Wednesday, 31 August 2022

TỪ BỎ VÀ HY SINH, BẠN CHỌN ĐIỀU NÀO?


Khi đọc xong bài Tin Mừng hôm nay, tôi cảm thấy lo sợ, vì những huấn lịnh và các yêu cầu của Chúa dành cho các môn đệ quả thật quá khó áp dụng. Xét bản thân, tôi nhận ra mình chưa làm được gì, đó là chưa kể đến những lần lạm dụng và vi phạm huấn lịnh của Chúa truyền. Đấm ngực ăn năn một lần chưa đủ, ngàn lần cũng chưa xong. Vậy làm thế nào?

Có thật Chúa yêu cầu tôi phải dứt bỏ (hay ghét) thành viên trong gia đình và cả bản thân mình rồi mới theo Chúa hay không? Thế nào, lại chẳng có người khuyên tôi là đừng giải thích và hiểu bản văn theo nghĩa đen. Đức Giê-su không khắt khe và yêu cầu con người thực hiện điều mà mình không bao giờ làm được đâu! Hơn thế nữa, nếu thân bằng quyến thuộc mà mình không thương thì ai tin vào tình thương của mình là chân thật nữa?

Như vậy thì ý nghĩa của huấn lịnh mà Đức Giê-su yêu cầu trong bài Tin Mừng hôm nay phải giải thích và áp dụng như thế nào?

Khi Đức Giê-su nói: ai đến với Người mà không ghét (dứt bỏ) cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa, thì không đáng làm môn đệ của Người; đây là một kiểu nói so sánh tạo cho người nghe một cú ‘sốc’ và phải chú tâm tìm hiểu. Có nhiều người giải thích là bất kỳ ai yêu thương cha mẹ, con cái và anh chị em hơn Chúa thì không xứng đáng theo chân Chúa. Chúa không ghen với chúng ta. Chúa buộc con người phải chọn lựa ưu tiên. Chúng ta ý thức rằng trước khi thuộc về nhau, con người phải thuộc về Chúa trước. Vì thế, việc chọn lựa ưu tiên trong cuộc sống để thuộc về Chúa sẽ giúp chúng ta gần những người thân trong gia đình hơn.

Với ý tưởng như thế, chúng ta mới khám phá ra có mối dây liên hệ giữa việc sắp đặt thứ tự ưu tiên mà các môn đệ cần chọn lựa giữa hành động dứt bỏ họ hàng với từ bỏ mình.

Từ bỏ mình không phải vì mình đã làm sai điều gì; cũng không phải vì ghét bản thân mình nên từ bỏ nó. Nhưng, Đức Giê-su yêu cầu chúng ta từ bỏ mình có nghĩa là từ bỏ cách suy nghĩ cho mình là trung tâm, từ bỏ cái tôi, từ bỏ ý nghĩ hoang tưởng tự nhận mình là người khôn ngoan, nắm giữ mọi câu trả lời.

Việc từ bỏ theo tinh thần của Đức Chúa nhằm giúp chúng ta tập trung vào việc yêu Chúa với cả tấm lòng và yêu tha nhân như Chúa yêu; rồi từ đó chúng ta sẽ có lối suy nghĩ như Chúa vậy. Từ bỏ mình để chấp nhận và sống theo ý Chúa thì dễ cho chúng ta gần và nối kết với những người thân hơn.

Dường như đó là những gì Đức Giê-su muốn khuyên. Từ bỏ không để trở thành một gương mẫu hay một ‘role model’; nhưng từ bỏ để được tự do và sẵn sàng đón nhận Thập giá mà chung chia với Thập giá của Đức Giê-su, Đấng đã vác để thể hiện tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta nhiều hơn chúng ta dành cho Người.

Từ bỏ bản thân! Còn gì khó thực hiện hơn điều này?

Chúng ta sinh ra và lớn lên trong một môi trường cổ võ cho tính ích kỷ, một cách nào đó suy tôn ‘cái tôi’, mong muốn được mọi người để ý và chăm sóc cho các nhu cầu của chúng ta. Tại sao tôi phải từ bỏ mà không phải ai đó? Tại sao lại là tôi?

Đừng càm nhàm và phàn nàn nữa. Bởi vì, chính trong giây phút đó, chúng ta được mời gọi tiến sâu hơn vào trong cõi lòng của Đức Giê-su. Chúng ta được gọi để chết cho các nhu cầu và khát vọng của bản thân để tìm một lối sống đổi mới trong Chúa. Nói cách khác, chúng ta hiện diện trong thế giới này không vì bản thân mình, nhưng vì người khác.

Giả như, có một ngày nào đó, chúng ta nhận ra mình đã đạt được mọi điều như lòng mong ước, nhưng trên tiến trình chúng ta lại đánh mất chính mình! Đến lúc đó mình sẽ như thế nào?

Thưa anh chị em,

Sứ điệp hãy từ bỏ của Đức Giê-su là một nghịch lý. Thay vì từ bỏ điều này, hy sinh điều kia thì chúng ta hãy cho đi nhiều hơn. Hãy để cho lòng của chúng ta quan tâm đến các nhu cầu của người khác nhiều hơn là nhu cầu của chính chúng ta. Đó là sứ điệp của Chúa, sẵn sàng chết cho ý riêng thì chúng ta sẽ tìm được cuộc sống đích thực.

Hơn thế, theo chân Chúa đòi hỏi một hành động dấn thân tích cực, một tính toán cẩn thận để rồi khi bắt đầu thì không được phép tháo lui. Đó chính là điều mà Đức Giê-su đã ám chỉ trong câu chuyện nói về việc cần chuẩn bị khi xây cất và việc tính toán để đạt được chiến thắng trong trận chiến. Những hình ảnh này ám chỉ đến ý nghĩa mà Đức Giê-su muốn các môn đệ phải suy nghĩ chín chắn trước khi có quyết định dấn thân theo Chúa. Đây không thể là một quyết định dựa trên cảm tính, để rồi khi thấy khó khăn lại tháo lui. Khi quyết định theo Chúa, người môn đệ phải kiên quyết tiếp tục công trình cho đến hoàn thành. Và sau cùng, Thánh Luca đã tóm lược sứ điệp hôm nay bằng một lời giáo huấn then chốt, đó là phải từ bỏ hết những gì mình có, kể cả mạng sống mình. Nếu không kiên quyết thực hiện điều quan trọng này thì không xứng đáng làm môn đệ của Chúa.

 Như vậy, điều Chúa muốn là tấm lòng quả cảm, dứt khoát và liều lĩnh khi theo chân Người. Tuy nhiên, đối diện với thực tế của bản thân, không phải lúc nào chúng ta cũng giữ được ngọn lửa bùng cháy như thế, cũng có lúc yếu lòng, tâm hồn nguội lạnh, chán nản, thậm chí muốn bỏ cuộc. Các điều như thế xẩy ra rất bình thường. Bởi vì, chúng ta chưa đến đich, chúng ta vẫn là những kẻ lữ hành, đang trên đường với Đức Giê-su để tiến về Giê-ru-sa-lem, đỉnh cao của con đường gian khổ và cũng là vinh quang mà Thiên Chúa dành cho những ai tin tưởng và trông cậy nơi Người.

Thưa anh chị em,

Các việc từ bỏ, hy sinh để trung kiên với ơn gọi làm môn đệ của Chúa như thế cũng là ơn gọi của những người cha. Các ngài đã hy sinh, từng bước dìu chúng ta vững bước trên con đường theo Chúa, luôn là gương sáng cho chúng ta noi theo, là điểm tựa vững chắc mỗi khi chúng ta mệt mỏi hay vấp ngã và nhất là niềm hy vọng cho những người con của mình. Với ý tưởng này, xin mời anh chị em cùng nghe một câu chuyện ngắn được đăng tải trên các trang mạng. Xin phép sao chép ở đây nhân dịp ngày “Nhớ ơn Cha.” Truyện có tựa đề “Ngọn nến không cháy” như sau:

Trong thành phố nọ có hai cha con sống với nhau rất vui vẻ và hạnh phúc. Một hôm, cô con gái chẳng may bị bạo bệnh và đã chết. Người cha quá đau khổ và tuyệt vọng. Ông chẳng thiết tha gì với cuộc sống. Ông không muốn tiếp xúc với ai, tự nhốt mình trong phòng và khóc mãi.

Một hôm, ngưòi cha ngủ thiếp đi và ông mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Trong giấc mơ, ông gặp một đoàn người rước đèn. Tất cả mọi ngọn đèn đều lung linh toả sáng, trừ ngọn đèn của đứa bé đứng cuối hàng. Trên tay của đứa bé ấy là một ngọn nến không được thắp sáng. Nhìn kỹ hơn, ông nhận ra đứa bé ấy chính là cô con gái yêu dấu của ông.

Ông tiến lại gần và hỏi con rằng: “Tại sao nến của con lại không cháy?” Bé gái đã đáp rằng: “Con đã cố gắng thắp lên ngọn nến của con, nhưng không được cha à! Bơi vì, mỗi lần con thắp lên ngọn nến thì những giọt nước mắt của cha lại dập tắt ngọn nến của con.”

Đến đó thì người cha choàng tỉnh.

Từ đó, ông lấy lại thăng bằng, sống vui vẻ, giúp đỡ mọi người bởi ông không muốn những giọt nước mắt trong đau khổ và mất mát của ông lại dập tắt ngọn nến hi vọng của con gái ông. Ông nhận ra rằng nước mắt có thể làm xoa dịu phần nào nỗi đau thương chứ không cất đi nỗi bi thương được hình thành bởi nguồn tình cảm cha con. Hãy để cho những giọt nước mắt đó chảy ngược về tim, tại nơi đó cha con ông lại gặp nhau và đó cũng là chỗ dựa phát sinh nguồn hy vọng mà các con ông đang trông chờ.

Và sau cùng để biểu lộ tâm tình biết ơn nhân ‘ngày nhớ ơn Cha’, chúng ta cùng dâng lên Chúa lời cầu xin:

Lạy Chúa,

Chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con những người cha kính yêu.

Nguyện xin cho cha chúng con luôn biết rằng: chúng con cần đến ngài,

Chúng con luôn yêu mến và kính trọng các ngài, bây giờ và mãi mãi. Amen!

Wednesday, 24 August 2022

ĐỪNG CHEN LẤN, HÃY NHƯỜNG CHỖ!

 

Bài Tin Mừng Chúa Nhật 22 Mùa Thường Niên hôm nay thuật lại việc người ta chen lấn nhau để tìm chỗ ngồi. Nhân cơ hội này, Đức Giê-su đã dùng dụ ngôn để khuyên chúng ta hãy sống khiêm tốn, Người phán: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Để minh họa cho ý tưởng nói trên, xin mời anh chị em nghe câu chuyện nhằm cảnh báo những ai thích xum xoe, tự bốc mình lên. Truyện đã xẩy ra tại một xứ đạo thuộc Địa Phận Long Xuyên cách đây hơn 50 năm. Hôm đó là ngày lễ mở tay của tân linh mục. Trong khi ban tiếp tân đang thi hành nhiệm vụ, sắp xếp chỗ ngồi cho quan khách đến tham dự thì bỗng nhiên qua loa phóng thanh mọi người nghe giọng cha xứ đang yêu cầu bà cố Giả lui vào bên trong để nhường chỗ cho thân mẫu của linh mục bước vào đầu ghế.

Hoàn cảnh của tân linh mục cũng thật đáng thương. Ông cố mất sớm. Gia đình còn lại hai mẹ con. Gia đình túng thiếu. Cậu rất ngoan, hiếu học và chăm chỉ nên nhiều người trong xứ thương yêu giúp đỡ. Trong số những người đó, có gia đình bà kia tên là Giả, thuộc hạng giầu có đã giúp đỡ ngài trong hành trình tu học mà cậu đã từng gọi bà là mẹ. Ai trong xứ cũng đều biết việc này.

Trong ngày trọng đại như thế, làng xóm vui mừng, cả xứ hân hoan chúc mừng, gia đình hãnh diện. Trong niềm vinh dự đó, mọi người cảm thấy lâng lâng, bà Giả và gia đinh cũng có tâm trạng như thế. Quả thật với lòng quan tâm thì bà cũng xứng đáng. Hơn nữa, trong cách xưng hô cha mới cũng hay gọi bà là mẹ. Vì thế bà cũng quên mất mình là ai! Trong khi đó, bà cố, thân mẫu của cha mới lại quá âm thầm, thu mình trong góc nhà thờ, với cỗ tràng hạt trên tay, cầu nguyện cho cha con chu toàn sứ vụ linh mục.

Gần đến giờ cử hành Thánh Lễ mà cha xứ không thấy bà cố đâu, Ngài mới sai các chú giúp lễ đi kiếm và mời bà cố lên. Lúc đó thì bà mẹ nuôi tên Giả mới được cha xứ để ý và thấy bà đang ngồi vào vị trí của bà cố thật nên ngài đã dùng loa mời bà cố Giả về vị trí đã được định sẵn, để nhường chỗ cho bà cố, thân mẫu của tân linh mục, đang khúm núm bước vào chỗ ngồi.

Nghe người kể nói lại, sự kiện này có thật. Bà cố Giả, người giả, vật giả đang hiện diện chung quanh mình. Đừng có hợm mình kẻo bị lôi xuống!

Anh chị em thân mến,

Vẫn biết rằng khiêm nhường gắn liền với thân phận con người. Tự nguyên thủy, con người nhận biết rằng mình bởi đất mà ra và sau cùng sẽ trở về đất bụi. Vì thế, khiêm tốn là chấp nhận một sự thật về thân phận thụ tạo của con người. Chúng ta cho dù phát minh ra nhiều sự, khám phá nhiều điều mới lạ, nhưng không bao giờ thay quyền của Đấng sáng tạo được. Sự hiện diện của chúng ta dầu sao cũng chỉ là món quà của Đấng sáng tạo dành cho vũ trụ này. Những gì chúng ta mang đến, các nỗ lực chúng ta đóng góp sau này cũng chỉ nói lên bổn phận phải chu toàn để hoàn tất nhiệm vụ đã được sai phái. Đã như thế, thì con người dựa vào đâu mà kiêu hãnh.

 Nói một cách khác, khiêm tốn là thái độ sống mà chúng ta cần có để đối diện và chấp nhận các giới hạn của bản thân mà nhận ra sức mạnh, quyền năng và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đang hoạt động trong mình; để rồi trong thân phận yếu đuối của một thụ tạo, chúng ta sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ của nhau mà hoàn thành nhiệm vụ. Như thế, chúng ta có gì để kiêu căng. Tất cả là hồng ân được ban tặng và sự trợ giúp của tha nhân.

Sau cùng, khiêm  nhường là một trong những nhân đức mà người tín hữu cần trau dồi và thực hành trong cuộc sống. Nói như thế, có nghĩa là người tín hữu sẽ không bao giờ là người tín hữu chân chính nếu không sống khiêm nhường.

Anh chị em thân mến,

Chúng ta bước sang phần thứ II của bài Tin Mừng. Sau khi Đức Giê-su khuyên khách dự tiệc hãy sống khiêm nhường, Người quay sang các vị chủ tiệc và cho cả chúng ta một bài học là khi tổ chức tiệc mừng thì hãy nhớ đến những người nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù mà mời họ cùng dùng bữa với mình. Qua hành động như thế, chúng ta mới có cơ hội bộc lộ lòng quan tâm, tâm tình chia sẻ và thái độ sống của chúng ta đối với người nghèo nói chung.

Theo thói đời, vào những ngày lễ nghỉ, sau khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta thường hay có thói quen tụ họp lại với nhau để mừng lễ. Dĩ nhiên, không ai mừng lễ một mình. Chúng ta thường mời thân nhân hay bạn bè đến chia vui.

Dựa vào cách xử thế, chúng ta có thói quen mời những người cùng chí hướng, những người bạn có thể cùng nhâm nhi và chia sẻ vui buồn cho nhau. Nói chung, họ là những con người mà chúng ta có thể tương tác được. Không ai thiếu khôn ngoan và thiếu sáng suốt đến độ lại đi mời những người sẽ tạo nên các xung đột và có thể làm cho bầu khí của bữa tiệc mừng trở nên nặng nề, đôi khi trở thành căng thẳng và có thể mất hòa khí nữa. Tinh thần của bữa tiệc tùy thuộc vào thái độ và cách cư xử của người dư tiệc.

Ai trong chúng ta đều muốn có những người bạn tốt. Đức Giê-su không khắt khe đến độ chê trách việc làm của chúng ta như thế là sai. Tuy nhiên, lối sống mà Người muốn các môn đệ và các tín hữu phải khác hơn người thường. Chúng ta là dòng giống được tuyển chọn cho nên cũng cần chọn lọc cách sống giống như Chúa. Con Chúa mà không giống Chúa thì giống ai!

Giống Chúa là giống như thế nào? Người đã đến làm bạn với những người tội lỗi, đồng bàn, cùng ăn cùng uống với họ, cứu giúp những ai đui mù, què quặt, những người không xứng đáng, bị xã hội và cơ cấu đạo đời loại bỏ. Đức Giê-su không hất hủi ai, Người ôm trọn mọi người thành tâm đến với Người. Không ai bị loại bỏ; tất cả đều được đón chào.

Với hiện tình của thế giới hiện nay, những người bị ruồng bỏ có thể là các nạn nhân của các vụ lạm dụng, bạo lực trong gia đình, con người tầm trú, những người bị giai cấp chủ nhân bóc lột, các đứa trẻ không nơi nương tựa, những người thất nghiệp, những người bị các chứng bịnh về thể xác và tinh thần hành hạ… Họ đang chờ bàn tay và lời mời của chúng ta. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta cần có sự khôn ngoan trong việc chọn lựa khách mời. Không ai lại đi mời những người có con tim thù hận, sẵn sàng làm ngòi nổ để khủng bố và giết hại người khác, đến tham dự tiệc.

Lời Chúa đòi hỏi nhiều hơn nữa. Dĩ nhiên, chúng ta phải chịu trách nhiệm về lời mời của chúng ta sao cho khách dự tiệc được vui lòng. Nhưng huấn lịnh của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay cũng không bị bỏ sót và quên lãng. Thân phận của ‘hạng người nghèo mà chúng tôi liệt kê nói trên’ được Thiên Chúa của Đức Giê-su quan tâm đặc biệt. Đức Giê-su dậy bảo rằng lòng từ bi và nhân hậu của Thiên Chúa đổ xuống trên chúng ta là một động lực cấp bách thúc đẩy chúng ta ra đi hoàn tất sứ mạng đã được trao phó hầu đem lại hạnh phúc và một lối sống tốt đẹp hơn cho tha nhân.

Gương khiêm tốn của Đức Giê-su, đấng đã hạ mình thẩm sâu cho đến độ bằng lòng đón nhận mọi khổ đau, ngay cả sự chết trên Thập Giá. Với việc hạ mình cho đến chết như thế, Đức Giê-su đã bộc lộ lòng vâng phục của Người, để rồi Thiên Chúa Cha đã siêu tôn Người vượt trên mọi danh hiệu. Qủa thật gương tự hạ trong vâng phục của Đức Giê-su luôn là một thách đố muôn đời cho chúng ta. Chúng ta luôn thiếu sót. Chúng ta không bao giờ có thể hoàn thành tốt yêu sách mà Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta cần để cho sứ điệp của Lời Chúa hôm nay chất vấn và đổi mới trong suốt hành trình của cuộc sống.

Chính trong việc tự hạ theo gương Đức Giê-su, chúng ta có thể mở ra lòng ra đón tiếp mọi người, không loại trừ một ai; đặc biệt những ai tàn tật, đui mù, khổ đau và nghèo đói sẽ được chúng ta quan tâm hơn; vì theo như Lời Đức Giê-su đã hứa thì họ là những người sau này sẽ đón tiếp chúng ta vào trong nhà Cha trên trời. Amen!

Wednesday, 17 August 2022

CỬA CÀNG CHẬT CÀNG AN TOÀN



Trên đường lên Giê-ru-sa-lem đã có người hỏi Chúa rằng “Thưa Thầy, phải chăng chỉ có một số rất ít người được cứu thoát thôi?” Lời phỏng đoán của ông về số người sẽ được cứu thoát trong bài Tin Mừng có thể là suy nghĩ của chúng ta nữa. Với tinh thần cục bộ và phe nhóm, chúng ta cho rằng chỉ có một số người công giáo chính hiệu, công giáo toàn tòng mới được cứu thoát thôi.

Nói đến đây khiến tôi nhớ đến một câu chuyện ngắn. Truyện kể về cuộc gặp gỡ của một ông kia với Thánh Phê-rô. Sau khi ông chết, được đưa về Thiên đàng, gặp Thánh Phê-rô đang đứng ở cổng để chào đón mọi người. Đến phiên ông, khi trình diện, đã mạnh dạn xin Thánh nhân dẫn đi một vòng Thiên đàng để tham quan. Ông vui sướng trước vẻ đẹp và cảnh thần tiên của Thiên Đàng. Đi không biết mệt, chỗ nào cũng thú vị. Cả hai đang đi, ông nhận ra khung cảnh trước mắt hơi khác lạ. Họ chuẩn bị đi đến một khu vực được bao quanh bởi một bức tường cao. Khi chuẩn bị đi qua chỗ này, Thánh Phê-rô mới yêu cầu ông giữ yên lặng và đi trong âm thầm. Ngạc nhiên, ông ta mới thưa với Thánh nhân rằng: “Tại sao thế?” Thánh Phê-rô nhỏ nhẹ trả lời ông rằng: “Bởi vì, bước chân và tiếng nói của chúng ta có thể làm phiền những người bên trong.” Vậy ai ở bên trong, thưa Ngài. Thánh Phê-rô trả lời: “Họ là những người Công giáo.” Ngài nói tiếp: “Ông đã biết rõ họ là những người đã nghĩ rằng Thiên Đàng chỉ thuộc về phe của họ. Ngoài họ ra thì chẳng có ai xứng đáng sống ở đây. Và bây giờ, nếu họ biết rằng có những người khác đang sống ở Thiên đàng thì họ sẽ thất vọng biết bao. Biết đâu, chẳng có một số người trong nhóm họ sẽ yêu cầu được trả lại cho họ những công nghiệp mà họ đã tích lũy trước khi bước vào nơi đây.” Vì họ, chúng ta tốt nhất là hãy bước đi trong thinh lặng!

Ngược lại, trong thế giới hiện đại này lại có những người thờ ơ với tôn giáo đến độ không cần chuẩn bị cho sự sống đời sau, không cần biết ai sẽ cứu mình và làm sao để được cứu nữa? Họ sống buông thả, sống theo ước muốn và chiều theo các nhu cầu của bản thân. Vui là chính, không cần biết đến ai khác, ngoại trừ bản thân. Họ đang sống trong một môi trường mà con người chỉ biết hưởng thụ, tìm cái lợi trước mắt cho bản thân. Mục tiêu của tôi là phải giành chiến thắng. Con đường tôi đi phải đưa tôi lên đỉnh cao, tôi phải được về nhất, như thế bằng mọi cách thức tôi phải loại bỏ những người khác, rồi những người khác giống như tôi sẽ tìm cách lôi tôi xuống. Cuối cùng thì ai sẽ vào được cổng! Cho dù cánh cửa có mở rộng, nhưng chúng ta sẽ bị kéo xuống hay bị đè bẹp vì chen lấn nhau.

Thưa anh chị em,

Ở đây, Đức Giê-su đã không trả lời trực tiếp là có bao nhiêu người sẽ được cứu độ. Người đã dùng hình ảnh ‘cánh cửa hẹp’ mời gọi chúng ta bước vào. Rồi Đức Giê-su nói tiếp rằng sẽ có rất nhiều người chiến đấu để vượt qua ngưỡng cửa để vào mà không vào được vì quá yếu. Hãy chiến đấu để bước qua cửa hẹp mà vào, đó là Lời Đức Giê-su phán dậy hôm nay.

Căn cứ vào Lời Người phán, chúng ta thường để ý và suy diễn để tìm ra cửa hẹp ở đâu? Làm cách nào để bước vào? Rồi từ đó liệt kê ra một số việc cần làm, những hành động phải hy sinh; các khoản luật cần chu toàn; những điều cần từ bỏ, v.v… Nói chung, chúng ta sẽ làm tất cả để thu gọn vóc dáng sao cho vừa với kích thước của cánh cửa.

Đức Giê-su nói với chúng ta hãy qua cửa hẹp mà vào. Ở một nơi khác, Người tự xưng mình chính là cánh cửa. Con đường và cuộc sống của Người là lối đi hẹp. Ngay từ những ngày đầu tiên, Đức Giê-su đã chọn lối sống hy sinh, từ bỏ, phó thác và làm vui lòng Cha. Con đường hẹp mà Đức Giê-su đã đi quá chật, chật đến độ khiến Người đã có ý định bỏ cuộc mà kêu lên rằng: “Lạy Cha, xin cho con khỏi uống chén này.” Nhưng nếu Người không uống, thì làm sao có thể đi tới cùng để thi hành ý định của Cha. Vì vậy, Người đã vâng phục khi nói rằng “xin đừng theo ý con, một xin theo ý Cha”.   

Con đường hẹp dẫn Đức Giê-su đến cái chết. Thật là ngược đời; nhưng đó lại là ý định của Chúa Cha, Đấng yêu thương nhân loại đến độ không tiếc hy sinh Con của Ngài để thiết lập vương quốc tình yêu và sự sống qua sự chết. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa hoàn toàn khác xa với tính toán của con người. Đó là sự khôn ngoan đem đến cho con người sự sống từ cái chết.

Đức Giêsu nói với chúng ta rằng hạt giống phải chết thì mới sinh nhiều hoa trái. Trong vương quốc của Đức Giê-su mà theo kiểu nói bình dân, chúng ta hay gọi là Thiên đàng thì người nghèo được chúc phúc, những người đau khổ sẽ vui mừng. Thành viên của Nước đó được mời gọi tha cho kẻ thù và làm ơn cho ai oán ghét mình. Tất cả các điều ấy đã được thể hiện trong cuộc đời của Đức Giê-su, một cánh cửa hẹp của Thiên Chúa.

Đây không phải là những điều làm cho con người cảm thấy bị lôi cuốn và hấp dẫn người ta. Đó là nghịch lý, khác hẳn với quan niệm của thế gian; nhưng đối với những kẻ tin, những ai đang theo Chúa thì qua cánh cửa hẹp, bước vào con đường gian khổ này lại chứa đựng một niềm hạnh phúc vô biên và đích thực.

Do đó tất cả những ai đã gặp Người, theo chân Người đều cảm nghiệm được điều đó. Bằng chính cuộc sống cũng như các lời giảng dậy, Đức Giêsu đã là Tin Vui cho người nghèo, những kẻ thấp cổ bé miệng, bị bỏ rơi và thân phận không được tôn trọng. Người đã không chỉ giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi mà thôi, nhưng còn lôi họ ra khỏi sự giam cầm của thứ luật lệ đã giam hãm và làm mất đi phẩm giá của họ. Từ sự giải thoát ấy, họ cảm nghiệm được lối sống phát sinh từ sự tự do của ân sủng nơi Người. Người chính là cánh cửa hồng ân của Thiên Chúa ban cho nhân loại để những ai bước qua ngưỡng cửa đó sẽ trở thành suối nguồn hồng ân cho tha nhân.

Đức Giê-su là cánh cửa hẹp. Người đã đến, hiện diện và hoàn tất sứ mạng một lần cho tất cả. Người không đến cho một cá nhân nào mà cho tất cả mọi người. Do đó, con người cũng đừng có quan niệm chộp bắt và giam hãm Đức Giê-su cho riêng mình hay cho phe nhóm mình.

Và làm thế nào để bước vào cánh cửa đây? Tự cá nhân mình hay cần sự giúp đỡ của nhau. Các điều này tuy cần nhưng không phải là yếu tố quan trọng và then chốt. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến mình và phe nhóm mình thì không ai trong chúng ta có thể bước qua ngưỡng cửa mà vào trong được. Cần khôn ngoan, biết quan tâm và đối xử thật đại lượng với nhau thì tất cả có cơ may vượt qua cánh cửa mà vào.

Cửa hẹp đã được dựng nên. Con người cần tự giác và nhắc nhở nhau rằng: cơ hội đã được dọn sẵn, chúng ta đang trên đường, do đó cần nhường bước, quan tâm và giúp nhau đi vào.

Còn một yếu tố quan trọng nhất mà chúng ta không thể bỏ qua. Hãy nhớ rằng Thiên Chúa của chúng ta là nguồn hy vọng, chúng ta được sống và tồn tại trong lòng nhân ái của Chúa. Do đó, nếu chúng ta vẫn tiếp tục đào sâu các kinh nghiệm thật cụ thể và sống động về sự thiện hảo, tình yêu thương và lòng quảng đại của Thiên Chúa đang được thể hiện nơi bản thân, trong gia đình và giữa cộng đồng thì cho dù cánh cửa hay con đường có hẹp đến đâu chúng ta sẽ không chơi vơi.

Cùng với Người, chúng ta sống trong tự do chứ không bị ép buộc để đến với nhau, trao cho nhau con tim chân chính, biết quí trọng và yêu mến nhau, tay trong tay cùng nhau bước vào. Cho dù cánh cửa có hẹp đến đâu, nhưng có Chúa ở cùng thì chúng ta an tâm mà vững bước. Có Người ở bên, còn quyền lực nào có thể làm cho chúng ta nao núng và sợ hãi nữa đây!

Đó chính là lối sống của những người đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa mà phần cuối của bài Tin Mừng đã nói đến. Họ đến từ bốn phương thiên hạ. Trong khi đó, những người gần nhất, những người tự nhận mình là ‘đạo gốc’, những người tự xưng mình là con cháu Abraham, con cháu của các Thánh Tử Đạo; nhưng lại thờ ơ với lối sống quan tâm, thiếu bác ái, không dám cho đi, không nhận ra các dấu chỉ của thời đại để cộng tác với chương trình của Thiên Chúa; cho nên họ sẽ bị loại ra ngoài để nhường chỗ cho những ai đã sẵn sàng tham dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

Nói tóm lại, cửa hẹp là lời mời gọi chúng ta hoán cải và việc thay đổi lối sống không thể trì hoãn vô thời hạn. Chúng ta phải để cho sứ điệp Lời Chúa chất vấn tính ích kỷ, cách suy nghĩ nhỏ mọn và hành động thiếu quảng đại của chúng ta đối với nhau. Cửa hẹp vẫn là con đường duy nhất giúp chúng ta bước vào. Cửa hẹp sẽ giúp chúng ta lọc đi những thứ không cần thiết mà bước vào Nước Thiên Chúa.

Vì thế, hãy chọn lựa, hãy bắt đầu; vì cơ hội tuy có nhiều nhưng không phải lúc nào cũng có. Đừng để đến lúc cửa đã khóa rồi mới thức tỉnh thì quá trễ! Amen.

Wednesday, 10 August 2022

LỬA ƠI, HÃY CHÁY BỪNG SÁNG LÊN!


Anh chị em thân mến,

Hôm nay, lời tuyên bố của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng làm cho chúng ta ‘bị sốc’. Chúng ta không chỉ ngạc nhiên mà còn giật mình khi nghe Người phán: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.”

Thế giới hiện nay có đủ chia rẽ và phân tranh, như vậy chúng ta có cần dựa vào Lời Chúa hôm nay để hỗ trợ cho lập luận nhằm khuyến khích và bảo vệ các nguyên nhân gây ra chia rẽ hay không? Chẳng lẽ Đức Giê-su không muốn chúng ta sống an bình, đối xử nhân hậu và thông cảm với nhau hay sao?

Điều mà Đức Giê-su quan tâm không phải là thái độ hài hòa, một thế đứng trung lập, một sự bình an giả tạo. Trong sứ mạng của người môn đệ phải có sự chọn lựa, cho dù phải hy sinh còn hơn là ‘hài hòa, ba phải, chiều nào cũng ngả’. Trên bước đường theo Chúa không có chỗ cho sự dửng dưng và chán chường, không có bức tường nào có thể ngăn chận sức mạnh của Lời Chúa. Sứ mạng của Đức Giêsu bao hàm ơn gọi của một ngôn sứ, như ngọn lửa đốt cháy thái độ ơ hờ và nguội lạnh, nó muốn khơi lên một ngọn lửa yêu mến đốt cháy các tâm hồn nguội lạnh.

Như vậy Lời Chúa phán hôm nay được giải thích thế nào đây? Hãy đặt Lời Người nói trong bối cảnh của ơn gọi ngôn sứ. Nói thẳng và nói thật để người nghe phải chọn lựa.

Trước tiên, chúng ta hãy nhìn vào hoàn cảnh thực tế và nhận ra một điều là những ai trung thành với ơn gọi ngôn sứ thường không có kết quả tốt. Những lời họ nói, các việc họ làm thường là nguyên nhân xẩy ra các cuộc xung đột. Cõi lòng của họ luôn đứng về phía những người bị áp bức, bị đàn áp, bị bóc lột. Họ lên tiếng để binh vực những người cô thân cô thế; đứng về phía các nạn nhân của những vụ đàn áp, bị lạm dụng về tinh thần và thể xác; Họ còn là điểm tựa, chỗ dựa cho những ai bị tổn thương vì bạo hành. Nói chung, những người nghèo, những con người tất bạt bị xã hội ruồng bỏ lại trở thành những những bạn thiết nghĩa của các ngôn sứ.

Nỗi khó khăn nhất mà các ngôn sứ phải đối diện không xuất phát từ những người có quyền hành trên các ngài, họ phải chiến đấu với những người thân trong gia đình; bởi vì một cách nào đó, những người thân của họ không nhận ra sức mạnh thôi thúc ngôn sứ khiến cho họ phải lên tiếng và hành động theo những gì mà họ đã được thúc đẩy bởi Thiên Chúa. Thế là xẩy ra tình trạng đối kháng ngay trong gia đình. Cứ lẽ tự nhiên thì người càng thân, càng gắn bó với mình bao nhiêu thì sức chống đối lại càng mạnh hơn; bởi vì họ lo cho mình!

Trong thời đại của chúng ta, vào những thập niên gần đây, chúng ta nghe đến các tên như Martin Luther King, Nelson Mandala, và Thánh Giám Mục Oscar Romero.  Để bảo vệ cho công lý và hòa bình, nhất là binh vực cho quyền làm người, các ngài đã dùng chính cuộc đời và mạng sống để làm chứng. Lời chứng của các ngôn sứ thường không được những vị lãnh đạo về mặt đời và mặt đạo chấp nhận. Ơn gọi ngôn sứ thật cô đơn. Cái giá mà các ngôn sứ đạt được không phải là sự ủng hộ của bạn đồng nghiệp hay sự hỗ trợ của những ai có quyền; thậm chí họ có thể là nạn nhân của những con người mà họ lên tiếng để bảo vệ nữa.

Đức Giê-su nói cho những ai đang lắng nghe Người nhận biết rằng đón nhận sứ điệp và dấn bước theo Người không phải là việc dễ dàng. Tin Mừng và con người của Đức Giê-su có thể gây ra những phản ứng trái chiều, hay ít nhất gây ra một vài bất đồng cho người đón nhận. Có người hân hoan đón nhận và đem ra áp dụng, lại có người khác vì quyền lợi mà ra sức chống đối. Mỗi người một cách thức đón nhận; không ai giống ai. Đây là sự phân rẽ vì niềm tin, vì lối sống. Không chỉ xẩy ra hôm nay; nhưng đã xuất hiện qua bao thế hệ. Ngay từ thủa Hội Thánh còn trong buổi sơ khai, lẽ ra cần có sự hiệp nhất để bảo vệ nhau; trái lại các tín hữu thường bị chính quyền và những người thân cận của mình ghét bỏ.

Nhìn lại giòng lịch sử, chúng ta hãy can đảm nhìn nhận có sự phân rẽ trong sự hình thành và phát triển các cộng đoàn Ki-tô giáo. Vấn đề hoàn toàn không xuất phát từ các nguyên do tạo ra sự chia rẽ cho bằng cách chúng ta hành xử như thế nào về sự chia rẽ. Giả như nhóm nào cũng chủ trương mình là đúng, và chỉ có mình mới xứng đáng giữ truyền thống và có quyền giải thích các mầu nhiệm trong đạo thì chúng ta lại xem thường sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa nơi các nhóm hay giáo phái khác. Thiên Chúa hiện diện và hoạt động ở khắp nơi, khắp chốn.

Thưa anh chị em,

Nói chung, sự trung thành với giáo huấn và lối sống của Đức Giê-su thường là nguyên nhân gây ra các cuộc chia rẽ trong suốt lịch sử, và vẫn còn xẩy ra trong thời đại của chúng ta.

Trên khắp thế giới ngày nay có hàng ngàn người sợ nói ra công lý bởi vì nếu họ làm như vậy họ có thể phải đối mặt với guồng máy của những người có thế lực rồi bị tra tấn cho đến chết. Hiện tượng này đặc biệt xẩy ra tại các nước Á Châu, bên Châu Mỹ La Tinh và các nước mà nền dân chủ bị khống chế bởi một số người có ‘máu mặt’.

Các phản ứng giống như thế cũng xẩy ra trong gia đình. Đức Giêsu không hề có ý phá hỏng các mối quan hệ trong gia đình. Thật ra, lòng hiếu thảo với cha mẹ và sự tôn kính của chúng ta dành cho các bậc tiên nhân là điều mà Đức Giê-su đã khuyến khích chúng ta phải thi hành. Tuy nhiên, trong cuộc sống của người môn đệ, chúng ta phải tuân theo tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời và nếu cần phải chọn lựa ưu tiên giữa tiêu chuẩn của Nước Thiên Chúa với lợi ích của chúng ta thì cũng đành phải chấp nhận hy sinh tất cả mọi sự để trung thành với ơn gọi của người môn đệ thôi.

Trong cuộc sống gia đình, người phối ngẫu phải đối diện với một tình trạng căng thẳng; một bên là sự tha thứ, bên kia là con tim tan vỡ vì sự bất trung của người bạn đường khi đã có quan hệ bất chính với người khác.

Các bậc làm cha mẹ, như đứng trước ngã ba đường, không biết khi nào cần nghiêm khắc và khi nào dễ dãi với các người con mình. Vẫn biết cuối cùng các bậc phụ huynh cũng nhường bước vì yêu thương các cháu, tuy nhiên cách thức nhịn nhục này cũng khiến cho họ đau thấu tâm can.

Tại nơi làm việc, chúng ta có thể bị đối diện với một bên là tiếng nói của lương tâm, sự thúc đẩy của Tin Mừng hay là chọn thái độ im lặng đồng lõa với tội ác để thăng tiến nghề nghiệp và có thể được thăng chức. Họ phải chọn lựa giữa sự phân tranh đó.

Các sinh hoạt tôn giáo cũng có thể đặt con người vào vị trí phải chọn lựa: đóng góp để xây dựng cơ cấu hay con người. Cách thế nào phục vụ Chúa hữu hiệu hơn?

Lối sống của người tín hữu không bao giờ dễ dàng. Chúng ta luôn được đòi hỏi để vươn lên khỏi các thực tại của trần gian này. Trong khi thi hành nhiệm vụ cao quí này chúng ta được mời gọi như những ngọn lửa được ném vào trái đất để xua tan bóng tối. Muốn đạt được điều này, chúng ta hãy nhìn thẳng về phía trước, nơi Đức Giê-su đang ngự trị và mong chờ sự thành tựu sẽ xẩy ra nơi những gì mà Người đã khởi sự. Hãy nhớ rằng: cho dù gặp khó khăn, nhưng nỗi khổ đau và đối kháng mà chúng ta lĩnh nhận chưa bằng những gì mà Đức Giê-su đã chịu đựng, hầu qua đó chúng ta sẽ khỏi mỏi mệt và thất vọng.

Là những người theo Đức Giê-su, chúng ta liên tục phải đối diện với các tình huống đòi buộc chúng ta phải lựa chọn giữa thiện và ác, tốt và xấu. Đối mặt với những tình huống như thế chúng ta cần can đảm và sự khôn ngoan. Và lòng can đảm, sự khôn ngoan và khả năng đối phó với các nghịch lý trong cuộc đời chỉ được tìm thấy trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa mà thôi.

Cầu xin Chúa ban cho chúng ta luôn kiên vững trong sứ mạng, đem chân lý và bình an của tâm hồn đến cho nhau, để ngọn lửa mà Đức Giê-su đã nhen nhúm nơi bản thân và cuộc sống của chúng ta được cháy bùng lên luôn mãi. Amen!

Wednesday, 3 August 2022

BỌN CHẾT TIỆT, ĐÂU CẢ RỒI?

 

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay bắt đầu với lời nhắn nhủ của Đức Giê-su dành cho các môn đệ, đoàn chiên nhỏ bé của Người, rằng “anh em đừng sợ, vì Nước Trời đã được ban cho anh em”. Đức Giê-su nhận ra rằng nỗi sợ hãi có thể là một trong các nguyên nhân gây ra sự chán nản, bỏ cuộc và thất bại khi thi hành sứ mạng rao giảng Nước Thiên Chúa mà các môn đệ đã được trao phó. Vẫn biết rằng, khi chấp nhận lời mời gọi trở thành môn đệ của Chúa, các môn đệ đã từ bỏ gia đình, bước ra khỏi nếp sống an toàn và lao mình vào cuộc chiến vì Nước Trời; nhưng không vì thế mà các môn đệ sẽ bớt sợ, vì sợ hãi vẫn là một sức mạnh ngấm ngầm làm cản trở họ thực hiện sứ mạng.

Để thoát khỏi các nỗi lo sợ, Đức Giê-su tha thiết khuyên chúng ta hãy vui sống phút giây hiện tại như khoảnh khắc của hồng ân, đón nhận tất cả như quà tặng, rồi ra đi phục vụ, như Lời Chúa phán trong bài Tin mừng hôm nay là hãy bán của cải mình đi mà chia sẻ cho người khác. Và đó cũng là cách sống mà Đức Giê-su đã khuyến khích các môn đệ phải có trong lúc đón tiếp ngày giờ Chủ trở về.

Và để nói rõ ý tưởng này, Đức Giê-su tiếp tục dùng dụ ngôn để giảng dậy. Dụ ngôn mà Chúa phán trong bài Tin Mừng, thường được công bố trong các dịp lễ an táng hay cầu hồn. Mục đích là nhắc nhở chúng ta hãy sống tỉnh thức. Tỉnh thức bằng hành động để dọn sẵn cho mình một kho tàng trong Nước của Người. Kho tàng đó được tích lũy bởi lối sống phục vụ và chia sẻ của chúng ta khi theo Người.

Muốn theo Chúa, chúng ta cần nhận biết Chúa. Điều này rất khó thực hiện. Bởi vì, Chúa thường xuất hiện vào những lúc chúng ta không ngờ. Người chẳng ăn diện theo tiêu chuẩn của quân vương hay hàng ngũ quí tộc. Người đã đến với chúng ta qua hình ảnh của những người nghèo, những bịnh nhân mang mầm mống của các căn bịnh di truyền mà không ai trong chúng ta dám đến gần. Người hiện diện ở những dự án mà chúng ta đã cố gắng nhưng vẫn nếm mùi thất bại. Người đến ở trong các mối quan hệ khiến chúng ta bị tổn thương. Người hiện diện trong cuộc sống của người hàng xóm khó tính. Người hiện diện nơi cuộc sống của những người ăn xin khi họ đến với chúng ta vào lúc tâm hồn và thể xác của chúng ta đã mệt lử, v.v… Người có muôn vàn cách thức để đến, ngay bây giờ.

Nói đến đây, tôi chợt nhớ đến một người, Ngài đã nhận ra Chúa nơi các hình ảnh của những con người mà chúng ta vừa đề cập nói trên. Ngài cũng là  người đã thu hút chúng ta quây quần bên nhau trong bàn tiệc Thánh này: Cha Thánh An Phong. Tụ họp để tạ ơn Chúa vì còn nhìn thấy nhau. Cảm tạ Người đã gìn giữ chúng ta được bình an trong cơn đại dịch. Sau hết là cùng nhau tìm hiểu cách thức nào để đặc sủng mà Cha Thánh đã lĩnh nhận nơi Chúa vẫn tiếp tục bùng cháy trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta?

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy trở về nguồn để ôn lại công việc Ngài:

Nếu Thành phố Naples là thiên đường của những người giàu có thì ngược lại đó là địa ngục đối với những người nghèo. Họ bị đày lên những ngọn đồi xung quanh. Cuộc sống của họ gắn liền với sự đói nghèo, thất học và tai ương. Thường xuyên đối diện với các nạn dịch như sốt rét, sinh ra chết chóc. Nhờ sự nhậy cảm trước nhu cầu của kẻ khác, Ngài đã động lòng thương, kết hợp với đời sống cầu nguyện và sự biện phân đã giúp cha chúng ta, Thánh An-Phong khám phá ra một hướng đi. Đó là con đường Chúa muốn Ngài tuân theo. Phục vụ “bọn chết tiệt” tại Naples và các nơi khác.

Lại có một số linh mục cùng chí hướng tụ tập xung quanh Ngài. Thánh An Phong ý thức rằng đã đến lúc phải giúp bổn đạo, nhất là những người nghèo thoát nỗi âu lo của sự trừng phạt, cần thay thế tâm tình sợ hãi Thiên Chúa bằng lòng yêu mến. Đối với Ngài, dung nhan của Chúa là hình ảnh của Đấng Cứu Thế, tái tạo thế giới bằng tình yêu của Ngài. Và một hội dòng được khai sinh vào năm 1732, được gọi là Dòng Chúa Cứu Thế chuyên lo phục vụ “bọn chết tiệt,” không ai quan tâm và săn sóc.

Mục tiêu của Dòng là theo Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế trong việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Một ơn gọi dành cho những người bị bỏ rơi. Thông qua các tuần đại phúc tại các giáo xứ, canh tân lối sống đạo dựa vào lòng mến của Thiên Chúa, giúp họ tái tạo đời sống thiêng liêng qua rao giảng, thánh lễ và xưng tội. Cha An Phong và anh em đã đi khắp vùng nông thôn tại Ý, tìm đến những người nghèo nhất trong số những người nghèo.

Khi rao giảng, Cha Thánh An Phong đã tránh dùng hình ảnh lửa thiêu đốt như án phạt dành cho kẻ có tội phải sống trong lo sợ. Ngài cho rằng việc hoán cải thực sự không thể dựa trên "nỗi sợ hãi” về sự trừng phạt của Thiên Chúa." Phổ biến và quảng bá ý tưởng này chỉ làm cho con người kéo dài sự sợ hãi trong cuộc sống của họ mà thôi. Không ích lợi gì! Một sự hoán cải thực sự chỉ xảy ra khi con người để cho Tình yêu thánh khiết của Thiên Chúa thống trị. Vì thế, Thánh nhân đã chủ trương giải thoát con người khỏi sự lo sợ bị án phạt, thay vào đó là ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa. Đấng yêu thương và chỉ muốn giải thoát con người khỏi nô lệ của quyền lực của sự dữ mà thôi.

Cha Thánh An Phong, trong mọi giây phút của cuộc sống, đã tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi sự, qua mọi người, nhất là nơi cuộc sống và gia cảnh của ‘bọn chết tiệt’, rồi đón tiếp họ như hình ảnh của Chúa Cứu Thế. Theo Ngài, đó là bổn phận phải làm của thành viên Dòng Chúa Cứu Thế, không phân biệt người đó thuộc tuyến nào. Nếu không chu toàn là thiếu bổn phận và làm cho đặc sủng bị thiêu mòn đi.

Sau cùng, trong bài Tin Mừng, chúng ta hãy nhìn cách thức mà ông chủ dành cho người đầy tớ. Thật ngạc nhiên, bởi vì ông chủ đâu cần có thái độ ân cần đối với anh ta như thế.  Không một ông chủ nào của thế gian có thái độ như thế đối với đầy tớ! Chỉ có ông chủ trong Nước Trời mới có thể từ bỏ mình mà nêu gương hầu hạ như thế.

Cách thức mà ông chủ hành động trong bài Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ lại hành động mà Đức Giê-su đã thực hiện trong Bữa Tiệc Ly. Thay vì để cho các môn đệ rửa chân cho Người thì Người đã hoán đổi vị trí, quì xuống mà rửa chân cho các ông.  Nhờ đó, chúng ta nhận biết rằng người lãnh đạo thật, người tu sĩ chân chính, một sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế đích thật phải là người phục vụ.

Phục vụ người nghèo. Quì xuống rửa chân cho ‘bọn chết  tiệt’ là lối sống của anh chị em chúng mình, thành viên của gia đình An Phong, không phân biệt thân hữu hay thuộc tuyến nào. Chỉ biết rằng với lối sống phục vụ như Đức Giê-su thì chúng ta chẳng còn phải lo âu hay sống trong sợ hãi khi nào Chúa đến nữa. Bởi vì, Chúa đã hiện diện trong mọi sự và có mặt ở mọi biến cố trong cuộc đời của chúng ta là những kẻ thuộc về Người rồi, phải không thưa anh chị em?

Cầu cho nhau được như thế nhé. Amen!