Anh chị em thân mến,
Ngôi Hai Thiên Chúa mà Thánh sử Gio-an còn gọi là
Ngôi Lời đã đến ở cùng, ở giữa và ở trong chúng ta. Đó là trung tâm của Mầu Nhiệm
Con Thiên Chúa làm người. Thật vậy, biến cố Con Thiên Chúa ra đời nói cho chúng
ta biết rằng Thiên Chúa đã buớc vào thế giới của nhân loại. Trong thân phận của
hài nhi Giê-su, Thiên Chúa đã hiện diện và ôm toàn thể nhân loại vào trong vòng
tay yêu thương của Ngài. Ngài không đến để đưa chúng ta ra khỏi thân phận mình,
nhưng Ngài đã buớc vào thế giới của mỗi người rồi tìm cách cất nhắc chúng ta lên,
để mỗi người đều tìm được cách thức tiếp cận và có thể chạm vào tính siêu việt
của Thiên Chúa. Nói cách khác, Thiên Chúa không còn là vị Thiên Chúa ở trên
cao. Ngài đã phá bỏ mọi hàng rào ngăn cắt để đến với chúng ta, và từ đó chúng
ta có thể nối kết và đến với nhau. Đó chính là ý nghĩa tuyệt vời của Giáng Sinh.
Hãy nhìn vào hoàn cảnh của thế giới hiện nay
chúng ta thấy những gì? Chúng ta vẫn đang phải gánh chịu những hiểm họa do
Covid-19 gây ra. Tuy rằng mức độ lây nhiễm do Covid-19 gây ra tại một số tiểu
bang trên đất Úc đã được khống chế và nằm trong tầm kiểm soát của những người
có trách nhiệm. Nhưng nhìn qua thảm cảnh do tình trạng đại dịch bên các nước
khác ở Âu Châu, Á châu và Mỹ Châu cũng khiến chúng ta nên nhớ rằng Covid-19 vẫn
còn đang nằm đâu đó chờ ngày bộc phát. Chúng ta vẫn phải cẩn thận, nhất là cần
tuân theo những quy định giãn cách của chính quyền.
Bên cạnh nạn đại dịch mà chúng ta đang phải gánh
chịu, còn có các thiên tai như bão tố, lụt lội, cháy rừng, v.v… Ngoài ra chúng
ta còn chứng kiến hay nghe về những cảnh đời thật thương tâm. Còn quá nhiều cảnh
đời bất hạnh. Không thiếu những trẻ em sống trong hoàn cảnh éo le trước sự đổ vỡ
của cha mẹ mà hậu quả là sự cô đơn và thiếu vắng tình thương mà các cháu phải
gánh chịu. Những nạn nhân bị lạm dụng về tinh thần và thể xác bởi việc lạm dụng
quyền uy của một số vị lãnh đạo. Còn có những cụ già trong các viện dưỡng lão
mòn mỏi ngồi bên khung cửa để trông chờ và đón đợi con cháu đến thăm. Biết bao
nhiêu gia đình đã ngậm ngùi tiễn chân người thân qua khung cửa kính tại các bịnh
viện trong mùa đại dịch này.
Trong hoàn cảnh của thế giới như thế, người tín hữu
có bổn phận gì? Phải chăng chỉ là việc tham dự Đại Lễ Giáng Sinh cho xong bổn
phận! Không chỉ như vậy mà thôi. Thiên Chúa vẫn tha thiết muốn được sinh ra
trong bất kỳ hoàn cảnh nào! Muốn được như thế, mỗi người chúng ta cần ý thức rằng
chúng ta là những quà tặng thật quí giá mà Thiên Chúa đã ban cho thế giới này.
Và ngay khi chúng ta sống hoà hợp với người khác là lúc mà chúng ta cũng nhận
ra rằng mọi người đều là quà tặng thật độc đáo mà Thiên Chúa đã dựng nên. Thiên
Chúa làm người và cư ngụ giữa chúng ta mà.
Như vậy, trong khi cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh
năm nay, chúng ta có cơ hội để nhắc cho nhau rằng Thiên
Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta. Trong niềm xác tín rằng Thiên Chúa đang
hiện diện, chúng ta đuợc
mời gọi để trở về mà ý thức rằng chúng ta là những con người rất đáng yêu và đã
đuợc đổi mới. Sự đổi mới này không chỉ xẩy ra cho chúng ta mà thôi đâu, nó đã
tác động trên toàn thế giới qua biến cố Con Thiên Chúa giáng trần này.
Và để sống trọn vẹn mầu nhiệm này, chúng ta đuợc
mời gọi từ bỏ ‘cái tôi hống hách’, quên đi ‘lối sống kiểm soát và thống trị’
người khác rồi mặc lấy sự tự do của con cái Thiên Chúa mà yêu thương bản thân
mình và tha nhân. Đó chính là sứ điệp của Mùa Giáng Sinh này vậy.
Anh chị em thân mến,
Lối sống từ bỏ, hy sinh để yêu thương mà chúng ta học được trong Mùa
Giáng Sinh này rất phù hợp với tinh thần và ý nghĩa của việc mừng Lễ Thánh Gia được
sắp đặt theo sát Lễ Giáng Sinh vào Chúa nhật ngày 27 tháng 12 này. Đây là một điểm đặc biệt mà chúng ta
thấy trong lịch phụng vụ, chu kỳ của năm B-2021 này. Khi làm như thế, Hội thánh
muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình trong hoàn cảnh hiện tại.
Vì thế trước khi tìm hiểu bài học mà Đức Giê-su dậy bảo thì chúng ta hãy
nhớ cầu nguyện cho mọi gia đình trên thế giới biết noi gương gia đình Thánh Gia
trong việc tìm hiểu và thực hành ý muốn của Chúa. Chúng ta tiếp tục cầu nguyện
cho tất cả các gia đình vào lúc này, đặc biệt là những người đang thương tiếc
những người thân yêu đã vĩnh viễn từ giã họ mà ra đi bởi Covid-19, và những người
đang phải giãn cách xa nhau, cả về thể xác lẫn tinh thần. Chúng ta cũng cầu
nguyện cho những gia đình, tuy đã chuẩn bị cho việc đoàn tụ gia đình vào dịp
nghỉ Lễ Giáng Sinh này, nhưng nay các dự án của họ đã bị hủy bỏ bởi đợt bùng
phát gần đây nhất của Covid-19, ở Sydney và ở các nước khác trên thế giới.
Còn đối với Đức Giê-su thì gia đình của Người không chỉ dừng lại bởi các
mối quan hệ dựa trên huyết thống. Người không ca tụng mẹ Người vì lý do huyết
nhục. Theo tinh thần của Đức Giê-su thì những ai nghe và thực hành Lời Chúa mới
là những người thân của gia đình Người.
Trong gia đình của Người không ai bị loại bỏ. Trong trình thuật Tin Mừng
hôm nay mô tả cho chúng ta thấy cuộc gặp gỡ giữa ông già Si-mê-on và em bé
Giêsu. Ông đã ẵm em bé Giêsu trên tay và chúc tụng Thiên Chúa. Đây là món quà tặng
mà Thiên Chúa đã ban cho ông trong lúc tuổi già.
Trước khi là nguồn ơn cứu độ cho nhân loại thì hài nhi Giêsu đã là quà tặng
cho gia đình và những người láng giềng trước. Còn con cái của chúng ta hôm nay
thì sao? Chúng có được đón nhận như món quà quí giá từ Thiên Chúa cho gia đình
mình hay không?
Tâm tình đầu tiên của cha mẹ dành cho con cái là đón nhận các cháu trong
yêu thương. Đề nghị này nghe qua có vẻ hơi thừa, vì có cha mẹ nào lại không yêu
thương con mình! Nhưng tâm tình mà chúng ta muốn bàn đến ở đây, không phải chỉ
là tâm tình dành cho các cháu trong một chốc một lát, nhưng là một hành trình
đón nhận yêu thương của cả đời cha mẹ. Trên thực tế, có nhiều cha mẹ yêu thương
con mình rất vụng về. Yêu con mà không dám dành thời gian cho con mình lại có
thể nói là yêu sao? Hơn nữa, tình yêu của cha mẹ dành cho con cái cần đồng đều.
Đừng làm cho chúng hiểu lầm là chúng không được yêu thương như mấy người con
khác trong gia đình. Điều này chỉ tạo sự ghen tương và thù ghét trong tâm hồn
con trẻ.
Với đức tin, chúng ta đều biết mỗi người khi sinh ra đều được Chúa trao
ban một sứ mạng đặc biệt. Chúng ta chỉ có thể cộng tác với Thiên Chúa trong việc
này chứ không thể tự mình định đọat một cách tuyệt đối được. Vẫn biết rằng, vợ
chồng cần phải tính tóan trong việc sinh con; theo giáo huấn của Giáo hội.
Nhưng thực tế lại khác, nhiều em bé được sinh ra ngòai kế họach của cha mẹ. Vẫn
biết đó là ‘accident’; nhưng không vì vậy mà cha mẹ được quyền từ khước sự hiện
diện của chúng. Tôi vẫn xác tín rằng nếu con cái không được quyền chọn cha mẹ
thì cha mẹ cũng không được phép từ khước chúng. Xua đuổi chúng là hành vi tội lỗi.
Và còn hành vi nào tàn nhẫn hơn khi người con vô tội bị hất hủi ngay từ trong
lòng mẹ, chưa được mở mắt chào đời, chưa được huởng khí yêu thương đã phải tống
khứ ra khỏi lòng mẹ. Chẳng có lý do nào chính đáng để bào chữa cho việc làm này
của cha mẹ. Nhưng cha mẹ có đủ lý do để tín thác vào Chúa khi sinh ra chúng.
Trong gia đình của Đức Giê-su không ai bị loại bỏ.
Trong gia đình của Đức Giêsu tất cả đều bình đẳng. Ai cũng có một vị trí
và bổn phận trước mặt Chúa. Giai cấp chủ - tớ bị xóa bỏ. Không ai có quyền thống
trị ai. Mọi thành viên trong gia đình của Chúa đều có nhiệm vụ duy nhất là phục
vụ nhau; giúp nhau khám phá và thực hiện Ý Chúa. Đức Giêsu còn yêu cầu tất cả
hãy sống như con trẻ; nghĩa là như con trẻ nương tựa vào cha mẹ thế nào thì mọi
thành phần trong gia đình của Người hãy nương tựa vào Chúa như là nguồn sống
duy nhất như thế.
Nói như thế thì gia đình là cái nôi, là môi trường vô cùng quan trọng để
chuẩn bị cho con cái vào đời. Trong tinh thần đó, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô
II, trong tâm thư gửi cho các gia đình, Ngài đã ghi lại: "Thiên Chúa đồng
hoá với con người, với những người trong gia đình. Thiên Chúa là một với người
cha, người mẹ, người bạn trăm năm, người con cái trong gia đình." Như vậy,
thật là chí lý khi chúng ta xác quyết rằng gia đình là ngôi trường đầu tiên dạy
chúng ta những bài học căn bản của kiếp người; dậy chúng ta biết yêu thương, phục
vụ, biết từ bỏ và quên mình.
Trong gia đình, cha mẹ trước tiên được mời gọi trở nên những người nêu
gương sáng cho con cái. Con cái không được ban tặng để tùng phục hay thi hành ý
muốn của cha mẹ, cho bằng tất cả được sai đến để thi hành ý muốn của Thiên
Chúa. Đời sống gương mẫu của cha mẹ có sức thu hút thật mãnh liệt, lôi cuốn con
cái đến cùng Chúa. Vì như chúng ta được nghe nói: “lời nói lung lay và gương bầy
lôi cuốn.”
Hãy xem gương Augustinô. Khi còn trai trẻ, thánh nhân là một chàng trai
chơi bời trác táng. Nhưng nhờ lời cầu nguyện và gương sáng của bà mẹ là thánh nữ
Monica, cuối cùng Augustinô đã trở lại cùng Chúa.
Chúng ta có thể cho rằng gia đình Thánh gia Nagiarét được diễm phúc hơn
mọi gia đình khác, vì có chính Chúa Giêsu hiện diện giữa các ngài. Nhưng nếu
xét cho cùng thì các Ngài cũng không có đặc quyền, đặc lợi hơn chúng ta. Các Ngài
cũng cần tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa; và các Ngài cũng cần phải có đức tin
sâu xa và vững mạnh lắm mới có thể chu toàn trọn vẹn vai trò của mình.
Như vậy, muốn gia đình mình được gọi là gia đình Thánh thì mọi thành phần
trong gia đình cần học để vâng phục ý định của Thiên Chúa qua việc chuyên cần
suy niệm và sống Lời Ngài. Và lúc đó, chúng ta đã để cho Lời Chúa soi sáng và
hướng dẫn như lời ước nguyện của Thánh Phao-lô “Nguyện cho Lời Chúa cư ngụ dồi
dào trong anh em.” Từ đó, mọi thành phần trong gia đình của anh chị em như: cha
và mẹ, người cha hay người mẹ đơn thân, con cái và cháu chắt sẽ xứng đáng là những
ngôi đền mà Chúa sinh ra và cùng giúp nhau tìm kiếm và sống theo Thánh Ý Chúa.
Amen!
No comments:
Post a Comment