Thursday, 21 December 2023

CHÚA ƠI, CÓ THẬT NGƯỜI ĐÃ SINH RA!


Không khí lễ Giáng Sinh đã đến, thật tưng bừng và rộn rã. Nhà thờ nào cũng làm máng cỏ với ánh sáng muôn mầu rực rỡ luợn đi luợn lại chung quanh hang đá; lại có những dòng suối nhân tạo róc rách chảy. Đủ thứ trang trí và đồ chơi lạ mắt. 

Trong khi đó tại các trung tâm thương mại tràn ngập người; ai ai cũng hối hả chọn lựa những món quà cho người thân. Hình như những cảnh tượng đó có cái gì tương phản với sứ điệp của Chúa. 

Những quà tặng của thế gian quá nhiều, nhiều đến độ làm chúng ta bị che mắt, không nhìn ra sứ điệp của Chúa. Chúng ta quá chú tâm đến quà tặng, trao đi và nhận lại những phẩm vật tuy quí giá nhưng vẫn chỉ là tặng vật do con người tạo ra. Trong khi đó, hôm nay Chúa ban cho nhân loại một món quà là chính Chúa trong thân phận của một hài nhi mang tên Giê-su. 

Hài nhi Giê-su đã sinh ra trong cảnh khó nghèo. Cha mẹ của Người không có chốn nương thân, phải mượn hang bò lừa để sinh hạ hoàng tử, con Vua vũ trụ. Cho dù là như thế. Nhưng cuộc sống của hài nhi Giê-su là một chuỗi ngày cho đi và cho đi tận cùng của kiếp phàm nhân; khiến cho con người dù có bất hạnh hay bị ruồng bỏ đến đâu cũng tìm được niềm vui và tình thân thuơng. Và nhân lọai cũng đã tìm thấy nơi cuộc sống của hài nhi những câu giải đáp, những thao thức của kiếp nhân sinh. 

Sứ điệp mà hài nhi đem lại thay đổi tư tưởng và lối tư duy của mỗi người. Sứ điệp đó còn thách thức nhân lọai qua mọi thời đại. Bởi vì, từ ngày hài nhi Giêsu xuất hiện, bộ mặt của thế giới đã thay đổi. Ai mất phương hướng tìm được lối đi, kẻ đói khát no đầy ơn phúc, những ai bị giam cầm tìm được sự trợ giúp, trong Người mọi người được giải thóat, muôn dân muôn nước tìm được giải pháp cho hòa bình. 

Vẫn biết sứ điệp quá tuyệt vời. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn thấy có điều gì không ổn! Phải chăng tôi đã quá quen với những náo nhiệt bên ngoài mà quên đi sứ điệp của Hài Nhi Giê-su đem lại cho thế gian trong đêm Giáng sinh?

Thật vậy, nhìn vào thực trạng của thế giới trong những năm gần đây, chúng ta cảm thấy ngao ngán và buồn phiền. Sau cuộc chiến đấu với nạn đại dịch Covid-19, con người quay lại chém giết nhau. Chiến tranh xẩy ra bên Ukraine chưa chấm dứt thì một cuộc chiến khác lại xẩy ra bên Gaza, Trung đông. Bao trẻ em vô tội bị chết thảm thiết. Lại thêm một số đông người không cửa không nhà, lang thang vô định tìm chỗ an toàn để trú thân. Tội nghiệp cho thân phận con người tại các nơi đó. Họ đã làm gì để rồi cuộc sống bị hủy diệt trong tay của những bạo chúa. Trước các cảnh tượng đau buồn nói trên, tôi muốn mươn lời của Thánh Gio-an tẩy giả: “Thầy có thật là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

Chúng ta đã quá quen với lối sống an nhàn, thủ phận, giữ mình bởi những việc đạo đức trong khuôn viên nhà thờ. Trong khi đó sứ điệp của Chúa thách thức lương tâm con người trước sức bành trướng của nền văn minh thế tục đang soi mòn căn tính làm người mà mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa Giê-su đã đem đến.

Thật vậy, qua mầu nhiệm của đêm Giáng Sinh. Thiên Chúa hiện diện giữa thế gian, cư ngụ ngay trong hòan cảnh riêng của từng người. Dù người đó sống trong tình huống nào, Người chẳng hề có ý định bỏ rơi họ. Người đã mặc lấy thân phận con người và chờ đợi ta. 

Người đã đến nơi nhà mình. Nhà của Người bao gồm mọi người, đặc biệt qua thân phận của các tù nhân, qua lối sống của những người nghèo khổ, đói khát, cô thân cô thế, không nơi nương tựa. Người đã nên đồng hình đồng dạng, hiệp hành với con người nói chung và những dạng người nói trên để qua họ Người mời chúng ta “hãy yêu thương nhau”, hãy vì Người mà phục vụ, vì Người mà tha thứ và hy sinh cho nhau, vì Người mà tôn trọng và nâng đỡ nhau. Tóm lại, vì Người mà chúng ta làm tất cả mọi sự cho nhau. 

Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn có những người bị tẩy chay, bị loại bỏ. Bao nhiêu người đã bị đẩy ra sống bên lìa xã hội vì họ không nhận được những ánh mắt cảm thông của chúng ta. Vì thành kiến, chúng ta lên án và không tiếp nhận họ. Một mặt chúng ta tin rằng Thiên Chúa đang ở cùng chúng ta. Mặt khác, chúng ta lại không nhận ra Người nơi tha nhân. Tìm trăm phương ngàn kế để loại trừ nhau, hạ nhau để được ngoi lên. Bằng mọi cách để xua đuổi nhau một cách thiếu khoan dung. Và, cũng chính vì thiếu khoan hồng và dung thứ của chúng ta nên những người tuy đã hối cải lại không được nâng đỡ khi chính bản thân họ muốn sửa đổi và làm lại cuộc đời.

Người ta kể rằng: Trong một xóm giáo kia; những người sống tại đó hầu hết là nguời công giáo. Ai ai cũng tin vào Chúa. Và có một thanh niên mồ côi cha mẹ. Anh ta nổi tiếng ăn chơi, trộm cắp, xì ke, ma túy, cướp của. Nói chung anh là loại người bại hoại trong xóm giáo. Cuối cùng anh bị bắt đi tù. Trong trại tù anh có nhiều thời gian để suy nghĩ về những thói hư tật xấu và tự hứa sẽ thay đổi. Đến ngày mãn hạn tù. Anh hân hoan bước ra và tràn đầy hy vọng vào cuộc sống tương lai. Nhưng vì thành kiến và sợ hãi nên dân trong xóm xa lánh anh. Với những ánh mắt dè chừng, những nụ cười gượng ép khiến anh cảm thấy như bị xua đuổi. Không lâu sau đó, anh gây ra vụ án khác và lại bị bắt. Trước mặt quan tòa anh ta khai báo: "Vì đời không đón nhận mà lại khinh khi tôi cho nên tôi mới như thế này."

Anh không được đón nhận. Anh bị khước từ bởi lầm lỗi đã xẩy ra ở quá khứ. Chính thái độ hoài nghi, thành kiến và thiếu khoan dung của chúng ta đã tạo nên một người tù chung thân. Giả như Thiên Chúa cũng không chấp nhận chúng ta thì giờ đây nhân loại sẽ ra sao! Điều mà chúng ta cần suy nghĩ ở đây là một môi trường tốt không tự nhiện được thành hình. Nó chỉ được xây dựng bởi những bàn tay nhân ái, những con tim vị tha và những tấm lòng khoan dung độ lượng. 

Vì thế, trong khi mừng lễ Giáng Sinh hôm nay, chúng ta có cơ hội để nhắc cho nhau rằng Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta. Người nhắc chúng ta bài học quên mình, đón nhận, yêu thương, giúp đỡ và tha thứ cho nhau. Vì qua các cử chỉ như thế, chúng ta tiếp tục sinh hạ và giới thiệu Chúa cho nhau. Amen!

Tuesday, 12 December 2023

AI LÀ CHỨNG NHÂN?


Người ta nói ‘con đuờng dài nhất là con đuờng từ đầu đến bàn tay’. Câu nói này thường được dùng để ám chỉ đến những người nói nhiều, làm ít hay không làm gì cả. Nói thì ai nói mà không đuợc, nhưng biến lời nói thành việc làm là điều thật khó khăn. Thế giới ngày nay cần có nhiều chứng nhân hơn là các chứng từ. Chứng nhân cần sống đúng với chứng từ của mình, điều đó có nghĩa là chứng nhân không có lối sống chạy theo đám đông, hay làm để chiều theo thị hiếu của quần chúng; nhưng là sống thế nào để họ noi guơng rồi đi theo và làm theo.

Tôi còn nhớ những nỗi niềm, các trăn trở và thao thức mà các bậc phụ huynh đã từng chia sẻ, như sau: Làm thế nào để khuyến khích, cổ võ, thúc giục và động viên con cái của họ tình nguyện, vui vẻ tham dự Thánh Lễ, ít nhất vào dịp cuối tuần hay là một ngày trong tuần? Quí phụ huynh cảm thấy như có một gánh nặng đè trên hai vai về lối giữ đạo của con cái họ. Nhà thờ và các nghi lễ phụng vụ không còn hấp dẫn các cháu nữa. 

Đây không chỉ là vấn đề làm cho quí vị nhức đầu; nhưng đó là thách đố chung của Hội Thánh và cho những ai còn môt chút quan tâm đến cuộc sống của giới trẻ hôm nay. Tôi không tìm thấy câu trả lởi. Nhưng điều khiến tôi cảm động khi nghe quí vị chia sẻ rất chân thành rằng chính quí vị đã dành quá nhiều thời gian và sức lực để ổn định cuộc sống tại đây cho nên đã sao lãng trong bổn phận của người tín hữu nhất là chưa sống trọn vẹn vai trò của một chứng nhân, chưa làm gương sáng. Và đó có thể là một trong nhiều nguyên nhân khiến các cháu có lối sống như thế. 

Qua lời than van này, quí vị đã giúp tôi nhớ lại rằng, điều kiện tiên quyết của người làm chứng là sống đúng như chứng từ của mình. Và, Gioan Tẩy giả trong bài Tin Mừng hôm nay là guơng mẫu trong sứ mạng làm chứng như thế. Xin mời anh chị em cùng với Thánh Gioan Tẩy giả ôn lại công trình tay Chúa đã thực hiện nơi cuộc sống của Thánh nhân cho dân của Người.

Thưa anh chị em, 

Đời sống và các sinh hoạt tôn giáo của dân Do Thái được nuôi dưỡng bởi các ngôn sứ. Họ đã đóng một vai trò thật quan trọng trong việc nuôi duỡng niềm tin của dân chúng huớng về ngày cứu độ. Tiên tri Malachi là vị ngôn sứ đã xuất hiện khoảng 450 năm trước khi Gioan đến. Khoảng thời gian 450 năm không là một giai đoạn ngắn, ít nhất cũng trải qua 4, 5 thế hệ. Vì không đuợc huớng dẫn bởi các ngôn sứ, cho nên thời gian này có thể đuợc ví như khoảng thời gian dân Do Thái mò mẫm trong đêm tối. Và như vậỵ, họ không chỉ mong chờ mà còn rất cần được Ánh sáng dẫn đuờng chỉ lối!

 Với một bối cảnh như thế, và lòng dân chúng đang mong chờ vị Cứu Tinh, Đấng Cứu Thế sẽ đến để giải thóat họ khỏi ách nô lệ, cứu thoát họ khỏi cảnh lầm than. Vì thế, khi nghe tin Gioan xuất hiện, họ từ Giê-ru-sa-lem, khắp miền Giu-đê và vùng lân cận sông Gio-đan hân hoan kéo đến nghe ông giảng. Trái lại, thái độ của các vị lãnh đạo đền thờ lại khác. Họ sai các tư tế và mấy thầy Lêvi đến chất vấn ông. Nhân dịp này, Gio-an đã làm chứng cho họ biết Người không phải là Đức Ki-tô, cũng chẳng phải là Ê-li-a hoặc là ngôn sứ gì cả. Người chỉ là tiếng hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đấng Cứu Thế đến như ngôn sứ Isaia đã nói.” (Ga 1: 20-23) Rồi mấy người trong nhóm Pha-ri-sêu lại hỏi tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đức Kitô. Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” (Ga 1: 26-27)

Giả như Đức Giê-su không xuất hiện và Gio-an không nói sự thật về vai trò của ông thì khách quan mà nói trong bối cảnh xã hội và tôn giáo như thế; Thánh Gio-an Tẩy giả, với lối sống khổ hạnh và lời rao giảng có sức lôi cuốn mãnh liệt, có thể bị ngộ nhận là Đấng Cứu Thế mà tòan dân đang mong chờ. Gioan đã không chỉ làm chứng bằng lời nói; nhưng gương can đảm, sống theo sự thật làm cho chúng ta phải cảm phục. Gioan đuợc ví như cây sậy phất phơ trước gió, nhưng Người đã không ngã gục trước quyền lực của những người đến hỏi tội ông. Gio-an cũng không đánh lừa dân chúng. Người can đảm nói lên vai trò của nhân chứng về sự thật. Và vì sự thật mà Người đã bị xử tử, bị giết chết. Đó chính là con đường mà ngôn sứ phải đi: chỉ biết nói sự thật cho dù phải chết. 

Tuy là như thế, nhưng Gioan không phải là ánh sáng mà chỉ là nhân chứng của ánh sáng. Ánh sáng đích thật là Chúa Giêsu. Vì thế khi Đức Kitô bắt đầu sứ vụ công khai thì vai trò của Gio-an phải lu mờ. Cũng như Gio-an, chúng ta phải biết chấp nhận sự thật về mình, sự giới hạn của mình, không giả tạo, không qui công về mình cái mà mình không có, điều mà mình không làm. Bằng không, chúng ta có thể trở thành những con người bất mãn và chỉ biết đòi hỏi.

Đây là sự cao trọng trong sứ mạng của Gio-an. Chính vì biết mình là ai, và cần phải làm gì trong chuơng trình của Thiên Chúa, nên Gio-an đã trở thành con người vĩ đại như lời ca tụng của Đức Giêsu: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan tẩy giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước trời còn cao trọng hơn ông.” Bởi vì, vai trò của Gio-an dù có cao trọng đến đâu thì ông vẫn chỉ là người dọn đường; còn chính Chúa Giê-su và những kẻ thuộc về Người mới thuộc về Nước Trời. Đó là giáo lý mới, tin vui mà Chúa Giê-su đã đem lại. 

Chính Gio-an cũng phải thay đổi lối nhìn và cách sống sao cho phù hợp với những yêu sách của Tin Mừng về Nước Trời. Với Đức Giêsu, trong Vương Quốc của Người, chúng ta hãy cứ để cho ‘cỏ lùng và lúa tốt” cùng mọc lên, cho ‘chiên và dê’ cùng sống chung. Việc phân xử là của Chúa. Thời gian phân xử cũng thuộc về Người. Còn bây giờ, chúng ta hãy noi gương Chúa Cứu Thế, đi trên con đuờng mà Người đã đi, chiếu hy vọng đến những nơi tăm tối, đem tin vui tận hang cùng ngõ hẻm của thế giới; rao giảng Đấng có quyền làm cho “kẻ què được đi (trên con đường của Chúa), người điếc được nghe (tin vui), người mù được nhìn thấy (ánh sáng) và kẻ chết được sống lại từ cõi chết”. 

Tóm lại, vai trò của Gio-an là giới thiệu và dọn đường cho Đấng Cứu Thế; còn Chúa Giêsu và chúng ta là niềm hy vọng, nguồn sống sung mãn của Thiên Chúa cho người khác. Có như thế, viêc chúng ta mừng lễ Giáng Sinh không phải là việc tưởng niệm biến cố đã xẩy ra trong quá khứ; nhưng là tiếp tục công việc mà Chúa Giêsu đã làm cho những hạng người nói trên. Ước mong ân huệ của đêm Giáng Sinh sẽ biến cuộc đời của chúng ta trở thành nhân chứng của niềm vui; niềm vui này giống như niềm vui mà sứ thần đã loan báo: “Hôm nay Đấng cứu Thế đã sinh ra” không phải tại Bê-lem nhưng bởi lối sống của chúng tôi, là những người có nhiệm vụ cao trọng hơn Gio-an Tẩy giả. Amen!

Wednesday, 29 November 2023

CHÚA CHỜ TA HAY TA ĐỢI NGƯỜI!


Năm phụng vụ dựa theo chu kỳ mà chúng ta gọi là năm A đã kết thúc để nhường chỗ cho năm phụng vụ mới của Giáo Hội. Năm phụng vụ chu kỳ năm B đã bắt đầu. Theo thói quen, nhiều người trong chúng ta đưa ra quyết tâm hoặc dự án để trở nên 'tốt hơn'. Chúng ta quyết tâm thay đổi lỗi lầm của năm qua và hướng tới năm mới với niềm hy vọng là sẽ lắng nghe và sống theo ý Chúa một cách tha thiết hơn. Trong tâm tình đó, chúng ta khám phá ra ý nghĩa của mùa Vọng. Đó chính là thời gian chờ đợi, chờ đợi Lời Chúa, tạo một không gian để suy ngẫm Lời Chúa và để Lời Chúa chỉ đao mọi công việc trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Trong trình thuật Tin Mừng theo Thánh Mác-cô hôm nay, chúng ta nghe và nhận ra lời mời gọi của Chúa: “Hãy coi chừng, hãy tỉnh thức!” mang một giọng điệu thật đáng khích lệ, nhưng đó cũng là một lời cảnh báo. Chúng ta không biết khi nào, giờ nào Chúa sẽ đến. Không còn ai nghi ngờ về điều này. Chúa chắc chắn sẽ đến. Nhưng không ai trong chúng ta biết khi nào, lúc nào và trong hoàn cảnh nào! Vì thế chỉ biết trông cậy và đợi chờ.

Trong khi chờ đợi chúng ta sẽ làm gì và tâm tình của chúng ta ra sao? Mời anh chị em cùng nhìn lại. Qua kinh nghiệm của cuộc sống, chúng ta đã trải qua những cuộc đợi chờ với những tâm tình và các trạng thái khác nhau như: chờ đợi với niềm hy vọng; hứng khởi đợi mong, khao khát chờ ai? Cũng có lúc chờ đợi với tâm trạng thất vọng rồi thiếu kiên nhẫn. Rồi cũng đôi ba lần chờ đợi với lòng ham muốn… Trong các hoàn cảnh đó, chúng ta chỉ muốn nó xẩy ra, ngay bây giờ và trong lúc này; vì chờ lâu quá nên không muốn chờ thêm.

Đã có chờ đợi thì không thoát khỏi những lần lỡ hẹn: Lỡ một chuyến đò hay một chuyến tàu, lỡ một lần hẹn hay lỡ gửi quà cho nguời thân, v.v... Trong những lần lỡ làng của cuộc sống, cũng có cái lỡ có thể bù đắp được; cũng có cái lỡ luôn. Tôi được nghe kể lại, nhiều người trong anh chị em, chỉ vì lỡ một lần hẹn mà tình duyên bị trắc trở. Còn nếu “lỡ” không lắng nghe tiếng Chúa, không nhận ra Chúa đang chờ đợi mình nơi tha nhân thì chúng ta có thể mất tất cả. Cái lỡ này nguy hiểm vô cùng, không ai có thể chuộc lại. Bởi vì chúng ta đâu biết có còn cơ hội để bù đắp những ‘lần lỡ làng’ đó hay không? Chẳng ai biết được lúc nào Chúa sẽ đến: Có thể lúc chập tối, hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.  Vì thế, phương thức tốt nhất là phải chuẩn bị cho những cuôc gặp gỡ Chúa ngay trong giây phút này.

Chờ đợi rõ ràng ám chỉ đến thời gian. Chờ đợi huớng về tương lai, không phải là việc quay đầu lại, dù chỉ là lướt qua, để nhìn về quá khứ. Mong chờ một đổi thay, tìm ra nhũng kinh nghiệm mới. Tất cả huớng về niềm vui và sự chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đức Giêsu. Vì thế, dù phải canh thức và chờ đợi; nhưng chúng ta biết rằng chúng ta đang chờ điều gì? Đó là một điều thật tuyệt vời, phù hợp cho mọi thế hệ. Việc Chúa đến lần thứ hai cho dù đã đươc tiên báo, tuy nhiên những lời tiên báo đó cũng chẳng khẳng định chính xác được điều gì. Chúng ta tin ngày đó sẽ đến. Ngày mà trời mới đất mới sẽ thay thế trời cũ đất cũ. Thật ra, trời cũ đất cũ đã được biến đổi bởi biến cố phục sinh của Chúa Giêsu; chúng ta chờ đợi việc hòan tất cuộc biến đổi ấy trong ngày Chúa đến lần thứ hai. Vì không biết ngày đó sẽ xẩy ra khi nào, nên chúng ta chỉ biết chờ đợi. Đợi với niềm hy vọng là chúng ta luôn sẵn sàng để gặp Chúa.

Anh chị em thân mến,

Thoáng nhìn lịch sử ơn cứu độ chúng ta nhận biết Chúa luôn đi bước trước đến với con người. Ngay từ ngày đầu tiên con người đã muốn sống tự lập, sống thóat khỏi sự che chở của Thiên Chúa và làm theo ý mình. Nhưng không vì thế mà Chúa bỏ rơi con người. Người đã đến lên tiếng kêu gọi: “Ngươi ở đâu?” Tuy đã nghe được tiếng Chúa, nhưng thay vì đối diện với sự thật để được tha thứ, con người lại lẩn trốn vì sợ hãi. Nhưng tình yêu Thiên Chúa vượt trên mọi công trạng hay việc ‘lẩn trốn’ của con người. Người đã không bỏ mặc con người. Ngòai tin vui loan báo về ơn cứu độ, Thiên Chúa còn làm những chiếc áo bằng da và mặc cho họ. Đó chính là nghĩa cử nói lên lòng quan tâm và yêu thương của Thiên Chúa như đã mô tả trong sách Sáng Thế Ký (Stk 3:15 và 21).

Tuy vậy, thái độ bất trung của con người và sự trung tín của Thiên Chúa vẫn tiếp diễn từ đời này qua đời khác. Và ngay lúc chúng ta không còn làm được gì nữa, thì Thiên Chúa lại đi bước trước để viếng thăm và cứu độ dân Người. Và nếu khi xưa con người đã ‘lẩn trốn’ vì sợ hãi, thì nay Đức Kitô, còn được gọi là: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” đang hịện diện và chờ đợi bàn tay yêu thương, con tim rộng mở và nhân từ của chúng ta. Hãy thay đổi cách sống. Thay vì lẩn trốn thì hãy quả cảm đối diện để nhận ra Chúa trong mọi hoàn cảnh và nhất là ở với mọi người.  

Như vậy, trong thời gian Mùa Vọng năm nay, chúng ta không chỉ chuẩn bị tâm hồn và cuộc sống để mừng lễ Giáng Sinh; hay mong chờ ngày hạnh phúc vĩnh cửu mà hiện tại chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm bằng niềm tin. Thật ra từng giây từng phút Chúa đang chờ đợi ta. Sự biến đổi thế giới này trở thành trời mới đất mới là nhiệm vụ của các tín hữu. Và nét nổi bật trong mùa này là “coi chừng, tỉnh thức và đợi chờ”. Tỉnh thức không phải là thái độ thụ động như người lính canh đồn, thức trắng đêm để đợi chờ; rồi thời gian chờ đợi quá lâu, họ đâm chểnh mảng rồi ngủ gà ngủ gật; chỉ mất sức mà chẳng được việc gì! Nhưng là người tín hữu, chúng ta tỉnh thức bằng cách chu toàn trách nhiệm hiện tại, biết nhận ra những dấu chỉ thời đại, khám phá ra thánh ý Thiên Chúa, kiên tâm phục vụ trong yêu thương, nỗ lực hơn trong các dự án tình thương, những công việc bác ái, ra sức cổ võ cho sự hiệp nhất,  rộng tay đón tiếp và chia sẻ cho những người nghèo đói, hoạn nạn. Nói riêng cho những ai đang sống trong bậc gia đình. Anh chị cần tỉnh thức để phục vụ nhau. Đời sống gia đình là môi trường phục vụ lý tưởng nhất. Vợ chồng kitô hữu hiến thân cho nhau, tha thứ cho nhau, biết tận tâm giáo dục con cái, biết dùng của cải Chúa ban để mưu sống gia đình, nhưng đồng thời cũng biết chia cơm sẻ bánh cho người nghèo đói. Tất cả những công việc đó nói lên thái độ tỉnh thức và sẵn sàng đón tiếp Ngày của Chúa.

Cách chung, tôi được mời đến, để sống trọn vẹn bản chất và ơn gọi của tôi; ngay trong thời điểm này. Thiên Chúa hiện diện rất gần trong mỗi giây phút của cụộc sống. Ngài đang sống trong hiện tại. Thiên Chúa không biết thời gian. Chính tôi là những người sống trong khoảng thời gian chứ không phải là Thiên Chúa. Chính tôi là người bị ràng buộc bởi quá khứ và bị cuốn hút bởi tương lai, chứ không phải Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ có trong hiện tại. Chính vì thế, tôi cần để tâm đến các việc trong hiện tại; vài gợi ý cụ thể như sau:

Hôm nay, tôi có sẵn sàng tham dự các cuộc nấu nướng và dọn bữa cho nhưng ai không có nơi trú ngụ, vô gia cư hay không?

Hôm nay, tôi có sẵn sàng đến trang trí cây thông và thăm các cụ già trong các nhà dưỡng lão và các bịnh viện hay không?

Bây giờ, câu trả lời của tôi sẽ như thế nào khi được mời đến thăm các cháu trong các trại mồ côi hay đến an ủi những ai đang hấp hối trong các khu an dưỡng?

Ngay trong giây phút này, Chúa đang chờ tôi nơi tha nhân; còn thái độ tôi như thế nào?

Sau cùng, chúng ta có đủ bằng chứng để bị Chúa phạt. Thế nhưng, Ngài không hề quên giao ước mà Ngài đã ký kết với chúng ta. Chúng ta cảm nghiệm được điều này trong tình thương của Đức Giêsu, nhất là trong bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa đã mặc lấy xác thịt trong thân phận loài người, hiện diện giữa chúng ta, rao giảng sự thật cứu rỗi. Cho dù chúng ta tìm đủ cách ‘lẩn trốn’ Ngài. Nhưng Ngài lại có muôn ngàn phương pháp để lôi kéo chúng ta trở về với tư thế sẵn sàng của những người con hân hoan chờ đợi ngày của Chúa. Vậy còn chờ đợi gì nữa, ngay lúc này chúng mình hãy bắt tay vào những công việc nói trên. Tôi nghĩ Chúa sẽ rất hài lòng khi chúng ta chờ đợi và chọn thái độ tỉnh thức như thế. Amen

 

 

 

 

Wednesday, 22 November 2023

CHIÊN HAY DÊ, NGƯỜI LÀ AI?


Anh chị em thân mến,

Trong niềm hân hoan mừng Đại Lễ Chúa Giê-su Ki-tô, vua vũ trụ chúng ta hướng về ngày sau cùng, ngày hiển thắng của Vua Giê-su, ngày mà muôn dân đầu phục và tôn thờ Người là vua của chúng ta. Trong ngày đó, mọi dân mọi nước đều đến để thờ lậy Chúa của nhân loại. Đó là niềm hy vọng của chúng ta. Còn ngay bây giờ, chúng ta nhớ đến bổn phận của chính mình, công dân của Nước Chúa. Chúng ta hãy ôn lại con đường dẫn Đức Ki-tô đến vương quyền. Con đường Người chọn hoàn toàn khác hẳn với kiểu cách quan quyền, óc thống trị của các vua chúa trần gian mà chúng ta đã được nghe đến.

Thật vậy, Đức Giê-su đến vương quyền không bằng sức mạnh của vũ lực hay gươm giáo; nhưng cốt yếu là yêu thương và phục vụ, cho dù phải trả bằng mạng sống, Đức Giê-su vẫn sẵn lòng. Người đã khai mở một đường lối cai trị mới, không bằng quyền hành nhưng bằng sự quan tâm, lo lắng, chăm sóc và hy sinh cho con dân trong vương quốc của Người, cách riêng cho những ai bị thương tích hay bị bỏ rơi.

Sau cùng, tình yêu của Đức Giê-su Ki-tô, Vua nhân ái được diễn tả qua việc hiến dâng trên Thập Giá. Đó chính là đích điểm con đường yêu thương và phục vụ mà Đức Giê-su đã loan báo trong các bài giảng của Người. Người không chỉ ban một học thuyết, cho dù học thuyết về tình yêu; nhưng Người đã khai mở con đường yêu thương, con đường mở ra và đón nhận mọi người, trong đó con người đến với nhau bằng lòng quảng đại, ơn tha thứ,  quan tâm chăm sóc người nghèo, chữa lành bệnh tật cho kẻ bị đau ốm và kêu gọi những người tội lỗi ăn năn.

Con đường hay lối sống yêu thương này đã xuất phát từ kinh nghiệm mà Đức Giê-su đã trải nghiệm với Cha của Người, và bất cứ ai tin và sống theo Tin Mừng của Đức Giê-su đã rao giảng đều có một trải nghiệm giống như thế. Để có được tâm tình của Đức Giê-su, chúng ta cùng nhau nghe lại Lời Người dậy bảo trong bài Tin Mừng hôm nay. Đây không phải là cảnh phán quyết sau cùng. Nhưng nội dung của trình thuật và những gì xẩy ra được mô tả như một lời cảnh báo. Hãy để cho Lời của Chúa hôm nay trở nên một cơ hội cho chúng ta thấy mình đang ở đâu?

            Những lời chất vấn của Chúa hôm nay đã giúp tôi nhớ lại một kinh nghiệm mục vụ. Mời anh chị em theo dõi.

Cách đây vài năm, khi còn làm việc tại trung tâm Hoan Thiện, Keysborough. Vào một buổi sáng, tôi đã gặp một người. Anh ta kể về hoàn cảnh của anh, lý do nào anh đưa ra cũng xác đáng. Sau cùng anh xin tôi giúp anh ít tiền để làm lộ phí đi đường. Dựa trên kinh nghiệm của bản thân đã dậy cho tôi biết rằng, nếu tôi mủi lòng, đáp lại lời yêu cầu của anh thì sẽ có nhiều người khác đến để xin giúp đỡ… Sau cùng, tôi đành từ chối lời van xin của anh. Phần anh, đây có lẽ không phải là lần đầu tiên bị từ chối. Đã quá quen khi bị khước từ nên xem ra trông anh ra về rất thanh thản. Còn tôi, coi như xong một chuyện, trở về cuộc sống thường nhật.

            Câu chuyện không chấm dứt như thế. Vài tuần sau, trong khi chào đón bà con đến tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật hàng tuần. Bỗng nhiên, tôi gặp lại anh. Bổn phận khiến chúng tôi khổng thể tránh mặt nhau. Tôi tiến đến chào và vui vẻ mời anh vào nhà nguyện để cùng dâng lễ với chúng tôi.

            Tôi không biết sự thật về cuộc đời của anh, tôi cũng không tìm hiểu các lý do anh đưa ra có xác thực hay không. Có lẽ tôi cũng không cần biết các điều đó làm gì. Sự thật là qua hai lần gặp gỡ, anh đã cho tôi thấy sự thật của đời mình. Anh đã hiện diện như một cơ hội yêu cầu tôi phải đưa ra một sự lựa chọn, không phải là việc giúp đỡ hay không giúp đỡ. Đó là sự lựa chọn mang tính ‘con người’, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa lòng nhân ái và tính ích kỷ.

            Đấy, kinh nghiệm sống của tôi như thế. Căn cứ vào tiêu chuẩn phân loại của Đức Giê-su mà chúng ta vừa nghe thì làm sao tôi giải thích đây! Việc phân loại mình là chiên hay là dê quả thật không dễ dàng, không rõ ràng như trong bài Tin Mừng mà Đức Giê-su vừa nói. Thực tế, tôi là cả hai. Có những lúc tôi đã chia sẻ của ăn, thức uống cho người đói khát, thăm viếng những người đau ốm, an ủi những kẻ bị giam cầm, v.v… và lại có những lần khác tôi nhắm mắt làm ngơ khi nhìn thấy những người cùng chung hoàn cảnh nêu trên.

Kính thưa anh chị em,

Những diễn biến của ngày chung thẩm, ngày phán xét chung được diễn tả trong dụ ngôn quá đầy đủ. Trong ngày đó, Chúa sẽ không chất vấn về lòng sùng đạo qua việc đọc kinh và cầu nguyện bao nhiêu lần? Xưng tội bao nhiêu lần và xưng hết các tội trọng chưa? Rước lễ có theo ý ngay lành hay không? Đã hành hương đất Thánh hay có bị chia trí khi tham dự các nghi thức phụng vụ như Thánh Lễ hay không? Nhưng, trong ngày đó, Người sẽ hỏi chúng ta đã làm gì cho nhau?

Muốn có câu trả lời cho ngày đó, thì ngay bây giờ, trong mọi giây phút của cuộc sống; chúng ta cần để cho Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay chất vấn và chỉ có một việc duy nhất mà chúng ta cần thực hiện là nỗ lực làm cho trần gian này trở thành nơi chan chứa tình huynh đệ, nơi không còn chia rẽ, nơi mà những giọt lệ của đau thương sẽ nhường chỗ cho niềm vui và an bình, nơi mà người tốt và xấu có thể sống chung hòa bình. Quả thật, chúng ta không cần chờ đến ngày tận thế mới thấy Chúa. Và nếu chúng ta chờ cho đến ngày đó mới thấy Chúa thì đã quá trễ rồi! Nhất là làm sao chúng ta có thể nhận ra ai là Chúa, một khi trong cuộc sống chúng ta chưa hề gặp gỡ hay có một kinh nghiêm nào về Người! Trong khi đó, ngay bây giờ và trong lúc này, Chúa đang ở giữa chúng ta, đặc biệt nơi những người khốn khổ nhất.

Có một chi tiết trong bài Tin mừng khiến cho chúng ta ngạc nhiên là trong câu trả lời của cả hai nhóm đều không nói đến sự hiện diện của Chúa ở nơi những con người khốn khổ và bé mọn. Họ nói: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, Chúa khát mà cho uống, Chúa trần truồng mà cho áo mặc, Chúa đau yếu hay bị giam trong các nhà tù mà đến thăm rồi phục vụ Chúa đâu?” Những người trong hai nhóm tìm Chúa bằng con mắt nhân loại. Trong khi đó Chúa chỉ có thể nhận biết bằng niềm tin và lòng mến. Tuy nhiên giữa hai nhóm vẫn có sự khác biệt. Nhóm thuộc về phe chiên là những ai sống theo lương tâm và nhịp đập của con tim, biết rung cảm trước các nỗi khốn cùng của nhau; còn những ai thuộc về nhóm dê là những con người đã chôn cất trái tim và lòng thương xót của mình vào tủ kín rồi khóa lại.

Như vậy, một cách nào đó chúng ta nhận thấy ngoài việc để cho Lời Chúa tác động, con người, không phân biệt mầu da, niềm tin hay phái tính, tất cả cần sống với chất liệu và nhịp rung cảm của trái tim, để thực hiện lòng thương xót và quan tâm cho nhau trước. Thật ra, chính con tim nhậy cảm mà Chúa đã đặt vào trong thân xác tôi đã dậy cho tôi biết rằng: tha nhân và Chúa không hề tách biệt nhau.

Ngoài con tim nhậy cảm, con tim biết yêu thuong chúng ta còn được Lời Chúa huớng dẫn nữa. Cụ thể, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay đã tỏ cho tôi biết rằng Chúa đã nên đồng hình đồng dạng với con người, đặc biệt những ai bé mọn: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” Còn lời khẳng định nào rõ ràng hơn. Đức Giêsu đã xác định thật rõ ràng về sự liên hệ mật thiết giữa những người bé nhỏ, hèn mọn này với Người. Vì thế, những việc chúng ta làm cho nhau vì Chúa, hay vì đuợc khen thuởng rồi cũng bị phơi bày ra hết.

Như vậy, qua dụ ngôn này, Chúa nhắc nhở và hối thúc chúng ta cần xông xáo ra đi khỏi mình để chia sẻ và xoa dịu những nỗi đau của nhau. Đặc biệt thực hiện lòng thương xót nơi những nguời thiếu ăn, thiếu mặc, không cửa không nhà, đang bị tù đầy, v.v…

Thiếu ăn, thiếu mặc không hẳn là đói khát hay bị lạnh về phần xác, nhưng còn bao nhiêu người thiếu nụ cuời, không đựợc ủi an, tôn trọng.

Không chốn nương thân không hẳn là không có nhà để ở, nhưng vì con người ngày nay ích kỷ hơn, không dám mở lòng ra đón nhận nhau và đôi khi còn tạo ra những rào cản để nhốt và giam giữ nhau…

Một vài nét tiêu biểu như thế. Còn biết bao nhiêu điều cần làm, kể sao cho hết. Nhưng với ai có con tim nhậy cảm trước nỗi đau của tha nhân thì tự họ sẽ tìm ra các phương thuốc để giúp nhau. Và, đối với các kẻ tin, một lần nữa, với lời xác quyết rõ ràng của Chúa, chúng ta không còn vịn vào bất cứ một lý do nào để từ chối những người mà chúng ta gặp trong cuộc sống. Tất cả đều được quan tâm, không ai bị lọai trừ khỏi lòng mến của Thiên Chúa qua sự hiện diện của Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Người không chỉ hiện diện trong nhà thờ, hay tại những cuộc biểu dương tôn giáo; nhưng mãnh liệt và xác thực hơn cả là Người đang hiện diện trong đời sống của những người bé mọn và khốn cùng.

 Như thế, chúng ta bắt đầu lại con đuờng sống đạo bằng một khởi điểm mới phù hợp với những thách đố của Tin Mừng, đó là trong Đức Giê-su Ki-tô, Vua yêu thương, chúng ta quyết tâm làm chứng cho nhân lọai nhận ra tình thương của Thiên Chúa bằng chính cuộc sống yêu thương và phục vụ lẫn nhau mà Vua Giê-su đã làm gương. Amen!

Wednesday, 15 November 2023

TÀI NĂNG ĐỂ LÀM GÌ?


Qua dụ ngôn các nén bạc, Chúa muốn nhắc chúng ta nhớ rằng: mỗi người sinh ra trong trần gian này đều được Chúa ban cho những ân huệ đặc biệt và khác nhau. Không ai giống ai. Mỗi người là một cá thể thật quan trọng và đều có một chỗ đứng riêng biệt trong trái tim yêu thương và chương trình của Thiên Chúa. Bổn phận của chúng ta là nhận ra vị trí của mình để ý thức hơn trong việc quản lý và sinh lợi cho Chúa, chứ không cho riêng mình, những hồng ân mà mình đã nhận. 

Người nhận đuợc một nén ít hơn người được năm nén, đó là điều rõ ràng; nhưng đối với Chúa thì một nén là tất cả những gì mà ông ta cần. Điều quan trọng không nằm ở chỗ nhận nhiều hay nhận ít, nhưng ở chỗ là biết dùng tài năng đó như thế nào?

Bổn phận của chúng ta là sinh lợi không cho mình mà là cho chủ. Nhưng, người có một nén đã chọn việc đem chôn giấu đi, rồi sau đó lý luận và đổ thừa cho chủ. Trong câu chuyện không hề có một chi tiết nào nói ông chủ là người hà khắc; thế mà ông ‘một nén’ này đã không nhận ra sự sai lầm của mình. Ông tuởng là ông đã biết ý của chủ; tình thực ông đã sai, khi chỉ biết nghĩ đến sự an toàn cho chính bản thân rồi làm theo ý mình; còn gán cho chủ nhận định sai lầm của ông: “…, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi.” Sai lầm của ông được nhiều người trong chúng ta tái lập trong cuộc sống. Xin anh chị em cùng suy xét.

Thật vậy, chúng ta thường suy nghĩ và vấp phải lối sai lầm này, đó là thay vì phát huy ân huệ đã đuợc trao ban, chúng ta lại dùng những gì đã lãnh nhận để đầu tư vào ‘cái tôi’ và làm cho nó ‘trương phình’ lên, phình đến độ chúng ta thay quyền Chúa làm chủ đời mình. Phải chăng ‘cái tôi’ và tham vọng đã làm thay đổi vị trí của Chúa trong cuộc sống chúng ta. Thay vì làm vinh danh Chúa được cả sáng thì bằng mọi cách và dưới mọi phuơng tiện, chúng ta làm để mình được tôn vinh. Như vậy, có nghĩa là Chúa đã bị chôn vùi trong chính cái tôi của mình.

Dựa vào kinh nghiệm khi làm việc, chúng ta có thể nhìn thấy một số hiện tuợng không mấy tốt đẹp vẫn thuờng xẩy ra cho một số người; đó là khi đuợc trọng dụng và kính phục thì họ rất hăng say trong các công tác. Việc nào cũng có mặt, công tác nào cũng tham gia. Họ không chỉ cống hiến tài năng và tiền của mà còn khuyến khích và kêu gọi các thành viên trong gia đình cùng tham gia. Nhưng khi gặp chuyện bất bình, bị chạm vào ‘cái tôi’, họ không chấp nhận sự góp ý của người khác, bèn lập bè tạo phái, rồi tìm những sơ hở của người khác và buông ra những lời chỉ trích thật nặng nề và thiếu tình bác ái. Thậm chí, họ còn có ý nghĩ là chỉ mình họ mới có đủ khả năng để hòan tất tốt đẹp những công tác mà hiện nay chính họ không muốn đụng ngón tay vào nữa.

Trong dụ ngôn hôm nay, khi trao những nén bạc cho các gia nhân ông chủ đã không ban cho họ một lịnh truyền hay lời chỉ dẫn nào rõ ràng. Điều này có nghĩa là ông tôn trọng tự do của họ. Dù được tự do; nhưng người nhận hai nén và năm nén đã không lạm dụng tự do để làm giầu cho bản thân, bởi vì họ biết rằng sẽ có một ngày ông chủ sẽ đến tra vấn về những gì mà họ đã nhận.

Cùng một cách thức như thế, chúng ta cũng được mời gọi hành xử tự do với vốn liếng đã được trao ban. Sự tự do này khiến chúng ta liều lĩnh chấp nhận mọi thua thiệt để trung tín với những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng. Liều lĩnh trong niềm tin vào Thiên Chúa là một trong những đức tính cần thiết mà chúng ta cần có. Liều lĩnh để làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa là một ơn gọi vô cùng cao quí mà Chúa đã mời gọi. Đây còn là một đòi hỏi vô cùng cần thiết cho thế giới bị tục hoá mà chúng ta đang sống hôm nay.

Thưa anh chị em,

Trong cuộc đời của Thánh An-Phong-Sô, đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế, Cha của chúng tôi, chỉ tha thiết một điều và chỉ có một điều này mà ngài đã đeo đuổi trong suốt cuộc đời là: “Hãy yêu mến Chúa Giê-su”. Và đó cũng là tâm huyết và mục tiêu trong cuộc sống của các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà chúng ta nhớ đến nhân dịp mừng lễ hôm nay.

Không ai trong chúng ta có thể phủ nhận gương can đảm, chấp nhận mọi khổ hình mà cha ông chúng mình đã trải qua. Sử sách đã ghi lại bao nhiêu loại cực hình khác nhau đã đuợc dùng để tra tấn các ngài như: nhẹ thì gông cùm, giam tù, bỏ đói; nặng hơn một chút là cho voi dầy, phơi nắng và ném xuống sông; quyết liệt hơn thì bị chặt đầu, bị thắt cổ hay bị đốt cháy; man rợ và hiểm độc nhất là bị phân thây ra từng mảnh hay là tùng sẻo… Chỉ cần tuởng tượng những cực hình nói trên cũng khiến cho con người ngày nay run sợ hãi hùng.

 Tất cả các cực hình đó không nhắm đến các nỗi thống khổ về phần xác; nhưng tất cả đuợc áp dụng để thử lòng trung tín với Chúa của các ngài. Vì thế, thật là thiếu sót, nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh đến những nét hào hùng, những tấm gương can đảm, những cực hình mà cha ông chúng ta đã phải gánh chịu mà quên đi động lực chính đã giúp tổ tiên mình đi đến cùng; đó chính là lòng yêu mến Chúa Giê-su của các ngài. Vì yêu mến mà cha ông chúng ta đã từ khước tất cả và chấp nhận chết cho tất cả.

Thật vậy, sự hiểu biết giáo lý hay những tín điều về Thiên Chúa của các ngài thật nông cạn. Các ngài cũng không có những suy tư cao siêu về thần học. Nhưng khi trở thành tín hữu ‘một nén’, các ngài đã yêu Chúa bằng tất cả con người của các ngài. Đỉnh cao của tình yêu nơi các ngài được thể hiện qua việc chấp nhận cái chết không vì phần thưởng đã dành sẵn cho những ai trung tín với Chúa mà thôi; nhưng qua hành vi tự hiến các ngài đã noi gương Chúa Giê-su, Đấng đã hiến thân để bày tỏ lòng mến tuyệt vời của Thiên Chúa cho nhân lọai. Tiến ra pháp truờng bằng niềm tin và lòng mến cho nên tâm hồn cha ông của chúng ta rất thư thái và bình an, miệng các ngài vang lên những lời tha thứ và trên môi là nụ cuời hân hoan của niềm vui sắp đuợc đoàn tụ với Chúa Giêsu, Đấng mà các ngài cả đời yêu mến và trông đợi.

Hôm nay chúng ta cũng được mời gọi sống trọn vẹn và sống cho đến giây phút cuối cùng bằng lòng mến. Đó chính là tâm huyết của cuộc sống. Và đó cũng là phương thức làm giàu các ân huệ và khả năng mà Chúa đã trao ban để sinh lợi cho Chúa, không cho sự an toàn của bản thân mình. Rồi, cũng giống như cha ông mình, các bậc tiền bối đã sống trọn vẹn lòng mến vì danh Chúa Kitô, mỗi người chúng ta đến lúc đó, sẽ nhận đuợc Lời Chúa phán rằng: “Hỡi con yêu dấu, con đã trung tín trong việc nhỏ mà ta đã trao phó, thì giờ đây ta sẽ đặt con trông nom việc lớn hơn. Hãy vào mà hưởng niềm vui với Ta.”

 Ước gì ai ai cũng được như vậy. Amen.

Thursday, 9 November 2023

CHỜ ĐỢI TRONG TƯ THẾ SẴN SÀNG

 

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe là một câu chuyện rất nổi tiếng, nói về mười cô phù dâu chờ đợi chú rể đến. Dụ ngôn này nằm trong một loạt các dụ ngôn của Đức Giê-su nói về một chủ đề, đó là phải sẵn sàng khi chờ đợi Chúa. Nói thì dễ, nhưng làm rất khó. Không mấy ai trong chúng ta đã sẵn sàng đón ngày Chúa đến. Thế nào cũng xin Chúa thêm một thời gian vì còn một số việc chưa giải quyết xong.

Xin thì cứ xin, chứ có ai xin cho đời mình dài thêm một gang một tấc mà được ban cho hay chưa! Tuy nhiên, dù chúng ta đã sẵn sàng hay chưa, đến giờ đến buổi, không trễ một khắc và cũng không sớm một giây, Chúa sẽ đến đúng kỳ đúng hẹn theo như chương trình của Chúa. Khổ một nỗi là không ai trong chúng ta biết toàn bộ chương trình của Chúa. Vì thế, dụ ngôn nhắm đến là việc chuẩn bị, sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa đến.

Chi tiết chàng rể đến chậm thật quan trọng, chúng ta giải thích thế nào đây? Điều này có thể dựa theo thói tục địa phương thời xưa: việc cưới xin không do chú rể và cô dâu chủ động; nhưng nhờ sự mai mối và được chấp thuận bởi hai gia đình. Sau đó cả hai gia đình cần thời gian để thương lượng. Việc thuơng luợng này có thể kéo dài hàng tháng. Nhưng trong dụ ngôn hình như việc dàn xếp xẩy ra trong ngày cưới; và gặp khó khăn nên nhà gái phải chờ đợi, có khi tới khuya hoặc nửa đêm cũng không chừng.

Theo phong tục của những người sống cùng thời với Đức Giê-su, các cô phù dâu sẽ ra ngoài để đón chú rể và vì trời tối cho nên họ cần mang theo đèn. Cả mười cô đều biết là chàng rể sẽ đến trễ, vì thế việc chờ đợi là chuyện tất nhiên. Bởi thế, việc chuẩn bị trong lúc chờ đời thật quan trọng. Đức Giê-su đã nói là có năm cô khôn ngoan và năm cô dại khờ. Các cô được Đức Giê-su khen là khôn ngoan vì họ biết chuẩn bị trong lúc đợi chờ, còn các cô dại khờ vì biết sẽ phải đợi mà lại không biết chuẩn bị.

Thật ra, ngay cả bây giờ, có một điều vô cùng thú vị mà ít ai trong chúng ta để ý đó là chuyện đợi chờ trong dịp lễ cưới. Cho dù các bà đã chuẩn bị sẽ trang điểm thế nào, ăn mặc ra sao, nhưng có ông chồng nào đã không phải chờ đợi các bà vợ trang điểm trước khi đến tham dự đám cưới hay chưa? Gia đình hai họ, thân bằng quyến thuộc, bạn hữu xa gần và ngay cả vị chủ sự nghi lễ cũng phải mòn mỏi chờ đợi cô dâu đến nhà thờ. Việc làm này không đáng được khích lệ, nhưng rất phổ biến. Hình như việc cô dâu đến muộn là một thông lệ nói lên tầm quan trọng của cô dâu. Rồi chờ chụp hình, chờ ở phòng lễ tân để trao quà tặng trước khi vào phòng tiệc. Chờ món ăn đầu tiên. Chờ để nghe các bài phát biểu của hai họ. Chờ nghe cô dâu và chú rể kể lại chuyện tình của đời họ và nói lời cảm ơn…. Nói chung, đám cưới là dịp trọng đại nên mọi người cảm thấy chờ đợi là chuyện hợp tình hợp lý, dễ thông cảm. Vì thế, chúng ta không nên ngạc nhiên khi nghe Đức Giê-su kể một câu chuyện về đám cưới, bao gồm nhiều lần chờ đợi. Và việc chuẩn bị hay sẵn sàng chờ đón chú rể là sứ điệp của Chúa qua dụ ngôn này.

Vẫn biết là như thế, nhưng trong thực tế, việc chờ đợi cũng khiến cho anh em tín hữu tiên khởi cảm thấy mệt mỏi, họ chờ mãi mà chẳng thấy Chúa trở lại.  Có lẽ, giống như các cô phù dâu, họ đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ khi chờ đợi. Chúng ta cũng thế, hơn hai ngàn năm đã trôi qua, chúng ta cũng buồn ngủ và lơ là với việc sống đức tin, chểnh mảng trong các công việc đạo đức, bị ảnh hưởng và chạy theo nếp sống thế tục. Thậm chí, có một số người trong chúng ta có thể đã có ý nghĩ rằng Chúa chưa đến ngay bây giờ, thôi để chuyện hối cải và yêu thương cho ngày mai, vẫn còn kịp chán bởi vì đàng nào thì Chúa cũng chưa đến ngay. Trong tâm trạng và với lối suy nghĩ như thế chúng ta mới nhận ra tầm quan trọng của sứ điệp mà dụ ngôn muốn nói hôm nay.

Anh chị em thân mến,

Vấn đề mà chúng ta cần đặt ra là trong khi chờ đợi, chúng ta phải lựa chọn lối sống nào? Đức Giê-su đã cho chúng ta câu trả lời trong dụ ngôn mà Người nói hôm nay.

Chìa khóa trong dụ ngôn nói về việc sẵn sàng khi chờ đợi mà Đức Giê-su nói là ‘dầu’. Có một số người giải thích dầu ở đây nghĩa là đức tin, cầu nguyện, việc tham dự các thánh lễ hay những việc thờ phượng khác, và tất cả những việc khác giống như vậy. Đó có phải là ý của Thánh Mát-thêu hay không?

Lại phải đặt dụ ngôn này trong tòan bộ Tin Mừng do Thánh sử biên sọan để biết chúng ta cần sống như thế nào để chuẩn bị ngày Chúa đến? Như anh chị em còn nhớ mục tiêu mà thánh Mát-thêu viết Tin Mừng là trình bầy về con người và công việc của Đức Giê-su. Ngài đến trần gian để rao giảng và thiết lập Nước Trời. Thành viên của Nước Trời là những ai sống theo lời dậy bảo của Đức Giê-su trong ‘bài giảng trên núi’. Và một khi chúng ta đã bằng lòng chấp nhận lối sống mà Chúa đề ra trong bài giảng trên núi thì nghèo khó, hèn mọn, đau khổ không hẳn là những điều bất hạnh.

Tuy nhiên, theo bản năng của con người thì nhiều người chỉ áp dụng những tiêu chuẩn trong bài giảng trên núi này một thời gian ngắn; nhưng chờ mãi chẳng thấy Chúa đến khiến họ đâm ra chểnh mảng và xao nhãng.

Rồi nói đến việc xây dựng hòa bình dù chỉ trong một ngày đã là điều khó thưc hiện; nhưng vẫn còn dễ hơn là sống để trở thành khí cụ bình an của Chúa trong một môi trường đầy trở ngại và đối nghịch với Tin Mừng.

Còn nữa, như việc thuơng yêu kẻ khác. Thật là dễ dàng khi chúng ta thương xót và tha thứ cho người khác một vài lần trong cuộc đời. Nhưng quả là khó khăn khi chúng ta phải thực hiện lòng thuơng xót và tha thứ này trong cả cuộc đời.

Sau cùng, chúng ta chẳng hề hay biết ngày nào, giờ nào chú rể sẽ đến. Vì thế phải sẵn sàng bằng cách trang bị cuộc sống cho đủ số luợng dầu là những huấn lịnh được loan báo trong bài giảng trên núi mà chúng ta vừa nói ở trên. Và khi chàng rể đến, chúng ta có lượng dầu đủ để thể thắp đèn ra đón tiếp lang quân.

Ngoài số lượng dầu cần mang theo chúng ta còn phải tạo điều kiện để Chúa biết ta. Thật vậy, khi cánh cửa phòng của tiệc cưới khép lại, chúng ta không nghe thấy tiếng của chàng rể vọng ra: ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không hề biết các cô!’ hay sao?

Có nhiều kiểu ta biết Chúa. Nhưng kiểu ‘biết Chúa’ của chúng ta cũng lạ đời lắm. Có ai ngờ cả nhóm, cả gia đình, cả xứ đạo đều tuyên xưng là biết Chúa; thế mà Chúa trong nhà thờ khác Chúa trong cuộc sống. Chẳng cần phải nói đến chuyện cả thể sẽ phải làm, chỉ cần ra đến bãi đậu xe mà gặp ai làm trái ý mình thì biết Chúa của ta ngay. Rồi đến Chúa của ông này chống Chúa bà kia. Chúa của chồng thì khác Chúa của vợ. Vì thế, dù ta có biết Chúa đến độ nào, thì việc biết ấy vẫn là sự biết có ngần có hạn. Còn Chúa biết, là biết hết, biết rõ những gì sâu thẳm nhất trong đời sống của từng người, biết sự giới hạn và yếu đuối của chúng ta. Người biết để tha thứ, để thông cảm và yêu thương. Như vậy, Chúa biết ta vẫn hơn việc ta biết Chúa.

            Muốn được Chúa biết, ta cần làm những việc giống như Chúa làm; sống tiêu chuẩn giống như Chúa sống; biết thông cảm và luôn tha thứ như Chúa thuờng thứ tha. Trên hết mọi sự là mời Chúa hiện diện trong mọi cách hành xử của chúng ta. Nếu chúng ta làm đúng như thế thì Chúa sẽ vui mừng, giả như chúng ta hành động chưa được tốt lắm, thì cũng không nên lo lắng quá. Bởi vì Chúa biết và còn biết rất rõ về những việc làm chưa tốt của chúng ta. Nó phát sinh từ sự yếu đuối và chính bởi sự yếu đuối đó mà sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong đời sống của chúng ta.  

Tóm lại, niềm tin chưa hẳn là chìa khóa mở cửa phòng của tiệc cưới. Muốn tham dự tiệc cưới, người tín hữu cần có lối sống phù hợp với những điều Chúa dậy trong bài giảng trên núi. Nói cách khác, qua cách suy nghĩ, nói năng và hành động của chúng ta đều phải là họa ảnh lối sống của Chúa. Đó là cách chuẩn bị tốt nhất. Và bất cứ lúc nào Chúa đến chúng ta đã sẵn sàng đón tiếp và cùng tham dự bữa ăn với Chúa rồi. Amen!

Thursday, 2 November 2023

QUYỀN BÍNH: CON DAO HAI LƯỠI.


Tin mừng Chúa Nhật tuần này để lại cho người nghe những phản ứng khác nhau. Những người vì quá nhiệt thành (đôi khi quá khích) với Giáo hội sẽ có suy nghĩ là không biết mấy đấng víp-vồ, ông cha này, dì phước kia sẽ có phản ứng như thế nào trước sứ điệp của Chúa hôm nay? Và các nhà lãnh đạo tôn giáo, giống như những người thuộc nhóm Pha-ri-siêu và các kinh sư, chẳng mấy thích thú khi đọc bài Tin Mừng này.

Trình thuật tin mừng vỏn vẹn chỉ có 7 câu thế mà Thánh Matthew đã dùng nhiều từ ngữ nặng nề đả kích những người lãnh đạo. Họ hành động khác với điều họ giảng dậy. Họ bó những gánh nặng trên vai người khác, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Và nếu có làm thì cũng muốn để cho người khác thấy. Họ lựa chọn chỗ nhất và muốn được ca tụng.

Thật may mắn là bài Tin Mừng không dừng lại ở chỗ đó, Chúa muốn tạo sự chú ý nơi người nghe. Họ có lối sống như thế, còn anh chị em thì sao? “Trong anh chị em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh chị em.” Như vậy, đối tượng mà Chúa muốn gửi sứ điệp là mọi người và phục vụ là bài học.

Thánh Matthew khuyên chúng ta hãy tôn trọng quyền bính trong việc giảng dậy mà họ đã lĩnh nhận: “những gì họ nói thì anh (chị) em hãy làm, hãy giữ (Mt 23: 3a). Ngài luôn trân trọng quyền bính; nhưng không vì thế mà ngài làm ngơ về lối sống lợi dụng quyền bính đề làm lợi cho bản thân và phe nhóm của họ. Quyền bính được trao ban để phục vụ dân Thiên Chúa. Nhưng thưc tế lại trái ngược, thay vì phục vụ họ lại lợi dụng chức vụ và uy quyền để làm những điều ngược lại với luật Môsê và những lời giảng dậy của các ngôn sứ. Một mặt họ làm bộ đạo đức thánh thiện, đọc kinh nhiều giờ; nhưng mặt khác họ ức hiếp, chà đạp và cướp đoạt tài sản của các bà goá (Mt 23, 14). Lối sống giả hình của họ được thể hiện qua dáng vẻ bên ngoài từ cách đeo hộp kinh thật lớn, mang tua áo thật dài và thường xuất hiện công cộng để được tán dương. Thật ra việc đeo hộp kinh và mang tua áo không có gì là xấu bởi lề luật quy định như thế. Thế nhưng cái sai lầm và đáng trách là họ đeo hộp kinh lớn hơn và còn kéo tua áo dài ra để cho người khác nhìn thấy mà tán dương, còn tâm hồn thì rỗng tuếch.

Chúa Giêsu không vạch những sai trái của hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo Do thái để lên án. Chúa muốn các môn đệ hãy nhìn vào lối sống của họ mà tìm ra bài học về con đường mới, lối sống mới của Người. Chúa nói: "Trong anh chị em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ," Điều Chúa nói quá rõ ràng là ai muốn làm lớn phải làm người phục vụ trước. Phục vụ là chìa khóa, là nguyên tắc của quyền lãnh đạo. Quyền bính có được trao ban cũng là do Thiên Chúa. Địa vị, quyền cao chức trọng cốt để phục vụ mọi người, chứ không phải để thống trị hay làm chủ người khác. Thật đúng như Lời Chúa phán: "Ta đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ".

Như vậy, đối tượng mà Chúa muốn gửi sứ điệp phục vụ qua bài Tin Mừng hôm nay không phải là hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo, nhưng cho tất cả mọi nguời. Chúng ta ai cũng được mời gọi thực hiện quyền của những kẻ thừa kế, chia sẻ quyền lãnh đạo của Chúa Giê-su. Ai được mời gọi sống bậc tu trì thì có trách nhiệm và bổn phận đối với cộng đòan. Ai được mời gọi sống bậc đôi bạn thì có trách nhiệm với nhau và gia đình. Người nào có bổn phận của người ấy. Tất cả đều là môn đệ, đều được gọi để phục vụ. Vì thế phục vụ là bài học mà Chúa muốn dùng để dậy bảo chúng ta. Nhưng thực tế cho thấy chúng ta thường vấp ngã và sai lầm khi áp dụng sứ điệp này khi thi hành nhiệm vụ.

Có linh mục chính xứ kia thường lên tiếng yêu cầu nguời này làm điều này, sai bảo kẻ khác làm điều nọ. Chính bản thân chẳng đụng ngón tay vào thứ gì. Tình nghĩa đối với cha phó thì hờ hững và lại hay dùng quyền hoặc nhân danh quyền của bề trên để đưa ra luật này, lệ kia bắt nguời khác phải theo, trong khi đó cuộc sống của vị linh mục đó thật là đế vương. Vị linh mục này cứ chờ những dịp có đông người đến làm việc chung thì ông ta trong bộ lễ của anh công nhân xuất hiện thật sớm để làm công tác. Nói cho cùng thì sự xuất hiện của cha thường là đề tài bàn bạc của giáo xứ.

Lại có đức ông chồng nọ siêng năng tham gia mọi sinh họat: xã hội, cộng đồng, nhóm, phong trào… việc nào chu tòan cũng tốt. Nguời người ca tụng ông ta hiền hậu dễ thương. Nhưng về đến nhà thì cách hành xứ lại khác hẳn: đối xử với vợ theo kiểu chồng chúa vợ tôi và thiếu đối thọai, con cái thì khắt khe và thiếu thông cảm.

Tóm lại, con đường phục vụ bằng lối sống chứng nhân về Đức Ki-tô, Đấng đang hiện diện để cùng với ta rửa chân cho nhau là lối sống có hiệu quả nhất. Nếu chúng ta không hành động đúng với những gì mình giảng dạy trong nhà thờ, nơi gia đình, tại những cuộc hội họp thì lời rao giảng của chúng ta sẽ không mang lại hiệu quả mà còn ảnh huởng đến niềm tin của kẻ khác.

Vậy việc phục vụ phải đi đôi với việc giảng dậy; và công việc phục vụ phải được đặt trên nền tảng của lòng mến. Bởi vì, yêu và phục vụ có thể ví như hai mặt của một đồng tiền. Yêu mà không có việc làm là tình yêu chết; phục vụ mà không xuất phát từ yêu thương thì hành động của chúng ta cũng chỉ là những tiếng ‘thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xỏang’. (1 Cor 13: 1tt)

Nói cách khác, cuộc sống của những kẻ có niềm tin vào Chúa Ki-tô phục sịnh là cuộc sống hiến mạng mình vì ích lợi của người khác. Quả vậy, để có thể tuyên xưng được điều này cũng là do ân huệ của Thiên Chúa, chứ không phải do tự công sức hay việc làm của mình để rồi hãnh diện. Thật vậy, chúng ta là tác phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa, được dựng nên trong Đức Kitô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình của Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.

Ước mong, chúng ta hãy để cho Thiên Chúa thành toàn mọi dự án của Người qua việc phục vụ và yêu thương nhau của chúng ta. Amen!

 

Wednesday, 25 October 2023

YÊU LÀ LẼ SỐNG!


Ngày xưa, qua tổ phụ Mai-sen, Chúa đã ban cho dân Do Thái các giới răn của Người. Từ những giới răn này, người Do Thái thường bàn bạc để tìm hiểu xem điều luật nào lớn và quan trọng nhất. Hôm nay, họ đến chất vấn Đức Giêsu về hai khoản luật Mến Chúa và yêu người, khoản nào quan trọng và cao cả nhất. Đức Giê-su đã nối kết hai điều luật lại với nhau như là một. Người dạy họ và chúng ta rằng: mến Chúa và yêu người là trọng tâm của cuộc sống và luôn gắn bó mật thiết với nhau.

Để minh họa điều này, chúng ta cùng nhau nghe một câu chuyện. Truyện kể như sau: Vào các thế kỷ đầu, ai muốn đi tu thì phải vào rừng vắng, sống hãm mình và chịu nhiều gian khổ để tôi luyện bản thân cho thành toàn. Truyện xẩy ra như thế này: vào một dịp tĩnh tâm hàng năm, cha Bề trên dẫn các thầy dòng của mình đi vào hoang địa để ăn chay, hãm mình, và mỗi người được chỉ định ở một lều riêng biệt cho dễ cầu nguyện. Đến giữa tuần, có một số thầy từ các tu viện khác đến thăm cha Bề trên. Để diễn tả tấm lòng hiếu khách, cha đã nấu cho các vị một chút gì ăn cho bớt đói; và, cũng vì lịch sự, Cha đã cùng dùng bữa với ho.

Trong khi đó, các thầy cùng dòng với cha bề trên, tuy có thể đang giữ chay, nhưng lòng lại không giữ. Vì thế, khi nhìn thấy khói bốc lên từ lều của cha Bề trên, các thầy có ý nghĩ là Bề trên của mình đã phá chay, nên ùn ùn kéo nhau đến để chất vấn! Thấy thái độ và sắc mặt của họ, cha Bề trên nhìn thấu tâm trạng của họ, bèn ôn tồn hỏi: “Anh em đến đây thăm tôi hay là bắt lỗi tôi, tại sao các thầy cứ nhìn tôi trừng trừng như thế?” Họ trả lời: “Thưa cha, cha đã phạm luật giữ chay mà chúng ta tình nguyện tuân giữ.” Cha từ tốn nhìn các thầy rồi đáp: “Đúng là tôi đã vi phạm luật giữ chay. Tôi không giữ lề luật của chúng ta đã đặt ra, nhưng khi chia sẻ thức ăn với các thầy bạn thuộc tu viện khác, tôi đã sống luật của Thiên Chúa. Các thầy không nghĩ là Đức Yêsu cũng đã làm như vậy sao? Hỡi các thầy, đừng vịn vào lề luật để bắt bẻ hay làm khó nhau. Các thầy còn nhớ đến lời Chúa dậy: có hai giới răn quan trọng, chứ không phải chỉ có một mà thôi đâu. Chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn và yêu nhau như chính mình. Chúng ta không vào đây để trốn thế gian và sống một mình với Chúa. Nhưng chúng ta đến đây tìm Chúa và yêu thương nhau trong Chúa.”

Giống như các thầy dòng nọ, chúng ta chỉ biết yêu mến Chúa qua việc chu toàn lề luật, siêng năng tham dự thánh lễ, ăn chay, kiêng thịt, đọc kinh cầu nguyện, hành hương để huởng ơn “toàn xá” và các công việc đạo đức khác mà quên mất đi việc yêu thương người. Chúng ta không thể nói yêu Chúa mà quên đi việc yêu thương, quan tâm, lo lắng và giúp đỡ cho nhau.

Chúa dạy chúng ta hãy yêu mến Chúa và tha nhân. Yêu Chúa như Chúa yêu đã là một việc khó làm, nhưng yêu người còn khó hơn bội phần. Vì, làm sao chúng ta có thể yêu người với đủ mọi khuyết điểm; và thường xuyên trái ý và không cùng phe với chúng ta. Nhưng chúng ta phải yêu vì đó là lịnh truyền của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay.

Đó là tôn chỉ và mục tiêu của Đạo Công Giáo. Thật vậy, đạo Công giáo không chỉ gồm tóm những điều khoản phải giữ; nhưng đó là đạo Yêu Thương, đó là con đường yêu thương. Con đuờng Chúa đã đi qua. Vì thế, cách sống đạo của chúng ta là yêu Chúa và yêu nhau. Thế nhưng, tình yêu không phải là việc để nói hay để bàn. Yêu để sống và sống để yêu.

Thưa anh chị em, yêu như thế nào?

Sau đây là kinh nghiệm của những người đã từng yêu, trong lúc họ đang là người tình của nhau. Các bạn tìm đến nhau. Ngày nào không gặp mặt thì lòng cảm thấy bâng khuâng, nhung nhớ. Bức xúc vì nhớ nhung. Bạn không thể ngồi đó mà chờ cơ hội. Nhưng, phải ra đi để tìm đến nhau, chiều chuộng và trao ban cho nhau những gì trân quý nhất. Họ đến với nhau, hiện diện bằng con người thật của nhau, không tính toán, không vụ lợi. Họ cho nhau và đón nhận tất cả. Các việc làm đó nói lên điều gì? Phải chăng, đó là hành động nói lên sự hiện diện với nhau và cho nhau nguồn cảm hứng của tình yêu.

Nói cho cùng, không thể bảo rằng mình đang yêu nếu đối tượng mình yêu không thật sự hiện hữu. Tuy nhiên, sự hiện diện của đối tượng mang nhiều mức độ khác nhau. Có nhiều người chúng ta gặp mà không dám hay không muốn nhìn vào mặt, như các chủ nợ hay những người mà chúng ta coi họ như kẻ thù; lại có một số người khác, khi gặp chúng ta chỉ chào hỏi qua loa cho xong bổn phận; lại có những người, khi gặp họ thì lòng chúng ta hân hoan, miệng hỏi đủ thứ chuyện, tay bắt, mặt mừng và không muốn rời xa nhau…

Như vậy, đâu là sự hiện diện đích thực của tha nhân mà chúng ta cần tìm kiếm? Và người là ai?

Đây không chỉ là những câu hỏi vô cùng khó khăn mà chúng ta cần trả lời, nhưng còn là một thách đố trong cuộc sống. Chúng ta cần có những hành động cụ thể để diễn tả tình yêu. Muốn làm được việc này, chúng ta phải trở về nguồn động lực căn bản thúc đẩy chúng ta yêu nhau. Chính Tình yêu của Thiên Chúa là nguồn động lực duy nhất thúc đẩy tôi ra đi. Không ‘yêu Chúa’ thì cho dù có yêu nhau đến mức độ nào thì thứ tình yêu đó cũng khó bền vững. Chỉ ở trong Chúa và với Chúa thì tình yêu của chúng ta mới đi đến chỗ thành toàn và viên mãn.

Vì thế, thay vì đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đâu là giới răn quan trọng nhất thì chúng ta hãy chìm đắm trong Tình Yêu của Chúa, rồi tự khắc chính Tình Yêu đó sẽ thúc đẩy chúng ta buớc ra khỏi tháp ngà và các tiện nghi của cuộc sống để ra đi mà chia sẻ cho tha nhân, đặc biệt cho những ai không đuợc bảo vệ, như đã đuợc đề cập trong bài đọc một, họ là ‘các người di dân, góa bụa và trẻ mồ côi’.

Tại sao họ lại đuợc Chúa nhắc nhở một cách đặc biệt như thế? Bởi vì, trong một bối cảnh mà các mối liên hệ gia đình, dòng tộc và giống nòi đuợc coi là nền tảng để bảo vệ con người, mà những người trong các nhóm này lại mất đi yếu tố an toàn bảo vệ họ; như vậy nguy cơ bị đối xử tàn bạo và bóc lột dễ xẩy ra. Vì thế, Chúa mới yêu cầu chúng ta quan tâm đến họ nhiều hơn. Tuy vậy, họ vẫn chỉ là những hình ảnh tiêu biểu đuợc nhắc nhở trong bối cảnh của thời đó. Thật ra, Thiên Chúa và con người không còn ở xa tầm tay của chúng ta. Người đã nhập thể mang thân phận con người. Người là anh, là chị, là tôi; những người thân quen trong gia đình, xóm giáo, các nhóm cầu nguyện và đặc biệt hơn nữa, Người còn hiện diện nơi những người bị bỏ rơi ở ngoài đường hay gầm cầu và phố chợ.

Yêu mến “hết” lòng và “hết” trí khôn là cho đi tất cả, dâng hiến mọi sự. Trong ngôn ngữ của người Do Thái, các chữ “lòng”, “linh hồn” và “trí khôn” có nghĩa toàn bộ con người. Do đó, giới răn hôm nay có nghĩa là: “Hãy yêu mến Thiên Chúa và thương yêu nhau bằng tất cả con người mình, cho đi tất cả con người mình, dâng hiến toàn bộ con người mình.” Nghĩa là, trong Tình yêu thì không còn sự chia cách, không còn phân biệt giữa người này với người khác. Tất cả đều được hoà hợp trong Tình Yêu, nơi đó không còn biên giới, không còn hận thù, không còn tỵ hiềm hay chia rẽ; mà chỉ có hiệp thông, tha thứ và bình an.

Cầu xin cho nhau đạt đuợc uớc nguyện đó. Amen

Wednesday, 18 October 2023

THUỘC VỀ THIÊN CHÚA.


Anh chị em thân mến,

Có một thực tế làm cho các vị lãnh đạo quan tâm, đó là việc tham gia vào công tác kiến tạo và đổi mới ‘môi trường’ theo tinh thần của Phúc Âm vẫn còn xa lạ với lối sống đạo của nhiều tín hữu. Họ vẫn thờ ơ và tỏ ra thiếu quan tâm với những gì đang xẩy ra trong xã hội. Một số người có khuynh hướng tách rời tôn giáo ra khỏi cuộc sống của người công dân. Nói cách khác, cuộc sống của chúng ta có thể chia thành nhiều mảng. Việc thờ phượng và yêu mến Chúa dừng lại trong các nghi lễ và bị cầm tù tại các khuôn viên nhà thờ. Khi tham dự nghi lễ xong, vừa bước chân ra khỏi nhà thờ thì chúng ta đã trở về với cuộc sống khác, một con người thuộc về trần thế. Với lối sống như thế, chúng ta dần dần sẽ thiếu nhậy cảm với những điều tạo ra các bất công, không nhìn thấy các nguyên nhân tạo ra cuộc sống giai cấp và thiếu công bình trong đời sống.

Công cuộc xây dựng và mở mang Nuớc Chúa là bổn phận và trách nhiệm của mọi tín hữu. Vì thế, chúng ta phải nỗ lực dùng cả cuộc sống để chu toàn nhiệm vụ của Chúa trao ban. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại thường chia đời sống thành nhiều mảnh: như theo đạo rồi quên đời, theo Chúa rồi bỏ thế gian. Hẳn anh chị em vẫn còn nhớ rằng vì yêu thuơng thế gian mà Thiên Chúa đã sai người Con duy nhất của Người đến thế gian đó sao! Và nhờ vậy, mà thế gian đã được cứu độ. Vì thế, cả hai mặt ‘đạo và đời’ cần đuợc gắn bó với nhau. Đó là điểm mà chúng ta cần lưu tâm trong lúc suy niệm bài Tin Mừng hôm nay. Để làm được việc này, chúng ta hãy tìm hiểu cách hành xử rất mực khôn Ngoan của Chúa khi trả lời vấn nạn mà các thủ lãnh đặt ra để gài bẫy Chúa.

Trong các tuần vừa qua, Đức Giê-su đã đối diện với sự đối kháng của những nhà lãnh đạo tôn giáo thời của Người. Hôm nay, trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su gặp phải tình huống căng thẳng hơn. Đối thủ của Người bao gồm đời và đạo. Họ là những người thuộc nhóm Hê-rô-đê, là những người có địa vị trong guồng máy của đế quốc La-Mã và nhóm Pha-ri-siêu, họ nghiêm chỉnh trong việc tuân giữ luật lệ Do Thái. Tuy hai nhóm người này là đối thủ của nhau, nhưng hôm nay họ liên kết với nhau để cố gắng làm mất uy tín của Đức Giê-su hầu tiêu diệt Người.

Trước khi đặt câu hỏi, họ tán dương và ca tụng Đức Giê-su là Người tôn trọng sự thật, là Đấng chỉ bảo đường lành, là Thầy dậy đường công chính. Những lời ca tụng của họ không phát sinh từ ý ngay lành cho bằng bộc lộ ác ý để gài bẫy Người. Họ dương dương tự đắc và nghĩ rằng Đức Giê-su sẽ bị bí với câu hỏi mà họ nghĩ rằng rất phức tạp, đó là “có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”

Nếu câu trả lời của Đức Giê-su là “không” thì nhóm người thuộc nhóm Hê-rô-đê sẽ bắt Chúa vì tội xúi giục dân chúng làm loạn qua việc không nộp thuế cho đế quốc La-Mã. Còn nếu Đức Giê-su trả lời "có" thì những người phe Pha-ri-siêu sẽ thừa dịp này mà tố cáo Chúa là người thân với chính quyền bảo hộ, hà hiếp và bóc lột dân chúng. Người không xứng đáng là người lãnh đạo tôn giáo (vì không làm theo ý của họ!)

Theo như cách suy nghĩ và lối suy luận của họ thì Đức Giê-su chắc chắn bị rơi vào bẫy. Người sẽ không còn đường thoát. Đức Giê-su không còn con đường nào khác ngoại trừ có hay không. Một là phải nộp thuế hai là không nộp thuế. Đường nào cũng dẫn Đức Giê-su vào ngõ cụt. Nhưng câu trả lời của Đức Giêsu làm cho cả hai nhóm không bắt bẻ được Người, đồng thời Đức Giêsu còn nhắc cho họ biết sự thật đã được mạc khải từ khi tạo dựng đó là con người thuộc về Thiên Chúa thì hãy trả lại cho Người những gì mà Thiên Chúa đã dựng nên. Còn những gì mà họ đang nhìn thấy trước mắt thì hãy trả cho Xê-da.

Thật vậy,

Có vật gì hay một thứ gì hiện diện trong trời đất này mà không thuộc về Thiên Chúa hay Thượng Đế hay chăng? Thiên Chúa đã tạo dựng nên mọi sự từ hư không, và đỉnh cao của chương trình tạo dựng của Thiên Chúa là con người, con người là “hình ảnh Người.” Sự sống đang luân chuyển trong ta đã được diễn tả qua việc thổi hơi, ban sự sống, trao sinh khí cho con người. Vì thế không có gì chúng ta có được mà không phát sinh và ban tặng từ Người.

Vậy, nếu không trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Người, không hướng về Thiên Chúa những gì trong vũ trụ hay tất cả những gì ta đang hưởng dùng thì đó là thái độ bất trung. Một khi, chúng ta chiếm mất vị trí của Thiên Chúa, tự mình làm chủ, lấy mình làm tiêu chuẩn cho mọi phán đoán, bộc lộ tính kiêu ngạo và hất Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống mình và tha nhân thì chúng ta sẽ chuốc lấy tranh chấp, hận thù, bạo lực và hủy diệt mà thôi

Vì thế, bao lâu con người không nhìn nhận Thiên Chúa là Cha yêu thương, là Chủ tể của mình, không qui hướng tất cả những gì con người có được về Người, không để cho Thiên Chúa chiếm chỗ nhất trong cuộc sống của mình, không cảm nhận lòng thương xót và tính quảng đại của Thiên Chúa đang hoạt động trong ta thì bấy lâu con người không thể xây dựng một xã hội nhân bản, không thể nào xây dựng một xã hội hiệp nhất và an bình, trong đó mọi người yêu thương, kính trọng và mến mộ nhau như anh chị em trong gia đình có Thiên Chúa là Cha, đó là ý của câu trả lời của Đức Giê-su: trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.

Hơn thế nữa, khi nói điều này, Đức Giê-su không có ý đưa ra nguyện tắc chia quyền ‘Chúa một nửa, vua một nửa’, hay là phần thiêng liêng thì thuộc về Chúa, còn phần đời thuộc về vua. Người cũng không tranh dành uy quyền với các vị vua trần gian; bởi vì uy quyền tối thuợng và vững bền qua muôn thế hệ thuộc về Thiên Chúa; còn các vị vua, ông chúa, bà hoàng hay các vị thủ lĩnh trên thế gian đều là những người thừa hành; họ nối tiếp nhau cai trị thiên hạ; nhưng có ông vua hay bà chúa nào trường tồn quá một trăm năm đâu! Chỉ có uy quyền của Thiên Chúa mới tồn tại qua muôn thế hệ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bán cái và trả lại trách nhiệm trông coi và xây dựng vũ trụ này cho Thiên Chúa. Trách nhiệm đó đã được trao ban cho chúng ta. Chúng ta cần thi hành bổn phận cao quý và đầy thử thách này. Muốn được như thế, hãy noi gương Chúa.

Trong khi thi hành sứ vụ mà chúng ta gọi là truyền giáo, giới thiệu và mở mang Nước Chúa, Đức Giêsu đã tỏ bầy cho chúng ta nhận biết về một Thiên Chúa không chỉ ở trên cao, nhưng Người đang đồng hành với cảnh ngộ và cuộc sống của từng người. Người nhập thể và chia sẻ mọi tình huống của con người: ai đau ốm Người chữa cho lành; ai gặp hoạn nạn, Người thuơng cứu giúp; ai đói khát, Người nuôi ăn; ai tội lỗi, Người ban ơn tha thứ; thậm chí Người hồi sinh cả kẻ đã chết… Người chu toàn mọi sự trong mọi người. Nhưng, có một điều thật rõ ràng là Đức Giêsu không làm thay chúng ta. Người trao và mời gọi chúng ta tiếp tay. Người không thể cứu giúp và làm cho mọi bịnh nhân thuộc mọi thời đại khác nhau được chữa khỏi; Người cũng chẳng làm cho mọi người đói, thuộc về các thời đại khác nhau được no nê. Đó là phần vụ của con người ở các thời đại khác nhau.

Do đó, khi chúng ta tiếp cận người nghèo, đến với những người bị bỏ rơi, tiếp đón những người bị khước từ là lúc chúng ta đang cố gắng hết sức để cho Thiên Chúa họat động trong toàn bộ, cũng như trong mọi lãnh vực của cuộc sống chúng ta.

Vì thế, sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay, không chỉ được thu gọn trong việc đóng thuế xây dựng quốc gia nơi chúng ta đang sống hay là việc mở mang Nuớc Chúa. Nhưng, qua cuộc sống, chúng ta thực hiện để cho Thiên Chúa trở nên mọi sự trong chúng ta. Và, chúng ta, cũng như mọi sự của chúng ta, đều thuộc về Người. Hơn thế nữa, chúng ta hãy sống mà trả lại cho Người, không chỉ quan tiền của Xê-da, mà còn là mọi sự của chúng ta nữa. Amen!

 

 

Wednesday, 11 October 2023

NIỀM VUI CỦA HIỆN DIỆN


Thưa anh chị em,

Trong các sách Tin Mừng, Đức Giê-su có lối kể truyện thật đặc biệt. Các câu chuyện Người kể làm chúng ta phải suy nghĩ, chấp nhận thách đố và thay đổi. Như trong câu chuyện ‘hai người con’. Sau khi nghe xong, chúng ta khám phá ý định của Chúa là muốn chúng ta thưa xin vâng và sống điều xin vâng đó trong suốt cuộc đời. Với dụ ngôn ‘những người làm công sát nhân’, Đức Giê-su nhắc nhở cho chúng ta nhớ lại bổn phận của mình, luôn là những người làm công trong vườn nho, còn Thiên Chúa mới là chủ nhân, chúng ta không được phép tiếm quyền. Hôm nay, trong dụ ngôn tiệc cưới, Đức Giê-su mời gọi chúng ta thay đổi lối sống.

Vì thế, chúng ta đừng tìm hiểu và đọc các câu chuyện trong các dụ ngôn theo nghĩa đen mà phải tìm ra chân lý mà dụ ngôn ẩn chứa để thay đổi cách sống sao cho phù hợp với sự mới mẻ mà Đức Giê-su muốn dậy bảo.

Trước tiên chúng ta hãy tưởng tượng.

Anh hay chị đã bao giờ nhận được lời mời đến tham dự một bữa tiệc mà bạn thực sự không muốn tham dự? Bạn đã làm gì về điều đó? Tôi cá là bạn đã không ngược đãi, lạm dụng và giết người báo tin hay nhân viên đưa thư. Thế mà, đó là những gì đã xảy ra trong câu chuyện hôm nay.

Anh hay chị đã bao giờ hết lòng hết dạ khoản đãi những khách mời, cuối cùng họ lại không đến chưa? Các việc chuẩn bị như dọp dẹp nhà cửa, nấu ăn, trang trí phòng ăn thật ấm cúng. Mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng, gia nhân đã được chỉ bảo trong việc tiếp đón khách. Nhưng đến giờ khai tiệc vẫn còn một số khách không đến tham dự. Trong hoàn cảnh đó anh hay chị sẽ làm gì? Tức giận rồi cho gia nhân đi đốt nhà họ hay sao? Có lẽ bạn sẽ không làm điều đó. Thế mà, đó là những gì đã xẩy ra trong câu chuyện hôm nay.

Câu chuyện mà Đức Giê-su kể hôm nay tạo một cú sốc cho người nghe. Tuy nhiên chúng ta không nên hình dung và đi đến một kết luận cho rằng Thiên Chúa là một vị vua giận dữ, đã đối xử với những người không theo ý Ngài bằng cách sai quân binh đến hủy diệt dân tộc mình và đốt cháy thành phố của họ như đã được trình bầy trong dụ ngôn. Tất cả không phải sự thật mà Tin Mừng loan báo.

Dụ ngôn ‘tiệc cuới’ hôm nay ám chỉ đến bữa tiệc ‘cánh chung’, bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa, trong đó chúng ta thấy dung mạo của một vị Thiên Chúa rất nhân từ, kiên tâm trong công việc. Bữa Tiệc do Ngài làm chủ. Ngài tự ý mở tiệc và cho gia nhân đi mời mọi người. Cho dù, khi gặp phản ứng khước từ của nhóm khách đầu tiên, nhà vua đã có nhận định là họ không xứng đáng. Lối nói này dẫn chúng ta thấy hành động sau đó của nhà vua cho gia nhân đi mời mọi người. Qua đó, chúng ta mới thấy tư cách được mời không phải vì họ xứng đáng, nhưng đây chính là tâm huyết và niềm vui của Ngài. Điều đặc biệt ở đây là Thiên Chúa không giữ ‘niềm vui’ cho riêng mình, nhưng Ngài đã tự ý chia sẻ niềm vui đó qua việc sai các sứ giả, hết nhóm này đến nhóm khác, mời tất cả mọi người, ở tất cả mọi nơi - từ các nẻo đuờng và trong các hang cùng ngõ hẻm - đến tham dự tiệc cuới.

Nhưng giữa hai nhóm được mời tham dự tiệc cưới có điểm khác biệt.

Sự khác biệt không phải là những người thuộc nhóm thứ nhất xứng đáng hơn những người thuộc nhóm sau. Những vị khách được mời đầu tiên là những người nhận được lời mời và sự ưu ái của nhà vua. Nhưng những vị khách được mời thứ hai cũng vậy. Và người đàn ông xuất hiện không mặc áo cưới cũng vậy. Họ đều được mời. Họ đều được ưu ái. Không ai trong số họ đã làm bất cứ điều gì để có thể cho rằng mình xứng đáng được mời. Chúng ta cũng thế.

Sự khác biệt không phải là nhà vua thích nhóm này hơn nhóm khác. Động lực duy nhất của nhà vua là muốn chia sẻ niềm vui, san sẻ trong bữa tiệc do Ngài khoản đãi. Điều này nói lên lòng đại lượng và tâm tình san sẻ của Thiên Chúa cho nhân loại. Thiên Chúa muốn mọi người tham gia vào niềm vui và những sinh hoạt trong gia đình của Ngài. Những người được mời đều có cơ hội như nhau. Chúng ta cũng thế. Cơ hội luôn chờ đợi sự cộng tác và đón nhận của chúng ta.

Sự khác biệt không phải là một số khách tốt và những người khác xấu. Không có sự phân biệt hoặc đánh giá nào được thực hiện dựa trên hành vi, niềm tin, thái độ sống hay lối hành xử đạo đức. Ngược lại, với lần mời thứ hai, nhà vua cử người hầu của mình ra các đường phố chính với chỉ thị “gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” Và gia nhân đã làm như chỉ thị: đi ra các nẻo đường, gặp ai, không phân biệt tốt xấu, sang hèn, giầu nghèo, có địa vị hay không, mời hết khiến cho phòng tiệc cưới đã đầy khách dự tiệc. Chúng ta cũng thế, không phân biệt tốt xấu, ai ai cũng được mời.

Có sự khác biệt giữa hai nhóm. Đó là cách thức hiện diện. Những vị khách được mời lần thứ hai đã hiện diện. Họ vào chật kín phòng tiệc. Trái lại, những người được mời đầu tiên lại không có mặt. Họ có lý do chính đáng, như đến các trang trại, tham quan các cơ sở kinh doanh hay đi buôn. Điều mà họ thiếu sót là sự sống đích thực chỉ có thể tìm thấy được trong Nước Thiên Chúa, trong các bữa tiệc do Thiên Chúa khoản đãi mà thôi. Chúng ta được mời và chấp nhận lời mời bằng sự có mặt mật thiết bên nhau trong Nước của Ngài. Từ đó, chúng ta nhận ra mình thật xứng đáng. Xứng đáng không phải vì mình nhưng vì Chúa nhận ra mình thật xứng đáng được yêu thương, xứng đáng được đồng bàn. Đó là lúc Chúa thay đổi chúng ta.

Còn về người khách không mặc y phục lễ cưới trong nhóm thứ hai, chúng ta sẽ nói thế nào đây? Người ta có thể xếp anh vào loại người có niềm tin mà không có việc làm như được mô tả ở đoạn 2 trong thư của Thánh Gia-cô bê, Ngài nói “Đức tin mà không có việc làm là đức tin chết”, giống như đi vào phòng tham dự tiệc cưới mà không có y phục lễ cưới thì đáng bị ném ra ngoài.

Nhưng hôm nay, tôi nhận ra một điều khác ở người khách này. Khi bị hỏi: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà không có ý phục lễ cưới?” thì anh ta ngậm tăm, miệng câm và không nói được gì. Có một cái gì thiếu nơi anh. Anh không nói được điều nào hết! Anh tuy có mặt nhưng thật ra đã không hiện diện. Thân xác anh bất động ở đó, nhưng tâm hồn và các sự khác của anh đã thoát khỏi phòng tiệc. Anh có mặt như không có mặt. Cứ như thể anh không thực sự hiện diện nơi đó.

Sự thật này đã xẩy ra trong kinh nghiệm sống của chúng ta. Đã bao lần thân xác ta ở đó, nhưng lòng của mình đã bay tận chốn nào rồi! Tình trạng ‘đồng sàng dị mộng’ hay ‘lãnh cảm’ là thế đó. Sự thật này cũng đã xẩy ra trong cuộc sống của chúng ta với Chúa. Đã bao nhiêu lần, thân xác chúng ta trong nhà thờ mà lòng trí lại ở tận nơi đâu. Giống như thế, trong các mối tương quan, đã bao nhiêu lần chúng ta có mặt như không có mặt. Sống chung một nhà mà không muốn nhìn mặt nhau thì coi như người đó đâu còn hiện diện nữa.

Sau cùng, chúng ta hãy nhớ rằng: tiêu chuẩn mà chúng ta được mời tham dự tiệc cưới hoàn toàn không dưạ trên lòng đạo đức, thánh thiện hay là phẩm chất tốt lành của chúng ta. Lời mời được phát sinh bởi Thiên Chúa, từ lòng quảng đại của Người, Đấng tha thiết mời gọi chúng ta trước là hiện diện rồi mới chia sẻ niềm vui với Người. Nhưng lòng quảng đại, nhân từ và kiên tâm chờ đợi của Thiên Chúa không bao giờ là một cái cớ khiến chúng ta tự mãn và coi thuờng rồi không hợp tác với Ngài. Chính việc chọn lựa không hợp tác của chúng ta giống như người không có y phục lễ cưới đã được mô tả trong dụ ngôn. Đó có thể là nguyên nhân khiến chúng ta tuy có mặt nhưng không hiện diện. Tự mình loại mình ra khỏi bữa tiệc của niềm vui.

Vậy, mỗi khi gặp nhau trong các lần gặp mặt, các bữa ăn, nhất là qua các bữa tiệc lòng mến hay còn gọi là Thánh Lễ, chúng ta sẽ mang đến bữa tiệc một sự hiện diện đích thật, không giả dối; đong đầy yêu thương và tha thứ cho nhau; chấp nhận con người với những yếu đuối của nhau; luôn mở ra để đón tiếp và chấp nhận nhau; tay bắt, mặt mừng và với niềm hân hoan để cùng có mặt, cùng nhau chia sẻ niềm vui mọi ngày cho đến tận thế. Amen!