Thursday, 2 November 2023

QUYỀN BÍNH: CON DAO HAI LƯỠI.


Tin mừng Chúa Nhật tuần này để lại cho người nghe những phản ứng khác nhau. Những người vì quá nhiệt thành (đôi khi quá khích) với Giáo hội sẽ có suy nghĩ là không biết mấy đấng víp-vồ, ông cha này, dì phước kia sẽ có phản ứng như thế nào trước sứ điệp của Chúa hôm nay? Và các nhà lãnh đạo tôn giáo, giống như những người thuộc nhóm Pha-ri-siêu và các kinh sư, chẳng mấy thích thú khi đọc bài Tin Mừng này.

Trình thuật tin mừng vỏn vẹn chỉ có 7 câu thế mà Thánh Matthew đã dùng nhiều từ ngữ nặng nề đả kích những người lãnh đạo. Họ hành động khác với điều họ giảng dậy. Họ bó những gánh nặng trên vai người khác, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Và nếu có làm thì cũng muốn để cho người khác thấy. Họ lựa chọn chỗ nhất và muốn được ca tụng.

Thật may mắn là bài Tin Mừng không dừng lại ở chỗ đó, Chúa muốn tạo sự chú ý nơi người nghe. Họ có lối sống như thế, còn anh chị em thì sao? “Trong anh chị em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh chị em.” Như vậy, đối tượng mà Chúa muốn gửi sứ điệp là mọi người và phục vụ là bài học.

Thánh Matthew khuyên chúng ta hãy tôn trọng quyền bính trong việc giảng dậy mà họ đã lĩnh nhận: “những gì họ nói thì anh (chị) em hãy làm, hãy giữ (Mt 23: 3a). Ngài luôn trân trọng quyền bính; nhưng không vì thế mà ngài làm ngơ về lối sống lợi dụng quyền bính đề làm lợi cho bản thân và phe nhóm của họ. Quyền bính được trao ban để phục vụ dân Thiên Chúa. Nhưng thưc tế lại trái ngược, thay vì phục vụ họ lại lợi dụng chức vụ và uy quyền để làm những điều ngược lại với luật Môsê và những lời giảng dậy của các ngôn sứ. Một mặt họ làm bộ đạo đức thánh thiện, đọc kinh nhiều giờ; nhưng mặt khác họ ức hiếp, chà đạp và cướp đoạt tài sản của các bà goá (Mt 23, 14). Lối sống giả hình của họ được thể hiện qua dáng vẻ bên ngoài từ cách đeo hộp kinh thật lớn, mang tua áo thật dài và thường xuất hiện công cộng để được tán dương. Thật ra việc đeo hộp kinh và mang tua áo không có gì là xấu bởi lề luật quy định như thế. Thế nhưng cái sai lầm và đáng trách là họ đeo hộp kinh lớn hơn và còn kéo tua áo dài ra để cho người khác nhìn thấy mà tán dương, còn tâm hồn thì rỗng tuếch.

Chúa Giêsu không vạch những sai trái của hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo Do thái để lên án. Chúa muốn các môn đệ hãy nhìn vào lối sống của họ mà tìm ra bài học về con đường mới, lối sống mới của Người. Chúa nói: "Trong anh chị em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ," Điều Chúa nói quá rõ ràng là ai muốn làm lớn phải làm người phục vụ trước. Phục vụ là chìa khóa, là nguyên tắc của quyền lãnh đạo. Quyền bính có được trao ban cũng là do Thiên Chúa. Địa vị, quyền cao chức trọng cốt để phục vụ mọi người, chứ không phải để thống trị hay làm chủ người khác. Thật đúng như Lời Chúa phán: "Ta đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ".

Như vậy, đối tượng mà Chúa muốn gửi sứ điệp phục vụ qua bài Tin Mừng hôm nay không phải là hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo, nhưng cho tất cả mọi nguời. Chúng ta ai cũng được mời gọi thực hiện quyền của những kẻ thừa kế, chia sẻ quyền lãnh đạo của Chúa Giê-su. Ai được mời gọi sống bậc tu trì thì có trách nhiệm và bổn phận đối với cộng đòan. Ai được mời gọi sống bậc đôi bạn thì có trách nhiệm với nhau và gia đình. Người nào có bổn phận của người ấy. Tất cả đều là môn đệ, đều được gọi để phục vụ. Vì thế phục vụ là bài học mà Chúa muốn dùng để dậy bảo chúng ta. Nhưng thực tế cho thấy chúng ta thường vấp ngã và sai lầm khi áp dụng sứ điệp này khi thi hành nhiệm vụ.

Có linh mục chính xứ kia thường lên tiếng yêu cầu nguời này làm điều này, sai bảo kẻ khác làm điều nọ. Chính bản thân chẳng đụng ngón tay vào thứ gì. Tình nghĩa đối với cha phó thì hờ hững và lại hay dùng quyền hoặc nhân danh quyền của bề trên để đưa ra luật này, lệ kia bắt nguời khác phải theo, trong khi đó cuộc sống của vị linh mục đó thật là đế vương. Vị linh mục này cứ chờ những dịp có đông người đến làm việc chung thì ông ta trong bộ lễ của anh công nhân xuất hiện thật sớm để làm công tác. Nói cho cùng thì sự xuất hiện của cha thường là đề tài bàn bạc của giáo xứ.

Lại có đức ông chồng nọ siêng năng tham gia mọi sinh họat: xã hội, cộng đồng, nhóm, phong trào… việc nào chu tòan cũng tốt. Nguời người ca tụng ông ta hiền hậu dễ thương. Nhưng về đến nhà thì cách hành xứ lại khác hẳn: đối xử với vợ theo kiểu chồng chúa vợ tôi và thiếu đối thọai, con cái thì khắt khe và thiếu thông cảm.

Tóm lại, con đường phục vụ bằng lối sống chứng nhân về Đức Ki-tô, Đấng đang hiện diện để cùng với ta rửa chân cho nhau là lối sống có hiệu quả nhất. Nếu chúng ta không hành động đúng với những gì mình giảng dạy trong nhà thờ, nơi gia đình, tại những cuộc hội họp thì lời rao giảng của chúng ta sẽ không mang lại hiệu quả mà còn ảnh huởng đến niềm tin của kẻ khác.

Vậy việc phục vụ phải đi đôi với việc giảng dậy; và công việc phục vụ phải được đặt trên nền tảng của lòng mến. Bởi vì, yêu và phục vụ có thể ví như hai mặt của một đồng tiền. Yêu mà không có việc làm là tình yêu chết; phục vụ mà không xuất phát từ yêu thương thì hành động của chúng ta cũng chỉ là những tiếng ‘thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xỏang’. (1 Cor 13: 1tt)

Nói cách khác, cuộc sống của những kẻ có niềm tin vào Chúa Ki-tô phục sịnh là cuộc sống hiến mạng mình vì ích lợi của người khác. Quả vậy, để có thể tuyên xưng được điều này cũng là do ân huệ của Thiên Chúa, chứ không phải do tự công sức hay việc làm của mình để rồi hãnh diện. Thật vậy, chúng ta là tác phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa, được dựng nên trong Đức Kitô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình của Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.

Ước mong, chúng ta hãy để cho Thiên Chúa thành toàn mọi dự án của Người qua việc phục vụ và yêu thương nhau của chúng ta. Amen!

 

No comments:

Post a Comment