Friday, 17 April 2020

CHÚA SỐNG LẠI, CÒN ĐẦY THƯƠNG TÍCH.



Anh chị em thân mến,

Bầu trời ảm đạm và thê lương vẫn đang bao phủ cuộc sống của chúng ta. Đại dịch Corona-virus vẫn là một biến số khiến chúng ta không biết xoay sở thế nào. Covid-19 đã và đang tạo một sức ép cho cuộc sống của mỗi cá nhân và toàn thế giới. Chúng ta thử nhìn xem mức độ tai hại mà nó gây ra. Hầu như toàn bộ các quốc gia đã đóng cửa, các cơ sở giáo dục đã gửi học sinh về nhà và theo học các lớp học trực tuyến, các nhà thờ cử hành các nghi thức phụng vụ trực tuyến. Dân chúng được yêu cầu ở nhà, không được tiếp xúc hay chạm vào nhau để tuân theo qui định ‘giữ một khoảng cách an toàn’ hầu ngăn ngừa mức lây nhiễm của bịnh dịch.

Hơn một thế kỷ qua, kể từ khi xẩy ra nạn dịch cúm vào năm 1918 đến giờ, thế giới chưa trải qua một thời kỳ nào đáng sợ đến như thế. Nhất là trong bối cảnh của một thời đại tiến bộ như chúng ta đang có hiện nay. Nhân loại đã chinh phục và bước ra khỏi mặt đất để thám hiểm các hành tinh khác. Chính vì sự tiến bộ này, con người ngày nay có thể hãnh diện về những thành tựu mà con người đã đạt được. Và cũng vì thế mà chúng ta dễ dàng quên đi thân phận mỏng dòn, yếu đuối và dễ vỡ của con người. Chúng ta tưởng như là mình có thể kiểm sóat được cuộc sống mình bẵng nỗ lực và thành tựu của cá nhân. Chính vì thế, những gì xẩy ra ngoài dự liệu thì khó được chấp nhận và làm cho con người sinh ra chán nản và lo âu nhiều hơn.

Điều khiến chúng ta lo âu là không biết tình hình này kéo dài cho đến bao giờ. Có một số nơi, người ta tưởng chừng như đã khống chế được sự lây lan; vì thế thả lỏng cho bà con dễ thở; ai ngờ con số bị lây nhiễm lại tăng lên. Không ai trong chúng ta, kể cả các nhà lĩnh đạo chính phủ và các bác sĩ có thể tiên liệu khi nào dịch cúm sẽ bị khống chế. Hẳn nhiên là chúng ta đang mong chờ từng giây, từng phút cho đến khi nhân loại có thuốc chủng.

Niềm lo âu và hoảng sợ này khiến chúng ta nhớ lại tâm tình của các môn đệ sau khi đứng ở đàng xa coi trực tuyến cảnh Thầy mình bị đóng đinh. Có ông nào dám đến gần để tham dự đâu! Chúng ta hiểu và đồng cảm với nỗi lo sợ của các môn đệ. Ông nào cũng có hoài bão và tham vọng riêng. Chúng ta không nên kỳ vọng và biến họ thành thần tượng để rồi mất đi niềm cảm thông về cách cư xử mang thật tính người của họ. Họ không thể vì theo Chúa mà mất đi bản tính riêng. Họ đến với Chúa bằng con người thật với những ước mơ rất thật của họ. Thế giới mà họ ước mong được chia phần đã sụp đổ và thế giới đó còn chống lại các môn đệ nữa. Cho nên, họ sợ người Do Thái, và có thể họ còn sợ Chúa sẽ khiển trách họ về cách cư xử như nộp Người và trối Chúa của một số người trong nhóm họ nữa.

 Trong nỗi hoang mang và lo sợ của các môn đệ, Chúa đã đến. Người đã không đến để khiển trách các ông. Việc đầu tiên Người làm là chúc bình an cho các môn đệ. Đây không phải là lời chúc mà thôi. Thật ra đó là hông ân của Chúa Phục Sinh dành cho các môn đệ. Chúng ta cũng thường chúc cho nhau được bình an. Nhưng lời chúc của chúng ta thường diễn tả một ước vọng, trong khi đó lời chúc của Chúa Phục Sinh hôm nay diễn tả một sự trao ban. Người không chỉ chúc một lần, nhưng đã lập lại lời chúc ‘bình an cho anh em’ đến ba lần.

Đó chính là ân huệ đầu mùa của Chúa Phục Sinh dành cho các môn đệ. Không ai hiểu trò bằng thầy. Đức Giê-su thấu hiểu lòng trí hoang mang và các nỗi sợ hãi của các môn đệ, cùng nhau co rúm và trốn trên lầu vì sợ người Do Thái. Vì thế họ cần được bình an để thoát khỏi nỗi âu lo này. Hơn nữa, tâm hồn và lòng trí của các môn đệ cũng cần được thanh thản, bình an, ổn định để nhận ra người đang hiện diện với các ông là Chúa Giê-su, người thầy yêu dấu của họ. Trong lúc lĩnh nhận ơn bình an này các môn đệ cũng hiểu rằng họ cũng được mời gọi trao ban cho người khác điều mà họ vừa lĩnh nhận, nghĩa là trở thành sứ giả bình an cho nhân loại. Hy vọng, việc trao đổi bình an trong các nghi thức phụng vụ đạt đến tầm mức này. Đó không chỉ là lời chúc dựa trên ngôn từ mà thôi; nhưng thật ra là việc chia sẻ bình an của Chúa Phục Sinh cho nhau.

Trở lại hoàn cảnh thực tế của nạn đại dịch mà chúng ta đang phải đối diện, hẳn nhiên không ai trong chúng ta có thể nói là mình không lo sợ hay cuộc sống lại không bị xáo trộn. Vẫn biết là như thế, nhưng là người tín hữu; nhất là với niềm xác tín rằng Chúa đã đến để cất đi nỗi hoang mang, lo sợ của các môn đệ và ban cho họ ơn bình an thế nào; thì ngày nay, Người cũng sẽ làm cho chúng ta được như thế.

Vì thế, trong niềm hiệp thông, chúng ta cầu nguyện cho các nạn nhân của đại dịch. Trong tình liên đới chúng ta san sẻ nỗi đau buồn với gia đình họ và những ai không vượt qua được áp lực do Covid-19 gây ra về tinh thần lẫn vật chất. Và trong niềm hy vọng, chúng ta xác tín rằng Chúa sẽ đến để cứu chúng ta thoát khỏi cơn hiểm nghèo do đại dịch gây ra.

Thưa anh chị em,

Sự tác hại gây ra bởi đại dịch sẽ không dập tắt niềm hy vọng của chúng ta vào Chúa Phục Sinh, Đấng đang hiện diện và trao ban sứ điệp bình an cho chúng ta. Đây chính là ân huệ đầu mùa mà Chúa Phục Sinh đã trao ban cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.

Tin vào Chúa Phục Sinh, không chỉ là Đấng cầm cờ chiến thắng, uy nghi, khải hoàn tiến về Thiên Quốc trong tiếng hò reo; mà vẫn là Đấng mang đầy thương tích như Lời Người đã phán trong trình thuật Tin Mừng hôm nay rằng, Tô-Ma, anh hãy đặt ngón tay vào vết thương này, và hãy nhìn xem lỗ đinh trên tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào vết thương ở cạnh sườn Thầy. Tất cả đều là thương tích và dấu vết trên thân xác Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh, bị treo trên Thập Giá cho đến chết, nay Người đã sống lại và đang đồng hành và hiện diện với chúng ta. Và sau đó, như Tô-Ma, chúng ta được mời gọi “đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”

Tin vào mầu nhiệm Phục Sinh đem đến cho chúng ta sự an bình để đối diện và chấp nhận mọi thương tích. Đức Ki-tô đã sống lại không phải để cất đi các nỗi đau khổ, những vết thương của con người. Người đã đến bằng chính dấu đinh, vết thương mà thế giới đang phải gánh chịu. Vết thương luôn vẫn là vết thương.

Thế giới của chúng ta đầy những vết thương. Vết thương do đại dịch Covid-19 đã giết đi bao nhiêu sinh mạng, khiến cho thân nhân của họ bị tan nát cõi lòng; chưa kể đến niềm đau thương còn kéo dài trên cuộc sống của những người thất nghiệp, các trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa, v.v…

Trước hiện tình của thế giới đầy thương tích như thế, làm sao người tín hữu có thể nhắm mắt, làm ngơ trước những vết thương của tha nhân rồi tuyên xưng, “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Cho dù, họ có nói trăm lần, vạn lần thì lời tuyên xưng đó cũng chỉ là tuyên xưng bằng môi miệng. Con người cần chạm vào những vết thương của nhau, và đó là việc làm cần thiết cho một đức tin đúng theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay.

Như vây, khi đối diện với các thương tích gây ra bởi Covid-19, chúng ta tuy còn hoang mang và lo sợ; nhưng nỗi niềm lo sợ đó không làm cho chúng ta quên đi ân huệ bình an mà Chúa dành cho những ai tin cậy ở nơi Người. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần hãnh diện về niềm tín thác: đó là tuy sống giữa tâm bão, nhưng không ai trong chúng ta đánh mất niềm hy vọng vì ‘bình an của Chúa ‘ vẫn đang ở cùng chúng ta.

Bình an là sứ mạng mà Đức Ki-tô Phục Sinh đã đem đến, chúng ta hãy ra đi mà an ủi và tạo cho nhau niềm hy vọng vào Chúa Phục Sinh, Đấng vẫn đồng hành và ban cho muôn dân muôn nước ơn bình an để trải qua kiếp nạn đại dịch này.

Đức Giê-su, với các dấu đinh và các vết thương còn trên thân xác, đã chết thật. Nay Người đã sống lại thật rồi anh chị em ơi! Và bình an của Chúa Phục Sinh luôn mãi ở cùng chúng ta. Alleluia, Alleluia!


No comments:

Post a Comment