Wednesday, 25 October 2023

YÊU LÀ LẼ SỐNG!


Ngày xưa, qua tổ phụ Mai-sen, Chúa đã ban cho dân Do Thái các giới răn của Người. Từ những giới răn này, người Do Thái thường bàn bạc để tìm hiểu xem điều luật nào lớn và quan trọng nhất. Hôm nay, họ đến chất vấn Đức Giêsu về hai khoản luật Mến Chúa và yêu người, khoản nào quan trọng và cao cả nhất. Đức Giê-su đã nối kết hai điều luật lại với nhau như là một. Người dạy họ và chúng ta rằng: mến Chúa và yêu người là trọng tâm của cuộc sống và luôn gắn bó mật thiết với nhau.

Để minh họa điều này, chúng ta cùng nhau nghe một câu chuyện. Truyện kể như sau: Vào các thế kỷ đầu, ai muốn đi tu thì phải vào rừng vắng, sống hãm mình và chịu nhiều gian khổ để tôi luyện bản thân cho thành toàn. Truyện xẩy ra như thế này: vào một dịp tĩnh tâm hàng năm, cha Bề trên dẫn các thầy dòng của mình đi vào hoang địa để ăn chay, hãm mình, và mỗi người được chỉ định ở một lều riêng biệt cho dễ cầu nguyện. Đến giữa tuần, có một số thầy từ các tu viện khác đến thăm cha Bề trên. Để diễn tả tấm lòng hiếu khách, cha đã nấu cho các vị một chút gì ăn cho bớt đói; và, cũng vì lịch sự, Cha đã cùng dùng bữa với ho.

Trong khi đó, các thầy cùng dòng với cha bề trên, tuy có thể đang giữ chay, nhưng lòng lại không giữ. Vì thế, khi nhìn thấy khói bốc lên từ lều của cha Bề trên, các thầy có ý nghĩ là Bề trên của mình đã phá chay, nên ùn ùn kéo nhau đến để chất vấn! Thấy thái độ và sắc mặt của họ, cha Bề trên nhìn thấu tâm trạng của họ, bèn ôn tồn hỏi: “Anh em đến đây thăm tôi hay là bắt lỗi tôi, tại sao các thầy cứ nhìn tôi trừng trừng như thế?” Họ trả lời: “Thưa cha, cha đã phạm luật giữ chay mà chúng ta tình nguyện tuân giữ.” Cha từ tốn nhìn các thầy rồi đáp: “Đúng là tôi đã vi phạm luật giữ chay. Tôi không giữ lề luật của chúng ta đã đặt ra, nhưng khi chia sẻ thức ăn với các thầy bạn thuộc tu viện khác, tôi đã sống luật của Thiên Chúa. Các thầy không nghĩ là Đức Yêsu cũng đã làm như vậy sao? Hỡi các thầy, đừng vịn vào lề luật để bắt bẻ hay làm khó nhau. Các thầy còn nhớ đến lời Chúa dậy: có hai giới răn quan trọng, chứ không phải chỉ có một mà thôi đâu. Chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn và yêu nhau như chính mình. Chúng ta không vào đây để trốn thế gian và sống một mình với Chúa. Nhưng chúng ta đến đây tìm Chúa và yêu thương nhau trong Chúa.”

Giống như các thầy dòng nọ, chúng ta chỉ biết yêu mến Chúa qua việc chu toàn lề luật, siêng năng tham dự thánh lễ, ăn chay, kiêng thịt, đọc kinh cầu nguyện, hành hương để huởng ơn “toàn xá” và các công việc đạo đức khác mà quên mất đi việc yêu thương người. Chúng ta không thể nói yêu Chúa mà quên đi việc yêu thương, quan tâm, lo lắng và giúp đỡ cho nhau.

Chúa dạy chúng ta hãy yêu mến Chúa và tha nhân. Yêu Chúa như Chúa yêu đã là một việc khó làm, nhưng yêu người còn khó hơn bội phần. Vì, làm sao chúng ta có thể yêu người với đủ mọi khuyết điểm; và thường xuyên trái ý và không cùng phe với chúng ta. Nhưng chúng ta phải yêu vì đó là lịnh truyền của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay.

Đó là tôn chỉ và mục tiêu của Đạo Công Giáo. Thật vậy, đạo Công giáo không chỉ gồm tóm những điều khoản phải giữ; nhưng đó là đạo Yêu Thương, đó là con đường yêu thương. Con đuờng Chúa đã đi qua. Vì thế, cách sống đạo của chúng ta là yêu Chúa và yêu nhau. Thế nhưng, tình yêu không phải là việc để nói hay để bàn. Yêu để sống và sống để yêu.

Thưa anh chị em, yêu như thế nào?

Sau đây là kinh nghiệm của những người đã từng yêu, trong lúc họ đang là người tình của nhau. Các bạn tìm đến nhau. Ngày nào không gặp mặt thì lòng cảm thấy bâng khuâng, nhung nhớ. Bức xúc vì nhớ nhung. Bạn không thể ngồi đó mà chờ cơ hội. Nhưng, phải ra đi để tìm đến nhau, chiều chuộng và trao ban cho nhau những gì trân quý nhất. Họ đến với nhau, hiện diện bằng con người thật của nhau, không tính toán, không vụ lợi. Họ cho nhau và đón nhận tất cả. Các việc làm đó nói lên điều gì? Phải chăng, đó là hành động nói lên sự hiện diện với nhau và cho nhau nguồn cảm hứng của tình yêu.

Nói cho cùng, không thể bảo rằng mình đang yêu nếu đối tượng mình yêu không thật sự hiện hữu. Tuy nhiên, sự hiện diện của đối tượng mang nhiều mức độ khác nhau. Có nhiều người chúng ta gặp mà không dám hay không muốn nhìn vào mặt, như các chủ nợ hay những người mà chúng ta coi họ như kẻ thù; lại có một số người khác, khi gặp chúng ta chỉ chào hỏi qua loa cho xong bổn phận; lại có những người, khi gặp họ thì lòng chúng ta hân hoan, miệng hỏi đủ thứ chuyện, tay bắt, mặt mừng và không muốn rời xa nhau…

Như vậy, đâu là sự hiện diện đích thực của tha nhân mà chúng ta cần tìm kiếm? Và người là ai?

Đây không chỉ là những câu hỏi vô cùng khó khăn mà chúng ta cần trả lời, nhưng còn là một thách đố trong cuộc sống. Chúng ta cần có những hành động cụ thể để diễn tả tình yêu. Muốn làm được việc này, chúng ta phải trở về nguồn động lực căn bản thúc đẩy chúng ta yêu nhau. Chính Tình yêu của Thiên Chúa là nguồn động lực duy nhất thúc đẩy tôi ra đi. Không ‘yêu Chúa’ thì cho dù có yêu nhau đến mức độ nào thì thứ tình yêu đó cũng khó bền vững. Chỉ ở trong Chúa và với Chúa thì tình yêu của chúng ta mới đi đến chỗ thành toàn và viên mãn.

Vì thế, thay vì đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đâu là giới răn quan trọng nhất thì chúng ta hãy chìm đắm trong Tình Yêu của Chúa, rồi tự khắc chính Tình Yêu đó sẽ thúc đẩy chúng ta buớc ra khỏi tháp ngà và các tiện nghi của cuộc sống để ra đi mà chia sẻ cho tha nhân, đặc biệt cho những ai không đuợc bảo vệ, như đã đuợc đề cập trong bài đọc một, họ là ‘các người di dân, góa bụa và trẻ mồ côi’.

Tại sao họ lại đuợc Chúa nhắc nhở một cách đặc biệt như thế? Bởi vì, trong một bối cảnh mà các mối liên hệ gia đình, dòng tộc và giống nòi đuợc coi là nền tảng để bảo vệ con người, mà những người trong các nhóm này lại mất đi yếu tố an toàn bảo vệ họ; như vậy nguy cơ bị đối xử tàn bạo và bóc lột dễ xẩy ra. Vì thế, Chúa mới yêu cầu chúng ta quan tâm đến họ nhiều hơn. Tuy vậy, họ vẫn chỉ là những hình ảnh tiêu biểu đuợc nhắc nhở trong bối cảnh của thời đó. Thật ra, Thiên Chúa và con người không còn ở xa tầm tay của chúng ta. Người đã nhập thể mang thân phận con người. Người là anh, là chị, là tôi; những người thân quen trong gia đình, xóm giáo, các nhóm cầu nguyện và đặc biệt hơn nữa, Người còn hiện diện nơi những người bị bỏ rơi ở ngoài đường hay gầm cầu và phố chợ.

Yêu mến “hết” lòng và “hết” trí khôn là cho đi tất cả, dâng hiến mọi sự. Trong ngôn ngữ của người Do Thái, các chữ “lòng”, “linh hồn” và “trí khôn” có nghĩa toàn bộ con người. Do đó, giới răn hôm nay có nghĩa là: “Hãy yêu mến Thiên Chúa và thương yêu nhau bằng tất cả con người mình, cho đi tất cả con người mình, dâng hiến toàn bộ con người mình.” Nghĩa là, trong Tình yêu thì không còn sự chia cách, không còn phân biệt giữa người này với người khác. Tất cả đều được hoà hợp trong Tình Yêu, nơi đó không còn biên giới, không còn hận thù, không còn tỵ hiềm hay chia rẽ; mà chỉ có hiệp thông, tha thứ và bình an.

Cầu xin cho nhau đạt đuợc uớc nguyện đó. Amen

No comments:

Post a Comment