Trình thuật Tin Mừng hôm nay kể lại hành trình của hai môn đệ
đi về Em-mau. Người ta vẫn chưa biết đích xác địa danh Em-mau ở đâu. Địa danh
này có thể ám chỉ điểm đến của một hành trình không lối thoát mà các môn đệ và
chúng ta ngày nay đang hướng đến. Một lộ trình của những người thất vọng thì làm
gì có chủ đích. Em-mau là nơi đi để trốn thoát. Em-mau là bất cứ
nơi nào chúng ta đi để làm cho mình quên đi các phiền muộn vì đời đã xẩy ra quá
nhiều chua cay, đau xót và chán chường. Tai ương, chiến tranh, ôn dịch như đại
dịch Coronavirus; rồi đến các phiền muộn của đời thường như: ốm đau, bệnh tật, mất
việc, làm ăn thua lỗ luôn làm chúng ta chưa hết cái lo này đến cái lo khác. Tất
cả làm cho chúng ta thất vọng. Muốn buông xuôi. Mặc cho dòng đời đưa đẩy.
Hai môn đệ ngày xưa cũng thế, với những bước chân lê thê, diễn
tả tâm trạng chán chường đến độ ngay cả khi Chúa Giêsu đi dọc đường với họ mà họ
cũng chẳng nhận ra Người.
Trước đây, trên hành trình theo Chúa, họ đã nhìn nhận Người
là một ngôn sứ đầy uy thế. Họ không sai lầm khi đã đặt trọn niềm hy vọng rằng
chính Người là đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Thế mà Người lại chết, và cho đến
nay đã sang ngày thứ ba rồi chúng tôi cũng chẳng thấy gì, ngoại trừ tin từ mấy người
đàn bà ra thăm mộ về báo rằng không còn thấy xác của Thầy đâu nữa. Tin này đổ dập
tin kia làm cho họ càng hoang mang thêm. Niềm hy vọng đã bị họ chôn vùi vào trong
ngôi mộ của Chúa. Thế là hết!
Sau cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, họ cảm thấy đã mất
tất cả. Họ đã mất thời gian và nỗ lực trong mấy năm qua, giấc mơ đã tan thành
mây khói. Họ cần làm lại từ đầu. Họ cần có dự án về cuộc sống ở tương lai. Thế
mà, thật là thú vị khi chúng ta khám phá ra một chi tiết là hai môn đệ vừa đi vừa
nói về những gì vừa xẩy ra cho Đức Giê-su. Dù họ cảm thấy những việc vừa xẩy xa
hoàn toàn nằm ngoài dự tính. Nhựng họ vẫn đang vật lộn để có mối quan hệ với
Chúa. Họ vẫn khao khát tìm kiếm một lời giải thích cho tất cả sự việc vừa mới xẩy
ra.
Chúa Giê-su bắt đầu mời họ chia sẻ với Người về câu chuyện đời
của họ. Và bằng cách lắng nghe câu chuyện của họ, Chúa Giê-su bước vào thế giới
của họ. Sau đó, Người tiến thêm một bước xa hơn bằng cách nói cho họ câu chuyện
của đời Người. Và khi nghe câu chuyện của Đức Giê-su, đôi mắt của họ được mở
ra, trái tim họ tràn đầy niềm vui, lòng họ rộn ràng đến độ muốn được nghe tiếp
câu chuyện của người lữ khách đang kể. Cho nên họ đã mời người lữ khách ở lại với
họ. Cũng trong giây phút đó, họ nhận ra Chúa Giê-su trong thân xác đã trải qua
đau khổ, bị giết, giờ đã sống lại, hiện diện và đồng hành với họ. Ngay lúc đó,
họ đọc câu chuyện về Chúa Giê-su bằng một lăng kính mới, lăng kính được Thần
khí và sức mạnh của Đấng Phục Sinh soi sáng.
Cuộc sống của chúng ta bằng cách nào đó giống như con đường đến
Em-mau. Tại một nơi nào đó, Chúa Phục Sinh đang đợi chúng ta, có thể Người đang
đợi chúng ta ở một khúc quanh nào đó trong cuộc đời mình, để an ủi làm vơi đi nỗi
buồn phiền, chia sẻ để cất đi gánh nặng và chiếu cho chúng ta một luồng sáng.
Nhưng, dường như chúng ta quá bận rộn với hoài bão và ước mơ của riệng mình, bận
rộn với đủ thứ công việc, rồi chẳng còn nhậy bén để nhận ra con người đang cùng
đi với chúng ta là Chúa nữa.
Đôi khi chúng ta không tìm thấy Chúa vì chúng ta khốn khổ. Cuộc
sống thường chứa đầy đau khổ. Chúng ta không nên giảm thiểu sự phiền muộn của
hai môn đệ. Trong lúc này, họ dường như muốn quên đi tất cả những gì mà họ đã
trải qua với Chúa Giêsu. Người đã chết. Tất cả chỉ là hoài niệm của quá khứ. Tuy
nhiên, Thiên Chúa đã không từ bỏ họ và chúng ta. Thiên Chúa kêu gọi họ, giữa
hoang mang và buồn phiền, giữa mất mát và đắng cay, ngay trong nỗi tuyệt vọng,
Ngài kêu gọi và giúp họ hòa giải với những gì đã xảy ra.
Nếu chúng ta kiên nhẫn, theo dòng thời gian chúng ta có thể
tìm thấy ý nghĩa mới của đau khổ, ngay ở giữa đoạn trường. Chúng ta không được
lùi bước, cần quyết tâm, nỗ lực và phải làm việc chăm chỉ hơn.
Thưa anh chị em,
Câu hỏi mà bài Tin Mừng đặt ra cho chúng ta hôm nay là liệu
chúng ta có sẵn sàng mở ra để nhận biết và đón nhận người khác vào trong cuộc đời
mình hay không? Với tâm tình quảng đại và lòng hiếu khách, chúng ta đón nhận
nhau như chính Chúa hằng đón nhận chúng ta. Và, bằng các cử chỉ thân thiện để
chia sẻ, để trao ban chúng ta làm chứng cho sự hiện của Chúa Giê-su Phục Sinh bằng
chính cuộc sống mình. Với những thái độ này, chúng ta sẽ làm chứng rằng Chúa
Giêsu thực sự hiện diện ở giữa chúng ta.
Trở về với tình hình thực tế của thế giới vào năm 2020 này. Dù
đại dịch coronavirus vẫn làm chúng ta sống trong hoang mang, lo sợ và không biết
tương lai rồi sẽ ra sao? Tất cả vẫn là một biến số. Không ai biết trước việc gì
sẽ xẩy đến. Những người mình gặp hôm nay đã bị nhiễm bịnh và truyền sang mình
hay chưa? Họ là khách lạ hay người thân mà chúng ta cần phải quan tâm? Tất cả vẫn
là những câu hỏi mà các kẻ tin cần có đáp án.
Nhưng, có một điều, chúng ta tin rằng Chúa Giê-su vẫn trên đường,
cùng đi một lối trên hành trình của chúng mình. Người không chỉ hiện diện trong
giai đoạn này, Người vẫn thường nói với chúng ta qua các biến cố và giải thích
cho chúng ta về những gì đang xảy ra. Người mời gọi chúng ta hãy kiên tâm, hãy
mở ra để đón nhận.
Trong tâm tình đó, những lời của Người nói, cử chỉ chia sẻ và
trao ban của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay chạm đến trái tim chúng ta, cho
chúng ta can đảm, kiên tâm, hy vọng và tiếp tục kéo chúng ta lại gần Chúa và gần
với nhau nhiều hơn nữa, nhất là trong giai đoạn chúng ta không thể tụ họp nhau
như một cộng đoàn để cử hành các nghi thức phụng vụ. Tuy nhiên, bằng cách sống
chúng ta vẫn có thể làm những việc như: “Cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ
ra và trao ban cho nhau” mà làm chứng cho sự hiện diện của Người, Đấng đã Phục
Sinh và cùng sống với chúng ta.
Như vậy, bất cứ tại nơi nào mà chúng ta lắng nghe Lời Chúa và
cùng nhau chia sẻ bữa tiệc lòng mến thì có Chúa hiện diện, không hẳn chỉ tại
các nơi thờ phượng. Thiết yếu là niềm tin và lòng mến mà chúng ta noi gương Đức
Giê-su sẵn sàng san sẻ cuộc đời cho nhau thì sẽ gặp Chúa. Amen!
No comments:
Post a Comment