Wednesday, 28 December 2022

THÁNH MARIA, ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI CẦU CHO CHÚNG CON…


Trong niềm hân hoan chào đón năm mới, chúng ta cùng dâng lên Chúa và Mẹ Maria tâm tình tạ ơn về những hồng ân mà các Ngài đã trao ban trong năm qua. Chúng ta cũng không quên dâng cho các Ngài niềm tín thác và cậy trông của chúng ta trong năm mới 2023 này.

Và thật là chính đáng, khi phụng vụ của Hội Thánh trong ngày đầu năm nhấn mạnh đến vai trò Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Thật là một niềm vinh dự khi chúng ta bắt đầu một năm mới  bằng việc nhắc nhở cho nhau nhớ rằng Mẹ không chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu mà còn là Mẹ của chúng ta nữa.

Thật ra, chúng ta cần Mẹ, một người nữ thật đặc biệt, không chỉ vào dịp mừng Mâu Nhiệm nhập thể của con Mẹ trong mùa Giáng sinh mà thôi, nhưng còn được trải dài trong suốt cả năm nữa! Tuy nhiên, hôm nay, tôi nhận thấy Tình mẫu tử của Mẹ là tâm điểm và lý do cho mọi chú ý của chúng ta. Mẹ được Thiên Chúa mong muốn và trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc hạ sinh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.

Nói cách khác, Chúa Giêsu đã được Mẹ sinh ra, được Mẹ chào đón, ôm ấp, chăm sóc, dậy dỗ và Người đã trưởng thành trong vòng tay yêu thương của cha mẹ mình. Như mọi người mẹ trần thế, thức khuya dậy sớm để chăm lo cuộc sống cho con mình thế nào thì Mẹ của Đức Giê-su cũng thế, nuôi dưỡng Chúa về phần xác, lo cơm ăn, áo mặc cho Người, hiếu khách với những bạn bè của con mình và sau đó, theo đuổi Người trên con đường sứ vụ với sự quan tâm và tận tâm.

Và trong tinh thần của ngày lễ, chúng ta cùng tìm kiếm các gương sáng, những mẫu mực mà Mẹ đã thu hút tôi. Tưởng là tìm được những điều cao siêu, nhưng ai ngờ tâm trí tôi lại bị cuốn hút vào gương sáng của Đức Maria trong vai trò của một người Mẹ trong gia đình của Chúa tại Na-za- rét khi xưa và cả trong lòng Hội Thánh hôm nay.

Trước tiên chúng ta cùng nhìn nhận rằng, Đức Maria vốn chỉ là một tạo vật, cô thiếu nữ Do Thái, giản dị, bình thường như tất cả các cô gái thời đó. Khi nhìn nhận điều này, chúng ta không bất kính đối với Mẹ. Nhưng nhờ vậy mà chúng ta biết rằng Mẹ đã trải qua những bước thăng trầm trong cuộc sống gia đình như chúng ta. Mẹ đã vượt qua những giây phút đau thương và gian nan khi chu toàn vai trò làm vợ, làm mẹ trong cuộc sống gia đình. Mẹ ý thức rằng công việc chuẩn bị cho con của Mẹ sống theo ý Chúa, chứ không sống theo ý Mẹ là ưu tiên một trong cuộc sống của Mẹ. Như vậy Mẹ cần khám phá và tuân phục ý của Thiên Chúa truớc.

Trong trình thuật ghi lại việc Đức Giê-su lần đầu tiên lên đền thờ Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt qua. Sau khi mọi nghi lễ đã xong, “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Ðức Giêsu, ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta. (Luca 2:51-52).

Chỉ bằng hai câu vắn tắt, Thánh Luca đã ghi lại cho chúng ta thấy rõ thái độ và cách ứng xử của Đức Giê-su và Mẹ Maria trong vai trò riêng của từng người. Tuy nhiệm vụ riêng biệt; nhưng cả hai đều hỗ tương và giúp nhau hoàn thành ý định của Thiên Chúa hơn là sống và hành động theo ý riêng của mình. Đức Giê-su vâng phục cha mẹ, càng lớn càng thêm khôn ngoan và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta. Người làm gì có được điều này nếu cha mẹ Người không chuẩn bị trước cho Người.

Thật vậy, Mẹ đã phải cố gắng tìm kiếm ý định của Thiên Chúa mà vâng phục. Ý định của Thiên Chúa không dễ dàng khám phá; rất khó hiểu. Vì thế, Mẹ ghi nhớ, ôn đi nghĩ lại những gì đã xẩy ra, những điều con mình nói và làm rồi trong khả năng Mẹ cố gắng chấp nhận – cho dù đôi lúc không hiểu – Mẹ đã nỗ lực giúp Đức Giêsu hoàn tất ý định của Thiên Chúa. Nói khác đi, Mẹ đã có một cuộc sống chiệm niệm thật thâm sâu. Mối tương quan giữa Thiên Chúa và Mẹ thật thắm thiết. Vì thế, Mẹ sẵn sàng vâng phục và trở thành gương sáng về đức vâng phục cho con mình: Đức Giê-su.

Sau cùng, vào giờ tử nạn của Chúa, Mẹ là một trong số ít môn đệ chứng kiến cái chết của Người trên đồi Canvê. Trong giây phút hấp hối, Chúa Giêsu đã trao Thánh Gio-an cho Mẹ bằng lời lẽ thật cảm động “Thưa bà, đây là con trai của bà,” và nói với Thánh Gio-an, đây là Mẹ con. Mẹ đã là Mẹ của Chúa Giêsu thế nào thì cũng là Mẹ của chúng ta như thế. Thật vậy, chúng ta cần Mẹ! Và chúng ta được mời để trở nên giống như Mẹ vậy.

Là con của Mẹ Maria, Chúa Giêsu tuy là con người nhưng rõ ràng cò nhiều điều kỳ diệu hơn bất kỳ một ai khác. Nơi Người không có sự tội. Chính vì điều kỳ diệu này mà Chúa sẽ đáp ứng nhu cầu của chúng ta về Mẹ, Đấng Trung gian, kiểu mẫu (role model) và là một người bạn thiết nghĩa và vô cùng thân mật trong cuộc sống của chúng ta.

Hôm nay, chúng ta mừng lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta nhớ rằng Mẹ đã ghi nhớ tất cả những điều Chúa nói, không bỏ quên một điều nào. Mẹ nghe. Mẹ nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Noi gương Mẹ, chúng ta hãy ghi nhớ những điều Chúa nói, thường là khó hiểu cho nên phải suy đi nghĩ lại rồi đem ra thực hiện cho nhớ luôn.

Sau cùng, nhân dịp đầu năm, cùng với những người con khác trong gia đình Hội Thánh, chúng ta hãy “chào mừng” Mẹ, ca ngợi Mẹ và thân thưa với Mẹ rằng Mẹ thật có phúc vì Con lòng Mẹ thật có phúc. Sau đó, chúng ta nhờ lời Mẹ chuyển cầu cho chúng ta là những kẻ tội lỗi ngay trong lúc dâng lời cầu, và trong giờ phút sau cùng, khi chúng ta hấp hối nữa. Chúng con cần đến sự trợ giúp của Mẹ ngay bây giờ, mỗi ngày và cho đến khi kết thúc cuộc lữ hành trần thế này.

Chúng ta cùng cầu nguyện: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Amen!

Wednesday, 21 December 2022

CHÚA ĐÃ ĐẾN, HÃY MỜI NGƯỜI THAM DỰ TIỆC SINH NHẬT


Sau hai mùa Giáng Sinh chiến đấu với dại dịch và may mắn còn được sống và nhìn thấy nhau, năm nay chúng ta được tự do và thoải mái hơn cho nên việc mừng Lễ Giáng Sinh dường như nhộn nhịp và hòanh tráng hơn. Tuy nhiên, cũng có vài nơi xem ra hơi quá lố. Họ chỉ chuẩn bị phần tiệc tùng và tặng qùa cho nhau mà quên đi món quà của ngày đại lể. Không có món quà đó từ Thiên Chúa thì làm gì có Giáng Sinh. Thiên Chúa làm người, ở cùng chúng ta là món quà cao trọng nhất của Thiên Chúa ban cho nhân loại, đó là lý do chính của việc mừng lễ vậy.

Tuy nhiên, có một điều rất thực tế mà tôi xin anh chị em để ý, đó là lễ này không chỉ dành riêng cho những người theo truyền thống Ki-tô giáo mà thôi, nhưng nay là lễ hội chung cho mọi người. Dù giầu hay nghèo, sang hay hèn, luơng hay giáo, già hay trẻ… Ai ai cũng nô nức đón chào Mầu Nhiệm thật cao cả này.

Vì thế, trong niềm vui chungcủa ngày Đại Lễ, tôi xin gửi đến quí ông bà và anh chị em lời nguyện chúc bình an và yêu thương. Ước mong sứ điệp niềm vui mà sứ thần đã loan báo trong đêm Hồng Phúc sẽ hiện diện và giúp quí vị vượt qua mọi khó khăn trong năm mới 2023 bằng một tâm hồn vui tươi và an bình.

Còn riêng cho những ai theo truyền thống Ki-tô giáo, thì đây là Lễ mừng ngày Sinh Nhật của Đức Giê-su, Chúa chúng ta.

Trong các tuần qua, chúng ta đã chuẩn bị tâm hồn và cuộc sống để xứng đáng cử hành Mầu nhiệm Thiên Chúa Giáng trần. Việc tham dự các nghi lễ phụng vụ để mừng việc Chúa giáng trần thật cần thiết. Nhưng, theo tôi, việc sống mầu nhiệm đó nơi bản thân của mỗi người mới là điều quan trọng. Thiên Chúa không còn hiện diện ở một nơi xa xăm nào đó. Người đã làm người và ở cùng chúng ta. Người cũng chẳng cần nói với chúng ta qua môi miệng của các ngôn sứ nữa. Người đã đến và đang đứng bên cửa để chờ lời mời của chúng ta; ai nghe tiếng và mở cửa tâm hồn đón nhận Người thì Người sẽ đến để dùng bữa với họ.

Trong tâm tình đó, thay vì tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm vượt quá mức hiểu biết của con người. Năm nay, xin mời anh chị em nghe tâm sự của một người tên là Giê-su trong tâm thư của Người gửi cho chúng ta như sau:

Anh chị em thân mến,

Cũng như mọi năm, hôm nay là ngày sinh nhật của tôi và như thường lệ, người ta dành cho tôi một ngày. Tôi ít khi tổ chức sinh nhật cho chính tôi. Người ta tổ chức cho tôi. Thật là một niềm vinh dự khi được mọi người nhớ đến và còn tổ chức tiệc sinh nhật cho tôi nữa. Năm nào cũng thế, ít là một lần, người ta nhớ đến tôi, điều đó cũng không tệ vì anh chị em biết, sinh nhật của tôi được mừng từ lâu rồi. 

Những năm đầu tiên, xem ra người ta cũng hiểu ý nghĩa của ngày lễ và cũng tỏ lòng biết ơn về những gì tôi đã làm cho họ; nhưng càng ngày, xem ra không ai còn nhớ đến lý do của ngày lễ.

Tôi nhớ rất rõ, cách đây vài năm, trước khi đại dịch xẩy ra, tại một gia đình nọ, người ta tổ chức một bữa tiệc lớn mừng sinh nhật tôi. Bàn tiệc đầy thức ăn đồ uống, bánh trái đủ các loại… nào kẹo, nào mứt, nào chocolate. Và này, người ta trang hoàng phòng tiệc thật lộng lẫy, nào cây giáng sinh, nào những quả bóng xinh xắn lủng lẳng trên đó; nào hoa, nào những dây đèn rực rỡ… và ở đó, cũng có rất nhiều hộp quà được gói thật đẹp… Nhưng anh chị em biết không, hôm đó, tôi không được mời.

Tôi là khách danh dự, thế mà, người ta không nhớ để gửi cho tôi một tấm thiệp.  

Bữa tiệc dành cho tôi, nhưng khi ngày trọng đại ấy đến, thì tôi phải đứng ngoài. Họ đóng sầm cánh cửa trước mặt tôi… đang khi tôi những ước ao đồng bàn với họ.

Thực ra, điều đó không khiến tôi quá ngạc nhiên, vì trong những năm gần đây, mọi cửa nhà đều đóng lại khi tôi đến. Bởi không được mời, nên tôi đã quyết định lẻn vào mà không gây một tiếng động nào. Tôi nhẹ nhàng đi vào và đứng lớ ngớ trong một góc. Mọi người đều uống, vài người bắt đầu có dấu hiệu say, họ nói năng nghịch ngợm và cái gì cũng có thể khiến họ cười, họ cười mọi chuyện. Họ có một buổi tối thật thú vị.

Đến nửa đêm, mọi người bắt đầu ôm nhau; tôi cũng dang rộng đôi tay đợi một ai đó đến ôm hôn mình, và anh chị em biết, không ai đến hôn tôi cả.

Rồi thì, mọi người bắt đầu trao cho nhau những món quà. Lần lượt, từ món này đến món khác, những gói quà được mở ra và ai ai cũng nô nức muốn biết cái gì bên trong. Khi tất cả quà tặng đã được mở ra, tôi cũng lo lắng không biết liệu mình có nhận được một món nào không. Này anh chị em, anh chị em nghĩ thế nào nếu như vào ngày sinh nhật của anh chị em, khi mọi người trao quà cho nhau đang khi tự bản thân, anh chị em không có lấy một món quà nào cả.

Vậy là tôi hiểu, họ không thích sự có mặt của tôi ở đó, nên cuối cùng, tôi lẳng lặng… ra đi. 

Mỗi năm, sự việc càng trở nên tồi tệ hơn. Ai ai cũng chỉ nhớ đến những món quà, những bánh trái, đồ ăn thức uống và không ai còn nhớ đến tôi.

Năm nay, nhân dịp sinh nhật của tôi. Cho dù cuộc sống của anh chị em vẫn còn nhiều khó khăn. Thế gian mà tôi yêu mến vẫn còn đối diện với chiến tranh, dịch bệnh và nhiều tai ương khác. Nhưng tôi vẫn muốn anh chị em cho phép tôi được cùng sống với anh chị em, cùng đồng hành với anh chị em và đi vào cuộc đời anh chị em.

Tôi muốn mỗi người trong anh chị em ý thức rằng, đã hơn 2000 năm, tôi đã đến trần gian này để trao tặng cho mỗi người một quà tặng là chính cuộc sống của tôi, từ khi lọt lòng Mẹ cho đến lúc bị treo trên cây Thánh giá, để cứu chuộc anh chị em. Hôm nay, tôi chỉ muốn một điều là anh chị em hãy tin điều đó, hãy ghi khắc điều đó vào lòng mình.

Còn một chuyện nữa, tôi cũng muốn nói nhỏ với anh chị em, vì không được mời vào dự tiệc, thì tôi phải liệu tổ chức cho mình một bữa tiệc của tôi, một bữa tiệc lớn… không ai có thể tưởng tượng được, một bữa tiệc tráng lệ huy hoàng mà chính tôi định đoạt và sắp đặt tất cả.

Hôm nay, tôi gửi đi rất nhiều thiệp mời và mỗi người trong anh chị em đều có một tấm thiệp của tôi. Tôi muốn biết, anh chị em có đến tham dự để tôi giữ chỗ bằng cách ghi tên của anh chị em vào sổ các thực khách. Chỉ những ai có tên trong sổ vàng ấy mới được mời vào dự tiệc.

Ai không trả lời thiệp mời, sẽ tự loại mình ra ngoài. Vậy, anh chị em hãy chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho mình, vì khi mọi sự đã sẵn sàng, anh chị em sẽ bước vào tham dự bữa tiệc lòng mến với tôi.

Hẹn gặp anh chị em trong bữa tiệc do tôi tổ chức,

Hết lòng yêu mến anh chị em,

Tôi, Giêsu, người bạn lòng của anh chị em.

 

Wednesday, 14 December 2022

HÃY ĐẾN! HÃY ĐẾN! EM-MA-NU-EN.

 

Chúng ta bước sang tuần thứ Tư Mùa Vọng. Chỉ còn một tuần nữa là đến Lễ Giáng Sinh. Sau hai mùa Giáng Sinh thinh lặng bởi Covid-19, năm nay chúng ta hình như mừng lễ bù. Không khí thật nhộn nhịp. Các buổi hội diễn thánh ca đang diễn ra thật tưng bừng và náo nhiệt. Các ca đoàn thi đua tiếng hát dâng lời ca khen và chúc tụng Thiên Chúa. Nói chung, người người nô nức vui mừng trong niềm hy vọng mà Đấng Cứu Thế đã đem đến cho nhân loại hơn 2000 năm qua.

Bên cạnh vẻ huy hoàng tráng lệ hầu như ngược lại với hoàn cảnh nghèo hèn, bị xua đuổi, không có chỗ trú thân khi hài nhi Giê-su được sinh ra. Chúng ta còn nghe thoảng thoảng đâu đó vẫn còn những cảnh đời thật thương tâm, vẫn còn nhiều cảnh đời bất hạnh. Không thiếu những trẻ em sống cô đơn, thiếu vắng tình thương trước sự đổ vỡ của cha mẹ mà hậu quả là mà các cháu phải gánh chịu. Những nạn nhân bị lạm dụng về tinh thần lẫn thể xác bởi việc lạm dụng quyền uy của một số vị lãnh đạo. Còn có những cụ già trong các viện dưỡng lão kiên trì ngồi bên khung cửa để trông chờ và đón đợi con cháu đến thăm. Những ngày như thế này chỉ đem lại cho họ nỗi buồn và tâm trạng tủi thân.

Tuy nhiên, chúng ta tin rằng Chúa đã đến và vẫn còn đến trong hoàn cảnh riêng của từng người.  Khi bước vào trần gian, Người đã không ngần ngại bước đến với con người trong hoàn cảnh mỏng dòn, bội ước và đầy tham vọng của họ. Đây là sáng kiến của Thiên Chúa. Chính Người đã đi bước trước để làm gương cho con cháu Người. Thiên Chúa không còn ở xa, nhưng đã đồng hình đồng dạng để chia sẻ mọi hoạn nạn khổ đau của con người. Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Em-ma-nu-en chính là thế.

Giống như mọi hài nhi, Con Thiên Chúa khởi đầu là một thai nhi, tuỳ thuộc và lớn lên trong cung lòng một trinh nữ, mang tên Maria, Mẹ Người. Sự cộng tác trọn vẹn và phó thác của Mẹ đã khiến một biến cố phi thường xẩy ra một cách thật bình thường. Mẹ là người đã sẵn sàng vuợt qua mọi rào cản để Con Thiên Chúa bước vào cuộc đời Mẹ và bước vào thế giới qua cung lòng của Mẹ. Như mọi bào thai,  Đức Giê-su, Con Thiên Chúa đã đón nhận sự nuôi dưỡng, chăm sóc từ những giọt máu đào và dòng sữa yêu thương của Mẹ. Không ai hiểu thân phận của Chúa bằng Mẹ. Mẹ là mẫu gương mà Hội Thánh muốn cho con cái mình noi theo. Ngoài Mẹ ra, Hội Thánh giới thiệu cho chúng ta một nhân vật khác, tuy thầm lặng và ít được nhắc đến nhưng vai trò không kém quan trọng như vai trò của Mẹ. Đó chính là Thánh Giu-se. Thật vậy, ngoài Mẹ ra, thì không có ai hiểu thấu và quan tâm cho Chúa bằng Thánh Giu-se.

Bản tính thầm lặng và hầu như không một lời nói nào của Thánh Giu-se được các Thánh Sử lưu trữ, lại là một yếu tố giúp chúng ta quên đi những ánh mầu rực rỡ, không khí tưng bừng của ngày đại lễ rồi cùng nhau ngồi xuống, trong thinh lặng để suy gẫm về mầu nhiệm mà chúng ta sắp cử hành.

Anh chị em thân mến,

Con đường của Thiên Chúa dành cho Giu-se bước đi cũng không dễ dàng. Thánh Kinh mô tả ngài là một người công chính, đã đính hôn với cô gái trạc tuổi trăng tròn, tên là Maria. Bên nhà gái khoảng mười sáu tuổi thì lẽ nào Giu-se lại là một cụ già lụ khụ. Giu-se hẳn nhiên là một cậu thanh niên khôi ngô và tuấn tú như vậy mới xứng đôi với cô Maria trẻ trung và mỹ miều.

Vào một ngày kia, Giu-se phải đối diện với một biến cố thật trọng đại khiến anh bị sốc. Vị hôn thê của anh vừa báo cho anh biết là nàng đã có thai, và điều duy nhất Giu-se biết chắc chắn là thai nhi đó không phải là của mình. Anh biết làm sao đây? Làm sao anh có thể tin được lời của Maria nói là nàng ta mang thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần?

Xuất phát từ lòng đạo đức, Giu-se chỉ biết âm thầm tâm sự với Chúa. Chúng ta không biết Giu-se đã cầu nguyện như thế nào? Hẳn nhiên là anh xin Chúa soi sáng, giúp anh tỉnh thức để khỏi bị kéo vào đêm đen và có những quyết định mất lòng Chúa. Giu-se định âm thầm lìa bỏ Maria. Đó cũng không phải là giải pháp tốt, bởi thai nhi sẽ lớn lên và nếu anh bỏ nàng thì ai sẽ chịu trách nhiệm về bào thai đó. Anh bị bao phủ bởi màn đêm và cứ thế Giu-se đã thiếp đi trong giấc ngủ.

Trong giấc ngủ anh mơ thấy thiên thần. Trong trình thuật truyền tin cho Maria thì thiên thần Chúa hiện đến, trấn an Maria đừng sợ. Nhưng ở đây, Thánh Mát-thêu đã mô tả Giu-se vượt qua trạng thái sợ hãi khi đối diện với thiên thần. Chính nhờ điều này mà Giu-se, con người của niềm hy vọng, đã dễ dàng tin vào sứ điệp của thiên thần nói với ông như sau: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” (Mt 1:21)

Khi giật mình thức dậy, Giu-se đã tuân phục ý định của Thiên Chúa qua lịnh truyền của sứ thần và đón vợ về nhà. Và hai người vẫn không ăn ở với nhau, cho đến khi Ma-ri-a sinh một con trai, và Giu-se đã đặt tên cho con trẻ là Giê-su. Theo tục lệ của người thời bấy giờ thì ai đặt tên cho con trẻ thì người đó là cha hợp pháp của đứa trẻ vậy.

Vẫn biết Giu-se một lòng tuân phục và thực hiện ý định của sứ thần. Tuy nhiên, chúng ta không thể bỏ qua tình huống mà Giu-se và Ma-ri-a đang đối diện. Khó khăn vẫn còn. Trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, khi đi đến quyết định đón vợ về nhà, Giu-se vẫn không tránh khỏi giây phút hoang mang về danh tiếng của anh cũng như hậu quả có thể xuất phát từ vụ xì căng đan bởi việc thụ thai của Ma-ri-a, người vợ mà anh hết lòng yêu thương và tin tưởng. Làm sao mà anh và Maria có thể chứng minh cho người ta biết là bào thai mà vợ anh đang mang là do tác động của Chúa Thánh Thần?

Chúng ta hãy nghe đôi bạn trẻ Giu-se và Ma-ri-a tâm sự với nhau. Maria đã nói với Giu-se: sứ thần nói với em rằng con trẻ em đang mang trong người sẽ được gọi là Con Đấng Tối cao, và chúng mình sẽ đặt tên cho con là Giê-su. Giu-se đáp lại: đúng đấy em ơi, anh cũng được báo mộng bởi sứ thần là như thế, vì vậy chúng mình sẽ đặt tên cho con là Giê-su. Sau đó Giu-se nói thêm rằng con chúng mình sẽ được gọi là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

Giu-se biết rõ tâm tính và lòng đạo đức của Ma-ri-a, nàng không bội ước với anh. Sứ điệp anh nhận được từ sứ thần cũng là những gì mà Ma-ri-a đã nói cho anh. Sao có sự trùng hợp đến thế. Phải chăng đây là việc làm của Thiên Chúa.

Cuối cùng Giu-se cũng đã kết hợp được sức mạnh của niềm tin với tinh thần khiêm cung trước Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Anh và Maria tin rằng, Thiên Chúa sẽ hướng dẫn các ngài vượt qua tất cả. Nhưng ngây bây giờ, trong giây phút này anh phải lựa chọn. Hẳn nhiên sự lựa chọn của anh không phát xuất từ một giây phút bồng bột và bốc đồng. Cả đời Giu-se đã chuẩn bị cho giây phút chọn lựa này, và hơn thế nữa, Giu-se sẽ phải sống với quyết định này cho đến cuối đời Ngài.

Có một điều mà Giu-se có nằm mơ cũng không nghĩ ra rằng quyết định của ngài lại mang tầm ảnh hưởng thật sâu xa đối với lịch sử của thế giới đến như thế. Con Thiên Chúa làm người và cư ngụ giữa thế gian. Gương sáng của Giu-se thật đáng kính trọng và lưu truyền cho muôn thế hệ.

Noi theo gương sáng của thánh Giu-se, chúng ta cầu xin có được một con tim rộng mở cho các dự án mà Thiên Chúa thực hiện nơi mình và nơi người khác, mà không một ai trong chúng ta có thể lường trước hay biết rõ được. Nguyện xin lời tuyên xưng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta sẽ trở thành hiện thực trong cuộc sống chứng nhân của chúng ta cho thế giới này. Amen!

 

Wednesday, 7 December 2022

AI CHỜ, AI ĐỢI AI ĐÂY!



                Truyện kể rằng, vào một Chúa nhật cuối năm phụng vụ, linh mục quản xứ long trọng nói cho bà con trong xứ đạo biết về các thành quả mà Giáo Xứ đã đạt được. Ngài rất hài lòng vì số người tham dự các sinh hoạt phụng vụ như tham dự các Thánh Lễ, chia sẻ lời Chúa, tham gia các đoàn thể, phong trào và các sinh hoạt giới trẻ, chầu Thánh Thể tăng nhanh. Ngoài ra, bà con còn hết lòng tham gia các công tác từ thiện như giúp đỡ người nghèo, thăm người đau yếu trong các bịnh viện, nhà dưỡng lão… Nói chung, qua việc làm của anh chị em trong giáo xứ thì vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện cho mọi người nhận biết chúng ta quả thật xứng đáng là đoàn chiên của Người.

                Trong lúc cha xứ đang hân hoan chia sẻ với các tín hữu, bỗng nhiên có một giọng nói rất chậm rãi của một cụ già phát lên từ hàng ghế phía sau của hội trường nhà xứ như sau: “Tạ ơn Chúa, vì các thành quả của chúng ta đã làm để tôn vinh Chúa, thế mà sao chẳng có ma nào trở lại để gia nhập vào Đạo Chúa và học theo lối sống của chúng ta thế này!”

                Lời than van của cụ già trong giáo xứ phản ảnh lời chất vấn của các môn đệ mà Gio-an Tẩy Giả đã phái đến để hỏi về thân thế của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay. Câu hỏi “Thầy có phải là đấng mà chúng tôi mong đợi?” có thể được đổi thành chúng ta có phải là hiện thân của Đấng Cứu Thế mà thế giới đang mong đợi hay không?

                Thưa anh chị em,

                Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mát-thêu đã trình bầy cho chúng ta thấy con người thật của Gio-an Tẩy Giả. Lúc này ông đang bị ngồi tù vì dám khiển trách nhà vua đã cả gan cướp vợ của người anh trai lấy làm vợ của mình. Gioan đã cả gan động tới long nhan và đời sống của thiên tử. Nhưng, đứng trước và nhất là khi cần binh vực cho sự thật và công chính, Gio-an đã không một chút kiêng dè và sợ hãi một uy quyền nào hết.

                Dù đang bị giam trong tù, nhưng Gio-an vẫn được nghe nói về các việc mà Đức Giê-su đã làm. Ông cảm thấy hoang mang và tự hỏi mình rằng những gì ông loan báo về Đức Giê-su có ứng nghiệm bởi các việc làm của Chúa hay chăng. Bởi vì, mới tuần trước chúng ta nghe Gio-an giảng khi Đức Giê-su đến, Người sẽ cầm nia trong tay để sàng lọc thóc, thóc tốt thì thu vào kho, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi. Hình ảnh sàng lọc mà Gio-an nói ở đây ám chỉ đến ngày phán xét. Thế mà những gì Gio-an được nghe về Chúa thì dường như chẳng thấy có sự phán xét hay thẩm tội ai từ Chúa cả; cũng chẳng thấy chỗ nào người ta nói đến việc Đức Giê-su ném những người có tội vào lửa cả. Thay vào đó, về mặt giảng dậy thì Đức Giê-su nhấn mạnh đến thời đại hồng ân của Thiên Chúa, còn lối sống của Người thì chẳng ra thể thống hay có lớp lang gì, lang thang ăn uống, binh vực và làm bạn với người tội lỗi. Lời giảng dậy và công việc của Đức Giê-su như thế làm cho Gio-an bị ngộ nhận. Để làm cho sự thật được sáng tỏ, Gio-an đã không ngần ngại sai các môn đệ đến hỏi Chúa Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?“

                Đức Giê-su nhẹ nhàng nói cho các môn đệ của Gio-an về các điều mà Người đã làm và họ đã chứng kiến, đó chính là người mù được sáng mắt, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết được sống lại và những người nghèo được nghe Tin Mừng, như đã được loan báo bởi ngôn sứ I-sa-i-a mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc một. Sau đó, Đức Giê-su còn nhắc khéo cho Gio-an biết rằng ông thật là có phúc, nếu không bị vấp ngã vì các công việc mà Đức Giê-su đã làm. Ở đây, Đức Giê-su muốn nói với Gio-an rằng: qua lời tường trình về các công việc Đức Giê-su đã làm thì ông có tin Người là Đấng Thiên Sai hay không?

Anh chị em thân mến,

Chúng ta không hề hay biết Gio-an có đón nhận lời chúc phúc của Đức Giê-su danh cho ông hay không mà chỉ biết rằng sau đó Đức Giê-su ca ngợi lối sống chứng nhân của Gio-an. Qua cách nói gián tiếp này chúng ta thấy được vị trí của Gioan trong con mắt của Đức Chúa. Ông đuợc ví như cây sậy phất phơ trước gió, nhưng đã không ngã gục trước quyền lực của những người đến hỏi tội ông. Gio-an cũng không đánh lừa dân chúng. Ngài can đảm làm chứng về sự thật. Và vì sự thật mà Ngài đã bị xử tử, bị giết chết. Đó chính là con đường mà ngôn sứ phải đi: chỉ biết nói sự thật cho dù phải chết.

Gio-an không phải là ánh sáng mà chỉ là nhân chứng của ánh sáng. Ánh sáng đích thật là Chúa Giêsu. Vì thế khi Đức Kitô bắt đầu sứ vụ công khai thì vai trò của Gio-an phải lu mờ. Cũng như Gio-an, chúng ta phải biết chấp nhận sự thật về mình, sự giới hạn của mình, không giả tạo, không qui công về mình cái mà mình không có, điều mà mình không làm. Bằng không, chúng ta có thể trở thành những con người bất mãn và chỉ biết đòi hỏi.

Đây là sự cao trọng trong sứ mạng của Gio-an. Chính vì biết mình là ai, và cần phải làm gì trong chuơng trình của Thiên Chúa, nên Gio-an đã trở thành con người vĩ đại như lời ca tụng của Đức Giêsu: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan tẩy giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước trời còn cao trọng hơn ông.” Bởi vì, vai trò của Gio-an dù có cao trọng đến đâu thì ông vẫn chỉ là người dọn đường; còn chính Chúa Giê-su và những kẻ thuộc về Người mới thuộc về Nước Trời.

Đó là giáo lý mới, tin vui mà Chúa Giê-su đã đem lại. Chính Gio-an cũng phải thay đổi lối nhìn và cách sống sao cho phù hợp với những yêu sách của Tin Mừng về Nước Trời. Với Đức Giêsu, trong triều đại của Người, chúng ta hãy cứ để cho ‘cỏ lùng và lúa tốt” cùng mọc lên, cho ‘chiên và dê’ cùng sống chung. Việc phân xử là của Chúa. Thời gian phân xử cũng thuộc về Ngài. Còn bây giờ, chúng ta hãy noi gương Chúa Cứu Thế, đi trên con đuờng mà Người đã đi, chiếu hy vọng đến những nơi tăm tối, đem tin vui đến tận hang cùng ngõ hẻm của thế giới; loan báo năm hồng ân, rao giảng và làm nhân chứng cho Đức Giê-su, Đấng có quyền làm cho kẻ què được đi (trên con đường của Chúa), người điếc được nghe (tin vui từ Chúa), người mù được nhìn thấy (ánh sáng của Chúa) và kẻ chết được sống lại từ cõi chết.

                Tóm lại, vai trò của Gio-an là giới thiệu và dọn đường cho Đấng Cứu Thế; còn Chúa Giêsu và chúng ta là niềm hy vọng, nguồn sống sung mãn của Thiên Chúa cho người khác. Có như thế, viêc chúng ta mừng lễ Giáng Sinh không phải là việc tưởng niệm biến cố đã xẩy ra trong quá khứ; nhưng là tiếp tục công việc của Thiên Chúa qua Mầu Nhiệm Nhập Thể của Đức Giê-su, Đấng đã đến trong kiếp người để chia sẻ cuộc sống với những người nghèo khổ, bất hạnh mang đầy thương tích, những nạn nhân của bất công, những con người đang khao khát công lý và an bình. Nguyện xin ân huệ của Ngôi Hai Thiên Chúa luôn biến đổi cuộc đời của chúng ta thành những con đường đem Chúa đến cho người khác. Amen!

Friday, 2 December 2022

SÁM HỐI ĐỂ SẴN SÀNG


Chúng ta đang sống trong mùa vọng, mùa chuẩn bị tâm hồn mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa giáng trần. Đây cũng là thời gian đặc biệt nhắc nhở chúng ta về việc Chúa sẽ đến lần thứ hai trong quang lâm để chào đón chúng ta vào vương quốc vĩnh cửu của Ngài. Muốn được như thế, chúng ta phải sẵn sàng và tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong các nghi lễ phụng vụ, qua các dấu chỉ của thời đại và nhất là qua con người, bởi Thiên Chúa đã làm người và cư ngụ giữa chúng ta.

Việc Thiên Chúa viếng thăm để cứu chuộc dân Người nằm trong dự án của Thiên Chúa. Đó chính là sứ mạng của Thiên Chúa. Còn Người thực hiện chương trình cứu độ như thế nào thì hãy nghe Thánh Phao-lô nói rất rõ như sau: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1:1-2) Có nghĩa là, Thiên Chúa luôn đồng hành với nhân loại. Người hoạt động để thực hiện lời hứa với cha ông chúng ta. Người soi sáng và dùng miệng lưỡi các ngôn sứ để thực hiện sứ mạng và sau cùng Người đã sai Thánh Tử Giê-su đến và ở giữa chúng ta. Nói chung Thiên Chúa toàn tâm toàn ý thực hiện và hoàn tất kế hoạch cứu rỗi nhân loại.

Để cho kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa được thể hiện nơi cuộc sống, mỗi người chúng ta hãy nghe lời cảnh báo của Gio-an Tẩy Giả hôm nay: Hãy dọn đường và sửa lối để đón chào Đức Chúa và hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần. Sau này khi bắt đầu sứ vụ, Đức Giê-su đã loan báo: “Anh em hãy sám hối và Tin vào Tin Mừng.” Như vậy, xem ra việc dọn đường, sửa lối, thay đổi cách sống để diễn tả tâm tình sám hối hầu nhận ra Nước Thiên Chúa hiện diện trong bản thân của Đức Giê-su là một lời cảnh báo rất khẩn thiết và quan trọng.

Chúng ta vẫn biết rằng, Thiên Chúa yêu thương và làm bạn với những người tội lỗi. Điều này không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Người thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Người.

Trong cùng một tinh thần đó, Hội Thánh mượn lại lời kêu gọi của Gio-an Tẩy Giả để kêu gọi chúng ta sám hối. Sám hối là gì?

Sám hối là cơ hội giúp ta đổi mới. Muốn đổi mới, con người cần có can đảm để đối diện với các khuyết điểm của chính mình. Sự can đảm này thật cần thiết, bởi vì theo lẽ thường thì con người thích đi trên lối cũ, sống với những thói quen đã ăn sâu trong cuộc sống, cho nên rất khó thay đổi.

Sám hối là hồng ân, vì tự chính bản thân, ta có thể thấy được gì! Và, chỉ ở trong tình yêu và ánh sáng của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, ta mới thấy các yếu kém của mình để đổi mới. Đó là hồng ân mà Chúa chiếu soi để ta nhận biết mình. Muốn được như thế, chúng ta phải thường xuyên để cho giá trị của Tin Mừng và các tiêu chuẩn của Nước Thiên Chúa chất vấn chúng ta.

Sám hối không chỉ là việc nhận ra mình có tội rồi đi xưng tội để được hòa giải cho được sạch tội mà thôi; nhưng để tin vào Tin Mừng, nghĩa là tin vào lời giảng dậy, việc làm và lối sống của Đức Giêsu, Đấng đã tiêu diệt quyền lực của sự ác trong ta, để nhường chỗ cho sự hiện hiện của Nuớc Thiên Chúa qua Đức Giêsu, Đấng sẵn sàng chia sẻ cuộc sống của Người với đời sống của ta. Trong niềm hiệp thông đó, chúng ta diễn tả việc sám hối bằng cách sinh hoa kết quả theo lời yêu cầu của Gio-an hôm nay bằng việc đền bù thiệt hại cho những ai mà chúng ta đã xúc phạm và chia sẻ tiền của cho những người nghèo khổ và khốn khó như gương sáng của ông Da-kêu đã làm thủa xưa.

Như vậy, cuộc sống, việc làm và lời rao giảng của Gio-an Tẩy Giả hôm xưa cũng là của chúng ta hôm nay. Gio-an đã xuất hiện như một ngôn sứ cuối cùng để chuẩn bị con đường cho Đức Me-si-a, Đấng thiên sai ngự đến thế nào thì chúng ta cũng thế. Noi gương Ngài chúng ta được mời gọi ra đi để công bố cho những người chung quanh hãy sống ăn năn, hãy dọn đuờng chào đón Chúa Cứu Thế và tin theo Người.

Giống như Gio-an Tẩy Giả, chúng ta đến để giới thiệu và chỉ cho người ta thấy con đường của Chúa. Từ bỏ vinh dự cao quí và lui về phía sau để Thiên Chúa thực hiện dự án của Ngài qua sứ mệnh mà chúng ta đã lĩnh nhận là điều tuy cần thiết nhưng rất khó thực hiện. Qua hành động như thế, chúng ta không hoạt động cho vinh quang của mình mà làm cho Danh Chúa được cả sáng hơn.

Như vậy, con đuờng mà chúng ta chuẩn bị cho Chúa đến là con đuờng đức tin, con đuờng của niềm vui; một niềm vui phát xuất từ bên trong phần sâu thẩm của tâm hồn và chỉ dành cho những ai đã đuợc Chúa chiếm đoạt. Trong sự tự do chúng ta đành mất tất cả để dành phần ích lợi cho anh em.

Tóm lại, trong tinh thần của Mùa Vọng và với gương sáng trong việc chu toàn sứ mạng của Gio-an Tẩy Giả giúp cho chúng ta nhớ lại ơn gọi của chính mình. Chúng ta không chỉ được kêu gọi ăn năn và sám hối để chuẩn bị tâm hồn Mừng Lễ Giáng Sinh mà thôi đâu. Người đã đến trong hoàn cảnh của từng người, với tất cả giới hạn của thân phận gắn liền với đổ vỡ và tội lỗi của mình. Chính trong vùng đất khô cằn như hoang địa như thế, Thiên Chúa đã cất nhắc chúng ta lên, cho phép chúng ta tham dự vào sứ vụ của Người. Vì thế, chúng ta phải ra đi, không chỉ là tiền thân của Đấng Cứu Thế mà còn là hiện thân của Người, Đấng đã từ bỏ và chấp nhận mất tất cả để đem lại ơn cứu độ cho mọi người, không loại trừ một ai.

Nhiệm vụ ‘dọn đường và giới thiệu Đức Ki-tô cho người khác’ thật nặng nề. Gio-an đã làm được. Đức Giê-su đã mở đường. Tin tưởng vào sự trợ giúp của các ngài, chúng ta sẽ làm được. Vì thế, không chỉ trong Mùa Vọng này, mà trong mọi giây mọi phút của cuộc sống, chúng ta không chỉ dọn đường cho Người đến mà hãy cùng bước trên con đường của Người. Con đuờng yêu thương và đón nhận. Con đường tự hiến và hy sinh. Con đuờng tha thứ và chấp nhận. Con đuờng của sự thật để nhận ra tất cả là của Người. Và, khi cùng dắt nhau đi trên con đuờng của Chúa, tâm hồn chúng ta sẽ rộng mở để đón nhận nhau, nhận ra sự hiện diện của Chúa Cứu Thế nơi tha nhân. Người đã đến giữa chúng ta, trong lòng người và giữa lòng đời. Và nếu chúng ta không nhận ra Người trong cuộc sống của nhau thì việc dọn đuờng để chuẩn bị cho việc mừng Lễ Giáng Sinh cũng là việc làm chiếu lệ, theo thói quen.

Xin hãy mở mắt chúng con nhận ra Người nơi anh em không chỉ trong Mùa Vọng này, nhưng là trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời và nhất là trong các bữa tiệc Lòng Mến mà chúng con đến để trao gửi Chúa cho nhau. Amen!

 

 

Wednesday, 23 November 2022

CHÚNG CON SẴN SÀNG RỒI!


Chúng ta đã kết thúc năm phụng vụ 2022 bằng việc cử hành trọng thể Lễ Chúa Giê-su Ki-tô, Vua vũ trụ vào Chúa Nhật tuần qua. Lại một lần nữa, chúng ta hạ quyết tâm đầu phục Đức Giê-su làm vua và làm Chúa chúng ta. Không chỉ có thế, chúng ta còn cố gắng làm mọi cách cho vương quyền của Thiên Chúa mau đến, Nước Chúa được hiển trị để muôn dân muôn nước sẽ quì gối mà tôn vinh Người là Chúa, là Vua.

Thực tế, đó vẫn chỉ là ước mơ. Ngày mà muôn dân qui tụ dưới chân của Vua Tình yêu sẽ đến, nhưng vẫn chưa biết khi nào! Hiện tại chúng ta còn việc phải làm để khi nào Người đến thì chúng ta đã sẵn sàng.

Đó cũng là tinh thần của Mùa Vọng. Chuẩn bị sẵn sàng để kỷ niệm việc Chúa đến lần thứ nhất trong Lễ Giáng Sinh và cũng chuẩn bị để gặp Chúa trong mọi giây phút của cuộc đời mình nữa; để khi Chúa đến lần thứ hai trong quang lâm, chúng ta đã sẵn sàng. Trong tinh thần đó, sứ điệp của Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng này nhắc nhở chúng ta hướng về ‘Ngày của Chúa’ đến lần sau cùng. Đây là vấn đề của đức tin. Chúng ta tin Người sẽ đến, còn đến như thế nào thì không ai biết, chỉ mình Thiên Chúa biết thôi.

Vì vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, với kiểu nói minh họa, Thánh sử Mát-thêu đã thuật lại trận lụt kinh hoàng xẩy ra dưới thời ông No-ê. Nhưng ở đây có một chi tiết quan trọng mà chúng ta cần lưu tâm, đó là không có sự phán xét về mặt đạo đức để coi trận lụt như là án phạt mà Thiên Chúa dành cho những người sống cùng thời với ông No-ê. Điều mà bản văn muốn nhấn mạnh là: Cuộc sống của con người vẫn tự nhiên, họ vẫn ăn, vẫn uống, vẫn làm lụng vất vả, sinh hoạt như mọi ngày, chẳng có chi tiết nào nói đến cuộc sống đồi trụy hay sa đọa cả, chẳng có một dấu hiệu nào báo về ngày cùng tận cả. Trong bối cảnh bình thường như thế, cuộc chung thẩm sẽ bất ngờ xẩy ra.

Những câu nói kế tiếp trong bài Tin Mừng sẽ làm cho ngày chung thẩm xẩy ra một cách bất ngờ hơn. Bất ngờ đến độ hai người đang làm việc ngoài đồng thế mà một sẽ được cất đi, người kia bị bỏ lại. Việc này cũng xẩy ra cho hai người phụ nữ đang kéo cối xay trong nhà, một bà được đem đi và bà kia bị rớt lại. Các chi tiết này giúp cho chúng ta nhận ra rằng dù làm việc trong nhà hay ngoài đồng, phán quyết chung thẩm của Thiên Chúa dành cho họ, không lệ thuộc không gian hay thời gian và cũng không dựa trên các hoạt động hay việc làm của họ. Thiên Chúa hoàn toàn tự do làm chủ việc làm của Người. Tuy nhiên, những kẻ được đem đi có thể ám chỉ đến việc họ đã được cứu; bởi vị họ là những người đã tin và can đảm tuyên xưng Đức Chúa là Đấng Cứu Tinh của họ.

Sau đó là hình ảnh kẻ trộm. Không ai muốn kẻ trộm đột nhập vào nhà mình. Kinh nghiệm bị kẻ trộm đột nhập vào nhà vẫn là một trong các kinh nghiệm đáng sợ. Sau đây là một trải nghiệm. Khi còn ở quê nhà. Vào một ngày nọ, tôi đang chăm chú làm bài tập trên gác, bỗng nghe có tiếng động phát ra từ tầng dưới. Thoạt tiên, tôi nghĩ rằng mẹ đi chợ đã về. Tôi vội vàng leo xuống cầu thang xuống thẳng nhà bếp, nơi vừa phát ra tiếng động. Mẹ đâu chẳng thấy chỉ thấy một người khách không mời mà đến đang đứng đó. Nghe thấy tiếng động, ông ta lao thẳng ra ngoài và biến mất. Tôi khám phá ra ô kính ở của sổ nhà bếp đã bị đập vỡ. Tuy người khách lạ đó chưa thu hoạch được gì. Nhưng tôi thì khiếp sợ và không dám ở nhà một mình trong một thời gian khá dài. Với cảm nghiệm cá nhân như thế thì ai dám nghĩ đến việc mong kẻ trộm đến. Vì thế, hình ảnh kẻ trộm được dùng ở đây như một kiểu nói có ý nhấn mạnh đến sứ điệp là hãy sẵn sàng vì Chúa sẽ đến vào lúc chúng ta không ngờ nhất.

Thưa anh chị em,

Đó là lời cảnh báo rất thực tế vì không ai trong chúng ta biết ngày và giờ nào Chúa đến cả. Người sẽ đến bất thình lình. Tại chỗ khác, Đức Giê-su khuyên bảo chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Bởi vì, nếu không tỉnh thức và cầu nguyện thì lòng chúng ta sẽ trở thành chai đá. Rồi những lo âu thái quá trong cuộc sống khiến cho đời sống của chúng ta bị quay như chong chóng, mất phương hướng rồi quên đi mục tiêu và các ưu tiên trong cuộc sống.

Thái độ sẵn sàng và tỉnh thức là những đức tính cần thiết mà người tín hữu phải luyện tập. Muốn đạt được điều này, chúng ta tỉnh thức bằng cách chu toàn trách nhiệm hiện tại, biết nhận ra những dấu chỉ thời đại, khám phá ra thánh ý Thiên Chúa, kiên tâm phục vụ trong yêu thương, nỗ lực hơn trong các dự án tình thương, những công việc bác ái, ra sức cổ võ cho sự hiệp nhất,  rộng tay đón tiếp và chia sẻ cho những người nghèo đói, hoạn nạn.

Đó chính là chương trình, dự án mà chúng ta cần hành động trong Mùa Vọng này.  Đây là thời kỳ hồng ân. Đó là thời điểm để chúng ta xét mình, làm cho cuộc sống bớt bị ràng buộc và trở thành nhẹ nhàng hơn, tập sống buông bỏ không bị dính bén để cho lòng mình được nhẹ nhàng thanh thản chờ đợi Ngày Chúa đến. Ngày nào cũng là ngày của Chúa. Ngày nào cũng là dịp thuận tiện để Chúa đến. Vì thế, sẵn sàng trong kinh nguyện và việc làm là cách thức chuẩn bị tốt nhất. Qua đó con người gặp Chúa, mà càng gặp lại càng yêu và càng yêu lại càng nhớ và chỉ muốn gặp mãi. Nếu không thực hiện được như thế thì cuộc sống con người giống như cá thiếu nuớc, con người thiếu dưỡng khí.

Như vậy, tỉnh thức và cầu nguyện là khí cụ để con người luôn sẵn sàng gặp Chúa và gặp nhau. Vì thế, hãy sẵn sàng. Đức Chúa đang đứng ngoài cửa, Người gõ và chờ đợi chúng ta mở cửa đón tiếp Người. Người hằng ước ao được dùng bữa tối với chúng ta. Đó là điều Người mong đợi. Vậy còn chần chờ gì nữa, hãy mở cửa lòng để Chúa ngự đến. Nhất là qua các bữa tiệc tạ ơn, bữa ăn lòng mến, những cuộc gặp gỡ thân tình để làm thế nào mà mọi người đều có thể lớn lên khi gặp được con người thật của nhau trong Chúa.

Ngày nay, sống giữa nền văn hóa của sự vô cảm đối diện với bao lo âu chúng ta nhận ra đây là cơ hội mà chúng ta phải chộp lấy để thi hành bổn phận và trách nhiệm của người môn đệ. Hãy làm sống lại con người thật của mình, để Thiên Chúa hiện diện và sinh ra trong lòng mọi người. Đây là cơ hội, là dịp thuận tiện để chúng ta nghĩ và thực hiện các điều đó!

Đúng thật, tất cả đều là cơ hội để chúng ta chuẩn bị cho Ngày gặp Chúa và anh em, cho đến khi Chúa vinh hiển ngự đến lần sau cùng. Còn hiện nay, trong lúc này, chúng ta hãy nói ‘Ma-ra-na-tha, Lậy Chúa xin hãy đến,’ vì chúng con sẵn sàng rồi. Amen!

Wednesday, 16 November 2022

CHÚA KI-TÔ: VUA VŨ TRỤ, ĐẤNG XÓT THƯƠNG MUÔN LOÀI


Trong Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ, chúng ta hướng về ngày cùng tận của thế giới, ngày mà chúng ta trông đợi Đức Giê-su uy nghi vinh hiển đến trong tư thế của một ông vua, không theo nghĩa thế trần. Đức Ki-tô sẽ đến như một vị vua đầy lòng nhân ái, quan tâm, lo lắng, chăm sóc và hy sinh cho toàn dân thuộc về Nước của Người, không loại trừ một ai. Đó chính là đích điểm nói lên tình yêu, lòng thương xót của Người dành cho thế gian này. Và, để diễn tả ý tưởng này, phụng vụ của Hội Thánh, trong bài Tin Mừng hôm nay, đã mô tả những việc xẩy ra trong giây phút cuối đời của Chúa Giê-su khi Người bị treo trên Thập giá. Giây phút này được coi như cao điểm của những thử thách mà Đức Giê-su đã chiến đấu để hoàn tất vai trò và nhiệm vụ mà Chúa Cha đã trao phó. Những gì xẩy ra hôm nay được coi như thử thách hay cám dỗ cuối cùng mà Đức Giê-su cần phải đối diện. Trận chiến kéo Đức Giê-su ra khỏi thập giá được lập đi lập lại bởi những người đang hiện diện dưới chân của cây thập giá. Còn dân chúng thì đứng từ đàng xa mà nhìn.

Trước hết, các thủ lãnh cám dỗ Chúa: “hãy xuống khỏi thập giá đi!” Lý luận họ đưa ra thật xác đáng rằng nếu Đức Chúa đã từng giúp và cứu nhiều người thì giờ đây tại sao lại chịu trói như thế. Và nếu quyền năng của Thiên Chúa ở với Đức Chúa thì đây là giây phút bộc lộ cho mọi người biết thì hãy tự cứu mình đi. Nghe chúng nói thì chướng tai và nhìn họ lại thêm gai mắt; thôi thì biểu lộ uy quyền cho chúng biết tay. Nếu Đức Giê-su làm như thế sẽ mắc bẫy của chúng!

Quân lính cũng đưa ra món mồi tuơng tự: “Hãy xuống khỏi thập giá”. Vua mà không có quyền thì nói ai tin. Cứu mình khỏi cảnh ô nhục và cho muôn dân thấy vương quyền của Người. Lại một lời mời gọi đi con đuờng tắt dẫn vào ngõ cụt, trái ý Chúa Cha nên Người đã không theo.

Rồi đến người tử tội cũng muốn ăn ké; nhưng cám dỗ mà anh ta đưa ra chạm vào căn tính ‘Mesia’ của Người. Đức Kitô đuợc xức dầu, tấn phong để thực hiện nhiệm vụ của người tôi tớ, chứ đâu phải đến để tìm quyền lực và vinh danh hư ảo.

Đức Giê-su đã không chịu lùi bước, Người đã chiến đấu. Tuy vậy, truớc mắt họ thì hình như Đức Giê-su là nguời thua cuộc, thất bại. Nhưng, qua sự vâng phục thẩm sâu của Đức Giê-su như thế cho nên Thiên Chúa đã siêu tôn Người. Đức Giê-su đã đuợc Chúa Cha tôn vinh là Vua, là Chúa của muôn dân muôn nuớc. Qua tấm lòng hiếu kính và vâng phục, Người đã sửa lại những sai trật của con người từ nguyên thủy để ban cho tất cả nguồn ơn cứu độ.

Còn chúng ta thì sao?

Hãy ghé mắt nhìn vào tội nhân thứ hai. Tôi thấy trong anh có tôi. Anh là đại diện và là mẫu guơng cho các người thuộc về ‘nuớc’ của Đức Giê-su. Anh nhìn nhận lỗi phạm của chính mình và cũng nhận ra sự vô tội của Đức Giê-su, rồi cầu xin Người cứu vớt. Thái độ của anh hòan tòan khác và trái nguợc với những người thủ lãnh, quân lính và phạm nhân bên kia. Và anh đã đuợc cứu.

‘Hôm nay’ không phải ngày mai. Ngay bây giờ, ngay lúc này anh đuợc ở trên thiên đàng với Chúa. Thiên đàng ở đây không phải là nơi chốn, nhưng là tình trạng hiệp nhất hòan hảo giữa Chúa và anh. Anh đã đạt được sự hiệp thông trọn vẹn này qua việc nhận ra sự hèn yếu của bản thân mà nuơng tựa hoàn toàn vào Chúa. Trong mối dây hiệp nhất, anh được ơn tha thứ.

Đây cũng chính là điều mà chúng ta theo đuổi trong suốt cuộc đời. Lòng thuơng xót của Chúa là chốn nuơng thân cho những ai thuộc về Nước Thiên Chúa. Chúa thương xót để chúng ta xót thương nhau.

Sau đây là vài truyện ngắn nói lên một vài gương sáng để chúng ta cùng suy cùng gẫm:

Truyện thứ nhất xẩy ra vào một đêm khuya lạnh giá tại thành phố Dublin, bên Ái Nhĩ Lan. Có cô y tá đang vội vã chạy trên đường hầu bắt kịp chuyến xe buýt cuối cùng để về nhà, thì trước mắt cô là một cảnh tượng rất đáng thương tâm. Một người đàn ông trẻ tuổi nằm trên vỉa hè. Anh ta dường như là người say rượu hay mới bị ai đánh đang cần sự trợ giúp. Tuy đang vội, nhưng lòng trắc ẩn và lương tâm của một y tá đánh thức cô. Cô dừng lại để tìm cách giúp đỡ anh. Nhưng, khi cô vừa cúi mình xuống thì anh ta nhẩy chồm lên, chộp lấy chiếc xách tay của cô. Hai bên giằng co nhau. Cô không chịu buông tay và anh ta cũng không bỏ cuộc. Trong lúc dành giật, thì bỗng nhiên vào một khoảnh khắc nào đó, ánh mắt của họ gặp nhau và chàng thanh niên giả vờ bị thương mới buông tay ra và kêu lên ‘Ồ, chị là cô y tá Murphy,’ và họ bắt đầu trò chuyện.

Số là vào một thời gian trước đây, cậu thanh niên đó đã nằm trong nhà thương với một cái chân bị gãy, và cô y tá Murphy là người đã tận tình săn sóc và đối xử rất tốt với anh.

Trong khi nói chuyện, anh hỏi cô đi đâu? Cô y tá tốt bụng nói cho anh biết là cô đang trên đường đến trạm xe buýt để đón xe về nhà. Nghe đến đó, anh cùng với cô đi bộ đến trạm xe buýt, xin lỗi cô về những gì đã xảy ra và chào tạm biệt cô.

Truyện thứ hai được kể lại bởi mẹ Thánh Teresa thành Calcuta, bên Ấn độ. Vào một ngày kia, từ trong một cống rãnh đầy mùi hôi thối tại Calcuta, Mẹ đã nhặt được một người đàn ông và đưa ông về nhà dành cho những người đang hấp hối. Trước khi chết, anh thưa với mẹ rằng "Thưa sơ, khi còn sống con đã sống như một con vật nhưng khi chết con lại được yêu thương, chăm sóc và chết như một thiên thần." Mẹ vô cùng cảm kích khi nghe những lời như thế. Ông đã chết mà không oán trách hay nguyền rủa ai. Mẹ cảm thấy thật vinh dự khi có cơ hội giúp ông sống những giờ phút cuối đời với cảm giác được yêu thương và trân trọng như một thiên thần.

Lòng nhân ái và sự săn sóc đặc biệt của Mẹ Teresa, các nữ tu trong Dòng của Mẹ và chị y tá mang tên Murphy đã đánh động lòng tốt, sự thiện hảo của nhiều người, trong đó có một người sẵn sàng phạm tội ác. Anh đã được cảm hóa, không cướp giật vì qua việc làm nhân ái của cô y tá Murphy đã đánh thức bản tính thiện lương và lòng tốt mà Thiên Chúa, Đấng tạo hóa đã ban cho anh. Tất cả mọi vật Thiên Chúa tạo dựng đều tốt.

Ước gì qua lối sống xót thuơng mà chúng ta đặt tha nhân làm đối tượng sẽ giúp chúng ta nhận ra sự bất tòan của bản thân mà nương tựa vào Chúa. Vì trong khoảnh khắc như thế, Chúa làm cho con tim ta rung động, mắt ta sáng hơn, đôi tai ta nghe rõ hơn nhưng lời van xin của kẻ khác, nhất là những người nghèo. Họ đang chờ lòng xót thương của anh chị em.

Hãy nuơng tựa vào Chúa. Người chính là nguồn năng lực duy nhất giúp chúng ta tiếp tục sống và làm chứng cho thế giới nhận ra Chúa là Vua yêu thương, là Chúa của lòng thương xót. Amen!

 

Wednesday, 9 November 2022

SẴN SÀNG CHO CHÚA

 

Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 33 mùa thường niên là một phần của diễn từ mà chúng ta hay gọi là diễn từ quang lâm. Khi nghe trích đoạn Tin Mừng này các tín hữu đầu tiên đã chứng kiến cảnh đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá. Quả thật, biến cố kinh hoàng này đã khiến cho niềm tin của các tín hữu tiên khởi bị lung lay đến tận xương tủy. Họ tự hỏi nhau rằng phải chăng đây là dấu hiệu báo ngày tận thế sắp xảy ra?

Chúng ta phải đọc diễn từ quang lâm mà Thánh Lu-ca trình bầy ở đây như là một lời nhắc nhở rằng việc đền thờ Giê-ru-sa-lem bị tàn phá được Đức Giê-su dự đoán đã xẩy ra. Đó không phải là dấu hiệu tiên báo điều gì sẽ xẩy ra cho bằng bàn tay của con người phá hủy nó. Chúng ta hãy nhớ rằng Đức Giê-su rao giảng và thiết lập Nước Thiên Chúa. Việc hình thành và phát triển Nước Thiên Chúa không bị lệ thuộc bởi việc xây dựng các cơ sở vật chất do bàn tay con người đóng góp.

Bên cạnh đó, Người còn nói cho những kẻ theo Người biết rằng không chỉ có đền thờ đã bị tàn phá mà sẽ còn nhiều tai ương và hoạn nạn xẩy đến cho thế giới này nữa... Một thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, bạo động, chiến tranh và khủng bố; các tai ương như thiên tai, động đất và lũ lụt vẫn xẩy ra.

Cho dù tất cả các biến cố như động đất, ôn dịch, đói kém hay các hiện tượng kinh hoàng khác ập xuống trên mặt đất cũng không làm con người phải hoảng sợ. Đức Giê-su đã quả quyết rằng những sự việc đó sẽ xẩy ra trước, nhưng đó cũng không phải là các điềm báo nói về ngày tận thế đâu. Việc Chúa đến trễ hay đến sớm không phải là việc mà chúng ta cần quan tâm hay lo lắng.

Ngoài ra, các người theo Chúa còn bị bách hại, bị ngược đãi và bị giam cầm, thậm chí còn bị những người thân trong gia đình bắt nộp. Nhưng, tất cả các điều đó không làm cho chúng ta phải hoang mang hay lo sợ; trái lại chúng ta hãy xử dụng hoàn cảnh ngặt nghèo như là những cơ hội để loan báo Tin Mừng cho những ai đang có lối sống thù địch với Tin Mừng. Sống trong tư thế của kẻ đã sẵn sàng hoạt động để loan báo Tin Mừng là thái độ sống tích cực của người tín hữu đã sẵn sàng đón chào Chúa.

Thật ra, chúng ta được mời gọi để đón nhận mọi biến cố xẩy đến trên thế giới này bằng một niềm hy vọng. Chúng ta được mời gọi trung kiên với Chúa và tìm mọi cơ hội để làm chứng cho niềm tin giữa lòng thế giới mà chúng ta đang sống. Tất cả mọi biến cố đều nằm trong kế hoạch yêu thương của Người. Đức Giê-su muốn chúng ta có nhiều thời gian để chuẩn bị cho thật tốt, nhất là biết dùng thời gian đang sống để công bố cho mọi người biết về Tin Mừng của Thiên Chúa.

Đối với chúng ta là những tín hữu, chúng ta cũng được mời gọi hành xử tự do với vốn liếng đã được trao ban để làm chứng cho Tin Mừng trong lòng xã hội và môi trường sống của chúng ta. Sự tự do này đòi hỏi chúng ta phải liều lĩnh và chấp nhận mọi thua thiệt để trung tín với những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng. Liều lĩnh trong niềm tin vào Thiên Chúa là một trong những đức tính cần thiết mà chúng ta cần có. Liều lĩnh để làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa là một ơn gọi vô cùng cao quí mà Chúa đã mời gọi. Đây còn là một đòi hỏi vô cùng cần thiết cho thế giới bị tục hoá mà chúng ta đang sống hôm nay.

Thưa anh chị em,

Hôm nay, trong tinh thần đó, với niềm hân hoan, chúng ta mừng Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Cha ông chúng mình đã hy sinh mạng sống để minh chứng đức tin kiên cường của các ngài. Chúng ta không thể phủ nhận gương can đảm, chấp nhận mọi khổ hình mà cha ông chúng mình đã trải qua. Sử sách đã ghi lại bao nhiêu loại cực hình khác nhau đã đuợc dùng để tra tấn các ngài như: nhẹ thì gông cùm, giam tù, bỏ đói; nặng hơn một chút là cho voi dầy, phơi nắng và ném xuống sông; quyết liệt hơn thì bị chặt đầu, bị thắt cổ hay bị đốt cháy; man rợ và hiểm độc nhất là bị phân thây ra từng mảnh hay là tùng sẻo… Chỉ cần tuởng tượng những cực hình nói trên cũng khiến cho con người ngày nay run sợ hãi hùng.

 Tất cả các cực hình đó không nhắm đến các nỗi thống khổ về phần xác; nhưng tất cả đuợc áp dụng để thử lòng trung tín với Chúa của các ngài. Vì thế, thật là thiếu sót, nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh đến những nét hào hùng, những tấm gương can đảm, những cực hình mà cha ông chúng ta đã phải gánh chịu mà quên đi động lực chính đã giúp tổ tiên mình đi đến cùng; đó chính là lòng yêu mến Chúa Giê-su của các ngài. Vì yêu mến Chúa mà cha ông chúng ta đã từ khước tất cả và chấp nhận chết cho tất cả.

Thật vậy, sự hiểu biết giáo lý hay những tín điều về Thiên Chúa của các ngài tuy nông cạn và các ngài cũng không có những suy tư cao siêu về thần học. Nhưng khi trở thành tín hữu, các ngài đã yêu Chúa bằng tất cả con người của các ngài. Đỉnh cao của tình yêu nơi các ngài được thể hiện qua việc chấp nhận cái chết không vì phần thưởng đã dành sẵn cho những ai trung tín với Chúa mà thôi; nhưng qua hành vi tự hiến, các ngài đã noi gương Chúa Giê-su, Đấng đã hiến thân để bày tỏ lòng mến tuyệt vời của Thiên Chúa cho nhân lọai.

Tiến ra pháp truờng bằng niềm tin và lòng mến cho nên tâm hồn cha ông của chúng ta rất thư thái và bình an, miệng các ngài vang lên những lời tha thứ và trên môi là nụ cuời hân hoan của niềm vui sắp đuợc đoàn tụ với Chúa Giêsu, Đấng mà các ngài cả đời yêu mến và trông đợi.

Hôm nay dù cuộc sống chịu ảnh hưởng bởi một nền văn minh đã bị tục hóa, chúng ta cũng được mời gọi sống từ bỏ hàng ngày, từ bỏ từ từ cho đến trọn vẹn để sống với lòng mến thiết tha cho đến giây phút cuối cùng.

Khi nói đến lối sống từ bỏ trong cuộc sống hàng ngày, tôi nhớ lại gương sáng của các bậc làm cha làm mẹ. Một trong các mẫu gương đó như sau. Để hoàn thành ơn gọi cao quí mà Chúa đã trao ban, các bậc làm cha làm mẹ đã phải trải qua những đêm dài trằn trọc, vượt qua các thử thách để tìm ra các phuơng thức khả dĩ giúp cho những người con khỏi rơi vào cảnh lầm lạc, có thể dẫn các cháu đến ngõ cụt của cuộc đời. Cuối cùng, dù trải qua trăm cay nghìn đắng… cha mẹ vẫn là những người thua cuộc.

Như tham dự một cuộc chơi ‘trốn-tìm’: anh chị chận đầu này, con cái anh chị chạy lối kia. Truớc những cảnh ngộ đó, tôi thuờng nghĩ rằng trong bổn phận làm cha, làm mẹ, chẳng một ai trong anh chị em là người thắng cuộc. Vì yêu thuơng con cái, anh chị em là những người bại trận, phải từ bỏ ý riêng, vui lòng thua cuộc vì hy sinh và yêu mến các cháu.  

Đó là tâm huyết và tôn chỉ của những người con Chúa. Đó là gương sáng của các Thánh Tử Đạo, cha ông chúng ta, hơn 100.000 người đã anh dũng, hy sinh chết vì đạo, chết vì niềm tin kiên cường, chết để bộc lộ lòng mến thiết tha. Các ngài đã vui lòng thua cuộc trong trận chiến với thế quyền. Nhưng gương hy sinh, phát sinh từ lòng mến của các Ngài với Chúa, vẫn lưu truyền trong cuộc sống của dân Việt khắp nơi trên thế giới.

Hôm nay, hòa chung với niềm hãnh diện là con cháu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta hãy noi gương các Ngài, biết chọn lối sống hy sinh, chết đi cho ý riêng và tuân phục ý Chúa, Đấng đã hy sinh để nhắc nhở chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta dường bao. Phần chúng ta, hãy bước theo dấu chân của các Thánh Tử Đạo, cha ông mà làm chứng cho thế giới nhận ra tình yêu của Thiên Chúa đang chảy trong huyết quản mình. Amen!

 

 

Wednesday, 2 November 2022

TẤT CẢ ĐANG SỐNG

 

Truyện kể rằng có linh mục kia đang trông coi một giáo xứ miền quê. Vào một buổi chiều nọ, ông chủ tịch hội đồng giáo xứ vào gặp ngài. Hai cha con ngồi nói chuyện dưới mái hiên nhà xứ. Bỗng nhiên, với vẻ trang trọng ông thưa với cha rằng: “Thưa cha, trong suốt 30 năm qua, không ngày nào mà vợ chồng con không cãi nhau.” Nghe đến đó, cha lùi lại phía sau, nhìn thẳng vào mắt ông trùm, với vẻ ngạc nhiên và hỏi: “Mỗi ngày sao?” “Thưa cha, mỗi ngày” ông đáp. Vậy hôm nay thì sao? Ông trùm trả lời: “Dạ thưa cha, sáng nay cũng thế, cô ta quàng tay sang phía con, tung mền và lôi con bò dậy rồi lớn tiếng quát “ông không dậy ra khỏi giường mà lo việc, cứ nằm đó mà nướng.” Thế là lời qua tiếng lại, cuối cùng con vẫn là người chịu thua và im đi cho yên chuyện.

Trong cuộc sống lứa đôi, vợ chồng thường xuyên gặp phải hoàn cảnh thực tế nói trên. Không tranh luận, không cãi vã, không có lời qua tiếng lại thì không phải là sinh hoạt vợ chồng, thế mà vợ chồng vẫn trung thành sống bên nhau. Cuối cùng cả vợ lẫn chồng đều nhận ra một thực tế mà cha ông chúng ta đã trải nghiệm, đó là: “Càng yêu nhau lắm, càng cắn nhau đau.”

Anh chị em thân mến,

Những cuộc cãi vã thường xuyên xẩy ra trong đời sống vợ chồng thế nào thì mấy ông lãnh đạo thời Đức Giê-su cũng thế. Mỗi khi họ gặp nhau thì đề tài kẻ chết sống lại và sự sống đời sau lại được họ mang ra để tranh luận. Phe nào cũng muốn phần thắng thuộc về họ. Những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu tin có sự sống lại, còn  những ai thuộc nhóm Xa-đốc thì lại không tin. Không phe nào chịu thua! Họ không có điểm chung, cho nên mọi cuộc tranh luận đều đi vào ngõ bí và không có lối thoát!

Hôm nay, những người thuộc nhóm Xa-đốc muôn gài bẫy Chúa bèn đưa ra câu chuyện về một người đàn bà đã trải qua bẩy đời chồng mà chồng của bà lại là anh em trai với nhau trong một gia đình. Theo quan niệm của họ thì chết là hết và bà chẳng thuộc về ai hết. Còn nếu ai tin rằng sự sống đời sau tiếp nối sự sống hiện tại, thì sau khi chết bà này sẽ là vợ của ai? Vì bà đã là vợ của cả bẩy anh em!

Điểm then chốt mà họ đưa ra ở đây không phải để tìm hiểu giáo lý, nhưng để bắt bí Đức Giê-su. Nếu Người cũng chủ trương có sự sống đời sau thì Người phải đối diện với một tình huống thật khó xử. Đức Giê-su lại một lần nữa bị đặt vào hoàn cảnh dường như không lối thoát. Người sẽ hành xử ra sao trong lúc đối tượng chỉ là những người chống đối và gây khó khăn cho Người?

Dù biết được thâm ý của họ như thế nhưng Đức Giê-su vẫn kiên nhẫn trong cách hành xử để đáp trả vấn nạn mà họ nêu ra. Lời đáp trả của Người về sự sống lại có thể tóm tắt như sau:

·        Điểm quan trọng trước hết là có sự khác biệt giữa sự sống đời này và sự sống đời sau. Cuộc sống với Thiên Chúa trong thời sau khi chết thì khác hẳn với sự sống hiện tại. Khác như thế nào không được nói rõ, nhưng hẳn nhiên không phải là một sự tiếp nối của cuộc sống hiện tại.

·        Điều thứ hai là không có việc lấy vợ gả chồng trong thời đại đó.

·        Điểm thứ ba là họ không thể chết nữa vì trong Chúa họ đang sống đời đời.

·        Sau cùng, những ai đã được cứu độ thì sẽ có lối sống giống như các thiên thần, chầu chực và ca tụng Thiên Chúa.

Sau đó, Đức Giê-su còn trích dẫn lời tuyên xưng của Mô-sê, khi ông gọi Đức Chúa hiện vẫn là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Người còn khẳng định rằng Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là người sống, vì đối với Thiên Chúa, tất cả vẫn đang sống.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta cũng thế, câu hỏi về sự sống đời sau không phải để thảo luận, bàn cãi hay tranh luận. Đó là vấn đề của đức tin và cũng là một điều bí ẩn. Nó hàm chứa một niềm hy vọng, một thách đố, một kiếm tìm và một lòng tin tưởng đầy hứa hẹn ở tương lai. Khi sinh ra, chúng ta đã bước vào cuộc hành trình của sự sống vĩnh cửu. Lời hứa của cuộc sống đời sau đó giúp chúng ta đối diện với các khó khăn cũng như nghịch cảnh của cuộc sống này như những con người không để cho sự chết đánh gục. Tuy nhiên, trước các nghịch cảnh trong cuộc sống, chúng ta sẽ buồn phiền, thậm chí thất vọng, nhưng không tuyệt vọng bởi vì chúng ta tin rằng cuộc sống mới sẽ đến. Chúng ta tin rằng có một thực tại tuyệt vời hơn đang chờ đợi chúng ta ở tương lai.

Chúng ta yên tâm về Thiên Đàng, chính nhờ niềm tin này mà chúng ta sẽ sống khác với những ai chỉ thấy thiên đàng tại thế. Chúng ta sẽ sống vì Chúa. Chúng ta sẽ đáp lại tình thương của Người bằng toàn bộ cuộc sống này. Nói khác đi, cuộc sống vĩnh cửu không phải là quà tặng ban cho tôi khi tôi đã về già; nhưng nó đã được khởi động trong ngày tôi lĩnh nhận bí tích Thánh Tẩy để làm Con Chúa của tôi.

Thật đúng như lời Đức Giê-su đã khẳng định Người là Thiên Chúa của kẻ sống. Đối với Người thì tất cả đều đang sống. Hy vọng Lời Chúa nói hôm nay đem đến cho chúng ta sự bình an, niềm vui và hy vọng ngay bây giờ và mãi mãi sau này nữa.

Trong niềm tin và hy vọng vào cuộc sống đời sau đã được hứa ban, nhất là trong tháng các linh hồn năm nay, chúng ta xác tín về số phận của những người thân. Họ đã bước qua ngưỡng cửa, mà chúng ta gọi là sự chết để bước vào nước hằng sống. Quí ngài đang sống gần Chúa hơn chúng ta, các ngài đang nghỉ yên để thụ hưởng tình yêu và sự hiệp thông - cho dù chưa trọn vẹn – với Chúa.

Niềm xác tín như thế được đặt trên căn bản của niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng giầu lòng xót thương, chậm bất bình và không kể tội của con mình. Hãy xem cách mà Thiên Chúa đã hành xử với Da-kêu và người con thứ. Cả hai người khi trở về nhà có người nào bị hạch tội hay phải nhắc lại quá khứ của mình hay chăng, ngược lại họ còn được trọng thưởng và mở tiệc mừng ăn khao.

Quả thật, nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã săn sóc chúng ta khi còn sống, thì chắc chắn Ngài còn săn sóc và thương yêu chúng ta nhiều hơn nữa khi chúng ta bước về nhà Cha. Trong nhà Cha, con người chuyển sang vũ trụ khác, một trạng thái sống không còn đau khổ, không còn hận thù, nhưng chỉ có bình an, hoan lạc và niềm vui. Sau khi chết, con người được thu hút vào vũ trụ tràn đầy tình thương của Thiên Chúa, và họ biết rõ rằng Thiên Chúa biết và yêu thương họ.

Thưa anh chị em, như vậy việc cầu nguyện cho những người quá cố có cần thiết hay không?

Dạ thưa, cần và rất khẩn thiết. Tuy nhiên chúng ta không đến ngôi mộ để tìm và cầu cho người chết. Họ đang sống. Vì thế, việc cầu nguyện của chúng ta không nhằm mục tiêu đánh thức Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn thương yêu và lo lắng cho mọi người, Người không muốn cho bất cứ ai bị hư đi. Như vậy, việc cầu nguyện và tưởng nhớ đến những người thân hay mọi người đã lìa cõi thế của chúng ta nói lên sự yêu thương, nhớ nhung của chúng ta với các ngài.

Qua việc cầu nguyện, chúng ta minh chứng rằng thân nhân của chúng ta không chết. Sự chết không làm đứt đoạn hay tiêu hủy mọi mối dây tương quan mà chúng ta đã thiết lập và xây dựng. Bởi vì, các mối tương quan đó được đặt trên nền tảng của sự yêu thương trong Chúa. Chính vì sức mạnh của tình yêu giúp chúng ta xác tín rằng cho dù thân nhân của chúng ta đã lìa cõi thế về mặt thể lý, nhưng sự hiện diện của họ tồn tại vĩnh viễn trong lòng yêu thương và sự tưởng nhớ của chúng ta.

Vì, Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống. Đối với Người thì tất cả đều đang sống, không còn ai chết nữa. Đây là niềm hy vọng mà chúng ta dùng để an ủi, nâng đỡ và cầu nguyện cho nhau. Amen!

 

Wednesday, 26 October 2022

GẶP CHÚA ĐỂ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI


Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc biến đổi của ông Da-kêu, trưởng ban thu thuế. Câu chuyện này nối tiếp với bài Phúc âm tuần trước. Trong đó, thánh sử đã trình bầy về cử chỉ và hành động của hai người, Pha-ri-siêu và thu thuế, trong đền thờ; còn hôm nay là cuộc gặp gỡ của Đức Giê-su và ông Da-kêu, trưởng ban thu thuế.

Trong xã hội Do Thái dưới thời Đức Giê-su thì những người thu thuế được coi là những nhận vật nguy hiểm và bị dân chúng thù ghét. Họ là những người cộng tác với đế quốc Rô-ma, một thể chế đang thống trị và đàn áp dân Do Thái lúc bấy giờ. Họ có một đội ngũ tay sai, điềm chỉ viên, chuyên săn tin và báo cáo cho họ biết ai đã thu hoạch được một vụ mùa bội thu hay ai đã kiếm được một khoản lợi nhuận qua việc trao đổi và buôn bán trên thị trường. Sau đó, những người thu thuế sẽ xuất hiện để đòi chia lợi nhuận dựa trên tỷ lệ phần trăm.

Thậm chí, chính quyền Rô-ma còn cho phép họ đánh thuế bằng hiện vật từ những người nghèo, không có tiền đóng thuế. Có nghĩa là, họ có quyền bắt giữ con cái của các gia đình thiếu thuế làm nô lệ cho họ.

Với phương thức như thế, những người thu thuế dù liêm khiết và thành thật đến mức độ nào cũng trở nên giàu có và bị dân chúng thù ghét. Cụm từ địa chủ hay cường hào ác bá, sống trên xương máu của nhân dân cũng chưa đủ nghĩa để nói lên công việc của những người thu thuế.

Những người Do Thái không chỉ thù ghét họ mà còn tránh né và không bao giờ tiếp xúc nói chi đến việc đưa ra lời mời gợi ý giúp họ thay đổi. Và cũng chỉ vì bị cô lập và bị đối xử tách biệt như thế cho nên những người thu thuế chỉ biết dùng đủ mọi cách thức để tiếp tục làm giầu và vui thích với ý nghĩ của những kẻ có quyền lực bằng sự giầu có mà họ đã tích lũy được.

Trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca, chúng ta khám phá rằng không chỉ một lần mà rất nhiều lần các nhân viên thu thuế đã xuất hiện để nghe Thánh Gioan tiền hô và Đức Giê-su rao giảng. Và trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra bản chất và sức mạnh của Đức Giê-su mang đến. Người cảm nhận và kinh nghiệm rằng tình yêu của Thiên Chúa không loại trừ một ai và được thể hiện tại bất cứ nơi nào.

Người lại một lần nữa hoán đổi ngôi vị, từ khách ra chủ. Da-kêu có thể vì tò mò nên ông đã chủ động trong việc tìm kiếm để xem Đức Giê-su mà người ta đang bàn tán là ai. Nhưng khi nhìn thấy ông đang ngồi ở trên cây thì Đức Giê-su đã đi bước trước, không bộc lộ một cử chỉ nào để đáp lại Da-kêu, mà Người đã chủ động tự mời mình đến lưu ngụ tại nhà Da-kêu và Da- kêu đã được biến đổi sau khi nhận lời mời của Người.

Cuộc biến đổi trước tiên đã được mô tả thật rõ ràng qua cử chỉ và việc làm của ông. Ông vội vàng tụt xuống, vui mừng đón tiếp Chúa đến nhà ông. Trong khi đó, đám đông lại bị sốc vì hành động của Đức Giê-su. Người không đứng về phía nhân dân nữa mà lại làm bạn với bọn hút máu mủ của dân chúng. Nhưng điều mà Đức Giê-su quan tâm hôm nay là Da-kêu, một con người bị ruồng bỏ hơn là việc luật lệ hay truyền thống bị xúc phạm. Công việc thu thuế của Da-kêu tuy xấu thật; nhưng con người của Da-kêu, cũng như mọi người chưa hẳn là xấu. Sự thiện hảo và lòng tốt vẫn còn trong ông, nó chưa hẳn bị tê liệt hoàn toàn, cần được hâm nóng và làm cho chỗi dậy.

Khi bước chân vào nhà Da-kêu, Đức Giê-su đã trả lại cho ông phẩm giá của một con người có thể bị đánh mất vì chức nghiệp. Người phục hồi hình ảnh tốt trong ông, Người kéo ông ra khỏi môi trường đã giam cầm ông. Nguyên tắc căn bản mà Đức Giê-su thường xuyên áp dụng, đặc biệt cho hoàn cảnh của Da-kêu hôm nay là giúp ông nhận ra sự quảng đại của Thiên Chúa, Đấng hòa hợp với lòng tốt đang tiềm ẩn trong ông. Da-kêu sẽ không thể thay đổi nếu ông không nhận ra bản tính lương thiện vẫn hiện diện trong ông. Ông đã được hâm nóng và đốt cháy bởi ngọn lửa yêu thương, lòng nhiệt thành và tâm hồn quảng đại của Đức Giê-su.

Có một điểm quan trọng mà chúng ta cần lưu ý ở đây mà áp dụng, đó là phải chú ý đến cách mà Đức Giê-su đã làm. Người không đưa ra yêu cầu hay một việc đền tội nào cho Da-kêu cả. Người tạo cơ hội và không gian để Da-kêu tự do chọn lựa cách thức mà ông muốn chuyển hướng cuộc sống của ông.

Thật không may, phản ứng của chúng ta lại giống như đám đông cùng thời với Đức Giê-su. Chúng ta có thói quen chôn và giam giữ người khác chung với những sai lầm trong quá khứ của họ. Chúng ta lại thường xuyên học theo lối lên án và kết tội người khác hơn là tạo cơ hội giúp cho họ khẳng định các mặt tích cực trong cuộc sống của họ. Tầm nhìn của Đức Giê-su thì rộng và xa hơn những gì mà chúng ta có thể nhìn thấy. Người không nhìn Da-kêu là kẻ tội lỗi, mà luôn coi ông là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham, cũng được thừa hưởng một nguồn ơn cứu thoát.

            Như vậy, qua cuộc gặp gỡ của Đức Giê-su với ông Da-kêu, Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta nhận ra một chân lý lạ lùng này, đó là Người đến để mời gọi con người đặt lại đúng chỗ những gì đã bị mất hay đã hư đi. Da-kêu đã được gặp Chúa và cuộc gặp gỡ này đã đổi mới cuộc đời ông. Trong hành trình đổi mới này, Da-kêu trước tiên đã công khai sửa chữa những việc làm sai trái của ông. Thay vì chạy theo tiền bạc, danh vọng, chức vụ rồi chỉ lo đến mình… bây giờ ông theo Chúa và lo cho người khác, nhất là người nghèo rồi đền bù các thiệt hại do ông gây ra.

Liệu chúng ta đã thực sự gặp Chúa để được đổi mới hay chưa?

Dù cuộc đời chúng ta vẫn gắn liền với sự mỏng dòn, yếu đuối của thân phận làm người và thuờng xuyên phạm tội; nhưng đó cũng chỉ là điều để chúng ta biết rằng chúng ta vẫn là con người, vẫn đang đi trên đuờng, nhắm đích mà tiến buớc. Chúng ta chưa hoàn hảo. Nhưng đừng thất vọng. Chúa vẫn đang ngước mắt tìm và nhìn thấu ta. Còn ta thì hãy buớc ra khỏi chính mình (leo lên cây) để nhìn sự thiện hảo của Thiên Chúa nơi mình; hành động với lòng yêu mến chân thành mà Chúa đã đặt trong mình; rồi mở rộng vòng tay ôm ấp và chào đón nhau trong Chúa. Amen!