu quả do đại dịch gây ra, các môn đệ trốn chạy và ẩn núp vì sợ bị vạ lây bởi mối quan hệ thầy trò với Đức Giê-su. Thầy mình còn bị đóng đinh, phương chi chúng mình? Biết đâu chúng mình sẽ là thành phần kế tiếp bị săn lùng. Đó là thời điểm đen tối nhất trong lịch sử cứu độ. Dưới con mắt của các môn đệ, tất cả dường như đã đi vào ngõ cụt. Tâm tình của một con người không tìm được lối thoát cũng đã được Đức Giê-su bộc lộ khi Người lên tiếng than van “Lậy Thiên Chúa, Lậy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46) Thật ra Thiên Chúa có bỏ rơi Người đâu, nhưng trong nỗi thống khổ tột cùng khi bị thế gian phản bội, các môn đệ chạy trốn đã khiến Đức Giê-su thốt lên lời than van lo sợ đến thế. 

Nhớ lại hoàn cảnh và tâm tư của các môn đệ khi xưa giúp chúng ta nhận ra một điều là những gì mà chúng ta đang phải đối diện chưa hẳn là một ngõ cụt, không lối thoát. Nhìn vào hoàn cảnh thực tế để bồi dưỡng niềm tin vào Chúa, tăng cường niềm hy vọng vào sự can thiệp của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương thế gian đến độ sẵn sàng trao ban người Con duy nhất cho thế gian!

Với niềm tin và khí cụ của lòng mến, chúng ta bước đi trong hy vọng vì biết rằng đau khổ và cái chết không phải là điểm kết thúc sứ vụ của Đức Giê-su. Trái lại,  qua sự chết Đức Giê-su được siêu tôn ngự bên hữu Thiên Chúa. Đó chính là mầu nhiệm đã được tỏ bầy mà Thánh Phao-lô đã tiếp nhận và trung thành trong việc rao giảng rằng: nếu Ðức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng..., chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (1Cor 15: 14 và 19b)

Như Thánh Phao-lô, trong mọi thời, nhất là trong giai đoạn này chúng ta cần làm chứng, không chỉ qua các nghi thức phụng vụ, mà là cuộc sống của mình về mầu nhiệm cao cả trong đạo, Mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cần thành thật với nhau rằng, không chỉ một lần, mà biết bao nhiêu lần chúng ta đã công bố và chia sẻ Tin Mừng Phục Sinh cho nhau; nhưng có mấy khi và mấy ai cảm nhận được ý nghĩa và hiệu quả của biến cố đó trong đời mình, nhất là trong giai đoạn đầy khó khăn như chúng ta đang phải đối diện!

Thưa anh chị em,

Đau khổ và thập giá là chìa khóa giúp ta buớc vào sự sống. Chúng ta không cần đi tìm thập giá hay đau khổ. Đó là phần của cuộc sống hay cuộc sống sẽ sản sinh ra đau khổ và thập giá. Tuy nhiên, tôi cũng đã gặp các bạn trẻ, công thành danh tọai, tuơng lai sáng ngời nói rằng họ chưa thấy đau khổ. Dù im lặng, nhưng trong thâm tâm tôi tự nói ‘đừng vội kết luận như thế, cứ chờ mà xem rồi sẽ thấy’. Một lúc nào đó, bạn hay tôi bị vuớng phải căn bịnh hiểm nghèo, tai uơng, tai nạn xe cộ, bị bồ đá, bị phản bội, cô đơn, trầm cảm, cháy nhà, mất trộm… và các tai ương khác chẳng một ai muốn nó xẩy đến cho mình, thế mà nó vẫn xẩy ra, không sao kể hết! Hãy nhớ rằng Đức Giêsu cũng xin Chúa Cha cất đi các đau khổ - xin cho con khỏi uống chén này. Thế mà Thập Giá vẫn cứ đuợc đem đến cho Người.

Làm thế nào để chấp nhận đuợc các điều mà chúng ta gọi là Thập Giá?

Thưa anh chị em,

Việc đón nhận đau khổ thật không dễ dàng. Cách đón nhận của chúng ta rất khác nhau, tùy theo tâm tính, hòan cảnh cuộc sống. Một lần kia, trong lúc đi thăm bịnh nhận trong các nhà duỡng lão. Có bà cụ kia, ngồi trên xe lăn, mặt đang nhăn nhó vị bị cơn đau hành hạ. Lại có một hội viên Legio đã đến an ủi bà “Xin bà hãy dâng các đau khổ bằng cách nhìn vào guơng của Chúa, đang đau khổ và quằn quại trên Thập Giá.” Bà cụ nhà mình thản nhiên đáp lại “Thưa chị, Chúa chỉ ở trên đó có 3 tiếng đồng hồ thôi, chị ạ.” Rõ khổ, khuyên với răn; cứ kiểu khuyên dậy đời như thế này thì làm khổ người bịnh hơn là giúp đỡ.

Im lặng và đồng cảm với nỗi đau của nhau có thể là một giải pháp?

Im lặng để chấp nhận một sự thật rất hiển nhiên là đau khổ là phần của cuộc sống mà không một ai trong chúng ta có thể thóat được. Trước khi chấp nhân đuợc điều này, chúng ta sẽ trải qua các giai đọan khác như chán nản, chối bỏ, tức giận… và các câu hỏi như tại sao chuyện này có thể xẩy ra cho tôi? Tôi không thể chấp nhận! Sau cùng mới là việc chấp nhận. Bởi vì, nếu không chấp nhận thì tôi sẽ làm gì hơn. Đàng nào thì chuyện cũng đã xẩy ra rồi. Dù chối bỏ, đau khổ cũng đã xẩy ra.

Đồng cảm là một hình thức chia sẻ hữu hiệu nhất mỗi khi gặp đau khổ. Đừng áp đặt sự bực tức gây ra bởi đau khổ mà mình đang phải gánh chịu cho người khác, nhất là những người thân của mình. Họ cũng đang trải qua các khó khăn khác. Hãy cùng với nhau vác thánh giá.

Trong nghi thức tôn kính Thánh Giá vào chiều ngày thứ sáu Tuần Thánh hàng năm. Tôi vô cùng ngưỡng mộ khi toàn thể mọi người trong cộng đoàn, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai cấp lần lượt xếp hàng thật trang nghiêm và kính cẩn tiến lên hôn Thánh Gía Chúa. Trong lúc ngắm nhìn họ, tôi thầm cầu cho họ và tôi biết hôn kính thánh giá bằng xuơng bằng thịt mà Chúa gửi đến cho chúng ta. Đó là những việc làm cụ thể để diễn tả tâm tình đạo đức mà chúng ta vừa cử hành.

Muốn đạt được ước nguyện đó, chúng ta phải chết cho bản tính và cái tôi của mình thì sự sống của Chúa sẽ được biểu hiện trong tôi. Chúa sống thực sự và hiện diện trên mọi nẻo đuờng của cuộc sống, ngay cả lúc tôi bất trung và bội uớc. Chúa vẫn không lìa xa tôi. Nguời vẫn sống, thật thầm lặng – như hạt lúa gieo âm thầm, mục nát – chờ ngày trổ sinh hoa trái.

Đây không phải là điều mà chúng ta đạt được. Nhưng đó là quà tặng nhưng không của Thiên Chúa ban cho từng người, tùy thuộc vào hòan cảnh khác nhau mà trong một khỏanh khắc nào đó, họ biết rằng Chúa Phục sinh và đang sống trong đời họ. Đó là ân huệ nhưng không của Chúa Thánh Thần. Chính Thần Khí của Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô chỗi dậy. Người không tự chỗi dậy mà Thánh Thần làm cho Người chỗi dậy. Và cũng chính Thần Khí của Chúa Phục Sinh sẽ sống và hoạt động thật mãnh liệt trong ta.

Thưa anh chị em, nhân loại đang đợi chờ Ánh Sáng Phục Sinh. Thế giới hiện đang bị ảnh hưởng bởi nạn đại dịch Covid-19 gây ra. Không chỉ có thế, vẫn còn những người đang phải đối diện với những bi kịch của đời sống, họ đang cần đến ánh sáng. Vậy, hãy can đảm, với Ánh Sáng Phục Sinh, chúng ta buớc vào những ngõ cụt của dòng đời, đi đến hang cùng ngõ hẻm để gặp những nguời bị ‘bó tay’ mà làm chứng cho họ biết rằng Chúa nay thật đã Phục Sinh! Alleluia. Người không chết nữa. Người đang sống và chờ đợi chúng ta tại Ga-li-lê, nơi Thầy đã chia sẻ cuộc sống khi thi hành sứ vụ mà Cha đã trao phó.

Lối sống chứng nhân này đã xuất hiện qua từng giai đoạn của lịch sử. Nhìn lại chúng ta phải hãnh diện và nhớ đến những gương hy sinh của các tín hữu đã xuất hiện trong các tuyến đầu để phục vụ các bịnh nhân gây ra bởi dịch bệnh. Không chỉ có thế, còn biết bao nhiêu bịnh viện khẩn cấp được dựng nên bởi các kẻ tin để chăm sóc cho người bịnh. Lòng can đảm, gương hy sinh quên mình chỉ nghĩ đến những người cùng khốn là nhân chứng tình yêu của Đấng đã hy sinh thân mình vì nhân loại, nay Người đang sống qua lối sống của các chứng nhân qua các thời đại như thế.

Vì thế, hãy mạnh dạn ra đi, từ bỏ, chia sẻ, thậm chí sẵn sàng hy sinh cho đến cùng để hoàn tất sứ vụ đã được trao ban, rồi chúng ta sẽ ngạc nhiên mà nhận ra rằng quả thật Chúa đã sống lại và hiện diện trong cuộc sống mình. Bởi vì, cuộc sống của chúng ta lúc bấy giờ không còn bị chôn vùi trong ngôi mộ, nhưng chúng ta đã đặt cuộc sống mình trên nền tảng và điểm tựa duy nhất, đó chính là “Chúa Phục Sinh, nguồn hy vọng chứa chan! Alleluia”

Thập Giá và sự chết


Anh chị em thân mến,
         
Ngoại trừ các em nhỏ, hầu hết quí vị đang hiện diện nơi đây đã trải qua kinh nghiệm chứng kiến cảnh người thân từ giã cõi đời. Trước mắt còn nhiều việc phải làm, nên chúng ta rất bình tĩnh. Nhưng sau này, khi mọi sự đã hoàn tất, ai về nhà nấy, chỉ còn lại mình ta. Lúc đó, chúng ta mới thấm thía sự mất mát. Cảm xúc dâng cao và rất tràn đầy.

Chúng ta vừa nghe xong bài thương khó của Chúa Giêsu theo Thánh Gioan. Giờ đây chúng ta dành ít phút để tưởng niệm và ngắm nhìn sự chết, đúng hơn là chiêm ngắm thập giá nơi treo Đấng Cứu Độ.

Qua Thập Giá và sự chết, Đức Giêsu đã mở cho chúng ta một con đường sống.

Qua Thập Giá và sự chết, Đức Giêsu đã vâng phục ý Cha mà ban ơn cứu độ cho nhân loại.

Khi nhìn ngắm về cái chết của Đức Giêsu, các tác giả của các sách Tin Mừng đều có lối trình bày khác nhau. 3 trình thuật trong các Tin Mừng Mt, Mk và Lc gần giống nhau: động đất, màn trong đền thờ bị xé làm hai rồi “Ðức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở.” Quá nhiều hiện tượng lạ.

Tôi rất thích lối trình bầy của Thánh Gioan trong bài Thương Khó mà chúng ta vừa nghe. Ngài diễn tả sự chết của Chúa thật nhẹ nhàng và thanh thoát: “Thế là đã hoàn tất!" Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.”

Gục đầu xuống để trao ban Thần Khí. Không có những hiện tương khiến ta phải hoảng sợ. cũng không có chuyện kết thúc bằng việc ngưng hay tắt thở. Nhẹ nhàng gục đầu xuống như việc tựa đầu trên vai người khác. Nhẹ nhàng và êm ái như việc kề đầu bên nhau của một cặp tình nhân nào đó. Nhưng, ở đây Chúa không gục đầu xuống để lấy điểm tựa, nhưng với tư thế nghiêng đầu, Ngài trao ban Thần Khí, trao ban sự sống của chính Ngài.

Cho ai?

Dưới chân Thập Giá có Mẹ Ngài và môn đệ mà Ngài thương mến. Họ là đại diện của hai giao ước. Như vậy, qua sự chết Chúa đã đánh gục Thần Chết và trao ban sự sống cho những ai tin và yêu mến Người. Qua cái chết Chúa ban sự sống.

Thứ Sáu Tuần Thánh không chỉ là việc nhớ lại về những sự việc đã xảy ra cách đây rất lâu. Đó là thực tại của những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta, mọi lúc.
·        Có nhiều ngừơi đang vác thập giá cuộc sống hàng ngày.
·        Có những trẻ em không có thức ăn để ăn, trong khi đó có nhiều gia đình lại phung phí.
·        Có những người không có nhà để ở, trong khi một số người giàu có dư thừa nơi ăn chốn ở.
·        Có những trẻ em sẽ không bao giờ đến truờng vì nghèo.
·        Có những người vợ đang bị chà đạp vì sức mạnh và sự lạm dụng của mấy ông chồng say sưa chè chén

Thứ Sáu Tuần Thánh nhắc nhở chúng ta rằng không có sự đau khổ của người nào là tầm thường mà không có mục đích.

Không cái chết nào của con người không được Thiên Chúa nhận biết.
Tất cả những điều này là đã được Đức Giêsu, qua hành trình Thập Giá và sự chết đã bày tỏ sự sâu sắc của tình yêu thương mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Chúng ta làm gì để ngày thứ sáu này đúng là Good Friday, Thứ Sáu Tốt Lành cho tôi và cho mọi người

Thưa anh chị em, quả thật là diễm phúc cho chúng ta được đồng hành với Chúa trong hành trình Thập Giá hôm nay. Tội lỗi và Sự chết đã bị đè bẹp dưới chân cây Thập Tự. Và, như tất cả mọi tín hữu, chúng ta bắt đầu cuộc sống bằng chính cái chết. Sống đối với chúng ta có nghĩa là chết: chết cho những khuynh hướng xấu, chết cho những đam mê xấu, chết cho tội lỗi, chết cho ích kỷ, chết cho hận thù.

Cuộc sống do đó đối với chúng ta cũng là một cuộc mai táng liên lỉ. Như hạt lúa rơi xuống đất phải thối đi, chúng ta cũng phải chấp nhận chôn vùi con người cũ, con người tội lỗi của chúng ta dưới chân Thập giá của Chúa.

Suy niệm về cuộc khổ nạn và nhìn ngắm cái chết của Người sẽ giúp chúng ta nhận ra được tình thương của Chúa. Người đã chết để muôn loài được sống và sống sung mãn. Và như thánh Phaolô đã nói, anh em đưng mắc nợ nhau điều gì trừ phi lòng thương mến. Quả thật cho đến muôn đời chúng ta cũng không trả xong được món nợ tình yêu mà Chúa đã ban, trừ phi chúng ta cùng lên đường với tâm tình hân hoan mà vác Thập Giá của đời mình để minh chứng về tình thương của Chúa.

Cầu xin Chúa ban cho chúng ta cảm nghiệm được tình thương của Chúa qua hành trình khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu mà chúng ta cùng nhau cử hành chiều nay. Amen!

THẾ NÀO LÀ TÌNH YÊU?






Cùng với toàn thể Giáo Hội, công đồng chúng ta chiều nay khai mạc Tam Nhật Thánh (3 ngày trọng đại nhất trong năm Phụng vụ) bằng Thánh Lễ Tiệc Ly. Nghe đến hai chữ ‘Tiệc Ly’, ai trong chúng ta lại không bàng hoàng và xao xuyến. Xao xuyến vì Thầy chuẩn bị ly biệt chúng ta. Cuộc chia ly nào chẳng có nước mắt và đau thương.

Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã để lại một di chúc thật quan trọng. Đó chính là giới răn yêu thương. Yêu thương là bổn phận và là dấu chỉ chính thức của người môn đệ Chúa. Yêu thương theo mẫu mực của Chúa. Yêu thương như Chúa đã làm là quì xuống rửa chân cho kẻ kém hơn mình.

Song song với giới răn yêu thương là việc Chúa trao ban năng quyền cho các linh mục qua bí tích Truyền Chức Thánh. Với năng quyền đã được ủy thác các linh mục, qua bí tích Thánh Thể, đang thực hiện điều Chúa đã hứa là “Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Thật vậy, Chúa hiện diện với chúng ta qua bí tích Thánh Thể. Đó là thần lương nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban thêm sinh lực để trong mọi cảnh huống của cuộc sống, chúng ta vẫn đồng hành và tín trung với Chúa và với nhau trong mối dây yêu thương mà Chúa đã thành lập.

Chúng ta có thể nói giới răn yêu thương và bí tích Thánh Thể là hai mặt của một đồng tiền. Đúng hơn, hai khía cạnh của cùng một cuộc sống.

Để hiểu rõ hơn hai khía cạnh này, chúng ta cùng nhau nghe Mẹ Têrêxa thành Calcutta kể lại câu truyện như sau: Một hôm, có một thiếu nữ đã đến và xin gia nhập dòng Thừa Sai Bác Ái của chúng tôi. Chúng tôi có một quy luật, theo đó, ngày đầu tiên khi mới đến, tất cả những ai muốn sống với chúng tôi, đều được mời sang nhà săn sóc đặc biệt dành cho những người hấp hối. Do đó, tôi đã nói với thiếu nữ đó như sau: "Con đã nhìn thấy vị linh mục dâng Thánh lễ. Con đã nhìn thấy Ngài chăm chú nâng Thánh Thể Chúa với niềm thờ lậy và yêu thương. Con cũng hãy đi và làm như thế tại nơi đó”.

Sau khi cô ta trở về, Mẹ Têrêxa mới hỏi lại sự thể đã diễn ra như thế nào, cô ta đáp như sau: "Con vừa đến nhà dưỡng lão thì người ta mang đến một người vừa té xuống một hố sâu. Mình mẩy của người đó đầy những vết thương và bùn nhơ hôi thối... Con đã đến và đã tắm rửa cho anh ta. Trong khi rửa những vết thương cho anh ta, lòng con cảm thấy vô cùng hạnh phúc; vì qua công việc đó con có cảm tưởng được chạm đến Thân Thể của Ðức Kitô".

Thưa anh chị em,

Đó là bài học mà Chúa dạy chúng ta: Hãy phục vụ nhau, hãy rửa chân, rửa những vết thương hôi thối, rửa những lỗi lầm, xóa bỏ những hận thù ghen ghét đã tạo nên sự nghi kỵ và chia rẽ trong cộng đồng. Chúa rửa chân để dậy chúng ta bài học phục vụ trong yêu thương. Những việc làm này là bổn phận của mỗi Kitô hữu.

Thật vậy, đạo mà chúng ta đang theo là con đường mà Chúa đã đi. Đó không chỉ bao gồm những tín điều phải tin, và cũng không chỉ gồm tóm những điều khoản phải giữ; nhưng là con đường yêu thương (những nẻo đường yêu thương). Vì thế, cách sống đạo tích cực nhất mà chúng ta cần thực hiện là hãy trao ban và đón nhận tình yêu của nhau.

Nhiều người đã nói và bàn về chữ “YÊU”. Nhưng, nếu chỉ bàn bạc và giải thích về chữ đó mà thôi, thì dù cho lời bàn của ta có hay đến độ nào đi nữa kết cuộc cũng chẳng đi đến đâu. Bởi vì, yêu không phải là việc để bàn. Nhưng, đó là việc để sống.

Hãy nhớ lại thời gian mình là người tình của nhau. Các bạn vẫn có thói quen quan tâm đến nhau. Sống cho nhau, như thế nào? Ngày nào không gặp mặt thì lòng cảm thấy bâng khuâng, nhung nhớ. Bức xúc vì nhớ nhung, bạn không thể ngồi đó mà chờ cơ hội. Nhưng, vẫn cứ ra đi để tìm đến nhau, chiều chuộng nhau và trao ban cho nhau những gì trân quý. Đó là hành động thể hiện lòng yêu thương.

Nói cho cùng, không thể bảo rằng mình đang yêu nếu đối tượng mình yêu không thật sự hiện hữu. Sự hiện hữu của đối tượng cũng mang nhiều mức độ khác nhau. Muốn thể hiện Tình yêu của chúng ta cho họ thì chúng ta cần từ bỏ tháp ngà, ý riêng của chính bản thân, ra đi để gặp gỡ họ.

Họ là ai? Họ là anh, là chị hoặc tôi, những người thân quen trong gia đình, xóm giáo, các nhóm cầu nguyện và đặc biệt hơn nữa, Ngài còn hiện diện nơi những người bị bỏ rơi ở ngoài đường hay gầm cầu, phố chợ…

Thiên Chúa và tha nhân đang chờ đợi bàn tay yêu thương, vỗ về, săn sóc và an ủi của chúng ta. Qua viêc làm trong yêu thương, chúng ta sẽ xoa dịu một phần những vết hằn mà người khác đang phải gánh chịu. Yêu thương là thế đấy. 

Trong tình yêu không còn phân biệt giữa tôi và anh, giữa tôi và chị hay giữa tôi và kẻ khác nữa. Tất cả đều được hoà hợp trong một tổng thể duy nhất của TÌNH YÊU, nơi đó không còn biên giới, không còn hận thù, tỵ hiềm hay chia rẽ; chỉ còn hiệp thông, tha thứ và bình an.

Việc dấn thân ra đi phục vụ trong yêu thương như thế có tính cách của một sự tái sinh, trở về với Chúa và đổi mới cuộc đời. Và qua việc phục vụ, chúng ta dễ dàng gặp Chúa hơn, một cuộc gặp gỡ thân mật để ta được tham gia vào sự sống của Chúa, được nên con ngoan của Chúa hơn.

Tôi thấy rằng: Chúa Giêsu sẽ không chỉ gặp ta qua các tín điều mà còn qua cõi lòng của mỗi người. Lòng càng thanh tịnh, thì tâm càng đơn sơ và thanh thoát. Và với một trái tim như thế thì càng dễ đón nhận Chúa.

Giờ đây, tôi thành khẩn xin anh chị em cùng bắt tay nhau lên đường thực hành điều Chúa truyền dậy hôm nay. Xin Chúa Giêsu, trong lễ tiệc ly này tiếp tục hiện diên với chúng con. Vì chỉ có mình Ngài là Đấng mà chúng con đang trong đợi. Chúng con tin Ngài. Chúng con yêu Ngài. Chúng con đón Ngài và xin Ngài ở lại mãi trong con. Vì trong Người chúng con cảm nhận được sự ngọt ngào của TÌNH YÊU. Amen