Cùng với toàn thể Giáo Hội, công đồng chúng ta chiều nay khai
mạc Tam Nhật Thánh (3 ngày trọng đại nhất trong năm Phụng vụ) bằng Thánh Lễ Tiệc
Ly. Nghe đến hai chữ ‘Tiệc Ly’, ai trong chúng ta lại không bàng hoàng và xao
xuyến. Xao xuyến vì Thầy chuẩn bị ly biệt chúng ta. Cuộc chia ly nào chẳng có
nước mắt và đau thương.
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã để lại một di chúc thật quan
trọng. Đó chính là giới răn yêu thương. Yêu thương là bổn phận và là dấu chỉ
chính thức của người môn đệ Chúa. Yêu thương theo mẫu mực của Chúa. Yêu thương
như Chúa đã làm là quì xuống rửa chân cho kẻ kém hơn mình.
Song song với giới răn yêu thương là việc Chúa trao ban năng
quyền cho các linh mục qua bí tích Truyền Chức Thánh. Với năng quyền đã được ủy
thác các linh mục, qua bí tích Thánh Thể, đang thực hiện điều Chúa đã hứa là
“Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Thật vậy, Chúa hiện diện với
chúng ta qua bí tích Thánh Thể. Đó là thần lương nuôi dưỡng, nâng đỡ và ban
thêm sinh lực để trong mọi cảnh huống của cuộc sống, chúng ta vẫn đồng hành và
tín trung với Chúa và với nhau trong mối dây yêu thương mà Chúa đã thành lập.
Chúng ta có thể nói giới răn yêu thương và bí tích Thánh Thể
là hai mặt của một đồng tiền. Đúng hơn, hai khía cạnh của cùng một cuộc sống.
Để hiểu rõ hơn hai khía cạnh này, chúng ta cùng nhau nghe Mẹ
Têrêxa thành Calcutta kể lại câu truyện như sau: Một hôm, có một thiếu nữ đã đến
và xin gia nhập dòng Thừa Sai Bác Ái của chúng tôi. Chúng tôi có một quy luật,
theo đó, ngày đầu tiên khi mới đến, tất cả những ai muốn sống với chúng tôi, đều
được mời sang nhà săn sóc đặc biệt dành cho những người hấp hối. Do đó, tôi đã
nói với thiếu nữ đó như sau: "Con đã nhìn thấy vị linh mục dâng Thánh lễ.
Con đã nhìn thấy Ngài chăm chú nâng Thánh Thể Chúa với niềm thờ lậy và yêu
thương. Con cũng hãy đi và làm như thế tại nơi đó”.
Sau khi cô ta trở về, Mẹ Têrêxa mới hỏi lại sự thể đã diễn ra
như thế nào, cô ta đáp như sau: "Con vừa đến nhà dưỡng lão thì người ta
mang đến một người vừa té xuống một hố sâu. Mình mẩy của người đó đầy những vết
thương và bùn nhơ hôi thối... Con đã đến và đã tắm rửa cho anh ta. Trong khi rửa
những vết thương cho anh ta, lòng con cảm thấy vô cùng hạnh phúc; vì qua công
việc đó con có cảm tưởng được chạm đến Thân Thể của Ðức Kitô".
Thưa anh chị em,
Đó là bài học mà Chúa dạy chúng ta: Hãy phục vụ nhau, hãy rửa
chân, rửa những vết thương hôi thối, rửa những lỗi lầm, xóa bỏ những hận thù
ghen ghét đã tạo nên sự nghi kỵ và chia rẽ trong cộng đồng. Chúa rửa chân để dậy
chúng ta bài học phục vụ trong yêu thương. Những việc làm này là bổn phận của mỗi
Kitô hữu.
Thật vậy, đạo mà chúng ta đang theo là con đường mà Chúa đã
đi. Đó không chỉ bao gồm những tín điều phải tin, và cũng không chỉ gồm tóm những
điều khoản phải giữ; nhưng là con đường yêu thương (những nẻo đường yêu
thương). Vì thế, cách sống đạo tích cực nhất mà chúng ta cần thực hiện là hãy
trao ban và đón nhận tình yêu của nhau.
Nhiều người đã nói và bàn về chữ “YÊU”. Nhưng, nếu chỉ bàn bạc
và giải thích về chữ đó mà thôi, thì dù cho lời bàn của ta có hay đến độ nào đi
nữa kết cuộc cũng chẳng đi đến đâu. Bởi vì, yêu không phải là việc để bàn.
Nhưng, đó là việc để sống.
Hãy nhớ lại thời gian mình là người tình của nhau. Các bạn vẫn
có thói quen quan tâm đến nhau. Sống cho nhau, như thế nào? Ngày nào không gặp
mặt thì lòng cảm thấy bâng khuâng, nhung nhớ. Bức xúc vì nhớ nhung, bạn không
thể ngồi đó mà chờ cơ hội. Nhưng, vẫn cứ ra đi để tìm đến nhau, chiều chuộng
nhau và trao ban cho nhau những gì trân quý. Đó là hành động thể hiện lòng yêu
thương.
Nói cho cùng, không thể bảo rằng mình đang yêu nếu đối tượng
mình yêu không thật sự hiện hữu. Sự hiện hữu của đối tượng cũng mang nhiều mức
độ khác nhau. Muốn thể hiện Tình yêu của chúng ta cho họ thì chúng ta cần từ bỏ
tháp ngà, ý riêng của chính bản thân, ra đi để gặp gỡ họ.
Họ là ai? Họ là anh, là chị hoặc tôi, những người thân quen
trong gia đình, xóm giáo, các nhóm cầu nguyện và đặc biệt hơn nữa, Ngài còn hiện
diện nơi những người bị bỏ rơi ở ngoài đường hay gầm cầu, phố chợ…
Thiên Chúa và tha nhân đang chờ đợi bàn tay yêu thương, vỗ về,
săn sóc và an ủi của chúng ta. Qua viêc làm trong yêu thương, chúng ta sẽ xoa dịu
một phần những vết hằn mà người khác đang phải gánh chịu. Yêu thương là thế đấy.
Trong tình yêu không còn phân biệt giữa tôi và anh, giữa tôi
và chị hay giữa tôi và kẻ khác nữa. Tất cả đều được hoà hợp trong một tổng thể
duy nhất của TÌNH YÊU, nơi đó không còn biên giới, không còn hận thù, tỵ hiềm
hay chia rẽ; chỉ còn hiệp thông, tha thứ và bình an.
Việc dấn thân ra đi phục vụ trong yêu thương như thế có tính
cách của một sự tái sinh, trở về với Chúa và đổi mới cuộc đời. Và qua việc phục
vụ, chúng ta dễ dàng gặp Chúa hơn, một cuộc gặp gỡ thân mật để ta được tham gia
vào sự sống của Chúa, được nên con ngoan của Chúa hơn.
Tôi thấy rằng: Chúa Giêsu sẽ không chỉ gặp ta qua các tín điều
mà còn qua cõi lòng của mỗi người. Lòng càng thanh tịnh, thì tâm càng đơn sơ và
thanh thoát. Và với một trái tim như thế thì càng dễ đón nhận Chúa.
Giờ đây, tôi thành khẩn xin anh chị em cùng bắt tay nhau lên
đường thực hành điều Chúa truyền dậy hôm nay. Xin Chúa Giêsu, trong lễ tiệc ly này
tiếp tục hiện diên với chúng con. Vì chỉ có mình Ngài là Đấng mà chúng con đang
trong đợi. Chúng con tin Ngài. Chúng con yêu Ngài. Chúng con đón Ngài và xin
Ngài ở lại mãi trong con. Vì trong Người chúng con cảm nhận được sự ngọt ngào của
TÌNH YÊU. Amen
No comments:
Post a Comment